Di tích lịch sử

Di tích lịch sử

1. Quần thể di tích lịch sử văn hoá chuông chùa Đà Quận, Chùa Viên Minh, Đền Quán Triều

     Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đà quận thuộc xóm Đà quận – xã Hưng Đạo (Thành phố), gồm 3 di tích đó là Chuông chùa Đà quận, chùa Viên Minh và Đền quan triều Dương Tự Minh. Chùa Viên Minh nay gọi chùa Đà quận là một trong ba ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Cao Bằng, chùa được xây dựng thừ thời nhà Lý được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008; Chuông chùa Đà quận được đúc sau vào thời Hậu Lê, hai quả chuông được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1995; Đền thờ Dương Tự Minh là nơi thờ cúng quan triều Dương Tự Minh, ông là một danh tướng có tài, người dân tộc Tày quê ở Bản Danh – xã Quan triều – phủ Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên), ông đã có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc của nước Đại việt giữa thế kỷ XII. Trải qua các thời kỳ chiến tranh, đền thờ đã bị tàn phá hoàn toàn và được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008, đến năm 2011 UBND tỉnh cho phép tạm xây dựng lại Đền để làm nơi thờ tự quan triều Dương Tự Minh. Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2496/QĐ-TTg công nhận Bảo vật quốc gia (đợt 5) năm 2016, Công nhận đôi chuông chùa Đà Quận là Bảo vật quốc gia.

     Hàng năm cứ vào ngày mùng 8 – 9 tháng giêng âm lịch, phần lễ được tổ chức vào đêm mùng 8 theo nghi thức truyền thống của địa phương. Sau hồi trống, dâng hương, đón lễ vào chùa, các cụ cao niên tiến hành nghi lễ dâng rượu, đọc sớ lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mong một năm mới toàn thể nhân dân gặp nhiều may mắn.

     2. Di tích lịch sử văn hóa Chùa Đống Lân:


     Chùa Đống Lân là một di tích lịch sử văn hóa được kiến tạo từ lâu đời, gắn liền với nhiều sự tích, nhân vật nổi tiếng như Đống Lân đại vương trung đẳng Trần Quý, Cai Cộng đại vương hạ đẳng thần Trần Kiên, là nơi tụng kinh niệm phật của hoàng hậu và công chúa nhà Mạc thế kỷ 17, với những giá trị lịch sử, văn hóa và giá trị tâm linh tiêu biểu Chùa Đống lân được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1997, là di tích nổi tiếng thu hút đông đảo quần chúng nhân dân, du khách gần xa đến lễ phật và tham quan. 

     Đêm khai hội sẽ diễn ra vào ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch theo nghi thức truyền thống của địa phương trở thành hoạt động văn hóa lâu đời gắn liền với các giá trị chân – thiện – mỹ, là niềm khát vọng của người dân địa phương hướng tới nơi linh thiêng tĩnh tâm cầu thần, lễ phật, tạ ơn trời đất, khai tâm khởi lòng thiện, hướng con người tới những điều tốt đẹp nhất. Góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tín ngưỡng của dân tộc, truyền thống lịch sử địa phương.

     3. Di tích lịch sử văn hoá Đền Kỳ Sầm


     Đền Kỳ Sầm xây dựng từ thời nhà Lý; được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1993. Đền Kỳ Sầm là nơi thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao (1025 – 1055), ông là người dân tộc Tày, là nhân vật lịch sử có công trong sự nghiệp bảo vệ đất nước thời vua Lý Thái Tông. Ông là người có tài thao lược, đánh tan giặc Tống xâm lược nước ta, được vua phong Thái Bảo và cho trấn giữ châu Quảng Nguyên. Sau khi ông mất, Vua Lý phong là Khâu Sầm Đại Vương.

      Cứ vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nhân dân khắp nơi lại đi trảy Hội đền Kỳ Sầm và diễn ra phần hội với nhiều trò chơi dân gian, thể thao hấp dẫn như: cờ tướng, bịt mắt đập bóng, tung còn, đá bóng…

     4.  Di tích lịch sử văn hoá Đền Bà Hoàng:


     Đền Bà Hoàng tại tổ 16, phường Sông Bằng, là nơi thờ cúng Thượng đẳng thần Bà Hoàng Đại vương tức mẹ của Khau Sầm Đại Vương Nùng Trí Cao, bà Hoàng tên thật là Tôn Minh Đức, được nhân dân tôn sùng gọi là A Nùng. Bà là người dân tộc Tày ở châu Khau Sầm (xã Vĩnh Quang, huyện Hòa An, nay là xã Vĩnh Quang, Thành phố). Chồng bà là Nùng Tồn Phúc, thủ lĩnh của Châu Quảng Nguyên. Bà Hoàng là người truyền lại cho đồng bào dệt ra những tấm vải chàm truyền thống, bà nổi tiếng là quả phụ có tài giúp con đánh giặc Tống. Vì thông thạo chữ nghĩa, bà còn biết nhiều loại thuốc chữa bệnh cho gia súc giúp đồng bào bảo vệ gia súc trong các đợt dịch bệnh, được nhân dân tôn thờ là “Thần gia súc”. Thời nhà Lý, bà được phong  là “Thượng đẳng thần, xuân thu nhị kỳ quốc lễ”, các triều đại sau gia phong mỹ tự.

     Năm 2008, đền Bà Hoàng được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Lễ hội được tổ chức vào ngày 14 – 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

     5. Di tích lịch sử văn hoá Chùa Phố Cũ:


     Di tích LSVH chùa phố cũ hay còn gọi là Quan đế miếu là di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho nền kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, được xây dựng vào năm Vĩnh trị thứ 3 – tức năm 1679. Chùa là nơi thờ tự quan Vân Trường. Đến thời nhà Nguyễn (1802 – 1945) nơi đây được sửa sang lại hoàn toàn. Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, chùa Phố Cũ còn là di tích lịch sử cách mạng, nơi đây Mặt trận Việt Minh tỉnh Cao Bằng do đồng chí Văn Tư (tức Hoàng Đình Giong) lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay quân Nhật. Cũng tại ngôi chùa này, vào ngày 22/8/1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh và Thị xã tổ chức mít tinh, chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh và thị xã Cao Bằng ra mắt trước đông đảo nhân dân. Chùa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hoá ngày 31/12/2002.

     Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch hằng năm.

     6. Di tích lịch sử cách mạng Miếu Khau Roỏc:


     Xóm Khau Roỏc, phường Đề Thám được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Do vị trí cách đường quốc lộ không xa, nhưng lại tương đối biệt lập, có khe dốc, đồi cao, kinh tế trù phú, việc phòng thủ, tiến thoái theo các hướng đều rất thuận lợi nên Khau Roỏc luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc của tỉnh Cao Bằng.

     Trong thời kỳ Mặt trận Việt Minh (1942 – 1943), Khau Roỏc là cơ sở hoạt động cách mạng tin cậy, quen thuộc của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tổng bộ Việt Minh Cao Bằng. Những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thị xã (ngày 20 – 21/8/1945), xóm Khau Roỏc là nơi điều hành của Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh và Sở chỉ huy của Chi đội Quân giải phóng của đồng chí Hoàng Đình Giong – Trưởng Ban khởi nghĩa tỉnh, mới chuyển từ Bản Ngần sang. Tại đây, đồng chí Hoàng Đình Giong thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh gửi thư thông báo cho quân Tưởng (Trung Quốc) chỉ được phép dừng lại ở chân núi Kỳ Sầm, không được tiến quân vào Thị xã; quân Nhật đồng ý giao lại súng cho quân giải phóng. Cũng từ Khau Roỏc, Uỷ ban Khởi nghĩa tỉnh đã điều động xe ô tô vào Thị xã vận chuyển súng ra làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay là phường Đề Thám). Những ngày này, Ban Nông hội cứu quốc xã đã vận động nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ cho Đại đội quân giải phóng rút từ Thị xã về.

     Từ năm 1950 – 1955, xóm Khau Roỏc là địa điểm chứa kho lương thực của Cục Quân lương Tổng cục Cung cấp và là nơi đóng quân lâu dài của các đơn vị lực lượng vũ trang, sau này xóm là kho của Chi sở Lương thực trong thời gian dài, phục vụ công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng.

     Tháng 3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc tại xóm Khau Roỏc. Sự kiện ấy được lịch sử ghi chép lại: “Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (tháng 2/1951), Bác Hồ lên đường đi phổ biến thành công của Đại hội, đi thị sát việc mở đường, sửa đường, đi thăm bộ đội, dân công, thanh niên xung phong. Cùng ngày 28/03/1951, Bác lên đến Cao Bằng, khoảng 3 giờ chiều, Bác đến miếu Khau Roỏc. Tại đây, các đồng chí Dương Công Hoạt, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hồng Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh cùng hơn 100 cán bộ tỉnh, huyện, xã Đề Thám đã tề tựu đông đủ để nghe Bác phổ biến Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Nói chuyện và làm việc tại xóm Khau Roỏc, Bác ở nhà ông Nguyễn Văn Phổi (thường gọi là bác Tàng), lúc đó xóm chỉ có chín hộ dân”.

     Miếu Khau Roỏc được công nhận là Di tích lịch sử theo Quyết định số 520/QD-VX-UB ngày 19/4/2001 của UBND tỉnh.

     7. Di tích lịch sử văn hóa Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong: 


     Khu di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong tại làng Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng. Đây là địa điểm gắn liền với thời niên thiếu của đồng chí Hoàng Đình Giong – người chiến sĩ cộng sản trung kiên, người con ưu tú của quê hương Cao Bằng. Năm 1994, khu di tích – tượng đài được khởi công xây dựng,  năm 1998, được nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2009, ngôi nhà của gia đình đồng chí Hoàng Đình Giong đã được phục dựng lại ngay chính địa điểm nền nhà cũ.

     Khu di tích lưu niệm Hoàng Đình Giong tại làng Nà Toàn với cảnh quan tôn nghiêm, sạch đẹp. Đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động chính trị của địa phương: lễ báo công, kết nạp đoàn, đội…Là nơi để tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của đồng chí Hoàng Đình Giong và góp phần tuyên truyền giáo dục về lịch sử, truyền thống của địa phương, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, đất nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ Cao Bằng.

     8. Di tích lịch sử Pháo Đài quân sự tỉnh: 


Một lô cốt của pháo đài 

      Pháo đài quân sự Thị xã Cao Bằng (nay là Thành phố Cao Bằng) do thực dân Pháp xây dựng trên quả đồi phía Nam; nay thuộc tổ 1, phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng. Từ sau ngày giải phóng đến nay, pháo đài là cơ quan làm việc của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng.

     Pháo đài quân sự Cao Bằng được nhiều nhà quân sự phương Tây đánh giá là một trong những pháo đài đẹp và kiên cố nhất Đông Dương, do một kỹ sư người Đức thiết kế (khởi công từ năm 1940, hoàn thành vào năm 1943). Pháo đài có diện tích khoảng 10 ha, xung quanh pháo đài được xây bằng đá với chiều dài 1.350m, cao từ 10 đến 15m, dày 1,2m. Hệ thống công trình gồm: Đường hầm ngầm, các cụm lô cốt, đài quan sát…, đường hầm được thiết kế dọc, ngang kết nối các cụm lô cốt và đài quan sát, có chỗ sâu đến 10m; các cụm lô cốt và đài quan sát được đúc bằng bê-tông cột thép có độ dày từ 1-1,5m. Khi rút chạy khỏi Cao Bằng, thực dân Pháp đã dùng một lượng thuốc nổ lớn để phá hủy một số nhà kho, vũ khí; đến ngày 16/10/1950, bọn chúng lại cho máy bay ném bom làm hư hỏng một số công trình…Hiện nay, phần lớn công trình pháo đài đã hỏng do chiến tranh và thời gian, chỉ còn lại dấu tích về một số cụm lô cốt ở phía Tây và chiếc cổng ghi chiến tích của Pháp năm 1943.

     Lịch sử Di tích, trong sự kiện Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945: Tháng 3/1945 quân Nhật thay thế quân Pháp chiếm đóng pháo đài, đầu tháng 8/1945 một đại đội quân giải phóng do đồng chí Sà Long chỉ huy tiến vào thị xã, chiếm pháo đài từ tay quân đội Nhật theo lệnh của đồng chí Văn Tư, Chủ tịch uỷ ban khởi nghĩa, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang, đồng chí Sà Long đưa cho viên sĩ quan Nhật bức thư có ký tên Văn Tư, viên sĩ quan chấp nhận một số điều ước trong thư và thoả thuận nơi đóng quân của 2 bên trong phạm vi pháo đài, chúng giao nộp kho súng đạn của Pháp cho ta, còn vũ khí của Nhật thì chúng vẫn giữ. Đêm 21/8/1945 chúng đã bí mật rút khỏi pháo đài, tìm ra đường số 3 hướng về Bắc Kạn. Ngày 22/8/1945, lực lượng khởi nghĩa làm chủ pháo đài, giành chính quyền không gây đổ máu; cuộc mít tinh ra mắt Ủy ban lâm thời Thị xã được tổ chức tại chùa Phố Cũ (đường lên pháo đài)…; trong chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950: Ngày 16/9/1950, trận đánh Đông Khê mở màn chiến dịch, trên đài quan sát tại núi Báo Đông, xã Đức Long, Hồ Chủ Tịch chăm chú theo dõi, đến ngày 18/9/1950, Đông Khê được giải phóng. Chiến thắng Đông Khê cổ vũ khí thế lập công trên khắp mặt trận, tạo ưu thế cho sự thắng lợi toàn chiến dịch…Ngày 03/10/1950, quân Pháp rút khỏi Thị xã Cao Bằng theo đường số 4, cùng ngày tiểu đoàn bộ đội địa phương của Tỉnh ta đã vào tiếp quản Thị xã và quản lý pháo đài. Sau khi địch rút, Thị xã Cao Bằng vẫn được giới nghiêm, chỉ có bộ đội, công an, dân công phối hợp làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác bảo vệ kho tàng và thu dọn chiến lợi phẩm. Trong thời gian đó, Hồ Chủ Tịch và các đồng chí thuộc Bộ Chỉ huy chiến dịch cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh đã vào ngay Thị xã, đến khu vực pháo đài để trực tiếp quan sát, chỉ đạo mọi mặt công tác. Nhiệm vụ lúc này là giữ gìn trật tự an ninh, thu dọn và vận chuyển chiến lợi phẩm ra vùng hậu cứ; có kế hoạch tổ chức Lễ chiến thắng để khen thưởng, khích lễ quân dân tham gia chiến dịch, xem xét từng bước đưa dân về sản xuất, ổn định đời sống, đồng thời nâng cao cảnh giác đề phòng địch dùng máy bay oanh tạc…Chiến dịch Biên giới kết thúc, Cao Bằng được hoàn toàn giải phóng. Ngày 03/10/1950 là ngày toàn thắng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng nói chung và Thị xã nói riêng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mãi mãi đi vào trang sử đấu tranh cách mạng chung của toàn dân tộc…

     Ngày 19/4/2001, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định số  522/QĐ-VX- UB công nhận pháo đài quân sự là Di tích lịch sử – Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và quan sát Thị xã Cao Bằng sau ngày giáo phóng Cao Bằng, tháng 10 năm 1950.