Di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh là gì? Di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được quy định như thế nào trong Luật Di sản văn hóa?


Xin chào công ty, tôi tên Hương. Tôi muốn biết các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh của Việt Nam được quy định như thế nào? Các tiêu chí của di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh là gì? Di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh gồm những loại nào? Mỗi loại được quy định ra sao? Mong công ty giải đáp những thắc mắc này giúp tôi với ạ. Tôi xin cám ơn!

Di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh là gì? 

Tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Luật Di sản văn hóa 2001 quy định về các khái niệm này như sau:

“[…] 2. Di sản văn hoá vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

3. Di tích lịch sử – văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học.

4. Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học.”

Di tích lịch sử văn hóa cần có những tiêu chí nào?

Theo khoản 1 Điều 28 Luật Di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009, quy định về vấn đề này như sau:

Di tích lịch sử văn hóa phải có một trong các tiêu chí sau đây:

– Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện lịch sử, văn hóa tiêu biểu của quốc gia hoặc của địa phương;

– Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;

– Địa điểm khảo cổ có giá trị tiêu biểu;

– Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật.

Di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh được quy định như thế nào trong Luật Di sản văn hóa?

Danh lam thắng cảnh cần có những tiêu chí nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Di sản văn hóa 2001, danh lam thắng cảnh phải có một trong các tiêu chí sau đây:

– Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu;

– Khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của trái đất.

Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh gồm những loại nào? Mỗi loại được quy định ra sao?

Tại Điều 29 Luật Di sản văn hóa 2001 được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009 quy định về xếp hạng của các di tích như sau:

(1) Di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương, bao gồm:

– Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của địa phương hoặc gắn với nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;

– Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị trong phạm vi địa phương;

– Địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương;

– Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị trong phạm vi địa phương.

(2) Di tích quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia, bao gồm:

– Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân, nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học nổi tiếng có ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình lịch sử của dân tộc;

– Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam;

– Địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển của văn hóa khảo cổ;

– Cảnh quan thiên nhiên đẹp hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù.

(3) Di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia, bao gồm:

– Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc;

– Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam;

– Địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ quan trọng của Việt Nam và thế giới;

– Cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.