Dịch vụ Tam Cốc – Bích Động, Ninh Bình | TGROUP Du lịch Thông minh SMARTOURISM
Mục lục bài viết
Hình ảnh
Địa điểm
Mô tả
Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động nằm tại huyện Hoa Lư, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 7km. Khu du lịch gồm nhiều điểm tham quan như Tam Cốc, chùa Bích Động, Thung Nham… Quý khách có thể du lịch vào các mùa quanh năm, nhưng có một vài giai đoạn được xem là mùa đẹp nhất của khu vực này.
– Từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch: thời gian có nhiều lễ hội ở Ninh Bình, thời tiết mát nên quý khách có thể kết hợp vãn cảnh chùa, tham gia lễ hội và chèo thuyền tham quan Tam Cốc.
– Cuối tháng 5 và đầu tháng 6 (dương lịch) là mùa lúa chín vàng trên khắp cánh đồng ở Tam Cốc – Bích Động, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.
TAM CỐC
Tam Cốc có nghĩa là Ba hang, còn có tên Xuyên Thủy, bao gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng xuyên qua núi. Đây là tuyến du lịch bằng thuyền.
Phí tham quan:
– Vé thắng cảnh: 120.000 đ / người / lượt
– Trẻ em dưới 1m4: 60.000 đ / người / lượt
– Vé đò: 150.000 đ / thuyền / lượt (4 khách Việt Nam hoặc 2 khách nước ngoài, miễn phí trẻ em dưới 3 tuổi)
Sau khi mua vé, quý khách xuống bến đò. Đò đưa du khách tham quan cánh đồng lúa trên sông, len lỏi qua các vách núi, hang nước. Thời gian di chuyển (đi và về) khoảng 02 giờ. Tùy theo mùa mà phong cảnh đồng lúa ven sông sẽ có màu xanh ngắt của lúa non hay chín vàng. Trên đường chèo thuyền, quý khách sẽ ghé khu vực đền Thái Vi, nơi thờ các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, các tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải và hoàng hậu Trần Thị Dung. Xưa vùng núi Tam Cốc là nơi nhà Trần về đây dựng hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống Nguyên Mông.
BÍCH ĐỘNG
Cách bến đò Tam Cốc 2km, có nghĩa là “động xanh”, là tên do tể tướng Nguyễn Nghiễm, cha của đại thi hào Nguyễn Du đặt cho động năm 1773. Đây là một trong những thắng cảnh nằm trong nhóm được người xưa gọi là “Nam thiên đệ nhất động”, cụ thể Bích Động được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” tức động đẹp thứ nhì trời Nam [đứng sau động Hương Tích (Nam thiên đệ nhất động) ở Hương Sơn và đứng trước động Địch Lộng (Nam thiên đệ tam động) ở Kẽm Trống]. Bích Động gồm một động khô nằm trên lưng chừng núi (làm chùa Bích Động) và một hang động nước đâm xuyên qua lòng núi (gọi là Xuyên Thủy Động). Phía trước động là một nhánh sông Ngô Đồng uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa.
Chùa Bích Động được hình thành từ năm 1428, đầu thời Hậu Lê với quy mô là một ngôi chùa nhỏ ở trên đỉnh núi. Năm 1705, có hai vị hoà thượng Trí Kiên và Trí Thể quê huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định gặp nhau kết nghĩa làm anh em. Hai nhà sư đều có lòng mộ đạo, muốn đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa. Đến đây, thấy núi Bích Động có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa, nên hai nhà sư quyết định dừng chân, tự mình sửa sang chùa cũ, đi quyên giáo xây dựng lại thành 3 ngôi chùa: Hạ, Trung và Thượng để tu hành. Năm 1707, hai nhà sư Trí Kiên và Trí Thể đã đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở Động Tối.
Miễn phí tham quan chùa Bích Động