‘Điểm danh’ 12 ngân hàng Việt vừa được Moody’s nâng hạng tín nhiệm

Cụ thể, Moody’s đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng lên 1 bậc và nâng 1 bậc đối với xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác với 7 ngân hàng.

Theo TTXVN, các ngân hàng được cập nhật xếp hạng lần này là: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank ) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB).

Trong đó, 8 ngân hàng được nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn bao gồm: Vietcombank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB và VietinBank.

7 ngân hàng được nâng hạng về rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác bao gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, SHB và MSB.

Động thái của Moody’s theo sau việc nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2. Triển vọng xếp hạng được thay đổi từ Tích cực sang Ổn định.

Theo Moody’s, sức mạnh tín dụng của Việt Nam là yếu tố đầu vào quan trọng trong việc xếp hạng tiền gửi và nhà phát hành đối với các tổ chức tài chính trong nước. Việc nâng xếp hạng các ngân hàng mới nhất phản ánh khả năng hỗ trợ của chính phủ mạnh mẽ hơn trong thời điểm căng thẳng.

Cũng trong lần đánh giá này, Moody’s điều chỉnh triển vọng xếp hạng của các ngân hàng Agribank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, VIB, Vietcombank và VietinBank từ Ổn định sang Tích cực. Trong khi đó, triển vọng xếp hạng của ABBank, LienVietPostBank và MSB vẫn Ổn định và triển vọng tín nhiệm của SHB vẫn giữ ở Tích cực.

Theo Moody’s, việc nâng xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank là khó có thể xảy ra vì các ngân hàng này hiện có cùng mức với xếp hạng chủ quyền Ba2 của Việt Nam.

Việc nâng cấp xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của TPBank, OCB, SeABank và VIB cũng khó xảy ra vì yêu cầu nâng cấp nhiều bậc về sức mạnh tín dụng độc lập hoặc đánh giá tín dụng cơ bản.

Xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của MSB, ABBank, LienVietPostBank và SHB có thể được nâng hạng nếu sức mạnh tín dụng độc lập được cải thiện dẫn đến việc nâng cấp đánh giá tín dụng cơ bản.

Đáng lưu ý, Moody’s cho hay, tổ chức này có thể hạ bậc xếp hạng tiền gửi của Agribank, ABBank, BIDV, LienVietPostBank, MSB, OCB, SeABank, SHB, TPBank, VIB, Vietcombank và VietinBank nếu xếp hạng chủ quyền của Việt Nam bị hạ hoặc nếu cơ quan xếp hạng đánh giá rằng sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các ngân hàng suy giảm.

Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2

Trước đó, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. 

Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến hơn 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới trong 8 tháng qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Kết quả nâng hạng phản ánh nền tảng tài khóa vững chắc

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), việc nâng hạn tín nhiệm là đánh giá của các nhà đầu tư quốc tế hay người cho vay đến khả năng trả nợ của một quốc gia có tốt hay không. 

Do đó, nâng hạng đồng nghĩa với việc họ đánh giá tốt hơn so với trước đây. Vì vậy, chi phí đi vay sẽ giảm đi bao gồm cả khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp khi bước chân vào thị trường.

Bộ Tài chính nhận định việc Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của Moody’s về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm, thể hiện hiệu quả chính sách được cải thiện.

Kết quả nâng hạng cũng phản ánh nền tảng tài khóa vững chắc được hỗ trợ bởi chi phí vay được kiểm soát ở mức hợp lý, điều hành chính sách tài khóa cẩn trọng và thanh khoản của danh mục nợ Chính phủ được cải thiện./.