Điểm nhấn từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Mục lục bài viết
Điểm nhấn từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh ta đã và đang phát triển rộng khắp, cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, thúc đẩy kinh tế – xã hội ở các địa phương phát triển bền vững…
Nhà văn hóa là nơi sinh hoạt tập trung của cộng đồng dân cư bản Giàng Vìn, xã Trí Nang (Lang Chánh).
Một trong những điểm nhấn trong triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở tỉnh thời gian qua chính là việc tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình, làng, khu dân cư văn hóa; xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị văn hóa… Điều dễ nhận thấy là, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và đồng bào công giáo.
Điển hình như huyện Mường Lát, đã xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào TDĐKXDĐSVH phát triển. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích và nội dung của phong trào đến mọi tầng lớp Nhân dân; đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền. Từ đó đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị và Nhân dân về các nội dung xây dựng gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa, nông thôn mới, văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao… Năm 2022, Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Mường Lát đã công nhận cho 7 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa (nâng tổng số cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa lên 32 cơ quan, đơn vị, trong đó 8 đơn vị đạt chuẩn danh hiệu văn hóa cấp tỉnh); công nhận cho 62/88 bản, khu phố đạt danh hiệu bản văn hóa, khu dân cư văn hóa; có 5.750/8.731 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 100% các bản, khu phố xây dựng và thực hiện hiệu quả hương ước, quy ước. Từ phong trào này, nhiều cá nhân, gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn huyện đã trở thành gương điển hình trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ và hạnh phúc.
Theo đồng chí Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát: Để phong trào TDĐKXDĐSVH đi vào hiệu quả, thực chất, yếu tố quan trọng vẫn là công tác tuyên truyền, đồng thời triển khai kịp thời các nội dung của phong trào gắn liền với các phong trào thi đua khác. Đồng thời, phát huy vai trò của ban chỉ đạo từ huyện đến cơ sở; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện phong trào và thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương; tổ chức, triển khai các hoạt động bảo đảm hiệu quả, thiết thực, phù hợp với thực tế từng địa phương. Ngoài ra, việc tổ chức bình xét, công nhận các danh hiệu phải bảo đảm tính khách quan, công bằng, chính xác và công khai, không chạy theo thành tích…
Còn cách làm ở huyện Lang Chánh thì chủ động lựa chọn, triển khai những vấn đề sát với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, như: Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng các tuyến đường tự quản, với tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp; duy trì tổ hòa giải ở cơ sở để giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, xích mích, bất hòa tại cộng đồng dân cư; giúp nhau xây dựng mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững… Mỗi nội dung của phong trào được cụ thể hóa thành những chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu, đòi hỏi chính quyền và Nhân dân có sự vào cuộc tích cực và đồng thuận cao. Từ những giải pháp thiết thực, hiệu quả, đến nay huyện Lang Chánh có trên 5.000 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% các thôn, làng, bản, khu phố có hương ước, quy ước; 46/78 làng, bản, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 22/22 cơ quan, đơn vị và 32/32 trường học giữ vững danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”.
Điểm nhấn nữa ở huyện Lang Chánh đó là huy động được nguồn lực xã hội để xây dựng các thiết chế văn hóa với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, toàn huyện có 100% xã, thị trấn có trung tâm văn hóa; 76/78 nhà văn hóa thôn, bản, khu phố (đạt 98%); các xã, thị trấn, thôn, bản, khu phố đều có câu lạc bộ thể thao, văn hóa, văn nghệ… thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân tham gia…
Có thể khẳng định, phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh ta đã và đang đem lại những kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân được nâng lên. Năm 2022, toàn tỉnh ước tính có 737.525/957.825 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 77%); 3.311/4.357 thôn, bản tổ dân phố được công nhận khu dân cư văn hóa (đạt tỷ lệ 76%). Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 2.288/4.412 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn đơn vị văn hóa cấp huyện và 1.351/4.412 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn đơn vị văn hóa cấp tỉnh (giai đoạn 5 năm)…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đó là: Các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu, một số nơi chưa phát huy hiệu quả hoạt động; tỷ lệ nhà văn hóa cấp xã, thôn, bản, khu dân cư chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn đô thị văn minh còn nhiều hạn chế; tỷ lệ xã, phường, thị trấn được công nhận danh hiệu “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh” còn thấp…
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào TDĐKXDĐSVH, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc về ý nghĩa tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện phong trào đối với sự phát triển của địa phương; ban chỉ đạo các cấp chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cụ thể hóa các mục tiêu, tiêu chí của phong trào vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, nhiệm vụ quốc phòng – an ninh trong từng giai đoạn và hàng năm; chú trọng xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho triển khai thực hiện phong trào; quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường công tác quản lý, sử dụng, phát huy tối đa, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, chuyên viên tham mưu và trực tiếp tham gia triển khai thực hiện phong trào các cấp, nhất là cấp cơ sở, đảm bảo cho phong trào được triển khai thường xuyên, liên tục, rộng khắp, phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương, đơn vị, mang lại hiệu quả thiết thực…
Bài và ảnh: Xuân Minh