Diễn đàn “Phát huy vai trò của di sản và văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững”

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại diễn đàn

Tới dự diễn đàn có các đồng chí: Hồ Đại Dũng – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ năm 2023; Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vi Mạnh Hùng – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; thành viên Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đắk Lắk; các chuyên gia, nhà khoa học các nước tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết: Trong thời gian qua, công tác kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được các cấp, các ngành, các địa phương ở Việt Nam quan tâm triển khai thực hiện.

Theo thống kê, ở Việt Nam hiện có hơn 4 vạn di tích, trong đó có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.614 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 483 di sản được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh và là 265 bảo vật quốc gia. Đồng thời, các chủ thể di sản văn hóa, các nghệ nhân nắm giữ di sản cũng được quan tâm, tạo điều kiện để thực hành và trao truyền, phát huy giá trị di sản.

Các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đã thu hút ngày cũng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu; khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, góp phần cân bằng bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững.

Diễn đàn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học các nước

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL khẳng định: Những đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua được UNESCO và cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Bộ VH,TT&DL cùng các địa phương đang tập trung triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hóa nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc, đưa văn hóa phát triển ngang hàng với chính trị, kinh tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy phát biểu tại diễn đàn

Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số chuyên đề về: Phát huy giá trị di sản văn hóa trong chiến lược định vị thương hiệu du lịch quốc gia; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thông qua phát triển du lịch; thương hiệu địa phương thúc đẩy du lịch, văn hóa và phát triển bền vững; du lịch văn hóa, thúc đẩy sức mạnh cộng đồng địa phương, phúc lợi và hòa nhập xã hội; định vị thương hiệu địa phương thông qua văn hóa, di sản và phát triển bền vững; chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và di sản dựa trên du lịch để phát triển bền vững các thành phố và vùng miền; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý Nhà nước, sở hữu di sản, phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân.

GS. Nguyễn Đức Khương, Giám đốc Nguồn lực và Nghiên cứu, IPAG Business School & Chủ tịch AVSE Global phát biểu đề dẫn tại hội thảo

Các đại biểu cũng tập trung đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình bảo tồn và quản lý di sản, những thách thức cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; bảo tồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu; phát huy di sản trong môi trường số… Trong đó tập trung vào một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản…

Các chuyên gia thảo luận trực tuyến về chuyên đề “Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và di sản dựa trên du lịch để phát triển bền vững các thành phố và vùng miền”

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện đang lưu giữ, bảo tồn hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa. Trong đó Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích lịch sự văn hóa cấp quốc gia đặc biệt; 73 di tích được xếp hạng quốc gia; 5 bảo vật quốc gia và 15 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, Phú Thọ có 2 di sản được UNESCO công nhận ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Bên cạnh những giá trị đặc sắc về văn hóa, Phú Thọ còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Ngã ba Bạch Hạc, Ao giời Suối Tiên, Đầm Ao Châu, Đầm Vân Hội, mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy… là những tài nguyên tự nhiên vô cùng quý báu để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khám phá.

Tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu hướng tới khai thác, phát huy các giá trị di sản và văn hóa để phát triển bền vững, coi phát huy các giá trị di sản văn hóa như nguồn lực nhằm phát triển hài hòa, nhân văn và có bản sắc. Tỉnh đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân được tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, bảo tồn các tập quán tín ngưỡng, nhất là trong dịp Lễ hội Đền Hùng hằng nằm. 

Quang cảnh diễn đàn

Diễn đàn Bền vững Việt Nam 2023 có ý nghĩa quan trọng, là một trong những hoạt động điểm nhấn trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa – Du lịch Đất Tổ, diễn ra vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023. Việc tổ chức diễn đàn nhằm thể hiện trách nhiệm, cũng như tầm nhìn của Việt Nam trong cộng cuộc bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững. Đây là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận, tìm ra ý tưởng, giải pháp nhằm phát huy hơn nữa giá trị di sản văn hóa trong lộ trình thúc đẩy du lịch gắn với phát triển bền vững ở Việt Nam nói chung, Đất Tổ nói riêng.

Diễn đàn cũng là cơ hội để tỉnh Phú Thọ quảng bá, giới thiệu đến bạn bè giá trị di sản văn hóa của địa phương, đồng thời tranh thủ tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu để tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương trong những năm tới.

Lệ Thủy

Xổ số miền Bắc