Diễn viên Lý Hương và vụ tranh chấp nuôi con: tòa án việt nam và mỹ đều …đúng?

Việt Nam và Mỹ chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp nên khi xử lý các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình thì nước nào áp dụng theo luật của nước đó.

Báo Tiền Phong ngày 4-6 cho biết liên quan đến vụ diễn viên Lý Hương (tên thật là Lý Thị Kim Hương, con gái của diễn viên Lý Huỳnh) bị bắt ở Mỹ, Cục Cảnh sát điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã thông báo chính thức cho người có liên quan bằng fax để xác nhận hình ảnh đương sự.

Ngày 2-6, diễn viên Lý Huỳnh đã dẫn con của Lý Hương là Princess Lam (bảy tuổi) đến Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM để giao cho cha cháu là ông Tony Lam (một doanh nhân Việt kiều, quốc tịch Mỹ) nuôi dưỡng. Một trong những tội danh mà Lý Hương bị FBI bắt giữ theo lệnh của tòa án Mỹ là có hành vi bắt cóc trẻ em (chính là con của Lý Hương – Princess Lam).

Kết hôn ở nước ngoài vẫn hợp pháp

Điều đặc biệt là trong chuyện ly hôn hy hữu giữa diễn viên Lý Hương với người chồng Tony Lam có tranh chấp quyền nuôi con, được tòa án Việt Nam và tòa án Mỹ xử gần như cùng lúc lại tuyên trái ngược nhau hoàn toàn về quyền nuôi cháu Princess Lam. Phóng viên Báo Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu vụ ly hôn của cô Lý Hương tại Việt Nam.

Trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 4-2007, Lý Hương (nguyên đơn) cùng chồng đều yêu cầu được quyền nuôi con. Tuy nhiên, TAND TP.HCM đã tuyên xử cho cô Hương ly hôn và giao cho cô Hương được nuôi con. Ông Tony Lam đã kháng cáo. Rất tiếc, trong phiên tòa xử phúc thẩm ông được triệu tập nhiều lần nhưng vắng mặt nên Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án. Bản án ly hôn của tòa sơ thẩm có hiệu lực vào tháng 9-2007.

Ngay trong bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, luật sư bảo vệ ông Tony Lam cho rằng cần làm rõ việc cô Hương chưa thể hiện việc ghi chú vào sổ đăng ký hộ tịch việc kết hôn của cô và ông Tony Lam ở Mỹ vào tháng 2-2001. Hội đồng xét xử đã nhận định qua giấy chứng nhận kết hôn giữa cô Hương và ông Tony Lam tại quận Clack, bang Nevada (Mỹ) cùng với lời thừa nhận của các đương sự đã đủ cơ sở kết luận quan hệ vợ chồng giữa hai người là hợp pháp. Việc cô Hương chưa thể hiện ghi chú vào sổ hộ tịch việc kết hôn tại Mỹ, hội đồng xét xử cho rằng Nghị định 83 năm 1998 chỉ áp dụng cho các bên đều là công dân Việt Nam kết hôn ở nước ngoài theo pháp luật nước ngoài, nay về Việt Nam xin ly hôn chứ không áp dụng cho trường hợp một bên là công dân Việt Nam, một bên là công dân nước ngoài (theo Nghị quyết 01/2003).

Tòa hai nước đều… đúng?

Theo án sơ thẩm của TAND TP.HCM, luật sư của ông Tony Lam cũng lưu ý việc ông có xuất trình cho tòa một án lệnh của tòa án gia đình tại tiểu bang New York với nội dung tạm thời giao quyền giám hộ cháu Princess Lam cho ông Tony Lam. Về án lệnh của tòa án gia đình ở Mỹ, do chưa được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, lại được ban hành sau khi TAND TP.HCM thụ lý đơn xin ly hôn của cô Hương nên không được chấp nhận.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết căn cứ khoản 2 Điều 405, 410 Bộ luật Tố tụng dân sự, khi có đơn xin ly hôn của cô Hương là công dân Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc TAND TP.HCM. Bản án tòa tuyên giao cháu Princess Lam cho mẹ nuôi cũng hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Có luồng ý kiến khác cho rằng cháu Princess Lam mang quốc tịch Mỹ nên bản án của tòa án gia đình tiểu bang New York ra lệnh giao tạm thời cho cha cháu là đúng theo pháp luật của Mỹ. Một cán bộ Sở Ngoại vụ TP.HCM cho biết do Việt Nam và Mỹ chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp nên khi xử lý các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình thì nước nào áp dụng theo luật của nước đó.

Bà Nguyễn Thị Thọ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM, phân tích: Do cháu Princess Lam là công dân Mỹ nên án lệnh của tòa án Mỹ tuyên là có hiệu lực. Lý Hương muốn giành quyền nuôi con thì phải sang Mỹ kiện, yêu cầu tòa án gia đình tiểu bang NewYork giao lại quyền nuôi con cho mình.

Sự việc này khá phức tạp, nếu cô Hương muốn giành quyền nuôi con thì phải chứng minh cho tòa án Mỹ thấy mình có đủ các điều kiện để nuôi dưỡng con tốt hơn. Theo pháp luật Mỹ, có trường hợp tòa án tuyên không phải giao con cho cha hoặc mẹ mà giao cho tổ chức nuôi dưỡng và buộc cha, mẹ phải đóng tiền trợ cấp nuôi con.

Thông tin về hộ chiếu là bí mật cá nhân

Ông Phan Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại TP.HCM, cho biết cho đến hôm qua (4-6), chưa có cơ quan điều tra nào tìm hiểu về thời hạn visa nhập cảnh Việt Nam của cháu Princess Lam.

Theo ông Thái, thủ tục xin gia hạn visa rất đơn giản. Chỉ cần Lý Hương làm đơn gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trình bày những lý do cần thiết của việc xin gia hạn visa cho con, xuất trình hộ khẩu, chứng minh nhân dân là có thể xin gia hạn visa cho con. Những thông tin về hộ chiếu là thông tin bí mật cá nhân, chỉ có các cơ quan điều tra mới có quyền yêu cầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh cung cấp. Như vậy thì thông tin Princess Lam sống tại Việt Nam từ năm 2005 đến nay đã quá hạn visa là không đủ căn cứ.

Để lý giải cho việc tại sao cô Lý Hương có thể đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của ông Nguyễn Văn Anh, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM). Ông Văn Anh cho biết công dân Việt Nam xuất cảnh hợp pháp hoặc bất hợp pháp rồi được nước ngoài cho phép định cư nếu muốn quay về Việt Nam thì bắt buộc phải có hộ chiếu Việt Nam còn thời hạn. Khi đó thì đương sự sẽ được công an cấp quận cho nhập hộ khẩu, cấp chứng minh nhân dân.

Nếu đương sự đã nhập quốc tịch nước sở tại, hộ chiếu Việt Nam đã hết hạn thì khi trở về Việt Nam bắt buộc phải xin visa nhập cảnh Việt Nam, nếu về định cư thì phải làm thủ tục hồi hương. Nếu họ xin cấp hộ chiếu mới hoặc gia hạn hộ chiếu tại cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại thì khi quay về Việt Nam sống không cần làm thủ tục hồi hương.

Nguồn: MINH TRÍ – BẢO PHƯỢNG – Pháp Luật.Tp