DILY – Mâm ngũ quả ngày Tết của 3 miền Bắc, Trung, Nam mang ý nghĩa gì?
Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có khoảng năm loại trái cây khác nhau thường có trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Tết đến bàn thờ nhà nào đều phải có mâm ngũ quả để thờ cúng ông bà, cầu tài lộc may mắn năm mới. Tuy nhiên mỗi vùng miền lại có sự khác biệt về mâm ngũ quả. Vậy ý nghĩa của mâm ngũ quả ba miền Bắc – Trung – Nam là gì? Cùng DILY tìm hiểu ngay nhé!
Mục lục bài viết
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết
Ngũ
Ngũ là năm, là biểu tượng chung của sự sống. Ngũ quả chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong đất trời dùng thờ cúng. Chọn 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.
Quả
Quả biểu tượng cho sự sung túc qua cấu tạo của nó: bên trong chứa hạt tượng trưng cho sao, quả bao lấy là vũ trụ. Ý nghĩa là sự sinh sôi trường tồn tái sinh bất tận của sự sống. Mỗi loại quả có ý nghĩa riêng qua hình dáng/cầu tạo/hương vị, màu sắc và cách đọc tên.
Màu sắc
Màu sắc của mâm thường hay tuân theo ngũ hành. Các loại quả dùng thường mang các sắc màu theo quan niệm là có tính may mắn: Đỏ (may mắn phú quý), Vàng (sung túc),…
Hình dáng, cấu tạo, hương vị
Thường là cách hình dáng/cấu tạo có tính chất gợi tả điều tốt lành. Ví dụ: Lựu có nhiều hạt, tượng trưng cho con cháu đầy đàn. Bưởi và dưa hấu căng tròn, mát lạnh trong ruột, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong cuộc sống. Hương vị trái cây thường phải ngọt, thơm và không đắng, cay.
Ý nghĩa mâm ngũ quả miền Bắc
Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết. Tuy không câu nệ nhiều hay ít, nhưng mọi người đều sắm đủ lễ, đủ loại, hoa quả phải thuận theo ý nghĩa để bày cúng.
Mâm ngũ quả miền Bắc thường có 5 loại:
-
Chuối
-
Bưởi
-
Đào
-
Hồng
-
Quýt
Cách trình bày truyền thống:
Chuối ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Chính giữa là quả bưởi hoặc phật thủ vàng. Các loại quả bày xung quanh. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh, hoặc những quả ớt chín đỏ.
Do hoa quả, trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn. Người ta cũng không câu nệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả, thêm chùm nho mọng, thêm táo xanh, ớt đỏ, hồng xiêm… Dù bày biện nhiều loại quả hơn nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả”.
Ý nghĩa mâm ngũ quả miền Trung
Khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức. Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon.
Các loại quả thường thấy:
-
Thanh long
-
Chuối
-
Dưa hấu
-
Mãng cầu
-
Dứa
-
Sung
-
Cam
-
Quýt
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày tết của miền Nam
Một mâm ngũ quả miền Nam có: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung đọc thành “cầu vừa đủ xài sung” hay “cầu sung vừa đủ xài”. Và họ thường kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu (kể cả khi đọc trại) như chuối – chúi nhủi, cam – cam chịu, lê – lê lết, sầu riêng, bom (táo)… và không chọn trái có vị đắng, cay.
Các loại quả thường thấy:
-
Mãng cầu
-
Sung
-
Dừa
-
Đu đủ
-
Xoài
-
Ngoài ra, còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.
Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới an khang, hạnh phúc và đủ đầy.
Trên đây là những chia sẻ của DILY về mâm ngũ quả trong ngày Tết của 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mong rằng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm thông tin và hiểu sâu hơn về văn hóa, truyền thống của người dân Việt.
Có thể bạn quan tâm: Các món ngon không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền