Định nghĩa sản phẩm du lịch ở Việt Nam
Du lịch là một trong những ngành kinh tế đặc thù, mang tính văn hóa và xã hội phức tạp. Ở Việt Nam có rất nhiều loại hình và sản phẩm du lịch độc đáo, có khả năng marketing mạnh mẽ, thế nhưng chắc chắn không phải ai cũng biết sản phẩm du là gì? sản phẩm du lịch gồm những gì? và những sản phẩm du lịch tiêu biểu nhất. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
Định nghĩa về sản phẩm du lịch
Có rất nhiều định nghĩa, quan điểm, ý kiến về “sản phẩm du lịch”, sau đây là những định nghĩa phổ biến nhất:
Theo Luật du lịch năm 2005 của Việt Nam: Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch. Dịch vụ du lịch là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Sản phẩm du lịch là sự kết hợp những giá trị về vật chất lẫn tinh thần của một quốc gia, một địa phương, một cơ sở nào đó mà du khách đến hưởng thụ và trả tiền. Sản phẩm du lịch bao gồm sản phẩm vật thể và phi vật thể, sản phẩm tự nhiên và nhân tạo.
Theo quan điểm kinh tế hiện đại: Sản phẩm du lịch bao gồm cả sản phẩm vô hình và hữu hình phục vụ cho nhu cầu của con người trong chuyến du lịch. Do đó, sản phẩm du lịch rất phong phú, luôn biến đổi theo nhu cầu của khách du lịch và sự phát triển của nền kinh tế tại mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ.
Các nguyên tắc tạo nên sản phẩm du lịch
Để tạo nên một sản phẩm du lịch chất lượng, các công ty, đơn vị lữ hành bắt buộc phải dựa theo một số nguyên tắc như sau:
Sản phẩm du lịch phải phù hợp với nhu cầu khách du lịch
Một trong những “nguyên nhân” tạo nên tính phong phú và phức tạp của du lịch chính là nhu cầu của khách du lịch thường xuyên thay đổi. Do đó, để phát triển kinh tế du lịch cũng như thu được lợi nhuận mong muốn, các sản phẩm du lịch phải phù hợp với nhu cầu của du khách. Để làm được điều đó các công ty, doanh nghiệp và đơn vị lữ hành phải thực hiện nghiên cứu khách hàng (nhân khẩu học, sở thích, mong muốn, tình trạng kinh tế…).
Trong quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng như “sản xuất” các sản phẩm du lịch nhân tạo phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, các công ty, doanh nghiệp và đơn vị lữ hành bắt buộc phải bảo vệ môi trường, bảo tồn các nguồn sinh vật và giữ gìn nét văn hóa phi vật thể – vật thể truyền thống,… để du lịch được tồn tại và phát triển bền vững.
Lợi ích kinh tế
Bất cứ hoạt động đầu tư “sản xuất”, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đều bắt buộc phải xem xét đến các lợi ích kinh tế mà sản phẩm du lịch mang đến. Bởi mục đích cuối dùng của hoạt động kinh doanh du lịch cũng là lợi nhuận.
Tuy nhiên, ở Việt Nam nguyên tắc này đang bị khai thác một cách ồ ạt và triệt để, không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường, thiên nhiên, môi trường sống của các sinh vật, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, hệ sinh thái,… mà còn ảnh hưởng đến những trải nghiệm và lợi ích của khách hàng khi sử dụng sản phẩm du lịch.
Nguyên tắc đặc sắc
Để tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch, bắt buộc việc khai thác tài nguyên du lịch phải chú ý đến nét đặc trưng, độc đáo và đặc sắc của thiên nhiên, phong tục – tập quán, văn hóa… của cộng đồng. Bên việc khai thác, các công ty, doanh nghiệp và đơn vị lữ hành cũng cần bảo tồn những nét đặc sắc này, những hoạt động tu sửa quá mức hoặc xây dựng giống nhau đều gây sự nhàm chán. ững phản ứng bất lợi đối với khách du lịch đã quen thuộc dẫn đến sự nhàm chán.
Nguyên tắc tổng thể
Việc khai thác tổng thể sản phẩm du lịch ở một địa phương không chỉ làm tăng sức hút của sản phẩm đó mà còn tăng giá trị, lợi nhuận. Chính vì vậy, khi khai thác một sản phẩm du lịch nào đó, hãy khai thác cả những tài nguyên xung quanh như văn hóa cộng đồng, ẩm thực địa phương, phong tục – tập quán…
Nguyên tắc bảo tồn và giữ gìn
Đây là nguyên tắc không thể bỏ qua nếu muốn có một sản phẩm du lịch chất lượng và bền vững. Bởi một khi bị “tổn thương”, sẽ rất mất thời gian và công sức để khôi phục tài nguyên, thậm chí không thể khôi phục như cũ. Mục đích của hoạt động khai thác tài nguyên du lịch là để cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần cho con người. Thế nhưng, trong quá trình khai thác cũng như hưởng thụ chính con người đã “vô tình hữu ý” phá hoại môi trường, làm mất cân bằng sinh thái, cảnh quan thiên nhiên….
Loại mô hình sản phẩm du lịch nổi bật
Tùy theo văn hóa, phong tục – tập quán và điều kiện thiên tại mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, điểm đến,… mà có những mô hình sản phẩm du lịch khác nhau.
Mô hình 4S (Sun, Sea, Shop và Sextour – Mặt trời, Biển, Mua sắm và du lịch tình dục)
Sun (Mặt trời): Là yếu tố rất quan trọng với khách du lịch quốc tế, những người ở xứ lạnh và ít khi được hưởng thụ ánh nắng mặt trời. Chính vì vậy, họ thường tìm đến những khu vực, đất nước, vùng lãnh thổ nhiều nắng như Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia,… để tận hưởng ánh nắng. Tại Việt Nam, khu vực Miền Nam được chia 2 mùa nắng – mưa rõ rệt, đây chính là yếu tố thời tiết thuận lợi để phát triển du lịch ở khu vực này.
Sea (Biển): Du lịch biển hiện đang là sản phẩm du lịch hot nhất hiện nay. Bất kể khu vực, quốc gia cũng như vùng lãnh thổ nào có bãi biển đẹp cũng sẽ thu hút du khách đến nghỉ dưỡng, tắm nắng, tham gia các hoạt động – trò chơi bãi biển (lướt ván, bóng chuyền, lướt cano, thả dù…). Việt Nam có hơn 2.500km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp được thế giới xếp hạng như Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang, Vịnh Hạ Long, Phú Quốc,… cùng vô số bãi biển hoang sơ đang được khai thác chính là thế mạnh để phát triển du lịch biển trong tương lai.
Shop (Mua sắm): Dù đặt chân đến vùng đất nào, khách du lịch cũng có xu hướng mua sắm một món đồ gì đó để làm quà lưu niệm cho chuyến đi của mình hoặc quà cho người thân, bạn bè. Nắm bắt được tâm lý này của du khách rất nhiều khu chợ truyền thống ở các điểm đến nổi tiếng được quy hoạch phát triển thành một điểm mua sắm đặc sản như chợ Cồn ở Đà Nẵng, chợ cuối tuần Chatuchak ở Bangkok Thái Lan hay các trung tâm thương mại ở Singapore, Malaysia… Chưa kể, các cửa hàng miễn thuế trong sân bay cũng rất được du khách ưa chuộng.
Sex tour (Du lịch tình dục): Đây là một loại hình du lịch vô cùng đặc thù và phổ biến ở các nước đang phát triển. Hoạt động này thường diễn ra ở các khu đèn đỏ được chính phủ cấp phép hoạt động và nó được coi là một nghề hợp pháp ở đất nước đó. Sex tour rất phổ biến ở Thái Lan (Patpong ở Bangkok hoặc Phuket), Nhật Bản (Kabukicho, Tokyo), De Wallen (Amsterdam, Hà Lan), Schipperskwartier (Antwerp, Bỉ), Vila Mimosa (Rio de Janeiro, Brazil)…
Mô hình 3H (Heritage, Hospitality, Honesty – Di sản, Lòng hiếu khách, Sự trung thực)
Heritage (Di sản): Là một phần không thể thiếu của sản phẩm du lịch. Tùy thuộc vào mức động quý giá và quan trọng mà những di sản thuộc về văn hóa, lịch sử, kiến trúc,.. của một vùng trở thành di sản của quốc gia hoặc thế giới. Việt Nam có rất nhiều di sản được thế giới công nhận như Cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An…
Hospitality (Lòng hiếu khách): Được đánh giá và thể hiện qua thái độ của người dân địa phương với khách du lịch, thái độ phục vụ của nhân viên cung ứng dịch vụ với khách du lịch. Đây là yếu tố quyết định việc du khách có ấn tượng như thế nào với điểm đến đó cũng như dịch vụ đó cũng như tỷ lệ họ sẽ quay trở lại hoặc giới thiệu với người thân, bạn bè.
Honesty (Trung thực): Khách quan, yếu tố này không được khách du lịch nước người đánh giá cao khi đến Việt Nam. Họ không chỉ phải chi trả phí dịch vụ cao hơn khách trong nước mà còn bị chèo kéo, ép giá,… khi mua sắm, ăn uống, mua sắm đồ lưu niệm…
Mô hình 6S (Sanitaire, Santé, Sécurité, Sérénité, Servic, Satisfaction – Vệ sinh, Sức khỏe An ninh – trật tự xã hội, Sự thanh thản, Dịch vụ, Sự thỏa mãn)
Sanitaire (Vệ sinh): Bao gồm tất các các yếu tố từ vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, đường phố đến việc giữ vệ sinh tại các điểm tham quan. Đây là một trong những yếu tố được đánh giá rất cao hiện nay, đặc biệt là ở các nước phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ở Singapore nếu bạn ăn kẹo cao su hoặc xả rác bừa bãi sẽ bị phạt từ 500 – 1000 USD.
Santé (Sức khỏe): Loại hình du lịch này hiện đang rất phổ biến. Khách du lịch thường đến những quốc gia có dịch vụ y tế phát triển như Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ,.. để chữa bệnh hoặc đến những vùng đất có khí hậu ôn hòa, mát mẻ và không khí trong lành như Newzealand, Đà Lạt (Việt Nam), Hawaii, quần đảo French Polynesia, Maldives…
Sécurité (An ninh, trật tự xã hội): Bao gồm tất cả các vấn đề về trật tự công cộng, ổn định chính trị, bài trừ tệ nạn xã hội… Yếu tố này rất quan trọng nếu muốn phát triển du lịch ổn định và bền vững. Bởi chẳng du khách nào muốn đến một vùng đất hay quốc gia mà mình có thể gặp nguy hiểm về tài sản hoặc tính mạng.
Sérénité (Sự thanh thản): Bên cạnh sự trải nghiệm thì sự thanh thản, hưởng thụ chính là mục đích cuối cùng của những chuyến du lịch. Chính vì vậy, một bộ phận không nhỏ khách du lịch hiện nay có xu hướng tìm về thiên nhiên, rừng núi, biển cả,… để vừa trải nghiệm vừa tìm sự thanh thản, thư giãn trong tâm hồn. Do đó những công ty, đơn vị lữ hành nên khai thác các tài nguyên thiên nhiên để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn.
Service (Dịch vụ): Bản thân du lịch đã là một ngành dịch vụ, cho nên khi cung cấp sản phẩm du lịch cho khách hàng phải đảm bảo đó là một dịch vụ tốt, thậm chí vượt sự mong đợi của khách hàng để họ nhớ mãi và chia sẻ với người thân, bạn bè, cộng động trên mạng xã hội.
Satisfaction (Sự thỏa mãn): Mục đích của việc cung cấp các sản phẩm du lịch chất lượng và phong phú là để thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm, tận hưởng và khám phá của con người. Để phục vụ sự thỏa mãn này du lịch được phân chia thành nhiều loại như du lịch tâm linh, du lịch chữa bệnh, du lịch nghiên cứu, du lịch sinh thái, du lịch công vụ…
4 dòng sản phẩm du lịch được ưu tiên tại Việt Nam
Du lịch biển đảo
Du lịch biển là dòng sản phẩm du lịch được ưu tiên phát triển nhất tại Việt Nam. Không chỉ sở hữu đường bờ biển hơn 3.200km kéo dài từ Bắc vào Nam với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam còn có rất nhiều bãi biển được xếp hạng “đẹp nhất thế giới” như Hạ Long Phú Quốc, Côn Đảo, Nha Trang, Đà Nẵng, Mũi Né, Mỹ Khê… Chính điều này đã tạo điều kiện cho du lịch biển Việt Nam phát triển và thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ.
So với trước đây, du lịch biển đã trở nên phong phú hơn khi kết hợp với các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao như Sunspa resort (Quảng Bình), Furama (Đà Nẵng), Vipearl Land (Nha Trang)… Hay các dịch vụ giải trí – trò chơi bãi biển như mô tô nước, lướt sóng, thả dù trên biển, lặn biển ngắm san hô, đi du thuyền ngắm cảnh vịnh…
Du lịch sinh thái
Với điều kiện khí hậu, địa hình, cảnh quan được Mẹ thiên nhiên ưu đãi kết hợp với nền văn hóa lịch sử ngàn năm văn hiến nên tiềm năng phát triển du lịch sinh thái là rất lớn.
Về các tài nguyên thiên nhiên thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, ở Việt Nam có hệ sinh thái rất đặc trưng cùng sự đa dạng sinh học, hệ động thực vật đa dạng, phong phú, thậm chí nhiều loài động vật còn có tên trong sách đỏ như Cầy Gấm, Hạc cổ trắng, Rùa đầu to, Heo vòi, Gấu chó, Voọc mông trắng, Voọc mũi hếch, Voọc đầu trắng, Voọc vá… Thực vật có Sưa, Lim xanh, Lát Hoa, Pơ Mu, Thông đỏ, Hoàng Đàn, Chò, Bách Xanh…
Chưa kể, Việt Nam còn sở hữu những hệ sinh thái đặc trưng như: Rừng ngập mặn, san hô, rừng nhiệt đới… Nhờ những thế mạnh này mà du lịch sinh thái ở nước ta có thể phát triển các tour du lịch độc đáo như cứu hộ rùa biển, trồng rừng ngập mặn, lặn biển ngắm san hô…
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có rất nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống và các lễ hội dân gian đặc sắc… Tuy nhiên những yếu tố này chưa được khai thác hiệu quả, và mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức các hoạt động tham quan hoặc học làm nông dân, thợ thủ công… mà thôi.
Du lịch miền quê, vùng núi
Loại hình du lịch này hiện đang có sức hấp dẫn rất lớn với khách du lịch nước ngoài. Trước đây, du lịch miền quê, vùng núi chỉ bó hẹp trong việc tham quan, ngắm cảnh hoặc nghỉ dưỡng ở những điểm đến nổi bật như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt… Nhưng ngày nay, tại các vùng núi như Sapa, Fansipan, Đồng Văn, Tà Năng – Phan Dũng, Lao Thẩn, Hang Én, Langbiang, Pù Luông… đã xuất hiện thêm sản phẩm du lịch Trekking
Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch homestay cũng đang rất phát triển và được du khách ưa thích khám phá văn hóa, phong tục – tập quán bản địa ưa thích. Một trong những địa phương tiên phong phát triển sản phẩm du lịch này là Homestay người Mường ở Ba Vì (Hà Nội). Ở đây, du khách sẽ có cơ hội ăn, ngủ, sinh hoạt, lao động,… cùng chủ nhà, nghe kể những câu truyện dân gian, tham gia các hoạt động cộng đồng và lễ hội truyền thống như lễ hội cồng chiêng, hát đồng dao, nhảy sạp, mặc y phục người Mường…. Còn Homestay ở làng chài Cửa Vạn (Quảng Ninh) thì du khách sẽ được cùng ăn, cùng ngủ và tham gia đánh lưới, thả lờ trên Vịnh với ngư dân địa phương.
Ngoài ra, còn rất nhiều các sản phẩm du lịch vùng quê, miền núi hấp dẫn khác như tham quan làng nghề đan tre ở Hưng Yên, làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng rau Trà Quế,… hay ““Về quê tát mương bắt cá” tại Cồn Phụng (Bến Tre), “Một ngày làm nông dân”, ở huyện Cái Bè (Vĩnh Long) hay “Bike Tour” ở Thanh phố Cần Thơ…
Du lịch sáng tạo
Đây là loại hình du lịch mới được khai thác và phát triển ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Tiêu biểu như ý tưởng về sản phẩm du lịch trong những ngày mưa ở Huế như thưởng thức trà cung đình, học làm đồ lưu niệm… hay sản phẩm “Giờ trái đất” để du khách chìm trong bóng tối và làm một số công việc như ăn uống, vệ sinh cá nhân để đồng cảm với những lao động khiếm thị…
Ở Hà Nội, loại hình du lịch này đang rất phát triển ở mảng dạy nấu ăn. Theo đó, khi lưu trú tại Sofitel Metropole Hotel hoặc đến nhà hàng Ánh Tuyết và nhà hàng Highway, du khách sẽ được tham gia tour đi chợ, tự chọn thực phẩm, rau – thịt – cá,… sau đó sẽ được các đầu bếp hướng dẫn cách nhặt rau, thái thịt, xào nấu và cuối cùng du khách sẽ tự sáng tạo để làm ra được món ăn của riêng mình.
Các ví dụ về sản phẩm du lịch nổi bật tại Việt Nam
Du lịch cộng đồng Tây Bắc
Tây Bắc Việt Nam không chỉ có cảnh quan thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng mà còn có cộng đồng các dân tộc với những nét văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt phong phú, độc đáo. Sản phẩm du lịch cộng đồng Tây Bắc sẽ giúp du khách tìm hiểu những nét đặc trưng của cộng đồng các dân tộc nơi đây, trải nghiệm cuộc sống và thưởng thức những món ngon đặc sản Tây Bắc.
Khám phá hang Vòm – hang Giếng Voọc
Đây là một trong những sản phẩm du lịch nổi bật nhất năm 2019 ở Quảng Bình.Tuyến du lịch trải nghiệm hang Vòm – hang Giếng Voọc ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch hang động ở Quảng Bình
Du lịch cộng đồng Vân Kiều
Với sản phẩm du lịch này, du khách không chỉ có cơ hội tìm hiểu văn hóa cộng đồng Vân Kiều trên địa bàn huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) mà còn được hòa mình vào vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng Trường Sơn hùng vĩ và khám phá hệ thống hang động kỳ vĩ.
Suối nước nóng Bang
Suối nước nóng Bang (thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) có dòng nước khoáng nóng với nhiệt độ sôi kỷ lục tại Việt Nam trên 105 độ C, là nguồn nước khoáng nóng từ tự nhiên, có nhiều nguyên tố vi lượng quý hiếm có tác dụng dược lý, được các nhà khoa học đánh giá là quý hiếm và rất tốt trong việc chữa trị một số bệnh cho con người.
Sân golf Bảo Ninh – Trường Thịnh
Với địa thế nằm trải dài ven biển, dự án hoạch dự án sân golf 36 lỗ Bảo Ninh Trường Thịnh được tổ chức không gian theo hướng luôn luôn đón gió mát từ biển thổi vào tạo nên một không khí thoải mái, dễ chịu cho các Golfer và khách du lịch khi chơi golf hoặc đi du ngoạn.
Đến đây, chắc hẳn các bạn đã hiểu rõ sản phẩm du lịch gồm những gì? cũng như các mô hình, loại hình du lịch phổ biến nhất hiện nay rồi đúng không? Việt Nam là một quốc gia được Mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng rất nhiều tài nguyên thiên nhiên phù hợp để phát triển du lịch, tuy nhiên hiện nay các tiềm năng đó vẫn chưa được khai thác đúng hướng và đạt được hiệu quả mong muốn. Bằng chứng là trong 90% khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu và chỉ 6% trong số này quay lại (Theo số liệu Hiệp hội Du lịch châu Á – Thái Bình Dương).
Vote điểm bình chọn