Độc đáo mâm cỗ Tết miền Trung
Mâm cơm ngày Tết mang ý nghĩa đoàn viên, cả nhà quây quần sau một năm làm việc, lao động vất vả. Với những người con xa quê, mâm cỗ ngày Tết là lưu giữ chút hương vị quê nhà.
Không chỉ là một bữa cơm bình thường, bữa cơm ngày Tết còn là lúc mọi người cùng nhau chia sẻ những khó khăn, những vui buồn của năm cũ, cùng nhau gửi lời chúc tốt đẹp cho một năm mới sắp đến.
Mục lục bài viết
1. Bánh tét, món ăn truyền thống trên mâm cỗ Tết
Cũng giống như miền Nam, bánh tét là món ăn truyền thống trên mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung. Bánh tét được gói như bánh chưng ở miền Bắc nhưng bánh không gói vuông mà gói thành hình trụ dài bằng lá chuối xanh với nguyên liệu chính là gạo nếp, thịt lợn và đậu xanh. Sau khi luộc, bánh có màu xanh thẫm với mùi hương của nếp cái, đậu xanh hòa quyện với nhau.
Bánh Tét ở miền Trung rất mộc mạc, đơn giản. Chính từ sự đơn giản này mà người ăn có thể cảm nhận rõ hơn vị ngon của từng nguyên liệu. Bánh Tét thường được ăn kèm dưa món. Sau Tết, những đòn bánh Tét thừa thường được rán giòn lên cũng trở thành món ăn được nhiều người yêu thích.
Bánh Tét ở miền Trung có hương vị mộc mạc, đơn giản.
2. Thịt heo ngâm mắm
Đây là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm những ngày Tết của người dân miền Trung. Để chế biến món ăn này, những người nội trợ đảm đang chọn thịt ba chỉ hoặc thịt chân giò, buộc lại thành những đòn như bánh tét luộc chín tới. Sau đó cho thịt luộc vào trong hũ thủy tinh đã được rửa sạch và để khô rồi đổ hỗn hợp nước mắm, giấm và đường vào cho ngập thịt. Thêm vài củ hành nướng sơ qua vào cho thơm, để khoảng 3 ngày là ăn được. Vị đậm đà của món thịt heo nếu kết hợp với dưa món hay cùng bánh tráng thì càng hấp dẫn hơn.
Thịt ngâm nước mắm không đơn giản chỉ là món ăn ngon miệng ngày Tết mà nó còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Thịt ngâm mắm, món ăn đặc trưng trên mâm cỗ Tết miền Trung.
Theo ThS.BS Lê Trịnh Thủy Tiên (Hội Dinh dưỡng Lâm sàng TP. Hồ Chí Minh), thịt heo là món ăn có giá trị dinh dưỡng đa dạng và chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như protein, các vitamin và khoáng chất như: phốt pho, kali, vitamin B6, vitamin B12, kẽm… Đặc biệt, hàm lượng vitamin B trong thịt heo giúp cải thiện chức năng thận, tổng hợp các axit béo, tái tạo hồng cầu và thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng hiệu quả.
Không chỉ vậy, da lợn còn chứa một glycine giúp cơ thể tổng hợp nhiều collagen hơn. Trong khi đó, collagen là chất tốt cho da, tóc và tăng cường sức khỏe xương khớp.
3. Tôm chua
Tôm chua là một đặc sản nổi tiếng và cũng chính là món ăn đặc trưng trong ngày Tết tại vùng đất miền Trung. Các nguyên liệu để làm tôm chua đều là những gia vị có lợi cho sức khỏe như riềng, tỏi, ớt, vị chua từ khế, vị chát từ quả vả cùng các loại rau thơm. Tất cả tạo nên hương vị thơm, ngọt, bùi và có chút chua cay. Tôm chua thường được ăn kèm với thịt ba chỉ, rau sống, chuối xanh thái lát.
Tôm chua, đặc sản vùng đất cố đô.
4. Giò bò
Nếu như ở miền Bắc có giò thủ, ở miền Nam phổ biến giò lụa thì ở miền Trung chính là giò bò. Giò bò có mùi thơm đặc trưng, đầy đủ các vị mặn, ngọt, giòn, dai hòa quyện với mùi tiêu cay nồng để lại dư vị không thể nào quên nếu đã từng được nếm thử. Món ăn này có thể ăn kèm với hành tươi, rau thơm hoặc ăn cùng với bánh tét, bánh mì đều rất ngon.
Thịt bò là nguyên liệu giàu dinh dưỡng, có lợi cho sự phát triển cơ thể. BS. Vũ Đại Dương (Khoa Dinh dưỡng – Trường ĐH Y Hà Nội) cho biết, ngoài lượng chất đạm cao, thịt bò còn cung cấp chất sắt, kẽm và các vitamin B2, B6, B12, tốt cho hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình tái tạo hồng cầu. Chất sắt có trong thịt bò giúp phục hồi nhanh các tế bào máu và cần thiết cho việc cung cấp oxy cho các tế bào trong cơ thể.
5. Bò kho mật mía
Đây là một món ngon truyền thống ngày Tết của miền Trung, nhất là các gia đình xứ Nghệ. Mật mía thơm ngọt vừa được sử dụng làm gia vị, vừa là chất bảo quản tự nhiên giúp món ăn này có thể bảo quản được lâu trong những ngày Tết.
Bò kho mật mía mỗi nhà một cách làm, trong đó có những gia vị không thể thiếu là mật mía và nước mắm ngon, kế đến là ớt, gừng.
Các gia vị còn lại như sả, tiêu, hồi, quế, thảo quả, đinh hương, là bí quyết của từng bà nội trợ.
6. Dưa củ kiệu
Dưa kiệu là món không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung. Muốn làm được dưa kiệu ngon, phải lựa kiệu sẻ vì tuy thời gian ngâm thấm hơi lâu nhưng bù lại sẽ giòn, ngon hơn. Không nên chọn kiệu trâu vì thân to, tròn chứa nhiều nước, khi ngâm mềm, ăn không thơm.
Củ kiệu có vị cay, nóng và tính ấm cùng với các vitamin có lợi cho sức khỏe như vitamin A, D, E, K, B12 có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị cảm cúm hiệu quả. Đồng thời trong củ kiệu cũng chứa những khoáng chất như canxi, sắt, magie có khả năng tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe cho cơ thể.
Trong củ kiệu, đặc biệt là củ kiệu muối chua có chứa axit lactic có tác dụng hỗ trợ làm giảm cholesterol trong máu, giảm mỡ máu, hỗ trợ tăng cường lưu thông máu hiệu quả. Đồng thời chất quercetin có trong củ kiệu làm giảm các bệnh liên quan đến tim mạch, kiểm soát các vi khuẩn có hại cho đường ruột.
Chất béo – “Kẻ thù” trong mâm cỗ Tết của người bệnh cao huyết áp
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cách chọn măng khô không hóa chất, an toàn cho sức khỏe ngày Tết.