Độc đáo sắc màu văn hóa người Dao ở Ba Chẽ

Dân tộc Dao ở huyện miền núi Ba Chẽ sở hữu một kho tàng văn hóa đa dạng, độc đáo. Sắc màu văn hóa như một bức tranh thổ cẩm đan xen, tạo ra nét hấp dẫn riêng đối với du khách cũng như những nhà nghiên cứu văn hóa.

Ba Chẽ có tổng số 14 dân tộc, 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó người Dao có 3 nhóm: Thanh Y, Thanh Phán, Lô Gang, hiện chiếm 45,2% dân số huyện. Bên cạnh những nét văn hóa chung, mỗi nhóm người Dao có những bản sắc riêng, góp phần làm phong phú bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam.


Phụ nữ Dao Thanh Y huyện Ba Chẽ thêu trang phục truyền thống trước hiên nhà.

Người Dao Thanh Phán thường cư trú ở những nơi vùng núi cao, có khí hậu mát mẻ trong lành, nguồn đất và nguồn nước dồi dào. Ở Ba Chẽ, người Dao Thanh Phán cư trú ở các thôn: Khe Giấy, Khe Nà, Bãi Liêu, Đồng Cầu (xã Lương Mông); Đồng Quánh (xã Minh Cầm); Đồng Dằm (xã Đạp Thanh); Khe Nà, Thành Công (xã Thanh Sơn); Nước Đừng, Tàu Tiên, Nam Kim, Pắc Cáy, Lang Cang, Khe Vang, Nà Bắp, Khe Mằn, Làng Cổng, Nà Làng, Khe Mười (xã Đồn Đạc).


Lễ rước dâu của người Dao Thanh Phán huyện Ba Chẽ.

Đối với dân tộc Dao, nghi lễ cấp sắc, còn gọi là lễ đặt tên âm cho người con trai đã trưởng thành, vô cùng quan trọng. Đây là lễ công nhận người đàn ông chính thức, là con cháu Bàn Vương – Thủy Tổ của người Dao. Người Dao tin rằng, con người ta khi chết mà chưa được cấp sắc thì bị coi là ô uế, là người ngoài họ, không được về với tổ tiên, không là con cháu của Bàn Vương, chưa được nhận là tín đồ của Đạo giáo. Chỉ những người nào được cấp sắc mới được xã hội coi là người lớn. Người chưa được cấp sắc dù tuổi có già cả như thế nào đi nữa vẫn bị coi là trẻ con.


Phụ nữ Dao Thanh Phán (thôn Khe Vang, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) quây quần bên bếp lửa ngày xuân.

Người Dao có lòng tin sâu sắc rằng được cấp sắc thì làm ăn mới được may mắn, sinh hoạt mọi mặt mới được thuận lợi, dòng họ dân tộc mới phát triển. Khi đó, người con trai phải trải qua 2 nghi lễ: Lễ đặt tên – phằn bủa (khai sinh tên âm), quy định độ tuổi từ 12 trở lên; lễ cấp sắc (được cấp âm binh), thường là người đã có vợ. Tùy từng điều kiện gia đình và theo thứ bậc trong gia đình từ trên xuống dưới, trong một lễ cấp sắc, tối đa chỉ được 2 người đặt tên, 1 người cấp sắc.

Trước kia lễ cấp sắc diễn ra 3 ngày 3 đêm, ngày nay thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, lễ cấp sắc giảm chỉ còn 2 ngày 2 đêm. Lễ cấp sắc thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người, góp phần thắt chặt tình đoàn kết anh em, dòng họ, làng bản và duy trì truyền thống giáo dục trong cộng đồng người Dao.

Lễ cấp sắc có quy mô gia đình, dòng họ; Lễ hội Bàn Vương có quy mô lớn hơn ở cấp bản làng, dân tộc. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn Bàn Vương đã đưa con cháu mình đi tìm vùng đất mới. Khác với người Dao ở các huyện, thị khác trong tỉnh, thường chỉ sống ở trên đồi cao và thông thạo việc rừng; người Dao ở Ba Chẽ lại thông thạo việc sông nước, cuộc sống của họ bám theo con sông Ba Chẽ.

Trong Lễ hội Bàn Vương, hành trình vượt biển (khảm hải) của cha ông người Dao xưa được tái hiện trên sông Ba Chẽ. Bắt đầu từ bến thuyền khu vực Miếu Ông (thôn Cái Gian, xã Nam Sơn), người Dao sẽ đi thuyền theo đường sông đến miếu Bàn Vương (thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn). Theo truyền thuyết, người Dao có 12 họ cùng di cư đến các vùng đất mới để tìm cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc, dựng xây các bản làng Ba Chẽ hôm nay.


Thi đẩy gậy tại Lễ hội Bàn Vương huyện Ba Chẽ năm 2022.

Độc đáo và huyền bí nhất là nghi lễ nhảy lửa của người Dao ở Ba Chẽ. Nửa đêm, các nghệ nhân nhảy lửa ngồi gần đống củi to (củi quế hoặc lim) được đốt cháy thành than đỏ rực. Sau đó, thầy cúng vãi gạo vào các nghệ nhân. Khi được thần linh chấp nhận, các nghệ nhân bắt đầu rung người mạnh, đôi chân trần nhảy lò cò vào đống than hồng tung lên kèm theo điệu trống rộn rã, làm cho khung cảnh trở lên huyền bí, linh thiêng. Điều kỳ lạ chân của các nghệ nhân không hề bị bỏng, gây sự tò mò đối với người xem, hiện vẫn chưa thể giải thích được.

Người Dao ở Ba Chẽ rất coi trọng các vị thần linh: Thần lửa, thần rừng, thần nước, thần núi. Trong đó, thần lửa đem lại cho họ sức mạnh, sự tự tin và dũng cảm trong quá trình chinh phục tự nhiên. Trong nghi thức nhảy lửa, trống đánh rộn ràng, cầm trống làm từ cây gù hương, mặt trống làm từ da con sơn dương. Lễ vật cúng gồm 1 con gà trống, 5 chén rượu, 5 chén chè, 1 bát gạo được bọc trong 1 mảnh vải trắng, 1 thanh kiếm.


Lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán thôn Khe Vang (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ).

Từ bao đời nay phụ nữ dân tộc Dao đều coi trọng trong việc ăn mặc, cách chọn hoa văn thêu lên trang phục thể hiện những khát vọng sống, tâm tư và tình cảm của người thêu. Trang phục của người Dao được đồng bào gìn giữ và mặc trong đời sống hằng ngày, nhất là nữ giới.

Điểm đặc biệt trong trang phục nữ Dao Thanh Phán là hoa văn được thêu tay khá cầu kỳ và đặc sắc, điều này thể hiện trình độ thẩm mỹ cũng như trí tuệ. Mỗi khi nông nhàn, phụ nữ Dao lại tranh thủ thêu hoa văn trên bộ trang phục của mình. Các họa tiết thêu không theo mẫu in sẵn mà được thực hiện thành thục bằng sự khéo léo và trí nhớ, nổi trội hơn cả là họa tiết hình chân chó, đây là biểu tượng Bàn Vương (long khuyển, con chó mình rồng). Họ thêu với một quan niệm rằng tổ tiên luôn đi theo để phù hộ, tránh mọi tai ương, bất trắc.

Bên cạnh đó, các họa tiết hoa văn phản ánh đời sống văn hóa của người Dao: Hình lưỡi bừa, con đường, con chim, súng, ruột chó, cây sâm, mặt trời, con người, cầu vồng, cây hẹ, hoa đậu đũa, hạt dưa nương, lá cây… Mỗi bộ quần áo thường được thêu tỉ mỉ suốt vài tháng, có khi cả năm mới hoàn thành.

Trang phục nữ Dao Thanh Phán ở Ba Chẽ gồm áo, quần dài, mũ đội đầu, dây lưng: Áo dài màu đen, ống tay rộng, cửa tay áo nẹp vải đỏ; phía sau thân áo có thêu hoa văn; nẹp thân áo đáp vải in hoa hoặc thêu hoa văn; khi mặc áo vắt thân bên phải qua thân bên trái rồi buộc dây lưng ra ngoài. Quần màu đen, thắt chun, dài đến mắt cá chân, cắt theo kiểu bổ đũng ống quần, gấu quần có thêu hoa văn công phu. Gấu quần thường thêu trước, khi may quần thì chắp thêm vào, cạp chun.

Khăn đội đầu là một mảnh vải dài hình chữ nhật màu chàm hoặc màu xanh vấn trên đầu, ̣khác với người Dao Thanh Phán ở Tiên Yên, Bình Liêu thường đội mũ cao. Đi cùng với khăn là dây hạt cườm cườm quấn từ đỉnh đầu đến cằm; dây lưng màu đỏ hoặc màu xanh quấn qua vòng eo thắt nút đằng sau. Trang phục nam gồm có áo ngắn màu đen, hai bên thân áo có may túi theo lối của người Hoa với cổ áo cao, nẹp ngực to, đính nhiều khuy được tết bằng vải. Áo thêu hoa văn hình con chim, cỏ cây hoa lá. Quần may bằng vải nhuộm chàm, theo kiểu cạp lá tọa, cạp chun, ống rộng, chỉ dài trên mắt cá chân.

Chị em phụ nữ người Dao Thanh Phán thôn Thành Công, xã Thanh Sơn, Ba Chẽ đang thêu hoa văn trên gấu quần và tách hạt ngô.
Phụ nữ Dao Thanh Phán (thôn Thành Công, xã Thanh Sơn, Ba Chẽ) thêu hoa văn trên gấu quần và tách hạt ngô.
Khi thiếu nữ đã thêu đủ áo quần rồi thì mới được lập gia đình. Điểm khác biệt với tộc người khác là lễ cưới, trai gái muốn lấy được nhau phải so tuổi, xem sách rất kỹ. Ngày cưới, thầy cúng răn dạy cho đôi vợ chồng trẻ những điều hay lẽ phải, như phải biết kính trên nhường dưới, lễ phép, giữ gìn hạnh phúc gia đình, biết cách làm ăn…

Phụ nữ Dao phải diện trang phục truyền thống đến dự lễ cưới. Cô dâu nổi bật với trang phục gồm mũ có đính nhiều tua chỉ màu sắc sặc sỡ trùm kín lên chiếc nón và những đường thêu hoa văn thổ cẩm tinh xảo. Lễ cưới có 2 phù dâu, 1 phù rể. Đám cưới là một trong những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Dao, trong đó chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử và giáo dục gia đình.


Tiết mục của đoàn Quảng Ninh tại Ngày hội Văn hóa Dao toàn quốc lần thứ II, năm 2022, tổ chức ở tỉnh Thái Nguyên.

Một nét văn hóa đặc trưng của người Dao Thanh Phán là tục lệ đón Tết sớm, từ 15 tháng Chạp. Tất cả họ hàng trong dòng tộc tổ chức ăn Tết tại nhà lớn (Nhà Tổ). Tết Nguyên đán cũng là dịp để con cháu tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho dòng họ một năm mạnh khỏe, bình an, làm ăn thuận lợi.

Ngày Tết, nhà người Dao sắm lễ cúng gia tiên. Một mâm cỗ tết của người Dao Thanh Y bắt buộc phải có 1 con gà, 1 xâu gan, 2 xâu thịt lợn, 1 bát ốc, 3 chén rượu, bánh gù, bánh bột.

Thông thường mâm cỗ gia tiên của người Dao Thanh Phán gồm có 6 con gà mái, 1 con gà trống (nếu đối với người nhập đồng, lễ tạ ơn thêm 1 con gà trống), thịt lợn, bánh trưng, rượu. Sau khi ăn Tết tại nhà lớn, các gia đình trong gia tộc mới ăn Tết tại nhà riêng. Lễ Tết của người Dao mang ý nghĩa sâu sắc đó là nâng cao tình đoàn kết trong dòng họ và phát huy truyền thống, nhớ ơn tổ tiên.


Triển lãm dân tộc Dao Quảng Ninh tại Ngày hội Văn hóa Dao toàn quốc lần thứ II, năm 2022. Ảnh: Sở VH-TT

Người Dao không cúng một lễ chung tất cả ông bà tổ tiên mà cúng từng người một. Trong dòng họ, có bao nhiêu người quá cố thì cúng chừng ấy ngày. Mỗi người được cúng 1 ngày, lần lượt từ người lớn tuổi đến người ít tuổi nhất. Mùng 1 Tết chỉ mừng tuổi người già, con cháu sống trong ngôi nhà mình, kiêng mừng tuổi người sống khác nhà, bởi đồng bào quan niệm đồng tiền hôm đó là lộc, với người trong nhà thì lộc không mất đi đâu hết. Từ mùng 2 Tết mới mừng tuổi người già và trẻ con ở nhà khác. Người Dao cũng có tục xin chữ cầu may, nhưng không phải xin chữ thầy đồ, mà là thầy mo trong làng.

Các thầy mo thường tổ chức cho chữ đầu xuân và dạy chữ Nho cho con trẻ. Họ dán nhiều câu đối lên cột nhà hay trên vách tường để đón mừng xuân mới. Phụ nữ thì truyền dạy cho các bé gái kỹ thuật thêu thùa chuẩn bị cho hội làng. Từ sáng mùng 1 Tết, việc đầu tiên phụ nữ Dao làm là cho lợn, gà ăn; còn người đàn ông sẽ mang 3 hạt giống đi trồng ở vườn, sau đó đến nhà thầy mo xin lộc cho gia đình, rồi mới đi chúc Tết ông bà, bố mẹ, họ hàng, bạn bè. Đầu xuân năm mới, các bản làng người Dao rộn ràng bởi hội thi giã bánh giày, làm bánh bột đường, bánh chưng, kéo co, đi cà kheo, ném còn, hát giao duyên của trai gái.


Thi ẩm thực của người Dao Lô Gang tại Lễ hội Bàn Vương huyện Ba Chẽ năm 2022.

Hát dân ca của người Dao rất phong phú, mang âm hưởng đặc sắc của diễn xướng dân gian, là một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người Dao ở Ba Chẽ. Hát dân ca được chia thành hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, nhưng hát đối đáp là thông dụng hơn. Hát đối đáp thường áp dụng khi làm quen, tìm hiểu nhau, chia làm hai bên, nam, nữ (tối thiểu mỗi bên 1 người), là phương tiện chuyển tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày, gồm các bài hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, lao động, sản xuất…

Hát đối được dùng trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới… với nội dung đề cập đến sinh hoạt, đời sống của người dân. Đúng như tên gọi của nó, hát đối là hình thức đối đáp giữa một nhóm nam và một nhóm nữ, để bày tỏ tình yêu nam nữ. Lời ca trong hát giao duyên của người Dao Thanh Y thường mộc mạc, giản dị, nhưng ẩn chứa nhiều tình cảm sâu lắng, nhất là khi trai gái hát tìm bạn. Thông qua hát đối, đã có nhiều đôi trai gái nên vợ, nên chồng… Vì vậy, hát đối có một ý nghĩa quan trọng, nó như một sợi dây vô hình kết nối giữa các nhóm người có thể chưa hề quen biết với nhau.

Hát đối mang nặng âm hưởng dân ca, khi điệu đối cất lên, không cần nhạc cụ hay điệu múa đi kèm. Người hát có thể hát bất cứ lúc nào, địa điểm nào, chỉ cần có người để hát đối là có thể hát cùng. Vì vậy, hát đối được ví như tiếng hát chân tình, nguồn suối mát lành trong tâm hồn của dân tộc Dao nơi đây. Có lẽ vì thế, người Dao ở Ba Chẽ trước đây hầu hết ai cũng biết hát đối.


Tiết mục hát đối của 2 nghệ nhân Triệu Thị Phương và Triệu Tắc Dảu (đoàn Quảng Ninh) tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II, năm 2022.

Tuy nhiên, theo thời gian, hát đối dần bị mai một. Nhằm bảo tồn làn điệu truyền thống, huyện Ba Chẽ đã vận động thành lập nhiều CLB hát đối của dân tộc Dao Thanh Y tại xã Nam Sơn, hát đối của dân tộc Dao Thanh Phán tại xã Đồn Đạc. Huyện xây dựng Đề án phát triển du lịch Ba Chẽ; Đề án bảo tồn phục dựng văn hóa đồng bào Dao Thanh Phán, Thanh Y trên địa bàn. Bước đầu, là cử đại diện của các thôn, làng, xã đi học tập mô hình phát triển du lịch cộng đồng, từng bước xây dựng một đội ngũ hạt nhân văn nghệ, nghệ nhân dân gian.

Các CLB hát đối duy trì sinh hoạt đều đặn; biểu diễn tại các dịp cưới hỏi, lễ cấp sắc, hội làng, lễ hội ở miếu Ông – miếu Bà, Hội Trà hoa vàng, Lễ hội Bàn Vương. Hoạt động của các CLB góp phần quan trọng bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, tạo nên sự phong phú, đa dạng. Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ba Chẽ, cho biết: “Cùng với thành lập, duy trì và phát triển các CLB, chúng tôi tổ chức cho người dân và thành viên các CLB sân khấu hóa các tiết mục để giao lưu biểu diễn trong và ngoài tỉnh. Từ đó mang lời ca, tiếng hát của dân tộc mình, của quê hương Ba Chẽ lan tỏa hơn trong đời sống xã hội”.

Đến với Ba Chẽ, không chỉ được nghe hát, du khách được cảm nhận những sắc màu văn hóa dân tộc, trong đó có nét văn hóa độc đáo của người Dao. Đó là một trong những tộc người còn lưu giữ bản sắc rất riêng trong vườn hoa sắc màu văn hóa dân tộc ở vùng miền núi Đông Bắc; mãi là viên ngọc quý tỏa sáng trong kho tàng di sản văn hóa mà cha ông ta đã dày công gìn giữ từ bao đời nay, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.