Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực học sinh

Việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, khích lệ phát triển năng lực học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo mục tiêu giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Đồng thời với việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, ngành GD và ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục (CSGD) đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh, tập trung vào các định hướng: Chuyển từ chủ yếu đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học (chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức,… sang đánh giá năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo; trong đánh giá thành tích học tập không chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà chú ý cả quá trình học tập). Bám sát mục tiêu cần đạt của từng môn học (về kiến thức, kỹ năng, thái độ của học sinh của cấp học); chuyển từ chủ yếu đánh giá kết quả học tập cuối môn học, khóa học (đánh giá tổng kết) nhằm mục đích xếp hạng, phân loại sang sử dụng các hình thức đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ sau từng chủ đề, từng chương nhằm mục đích phản hồi điều chỉnh quá trình dạy học (đánh giá quá trình); Áp dụng các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá khác nhau: Viết, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan…

Cô và trò Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) trong một giờ học.

Cô và trò Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) trong một giờ học.

Để đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá, Sở GD và ĐT chỉ đạo các Phòng GD và ĐT, các trường học thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và nhiệm vụ về đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo định hướng tiếp cận năng lực; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông trong việc đổi mới công tác kiểm tra đánh giá học sinh. Căn cứ lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 đã đề ra, từ năm học 2020-2021 đến nay các CSGD thực hiện Chương trình GDPT 2018 đã nghiêm túc triển khai thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT đối với lớp 1, lớp 2; Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT đối với lớp 6. Các trường đã tổ chức nghiên cứu, so sánh điểm mới của Thông tư 27 và Thông tư 22/TT-BGDĐT để áp dụng thực hiện đúng. Giáo viên chú trọng đánh giá thường xuyên; ra đề kiểm tra định kỳ, đảm bảo kiến thức theo yêu cầu cần đạt của chương trình, các câu hỏi, bài tập đảm bảo các mức độ theo yêu cầu, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, có sự phân hoá đối tượng. Nhiều giáo viên đã kết hợp tốt các lực lượng tham gia đánh giá (giáo viên, học sinh, phụ huynh); cập nhật thông tin học sinh, tổng hợp kết quả đánh giá, in học bạ qua phần mềm quản lý nhà trường… Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực học sinh các trường tiểu học đã giúp các em tự tin hơn, mạnh dạn hơn khi tham gia các hoạt động học tập và rèn luyện ở lớp, ở trường. Phần lớn học sinh cả 2 khối lớp 1 và 2 thực hiện tốt và đạt “năng lực cốt lõi” (năng lực chung (gồm: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực đặc thù (ngôn ngữ, tính toán, khoa học, thẩm mỹ, thể chất) và “phẩm chất chủ yếu” (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm). Qua thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 27, các trường tiểu học đã bước đầu vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phương pháp đánh giá… vào thực tiễn. 

Ở khối THCS, các trường thực hiện nghiêm túc việc đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh lớp 6 theo Thông tư số 22 đảm bảo khách quan, công tâm, đánh giá đúng phẩm chất và năng lực học sinh. Để đổi mới kiểm tra, đánh giá, giáo viên trong quá trình tổ chức dạy học lớp 6 đã được tập huấn, bồi dưỡng các phương pháp dạy học (mô-đun 2) và năng lực và kiểm tra, đánh giá (mô-đun 3) theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực; được tập huấn sử dụng sách giáo khoa (SGK) lớp 6, trong đó chú trọng việc tổ chức dạy học các môn mới như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; các trường, cụm trường tăng cường hội thảo, dự giờ, kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho giáo viên trong quá trình dạy học theo SGK mới. Sở GD và ĐT tổ chức hội thảo chuyên môn để trao đổi kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình. Cán bộ, giáo viên các trường tích cực tham gia các lớp tập huấn; sinh hoạt chuyên môn; dạy học bám sát từng đối tượng học sinh; chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh trình bày, thảo luận, luyện tập, thực hành, bảo vệ kết quả học tập của mình; giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng; tăng cường các hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường nhằm phát huy tính sáng tạo cho học sinh, tạo ra các môi trường khác nhau để học sinh được trải nghiệm nhiều nhất; nhiều trường được đầu tư thiết bị dạy học phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Năm học 2021-2022, đánh giá học sinh khối 6 trong tỉnh về rèn luyện 86,18% học sinh có kết quả Tốt; 12,14% kết quả Khá; 1,66% kết quả Đạt. Về học tập, 24,94% học sinh có kết quả Tốt, 41,45% học sinh có kết quả Khá, 30,54% học sinh Đạt.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá đúng dịp dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các trường phải thực hiện linh hoạt các hình thức dạy học; ở khối lớp 6, đa số các trường chưa có giáo viên dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật; nhiều thiết bị dạy học chuyên sâu của môn học theo Chương trình GDPT 2018 còn thiếu… nên việc thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực còn hạn chế. Ở một số đơn vị, giáo viên chưa thực hiện đa dạng các hình thức kiểm tra đánh giá (chưa chú ý đánh giá học sinh thông qua sản phẩm, hồ sơ học tập của học sinh, chưa kết hợp giữa đánh giá thường xuyên kết quả và đánh giá quá trình rèn luyện, học tập của học sinh)…

Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá đã góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả giảng dạy của giáo viên và phát triển năng lực học tập của học sinh. Để khắc phục tồn tại, thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá, trong năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo, ngành GD và ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới. Chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để triển khai thực hiện theo lộ trình; thực hiện chương trình từng môn học/hoạt động giáo dục và kế hoạch giáo dục nhà trường chủ động, sáng tạo, linh hoạt./.

Bài và ảnh: Minh thuận