Đồng bào dân tộc Cống vui Tết hoa mào gà | 54 dân tộc Việt Nam | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Mục lục bài viết
Đồng bào dân tộc Cống vui Tết hoa mào gà
Hằng năm, vào dịp tháng 10 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, đồng bào dân tộc Cống ở bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) lại rộn ràng đón Tết Hoa. Tết Hoa hay còn gọi là Tết hoa mào gà (Mền loóng phạt ái) là Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Cống nhằm cầu mong cho một năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng tươi tốt.
Ngày Tết là dịp để đồng bào dân tộc Cống diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Đến Lả Chà trong những ngày Tết Hoa, con đường vào bản ngập tràn trong sắc hoa mào gà. Những cây hoa mào gà được người dân trồng hai bên đường ở khắp các lối đi trong bản. Những em nhỏ tung tăng cùng bố mẹ lên nương hái những bông hoa mào gà đẹp nhất, cuộn thành bó mang về trang trí khuôn viên trong nhà để đón Tết. Phụ nữ Cống cùng nhau quây quần Tết hoa mào gà thành những vòng hoa đội đầu đẹp mắt để chơi Tết; những người đàn ông lại tất bật với công việc thịt lợn, thịt gà để chuẩn bị cho mâm cỗ Tết.
Các chàng trai trong bản thịt lợn để ăn Tết. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Trong ngày Tết Hoa, người dân tộc Cống được dịp để mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc đẹp nhất mà thường ngày với công việc mùa màng, đồng áng họ rất ít khi mặc. Bản làng nhộn nhịp, rộn ràng hơn với những khuôn mặt háo hức, những tiếng nói cười phấn khởi của người dân Lả Chà trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Người chủ trì lễ cúng trong ngày Tết Hoa là già làng, người có uy tín được bà con trong bản kính trọng và cũng chính là thầy cúng trong phần lễ. Trước đó khoảng 1 tuần, thầy cúng chọn ngày lành, tháng tốt (tránh ngày mất, chôn cất của những người quá cố trong bản) để tổ chức Tết. Sáng sớm diễn ra ngày Tết, người dân trong bản mang hoa mào gà đến nhà thầy cúng và cùng nhau trang trí hoa từ gốc tới ngọn trên một cây tre cao tới sát nóc được dựng ở giữa nhà. Hoa mào gà theo quan niệm của người Cống là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Tại nhà thầy cúng, các gia đình sẽ mang lễ vật với sóc, gà, rượu, củ quả bày lên mâm cúng để thầy cúng làm lễ mời gọi thần linh, tổ tiên về dự Tết. Lễ cúng được diễn ra trong khoảng thời gian từ 15 -17 giờ với nhiều nghi thức độc đáo.
Thầy cúng của bản thực hiện nghi lễ cúng trong ngày Tết. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Ông Lù Văn Chanh, thầy cúng bản Lả Chà, xã Pa Tần cho biết: Nghi thức cúng trong ngày Tết Hoa nhằm báo cáo tình hình sức khỏe, mùa màng của người dân trong bản với tổ tiên, thần linh. Qua đó, bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, các thần thổ địa nơi đồng bào dân tộc Cống sinh sống đã phù hộ cho bà con trong bản sức khỏe, mùa màng tốt tươi đồng thời xin thần linh, tổ tiên những điều tốt đẹp trong dịp năm mới.
Sau lễ cúng, thầy cúng nâng chén rượu chúc mừng mọi người sang năm mới những điều tốt đẹp nhất. Mọi người quây quần uống rượu cần và phá cỗ Tết tại nhà già làng rồi ai về nhà nấy để thực hiện nghi lễ Tết tại nhà mình và chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên, sau đó đến nhà bà con, hàng xóm đến chúc Tết.
Nghi thức điểm chỉ, thầy cúng dùng tiết gà đánh dấu lên trán cho trẻ nhỏ để cầu xin thần linh phù hộ một năm mới không ốm đau, bệnh tật. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Sau mâm cỗ Tết thịnh soạn, đến khoảng 7 giờ tối, họ tập trung cùng nhau vui hội với những tiếng hát, điệu xòe, cùng nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản mường bước sang năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở như những trận mưa hạt giống này. Sáng sớm ngày hôm sau, bà con trong bản tập trung ra nhà văn hóa để tham gia các trò chơi dân gian như kéo có, cà kheo, cù quay… Các trò chơi diễn ra sôi nổi trong sự cổ vũ nhiệt tình của bà con dân bản.
Ông Lò Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần cho biết: Người Cống là một trong 6 dân tộc sinh sống trên địa bàn xã Pa Tần, sống tập trung tại bản Lả Chà với 82 hộ, hơn 400 nhân khẩu. Người Cống canh tác chủ yếu trên nương rẫy và ruộng nước. Đời sống tinh thần của người Cống khá phong phú thông qua trang phục, các phong tục tập quán, lễ hội Tết Hoa, cúng bản, cúng tổ tiên, nhà mới,…Trong đó, Tết Hoa là nghi lễ độc đáo và quan trọng nhất của đồng bào người Cống. Theo tổ tiên người Cống lưu truyền, nếu Tết Hoa chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát. Tết Hoa là nghi lễ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứa đựng những yếu tố văn hóa tích cực gắn với xã hội của người Cống, phản ánh sinh động đời sống và bản sắc người dân tộc Cống.
Đồ cúng ngày Tết Hoa mào gà. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Để bảo tồn, phát huy giá trị Tết Hoa trong cộng đồng người Cống, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu, lưu giữ những nghi thức của Tết Hoa nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp; nâng cao ý thức bảo tồn, giữ gìn và phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc Cống ở Pa Tần.
Tại tỉnh Điện Biên, đồng bào dân tộc Cống sinh sống ở bản xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ), Pa Thơm (huyện Điện Biên) và Nậm Kè (huyện Mường Nhé). Trong những năm qua, đồng bào dân tộc Cống ở Điện Biên đã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước về các dự án như 30a, 135, nông thôn mới và dự án bảo tồn dân tộc Cống. Diện mạo bản làng dân tộc Cống ngày một đổi thay, cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao về vật chất và tinh thần.
Người dân trong bản chơi cù quay trong ngày Tết. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Tết Hoa là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời, tiêu biểu nhất và là nhu cầu tâm linh không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Cống ở Điện Biên. Tết hoa mào gà cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.
Xuân Tư