Đồng Nai có gì?

Đồng Nai là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ Việt Nam. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và các điểm du lịch có tiềm năng. Bên cạnh đó, Đồng Nai nổi tiếng vì là nơi có nhiều khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với cảnh quan tuyệt vời. Đồng Nai có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm danh lam thắng cảnh đẹp tại Đồng Nai trong bài viết sau đây nhé.

2

Quần thể đá chồng Định Quán – Đồng Nai

Cách ngã ba Dầu Giây – điểm khởi đầu của quốc lộ 20 đi Đà Lạt khoảng 50 cây số, có một quần thể đá tạo dáng đẹp đẽ, kỳ lạ ven lộ. Đó là khu danh thắng Đá Chồng. Quần thể Đá Chồng Định Quán nằm giữa khu dân cư sầm uất thuộc thị trấn Định Quán.

Quần thể đá chồng Định Quán - Đồng NaiQuần thể đá chồng Định Quán - Đồng Nai

Nổi bật trong quần thể đá là ba cụm đá gồm hòn Ba Chồng, núi Đá Voi, hòn Dĩa. Hòn Ba chồng là tên gọi dân gian chỉ về ba hòn đá nằm chồng lên nhau khá chông chênh, độ cao hơn 36 mét so với mặt đường, Hòn đá phía dưới cùng lớn gấp hai hòn nằm trên, hòn trên cùng thì nằm chìa ra phần cửa ngoài bên dưới chừng như muốn đổ xuống bất kỳ lúc nào. Hình thù kỳ lạ này đã làm ngạc nhiên biết bao khách tham quan dừng chân lại khu thắng cảnh.

Về phía tây bắc của quần thể Đá Chồng là hòn như hình dáng một chiếc Dĩa to. Nó được tạo dáng hình chữ nhật không đều, một đầu to, một đầu nhỏ nhưng nằm trên một tảng đá nhỏ hơn rất nhiều với độ cao hơn 43 mét so với mặt đất. Cụm núi có nhiều đá tảng công kênh vào nhau, lại thêm cây cối mọc um tùm tạo nên những hang động đầy vẻ huyền bí, tựa như cây và đá tìm mọi cách để vươn lên để tìm hơi thở sinh tồn. Núi Đá Voi nhân dân còn gọi là núi Bạch Tương, nằm về phía tây nam của khu thắng cảnh, sau chùa Thiện Chơn 10 mét. Cụm đá có hình như 2 con voi lớn nằm cạnh nhau. Trên đỉnh của hòn đá gọi lá Voi Đực có tượng Phật Thích Ca khổng lồ nhìn về hướng đông được xây và đặt vào những năm đầu của thập niên 70. Hòn đá kế bên gọi là Voi Cái. Dưới chân của Voi Đực có hang Bạch Hổ với tích tương truyền trong nhân dân địa phương rằng: Xưa kia, khi rừng rậm còn nhiều, có một cặp hổ trắng về ẩn tại núi Đá Voi. Điều kỳ lạ là cặp chúa sơn lâm này không bắt người ăn thịt mà thường xuống nghe tụng kinh ở chùa Thiện Chơn. Sau này rừng bị phá dần, cặp hổ bỏ đi, nhân dân cho là hổ thần nên đặt là hang Bạch Hổ. Từ hang Bạch Hổ, bàn tay con người tạo nên một hành lang tam cấp uốn theo núi Đá Voi để khách đến tham quan dễ dàng đi lên đỉnh của Đá Voi đực đến với tượng Phật, phóng tầm nhìn toàn cảnh của khu danh thắng.

Được thiên nhiên tạo dáng, mặc cho sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian, những tượng đá hoa cương trong quần thể Đá Chồng Định Quán vẫn sừng sững như thi gan, vươn mình kiêu hãnh dưới mưa nắng. Hằn lên trên đá, những dây leo, cây cối, những vệt dài in dấu của dòng nước chảy từ đỉnh xuống chân mỗi khi trời đổ mưa như tô điểm thêm sức sống mãnh liệt, cái chất phong trần của đá.

Trong khu vực của quần thể Đá Chồng các nhà khảo cổ học, bảo tàng học… quần thể Đá Chồng Định Quán còn là nơi lưu lại các dấu tích của cuộc sống người tiền sử. Tại đây, dưới các mái đá, ven các khe suối và cả các sườn dốc ven thung lũng con người nay đã phát hiện nhiều công cụ sản xuất, sinh hoạt của người xưa bằng đá, đồng, đất nung. Quần thể Đá chồng Định Quán được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích thắng cảnh cấp quốc gia theo số quyết định 1288/VH-QĐ ngày 16/11/1988.

3

Núi Chứa Chan – Đồng Nai

Núi Chứa Chan thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, có độ cao khoảng 837 so với mặt biển; diện tích khoảng 14.000 ha; phía bắc giáp xã Xuân Thành; phía nam giáp xã Suối Cát; phía đông giáp thị trấn Gia Ray; phía tây giáp xã Xuân Thọ. Núi có diện tích khoảng 1.400ha.

Núi Chứa Chan - Đồng NaiNúi Chứa Chan - Đồng Nai

Núi Chứa Chan là nơi phát nguyên nhiều con suối chảy ra bốn hướng: phía đông có suối Gia Ui, phía tây có suối Gia Miên, phía nam có suối Gia Liêu, phía bắc có suối Gia Lào, nước trong quanh năm, không bao giờ cạn. Các hốc đá trên dòng chảy của suối có nguồn nước mát lạnh mà người dân địa phương hay gọi là giếng tiên.

Trên núi có bốn ngôi chùa. Ngôi chùa ở vị trí cao nhất trong quả núi có tên Bửu Quang. Chùa tọa lạc ở độ cao 660m nằm giữa lưng chừng núi, lưng dựa vào vách núi, mặt chính quay về hướng đông. Chùa được khai sơn đầu thế kỷ XX với sự kiến tạo theo hình thể Hàm Rồng trên một hang đá. Trong quần thể kiến trúc chùa Bửu Quang còn lưu lại vết tích chùa cổ xây bằng đất sét. Có lẽ, đây là dấu tích của ngôi chùa cổ do Hòa thượng Ngộ Chân khai sơn được nhắc đến trong một số sử sách – Đại nam nhất thống chí thời Nguyễn. Tương truyền, khi nhà sư Ngộ Chân hóa xác vân du, người dân địa phương lấp kín cửa động để nhó về một con người đắc đạo, lưu tồn di tích Phật nơi miền sơn cước. Xung quanh chùa có nhiều địa điểm gắn liền với các huyền tích thơi khai mở và nhiều tảng đá lớn tạo dáng kỳ thú. Chuyện đôi hổ thần mỗi đêm về nghe kinh kế, chuyện Tam vị tướng quân ứng hộ phò dân lành hay ông Tiên Rao pháp thuật thần thông, sái đậu thành binh…càng làm tăng thêm sự kỳ bí của ngọn núi, chùa thiêng.

Núi Chứa Chan còn lưu nhiều dấu tích của lịch sử. Trước đây, quanh núi có nhiều buôn của người Chơro, Mạ sinh sống. Về sau, các nhóm di dân Mạ, Chăm cũng đến khai khẩn, lập làng. Người Pháp trong thời kỳ khia thác thuộc địa đã xây một hồ nước trên quần thể đá lớn của núi phía Gia Ray. Trên đỉnh núi tương đối bằng phẳng có ngôi nhà nghỉ của Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ. Năm 1972, quân đội Mỹ thiết kế một cứ điểm ra đa trên đỉnh núi. Trước năm 1975, nhiều nhân hào, thi sĩ địa phương vận động xây dựng một lâm viên tại núi Chứa Chan nhưng bất thành. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lực lượng cách mạng Biên Hòa – Đồng Nai, Xuân Lộc đã chọn núi Chứa Chan làm căn cứu cách mạng.

Từ dưới chân núi có một con đường gần 4 km tam cấp theo triền núi hình xoáy dẫn lên chùa Bửu Quang. Từ trên chùa Bửu Quang, phóng tầm nhìn phía chân núi chiêm ngưỡng được cảnh thiên nhiên hữu tình. Hằng năm, vào ngày rằm tháng giêng, chùa Bửu Quang thu hút đông đảo du khách từ các nơi hành hương, tạo nên một lễ hội độc đáo trên vùng đất Xuân Lộc.

Di tích núi Chứa Chan được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích theo quyết định số 1687/QĐ ngày 17/6/2009.

4

Hồ Núi Le – Đồng Nai

Hồ núi Le thuộc thị trấn Sông Ray, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai có diện tích khá lớn với gần 90 ha mặt nước, là nơi quy tụ nguồn nước từ nhiều con suối. Được thiên nhiên ban tặng với phong cảnh hữu tình, bãi cát dài và mặt nước phẳng sát bên núi Le.

Hồ Núi Le - Đồng NaiHồ Núi Le - Đồng Nai

Là địa điểm để các nhà nghiên cứu khoa học tìm hiểu về sự hình thành nguồn nước, thổ nhưỡng, địa chất, hệ sinh thái, cảnh quan, tài nguyên; tạo thành tuyến du lịch tham quan, vui chơi, giải trí không chỉ thu hút các nhà đầu tư mà còn thu hút khách du lịch đến hòa mình vào thiên nhiên.

Được biết khu vực hồ Núi Le được quy hoạch là đất cây xanh nhằm góp phần bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, cải tạo lại bờ kè hồ, nạo vét lòng hồ, thu gom lục bình, xây dựng đường quanh hồ, bãi tắm kết hợp các dịch vụ nhằm khai thác du lịch kết nối với các điểm du lịch của địa phương như núi Chứa Chan…

Vừa qua UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 1354/QD-UBND ngày 07/5/2019 về việc xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh Hồ Núi Le là di tích cấp tỉnh. Đây cũng là một trong những điểm ưu tiên để thu hút nhà đầu tư phát triển du lịch kết nối với các điểm du lịch khác của Xuân Lộc thành một quần thể du lịch của tỉnh Đồng Nai.

5

Danh thắng vườn Quốc Gia Nam Cát Tiên – Đồng Nai

Trước đây, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có vườn quốc gia Nam Cát Tiên thuộc địa bàn huyện Tân Phú. Vườn Quốc gia Nam Cát tiên được thành lập năm 1978. Sau này, vườn quốc gia Cát Tiên được thành lập trên cơ sở Vườn Nam Cát Tiên và mở rộng thêm phạm vi đến các tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước.

Danh thắng vườn Quốc Gia Nam Cát Tiên - Đồng NaiDanh thắng vườn Quốc Gia Nam Cát Tiên - Đồng Nai

Vườn Quốc gia Cát Tiên hiện nay có diện tích 73.878 héc ta, nằm trân địa bàn 3 tỉnh: Đồng Nai (38.100 héc ta), tỉnh Lâm Đồng (30.635 héc ta), Bình Phước (5.143 héc ta). Đây là vườn quốc gia có diện tích lớn nhất trong các khu rừng đặc dụng ở Việt Nam. Được thành lập theo quyết định số 01/CT ngày 13 tháng 1 năm 1992 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở kết nối khu rừng cấm Nam Cát Tiên (được thành lập theo quyết định số 360/TTg, ngày 7 tháng 7 năm 1978 của Thủ tướng chính phủ) và khu bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên (được thành lập theo quyết định số 194/CT, ngày 9 tháng 8 năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng).

Về tọa độ địa lý, vườn quốc gia Cát Tiên ở 110 20’50’’ – 110 50’20’’độ vĩ Bắc và 1070 09’05’’ – 1070 35’20’’ độ kinh đông. Phạm vi ranh giới: phía bắc và tây bắc giáp tỉnh Đắk Lắk và Bình Phước, phía đông có ranh giới sông Đồng Nai giáp ranh giới tỉnh Lâm Đồng, phía nam và tây năm trong phạm vi tỉnh Đồng Nai thuộc khu vực La Ngà và Vĩnh An.

Với diện tích rộng, vườn quốc gia có nhiều kiểu địa hình theo từng vùng: địa hình núi cao, sườn dốc chủ yếu ở phía bắc, sườn ít dộc phía tây nam, đồi thấp, bằng phẳng ở phía đông nam và bậc thềm sông và dạng đồi bát úp, thềm suối xen kẻ với hồ đầm.

Về thủy văn, vườn Cát Tiên có sông Đồng Nai bao bọc phía bắc, phía tây và phía đông với chiều dài khoảng 90 km, sông rộng trug bình 100 mét với lưu lượng nước bình quân 405 m3 /s. Trong diện tích vườn có nhiều hệ thống suối lớn; trong phạm vi Tân Phú có các suối như: Da Louha, Da Bitt, Da Bao, Da Tapoh, Da Sameth…đều chảy ra sống Đồng Nai. Tòan bộ diện tích của vườn Cát Tiên là lưu vực trực tiếp của hồ thủy điện Trị An. Với hệ thống sông, suối, thác, ghềnh, thung lũng, bàu, đầm và cá vùng bán ngập nước trong diện tích vườn, các hệ thực vật đa dạng được bảo tồn, phát triển đã làm tăng giá trị sinh học và cảnh quan thiên nhiên của Cát Tiên.

Vườn quốc gia Cát Tiên nằm giữa hai vùng sinh học địa lý từ vùng cao nguyên Trường Sơn xuống vùng đồng bằng Nam Bộ nên hội tụ được các luồng hệ thực vật, hệ động vất phong phú. Về danh mục thực vật của vườn Cát Tiên khu vực Tân Phú – Đồng Nai qua điều tra cho thấy: tổng số loài thực vật bậc cao là 1.366 loìa, 73 bộ, 151 họ, 638 chi chia ra các ngành thực vật, nhóm thực vật, họ cây ưu thế, loài cây quý hiếm, nguồn gien đặc hữu và cây đặc hữu bản địa. Về động vật của vườn quốc gia Cát Tiên có những nét dặc trưng của hệ động vật vùng bình nguyên Đông Trường Sơn, có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên. Trong đó, hệ động vật khá đa dạng: bộ móng guốc có 6 loài chiếm ưu thế, nhiều đại diện của họ Bò, chim có 326 loài thuộc 62 họ của 18 bộ (nhiều loại chim quý hiến, đặc hữu…), thú bò sát gồm 37 loài thuộc 18 họ và phân họ mà trong đó có 3 bộ có 16 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, thú gồm 77 loài thuộc 28 họ, nhiều loại thú quý hiếm như Bò Banten, Bò Gaur, hổ, gấu chó, gấu ngựa, voi, bào hoa mai, báo lửa, chó sói, voọc, sóc bay lớn…đặc biệt, có quần thể nhỏ loài tê giác Việt Nam với số lượng 7 đến 8 cá thể – là loài phụ của tê giác Java, đặc hữu và quý hiếm của thế giới. Về cá có trên 71 loài thuộc 21 họ với một số loại có giá trị kinh tế cao như cá lăng bò, cá rồng…

Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO liệt vào danh mục Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 trên thế giới vào năm 2001.

Rừng Cát Tiên được xem như một bảo tàng thiên nhiên sống động. Trong diện tích vườn Cát Tiên còn ẩn chứa một số di tích của một thời lịch sử cách đây hàng mấy thế kỷ với hệ thống tháp, đền đài độc đáo. Vùng đệm của vước Cát Tiên có 32 xã, thị trấn thuộc 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Lắk; trong đó có nhiều vùng của ddngười dân tộc thiểu số Mạ, Chơro, Kơho, S’tiêng…Hiện nay, vườn Cát Tiên là một trong những địa điểm thu hút du khách tham quan với các tuor du lịch sinh thái độc đáo. Ngoài tính đa dạng sinh học cao, Vườn Quốc gia Cát Tiên còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp. Sông Đồng Nai là ranh giới tự nhiên chảy qua nhiều địa hình tạo nên những thác nước hùng vĩ như thác Trời, thác Dựng, thác Bến Cự, thác Mỏ Vẹt. Du khách đến vườn Quốc gia Cát Tiên có thể lựa chọn trong số 14 tuyến tham quan và mỗi tuyến du lịch đều có những nét độc đáo riêng: thú, xem các loại cây gỗ lớn, đến thăm bản làng người Mạ.

6

Bửu Hưng tự (Chùa Cô hồn) – Đồng Nai

Chùa Cô hồn là tên dân gian người dân Biên Hòa dùng khi nói đến Bửu Hưng tự. Đây là một ngôi chùa nằm trên đường Phan Đình Phùng thuộc địa bàn phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa. Di tích tọa lạc trên khu đất cao, vốn trước kia là một ngọn đồi thấp, xung quanh là khu dân cư đông đúc.

Bửu Hưng tự (Chùa Cô hồn) - Đồng NaiBửu Hưng tự (Chùa Cô hồn) - Đồng Nai

So với các ngôi chùa ở Biên Hòa, chùa Cô Hồn có quy mô nhỏ, kiến trúc được xây theo lối chữ nhị (=). Phía trước là gian chánh điện được bày trí hệ thống tượng thờ phật khá phong phú. Chùa được xây dựng bằng vật liệu kiên cố. Bốn bên là tường gạch, mái lợp ngói vẩy cá. Giá khung kiến trúc của chùa bằng gỗ, phía trên bàn thờ chánh được tôn cao tạo nên khoảng lầu trống thông thiên.

Năm 1920, chùa Cô hồn được xây dựng. Nguyên thủy của chùa vốn là một ngôi miếu nhỏ mà người dân địa phương lập nên để thờ những nghĩa sĩ của Trại Lâm Trung Năm 1861, thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa và xây dựng chính quyền thuộc địa. Trước cảnh nước mất nhà tan, người dân Biên Hòa đã liên tục đứng dậy kháng chiến. Một tổ chức hội kín yêu nước với tên gọi là Lâm Trung trại được thành lập ở Biên Hòa vào đầu thế kỷ XX. Mục đích của Hội kín Lâm Trung trại là tập họp nhân dân, xây dựng lực lượng để chống Pháp. Trại có căn cứ đóng tại xã Thiện Tân – Vĩnh Cửu, do nhiều nhân vật yêu nước, tinh thông võ nghệ như : Tư Hy, Tư Hổ, Ba Hầu, Hai Lực, Ba Vạn, Bảy Đen… tổ chức, ngày đêm luyện tập võ nghệ, trang bị vũ khí để mưu cầu đại sự cho quê hương.

Vào tháng 2 năm 1916, trại Lâm Trung tổ chức trận tấn công vào các công sở của chính quyền thực dân ở Biên Hòa. Do vũ khí thô sơ, lực lượng không nhiều nên cuộc tấn công không thành công. Sau sự kiện này, quân Pháp tổ chức truy lùng và tìm cách bắt các vị chỉ huy của Lâm Trung trại. Chúng dùng nhiều thủ đoạn như bắt người thân của các người chỉ huy và dựa vào bọn tay sai chỉ điểm đã bắt được nhiều trại viên Lâm Trung. Tháng 6 năm 1916, thực dân Pháp xử bắn 9 người lãnh đạo trại Lâm Trung tại địa điểm Dốc Sỏi (xóm Bình Thành) trước sự chứng kiến của người dân địa phương. Những trại viên của hội kín yêu nước anh dũng hy sinh. Cảm khái trước lòng yêu nước của các nghĩa sĩ Trại Lâm Trung, nhân dân địa phương xây ngôi miếu thờ ở ngã ba Dốc Sỏi. Đến năm 1920, ngôi miếu chuyển về tại khu đồi cao, chính là nơi chùa Bửu Hưng tọa lạc hiện nay.

Di tích Chùa Cô Hồn gắn liền với một sự kiện cách mạng quan trọng của thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Vào tháng 6 năm 1945, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Minh Châu, hội nghị cán bộ đảng ở Biên Hòa đã được triệu tập ở gian phía sau chùa. Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, chuẩn bị cho nhân dân Biên Hòa nổi dậy giành chánh quyền trong cách mạng tháng Tám; thành lập ủy ban khởi nghĩa; lấy tổ chức Thanh niên Tiền phong để tập họp đồng đảo các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, người lao động sẵn sàng nổi dậy khi có thời cơ, vận động binh lính của Pháp ngã theo cách mạng giao nộp vũ khí…Đây chính là cơ sở để Đảng lãnh đạo quần chúng Biên Hòa đứng lên giành lấy chánh quyền vào mùa thu tháng Tam lịch sử năm 1945.

Di tích chùa Cô Hồn (Bửu Hưng tự) được xếp hạng theo quyết định số 62/QĐ.UBT của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ngày 16 tháng 02 năm 1979.

7

Mộ Trịnh Hoài Đức – Đồng Nai

Lăng mộ Trịnh Hoài Đức tọa lạc tại khu phố 3, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa. Giữa khu dân cư. Người dân địa phương quen gọi là “Lăng Ông“. Muốn đến di tích, có thể đi từ hẻm 39 – trước đây gọi là hẻm “đường rầy”. Trong thời gian vừa qua, thành phố Biên Hòa chỉnh trang đô thị, cạnh hồ nước công viên Biên Hùng đã hình thành con đường chạy qua phía trước di tích Lăng mộ với tên gọi đường Trịnh Hoài Đức.

Mộ Trịnh Hoài Đức - Đồng NaiMộ Trịnh Hoài Đức - Đồng Nai

Trước khi được trùng tu, tôn tạo năm 1998 (nhân dịp kỷ niệm vùng đất Biên Hòa 300 năm hình thành và phát triển), khu mộ Trịnh Hoài Đức nằm khuất trong khu đông dân cư. Hiện nay, mộ Trịnh Hoài Đức tọa lạc trên chu vi đất rộng với cảnh quan được tôn tạo mới, khang trang.

Kiến trúc mộ ban đầu được bảo tồn. Nguyên thủy, mộ xây bằng đá ong tô hợp chất, hình voi phục, xung quanh có vòng thành kiên cố. Phía sau mộ có bức tường nhô cao, nối vòng thành dạng hình bầu dục lượn sóng. Trên bức tường có khắc các dòng chữ Hán tựa như bài thơ ca ngợi đức tài của Trịnh Hoài Đức nhưng lâu ngày bị mờ, không còn đọc được, hai bên trang trí hình hai đầu rồng cách điệu. Hiện nay, trên bức tường rộng này được trang trí hình rồng vờn mây. Phía trước cửa vào mộ có tấm bình phong lớn, ghi khắc tiểu sử và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức.

Trên những cột vuông nối các góc bờ vòng thành trước mộ có khắc những câu đối chữ Hán, nội dung chủ yếu nói về sự học, một cách chủ ý đề cập đến sự uyên bác trên bình diện nghiên cứu của Trịnh Hoài Đức. Trong vòng thành là thành tố chính của kiến trúc, gồm hai phần mộ: một của Trịnh Hoài Đức và một của chánh thất phu nhân, người họ Lê.

Cấu kết mộ giống nhau, hình voi phục, xung quanh có gờ hình móng ngựa. Phía trước mỗi phần mộ đều có bia đá, khắc chữ Hán; chung quanh trang trí bởi các đường hồi văn, biểu tượng âm dương, phía dưới đắp nổi dang chân quỳ. Nội dung các bia ở hai phần mộ Trịnh Hoài Đức nêu vắn tắt các danh, chức, phẩm hàm mà Trịnh Hoài Đức được ban tặng, cùng người vợ của Ông; đồng thời có ghi cụ thể thời gian là tháng 11 năm Ất Dậu, con cái là Trinh Thiên Lễ Nhiên, Trịnh Thiên Nhiên Bảo, Trịnh Thiên Bảo cùng lập bia.

Trường Viễn Đông Bác cổ đã liệt mộ Trịnh Hoài Đức là di tích vào năm 1938. Ngày 27 tháng 12 năm 1990, Bộ Văn hoá- Thông tin –Thể thao và Du lịch ra quyết định số 1539/QĐ xếp hạng mộ Trịnh Hoài Đức là di tích lịch sử danh nhân.

8

Đền thờ, mộ Nguyễn Hữu Cảnh – Đồng Nai

Di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh còn có tên gọi là đình Bình Kính, tồn tại hơn ba thế kỷ ở vùng đất Cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa. Đình tọa lạc trên diện tích đất rộng, đường Đặng Đại Độ, bên tả của nhánh sông ôm trọn Cù lao Phố, dưới chân cầu Ghềnh, mặt tiền nhìn về hướng Đồng Nai, phía Tây Nam.

Đền thờ, mộ Nguyễn Hữu Cảnh - Đồng NaiĐền thờ, mộ Nguyễn Hữu Cảnh - Đồng Nai

Nguyên thủy của di tích là đình thờ thành hoàng bổn cảnh của người dân làng Bình Kính. Ban đầu, ngôi đền nhỏ, được làm từ vách ván, mái lợp ngói âm dương. Sử sách có ghi chép về di tích với tên gọi là đền Lễ Công như sau: “… ở phía Nam Cù lao Phố, thôn Bình Hoành, huyện Phước Chính, thờ khai quốc công thần Tráng hoàn hầu Nguyễn Hữu Kính (Cảnh). Đền trông ra sông Phước Giang, lấy đá ngầm làm thủy thành, dưới có cá chép lạ, lớn 6,7 thước, cứ đêm khuya tĩnh mịch, thường hướng vào đền, quãy nhảy dưới sông bơi lội ngược xuôi, như hình múa lạy. Sau qua loạn Tây Sơn, hương tàn khói lạnh. Đến đời trung hưng, cấp cho 10 người từ phu, hàng năm cho tiền công tế vào mùa xuân, cầu đảo thường linh ứng; năm Tự Đức thứ tư, quan tỉnh tâu rằng đền lâu ngày mục nát, lại bị nước xói, phụng mệnh cấp cho 400 quan tiền giao dân sở tại mua vật liệu, dựng lại đền ở sau cách 10 trượng…”. Tư liệu cho thấy, thời bấy giờ đền Lễ Công có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Biên Hòa – Đồng Nai.

Kiến trúc ban đầu của đền không còn lưu giữ được do sự hủy hoại của tự nhiên. Năm 1851, đền được xây lại và cách vị trí cũ khoảng 400 mét. Di tích trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc hiện tồn theo dạng chữ Đinh “J”. Từ ngoài vào theo lối chính có ba cửa. Hai bên cửa có khắc chìm hàng chữ Hán với nội dung nói về đền thờ Bình Kính, công lao của Nguyễn Hữu Cảnh với vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.

Chánh điện hình vuông, tường gạch, nền lát gạch tàu, mái lợp ngói. Hàng cột hành lang mặt trước đắp trang trí hình ảnh những con rồng cuộn, đối chầu với nhau. Nội điện có ba hàng cột gỗ lớn treo những liễn đối và các hoành phi, bao lam gỗ được chạm trổ tinh tế các đề tài dân gian. Các hoành phi thể hiện dưới dạng đại tự chữ Hán, liễn đối được trang trí hoa văn sơn son thếp vàng.

Đối tượng thờ chính là Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh. Gian giữa chánh điện thờ thần, hai bên thờ tả ban, hữu ban liệt vị. Một góc bên bàn thờ có tủ kiếng giữ bộ áo mão tương truyền là của Đức Ông Nguyễn Hữu Cảnh thuở sinh thời. Điểm nổi bật trong nghệ thuật điêu khắc kiến trúc từ chất liệu gỗ là các bàn hương án trong chánh điện. Các hương án được chạm khắc nhiều đề tài như rồng chầu, linh thú, muông thú, hoa lá…rất tinh tế, sắc sảo làm tăng thêm tính chất nghệ thuật được bảo tồn của ngôi đình làng. Phía sau chánh điện là khu nhà khách, nhà bếp và nhà kho.

Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là một trong số ít những di tích ở Biên Hòa còn lưu giữ được sắc thần, trong đó ghi rõ tên họ, chức tước vinh hiển, thứ bậc Thượng đẳng thần của vua ban phong cho Nguyễn Hữu Cảnh. Hằng năm, tại đình tổ chức lễ hội vào ngày 16,17 tháng 5 và ngày 11 tháng 11 (âm lịch) để tưởng nhớ công lao, đức trọng của vị khai quốc công thần, có công lớn với cả xứ Nam Bộ. Di tích đình Bình Kính được xếp hạng cấp quốc gia theo quyết định số 457 – QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin, Thể thao và Du lịch ngày 25 tháng 3 năm 1991.

9

Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 Nghĩa binh chống Pháp – Đồng Nai

Mộ Nguyễn Đức Ứng nằm bên trái quốc lộ khoảng 250 m, cách huyện lỵ Long Thành khoảng 7 km về phía Nam. Di tích thuộc địa phận ấp Suối Cả, xã Long Phước, huyện Long Thành. Đây là ngôi mộ kiên cố, uy nghi, kiến trúc hình kim tự tháp cụt.

Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 Nghĩa binh chống Pháp - Đồng NaiMộ Nguyễn Đức Ứng và 27 Nghĩa binh chống Pháp - Đồng Nai

Theo lời truyền tụng của người dân địa phương, phần mộ là nơi chôn cất Nguyễn Đức Ứng cùng 27 nghĩa binh hy sinh trong cuộc đánh trả quân Pháp xâm lược năm 1861. Ngôi mộ tọa lạc trên phần đất có diện tích hình vuông rộng, trên gò đất cao khỏang 0,2 m so với mặt ruộng, cổng mộ nhìn hướng Nam; cách thành phố Biên Hòa khỏang 30 km hướng Đông Nam. Cấu tạo mộ là khối lập thể hình thang cụt, mặt đáy rộng gần 40 m, cao 1,4 m, góc nghiêng 25 độ; chất liệu bằng bê tông, xi măng. Xung quanh mộ được bao bọc tường rào. Sân khu vực di tích qua đợt tôn tạo năm 1996 lót gạch tàu, có nhà bia và đặt lư hương lớn dùng cho việc tế lễ.

Trên phần mộ, một tấm bia còn hằn dòng chữ” Ice ropose Nguyễn Đức Ứng. Lãnh binh de L Armeé Imperiale Tự Đức Décede le 26 Decembre 1861”. Nguyễn Đức Ứng là một võ tướng của triều đình nhà Nguyễn đã hy sinh trên mảnh đất Long Thành trong buổi đầu thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, thế kỷ 19.

Ngày 16 tháng 12 năm 1861, trước sức tấn công của quân Pháp vào thành Biên Hòa, đại quân của triều đình bỏ chạy. Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng chỉ huy đòan quân tổ chức tuyến phòng thủ Ký Giang – Long Thành. Ông thu nạp tàn quân và liên lạc với nghĩa quân Long Thành, bố trí lực lượng ngăn chặn bước tiến của quân Pháp từ hướng Biên Hòa xuống Bà Rịa.

Sáng ngày 21 tháng 2 năm 1861, cánh quân của trung tá Dominique Díego sau khi dễ dàng đánh chiếm thị trấn Long Thành, liền cho quân thẳng tiến đánh Bà Rịa. Tại lũy Ký Giang, quân Pháp gặp phải sự kháng cự của nghĩa quân do Nguyễn Đức Ứng chỉ huy. Một trận chiến khốc liệt diễn ra giữa quân Pháp và nghĩa quân. Đến 14 giờ cùng ngày, trung tá Dominique Díego được viện binh Pháp từ Biên Hòa xuống và một cánh quân của Iepérit chỉ huy bí mật vượt sông Vu Hồi phá tan trận địa phòng ngự của nghĩa quân. Đòan quân do Nguyễn Đức Ứng chỉ huy bị tổn thất nặng nề và bản thân Nguyễn Đức Ứng bị trọng thương và mất ngày 27/12/1861.

Người dân địa phương Long Thành an táng Nguyễn Đức Ứng cùng thi hài 27 nghĩa quân vào một ngôi mộ chung và đắp thành ngôi mộ đất. Về sau, không rõ ai đã khắc lên bia đá mấy dòng chữ Hán: Nguyễn Đức Ứng, thân thời – thập nhất nguyệt, thập lục nhật – ghi nhớ ngày Nguyễn Đức Ứng hy sinh là 26 tháng 11 năm Tân Dậu.

Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa quân được liệt hạng di tích cấp quốc gia ngày 15 tháng 10 năm 1994 và được tôn tạo cảnh quan trang nghiêm vào năm 1996.

10

Địa đạo Suối Linh – Đồng Nai

Địa đạo Suối Linh thuộc Lâm trường Hiếu Liêm, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu là “căn cứ” của Ban Thông tin Khu ủy miền Đông đứng chân trong giai đọan 1962-1967. Toàn bộ di tích nằm trên đỉnh đồi có diện tích khoảng 30 ha. Di tích được cấu thành bởi hệ thống giao thông hào, hệ thống địa đạo và hệ thống hầm trú ẩn. Hệ thống giao thông hào có chiều dài tổng cộng 260,7m; nối thông vào lòng địa đạo và chỉ có một tuyến duy nhất. Hệ thống địa đạo có chiều dài tổng cộng 383,5m tạo thành hai trục chính có hình chữ V liên hoàn Lòng địa đạo có chiều cao trung bình từ 1,6-1,8m, cá biệt có đoạn cao trên 2m; rộng khoảng 60cm – 80cm. Đỉnh địa đạo hình vòm, bề dài tính từ đỉnh so với mặt đất bên trên 2m-4m. Toàn bộ hệ thống đều có lỗ thông hơi trổ lên mặt đất. Đường đi trong địa đạo gấp khúc quanh co, có các ngã ba nối thông các đoạn địa đạo với nhau hoặc dẫn lên các miệng địa đạo.

Địa đạo Suối Linh - Đồng NaiĐịa đạo Suối Linh - Đồng Nai

Miệng địa đạo có kích thước vừa một người chui vào, đường xuống dốc thoai thoải, gấp khúc hoặc uốn lượn. Hệ thống hầm trú ẩn được phân bố đều khắp trên mặt bằng di tích có dạng hình chữ nhật, có từ một đến hai miệng địa đạo nằm ở góc hầm nối thông vào lòng địa đạo. Ngoài ra còn có một số miệng địa đạo độc lập (miệng giếng) có dạng hình tròn (đường kính khoảng 1,2m) hoặc hình chữ nhật (kích thước khoảng 1,2m x 1m). Điểm đặc biệt là miệng địa đạo độc lập ở Suối Linh được đào rất qui mô, xuyên qua lớp sỏi lateric dày khoảng 2m, độ sâu của giếng khoảng 4m-6m. Trên mặt bằng di tích hiện có tất cả 12 miệng.

Khu ủy, Bộ Tư lệnh chủ trương đào địa đạo Suối Linh năm 1962. Khu ủy quyết định điều về Ban thông tin một tiểu đội nữ chiến sĩ trẻ phối hợp với lực lượng học viên, bảo vệ của Ban thông tin đào địa đạo xây dựng căn cứ. Địa đạo được mở ở khu vực đỉnh đồi (về phía bắc) và chia làm hai nhánh theo hình chữ V. Cách thức đào địa đạo giống như đào giếng. Đầu tiên đào một giếng hình vuông, sau khi đào sâu xuống 4m-6m bắt đầu mở miệng trổ vào và đào nối thông với các miệng khác. Các bộ phận của Ban thông tin chia làm các tổ và thay phiên đào, mỗi bộ phận đào một đoạn và nối thông lại với nhau. Riêng tiểu đội nữ tập trung đào đường xương sống. Để bảo vệ căn cứ từ xa, Ban thông tin chỉ đạo xây dựng hệ thống phòng ngự bằng rào cò, cây rừng được chặt ngã xuống đan xen nhau có độ dày 50m – 70m thành hàng rào bao quanh bảo vệ căn cứ, bên dưới cắm chông bằng tre và cau rừng.

Từ địa đạo Suối Linh này, Ban Thôgn tin Khu uỷ miền Đông đã đứng chân hoạt động trong một thời gian dài, đảm bảo hệ thống tin tức cho các hoạt động của lực lượng cách mạng cho đến trước cuộc nổi dậy xuân Mậu Thân. Địa đạo Suối Linh được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 13 tháng 9 năm 1999.

11

Công trình Văn miếu Trấn Biên – Đồng Nai

Kỷ niệm vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển (1698 – 1998 ), tỉnh Đồng Nai tiến hành tái tạo phỏng dựng công trình văn miếu Trấn Biên trên địa phận phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa – vốn là địa bàn mà Văn miếu Trấn Biên xưa từng tồn tại.

Công trình Văn miếu Trấn Biên - Đồng NaiCông trình Văn miếu Trấn Biên - Đồng Nai

Công trình Văn miếu Trấn Biên được chọn xây dựng theo thết kế của Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng tỉnh Đồng Nai do kiến trúc sư Đỗ Thiện Tâm chủ trì. Ngày 09 tháng 12 năm 1998, thành phố Biên Hoà tổ chức lễ động thổ công trình. Ngày 19 tháng 7 năm 2000 khởi công xây dựng do Công ty xây dựng và sản xuất vật liệu Biên Hoà đảm trách. Công trình này được khánh thành vào 14 tháng 02 năm 2002 (mùng Ba tết Nhâm Ngọ).

Công trình Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trên diện tích 02 héc ta. Các công trình được bố trí trên một trục chính đăng đối gồm các hạng mục chính: Văn miếu môn, Nhà bia Văn miếu, Khuê Văn các, Hồ Thiên quang tĩnh, Cổng Tam quan, Nhà bia Khổng Tử, Nhà thờ chính. Đồng thời trong phạm vi công trình còn có các công trình Văn vật khố, Thư khố, Nhà Đề danh, Nhà truyền thống.

Nối tiếp truyền thống trên tinh thần của thời đại mới, Nhà thờ chính của Văn miếu Trấn Biên thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh – danh nhân văn hoá Việt Nam và thế giới, người khai sáng nền giáo dục cách mạng của Việt Nam. Hai bên tả hữu được bài trí thờ linh vị các danh nhân văn hoá dân tộc và các nhà văn hoá lớn của xứ Đồng Nai như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Qúy Đôn, Nguyễn Du, Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu.

Từ khi khánh thành đến nay, tại văn miếu Trấn Biên đã diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống có ý nghĩa. Nhiều đơn vị, tổ chức trên tòan quốc, đặc biệt ở Thăng Long – Hà Nội đã gởi tặng những hiện vật mang ý nghĩa về lịch sử, văn hoá dân tộc đến văn miếu Trấn Biên, góp phần tạo cho dòng mạch văn hóa vùng đất này trong diễn trình của thời đọan lịch sử mới. Nhiều hoạt động văn hoá giáo dục tôn vinh tinh thần hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo, biểu dương những tài năng, những nhà văn hoá giáo dục, khoa học có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Biên Hòa – Đồng Nai.

Trong tổng thể của công trình văn miếu Trấn Biên có Văn vật khố, Thư vật khố trưng bày những tác phẩm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, sản phẩm các nghề thủ công truyền thống của đất Biên Hòa – Đồng Nai. Hai công trình Nhà đề danh, nhà truyền thống nhằm ghi danh các đơn vị, các nhân vinh dự được lựa chọn kỹ càng, có nhiều đóng góp và đạt những danh hiệu cao quý đem lại niềm tự hào cho đất, người Đồng Nai.

Với sự hiện hữu của kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn kiến trúc truyền thống cùng những nội dung được thể hiện, công trình văn miếu Trấn Biên trở thành một thiết chế văn hoá có ý nghĩa đối với vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.

Văn miếu Trấn Biên ở một vị trí gắn liền với khu di tích danh thắng Bửu Long cũng là một yếu tố thuận lợi trong việc cấu thành một thiết chế văn hóa – du lịch hấp dẫn thu hút nhiều người đến tham quan. Hiện nay, công trình Văn miếu Trấn Biên trở thành nơi sinh hoạt văn hóa thu hút nhiều người. Trung tâm chánh điện của Văn miếu trấn Biên thờ phượng các danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và vùng đất Nam Bộ.

12

Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở rừng Mã Đà, Vĩnh Cửu

Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961 – 1962) thuộc tọa độ 107003’37” kinh tuyến và 11022’47” vĩ tuyến, trong địa phận Phân trường 4, lâm trường Vĩnh An, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở rừng Mã Đà, Vĩnh CửuDi tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở rừng Mã Đà, Vĩnh Cửu

Di tích Trung ương Cục miền Nam tọa lạc cặp theo sông Mã Đà, Suối Nhung, suối Nứa (suối Mum) trên ngọn đồi đất sỏi bằng phẳng, có độ dốc thoải thoải với diện tích khoảng 20 héc- ta ở độ cao 20m so với mặt sông Mã Đà. Di tích được che phủ bởi rừng cây tạp hỗn giao nhiều tầng với mật độ tương đối dầy, dây rừng leo chằng chịt. Các loại cây rừng có đường kính vừa và nhỏ đa phần là các loại cây: chò, sao, cầy, bằng lăng, dầu… cùng một số cây rừng ăn trái được như: ươi, bứa, dâu, trường… Đây cũng là nơi cư trú của rất nhiều loại động thực vật tạo sự phong phú về môi trường sinh thái cũng như cảnh quan.

Di tích nằm giữa đại ngàn, bốn phía đều giáp sông suối tạo nên ưu thế về mặt quân sự cũng như phản ánh được tầm nhìn chiến lược trong việc chọn địa bàn đứng chân của Trung ương Cục miền Nam giai đoạn 1961 – 1962. Những dấu vết di tích được lưu lại bởi các bộ phận chính: Hệ thống giao thông hào, Hầm trú ẩn, Nền nhà, hầm…Các bộ phận này được phân bố rộng khắp trên thực địa ở bốn khu vực chính do các đơn vị Ban Giao liên, Ban An ninh, Ban chỉ huy ( Văn phòng Trung ương Cục ), Ban Tổ chức – Tuyên huấn… đóng trước đây.

Ngày 19 tháng 1 năm 2004, Bộ Văn hoá Thông tin đã ra quyết định số 02/2004/ QĐ.BVHTT công nhận địa điểm thành lập Trung ương Cục miền Nam ( thời kỳ 1961-1962 ) là di tích quốc gia.

Ngày 13 tháng 3 năm 2004, Lễ khởi công trùng tu tôn tạo di tích Trung ương Cục miền Nam (1961 – 1962) được tiến hành Sau hơn 6 tháng thực hiện, công trình di tích đã được khánh thành, đã tạo nên một diện mạo di tích khang trang, lưu lại dấu ấn lịch sử của một thời đấu tranh cách mạng kiên cường trên vùng đất Đồng Nai hào hùng, của miền Đông gian lao mà anh dũng.

Tại khu di tích xây dựng Bia kỷ niệm Căn cứ Trung ương Cục và một số các Ban như trực thuộc: Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng, Ban Bảo vệ An ninh, Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Thông tin liên lạc, Đài phát thanh Giải phóng và Thông tấn xã, Bộ phận Văn phòng TWC, Ban Giao – bưu – vận, Ban thông tin liên lạc, nhà làm việc, Hội trường, một số giao thông hào, hầm trú ẩn; phục hồi con đường xuyên rừng dẫn vào khu di tích, cải tạo cảnh quan thiên nhiên gắn với việc bảo vệ rừng và môi trường sinh thái.

13

Di tích Thành cổ Biên Hòa – Đồng Nai

Theo một số tư liệu, chúng ta biết rằng, cổ thành Biên Hòa được bắt đầu xây đắp bằng đất vào tháng 6 năm 1834 với ”4 mặt thành đều dài 70 trượng, cao 4 thước 3 tấc, dày 1 trượng, mở 4 cửa. Đào hào rộng 2 trượng, sâu sáu thước”. Quan Khâm sai Đoàn Văn Phú chịu trách nhiệm trong việc trù tính việc làm. Vua Minh Mạng đồng ý cho việc chọn lấy 1.000 dân trong hạt đứng ra xây đắp, số dân làm thành được hậu cấp cho tiền gạo.

Di tích Thành cổ Biên Hòa - Đồng NaiDi tích Thành cổ Biên Hòa - Đồng Nai

Từ sau ”sự kiện khởi binh“ Lê Văn Khôi, 3 năm sau, vua Minh Mạng thấy việc xây thành Biên Hòa “là công trình trọng đại”, chuẩn cho xây thành Biên Hòa và sai phái trách nhiệm cho nhiều vị tướng quân.

Đợt xây dựng này được tiến hành vào tháng Giêng năm 1938 có quy mô lớn bằng đá ong với:”chu vi dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng 5 thước, hào đào rộng 3 trượng, cửa thành có 4 cửa”. Vua Minh Mạng sai phát 4.000 binh dân làm việc và phái Vệ úy Vệ tả bảo nhị là Nguyễn Văn Gia, Thự phó Vệ úy Tiền doanh Long Võ là Phan Văn Lăng, Vệ úy Tả thủy Gia Định là Lê Văn Tự, Vệ úy Bình Thuận là Tôn Thất Mậu trông coi việc thực hiện.

Ngoài ra còn có một số tư liệu khác cũng nhắc đến thành Biên Hòa với một số chi tiết khác như: có dựng 1 kỳ đài, mỗi cửa ra vào đều có bắc cầu đá ngang qua hào để làm lối ra vào, hào rộng 4 trượng, sâu 6 thước, tường thành dày trượng.

Nếu lấy theo chuẩn thước đo “quan mộc xích“, thước này dài 0m424 thời Lê nhưng vẫn được dùng trong thời vua Minh Mạng thì các thông số về thành cổ Biên Hòa được quy đổi 1 trượng bằng 4m 24,1 thước bằng 0m424 thì chu vi 338m (khoảng 1.433,12m), tường cao 8 thước 5 tấc (khoảng 3,604m), dày 1 trượng (khoảng 4,24m), hào rộng 4 trượng (khoảng 16,96 m), sâu 6 thước (khoảng 2,544 m).

Về tên gọi, cổ thành Biên Hòa có nhiều tên gọi theo cách dân gian như: thành Cựu, thành Kèn, thành Xăng đá. Tên gọi thành Kèn, thành Xăng Đá gắn với thời Pháp xâm lược, chiếm lấy thành làm nới tập trung quân lính. Cổ thành Biên Hòa là một công trình phòng thủ quân sự của triều Nguyễn ở vùng đất Biên Hòa. Hệ thống bố phòng ở Biên Hòa lúc bấy giờ còn có các trạm, lũy, tấn, đồn thủ tại các nơi xung yếu.

Ngoài chức năng của một trung tâm các hoạt động nhiều mặt của xã hội đương thời, cổ thành Biên Hòa đóng góp rất quan trọng trong việc bố phòng, trấn an vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Dấu tích cổ thành Biên Hoà ngày nay còn lại những vách tường thành bằng đá ong tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hoà. Những dấu tích còn lại của Thành cổ Biên Hòa được tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích lịch sử theo quyết định số 876 /QĐ – UBND ngày 21 tháng 3 năm 2008.

Đồng Nai có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Đồng Nai – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.