Du Lịch Bạc Liêu 14 điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến Bạc Liêu

Du Lịch Bạc Liêu với 14 điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua

 Du Lịch Bạc Liêu với 14 điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua

Cùng Du Lịch Thám Hiểm Mekong tìm hiểu những điểm đến hấp dẫn nhất của Bạc Liêu – vùng đất nổi tiếng về Công Tử Bạc Liêu nha

1. Cánh đồng quạt gió Bạc Liêu

nha-may-dien-gio-bac-lieu

Từ thành phố Bạc Liêu theo đường Cao Văn Lầu đi ra phía biển, ở địa phận ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông là Nhà máy điện gió mới được hoàn thành đầu năm nay. Khoảng cách từ trung tâm thành phố đến nhà máy khoảng gần 20km, nhưng từ cách xa cả chục cây số, bạn đã có thể nhìn thấy những trụ turbine lắp cánh quạt quay đều như những chong chóng khổng lồ in trên nền trời. Đây là điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều bạn trẻ khi đến với Bạc Liêu

2. Vườn chim Bạc Liêu

Cách thành phố Bạc Liêu 6 km về hướng biển thuộc xã Hiệp Thành, vườn chim Bạc Liêu là nơi làm tổ của nhiều loài chim nước, điển hình là các loài le le, cò, diệc, vạc, còng cọc, quắm đen… Các loài chim thường tụ tập nhiều vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Đến với vườn chim Bạc Liêu, thú vị nhất là đứng trên tháp canh cao bằng ngọn cây ngắm cảnh bên dưới.

3. Vườn nhãn cổ Bạc Liêu

nhan

Từ thành phố Bạc Liêu, men theo con đường mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu về hướng Nam khoảng 6km, bạn sẽ thấy thấp thoáng vườn nhãn trải dài hơn 11km từ Hiệp Thành qua đến Vĩnh Trạch Đông. Ai cũng biết miền Tây Nam Bộ là vùng đất của vườn cây ăn trái và đây là vườn nhãn đặc biệt nhất đồng bằng sông Cửu Long, được gọi với cái tên Vườn nhãn cổ trăm tuổi. Bước vào vườn, bạn được hái những chùm nhãn thơm ngon và thưởng thức bữa ăn vườn dân dã. Giữa gió mát hiu hiu, ngồi trong vườn ăn món đặc sản, bạn lại còn được nghe những giai điệu đờn ca tài tử có một không hai.

4. Biển Bạc Liêu

Với 156 km bờ biển và các cửa biển quan trọng như Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng, Vĩnh Hậu, đến Bạc Liêu bạn có thể thả mình trong những ngôi nhà trên biển, vừa nhấm nháp hải sản, vừa hít căng lồng ngực những làn gió biển mát rượi. Biển Bạc Liêu không có những bãi cát trắng phau như Nha Trang, Vũng Tàu… nhưng lại có những bãi bồi xa tít mang đến những đặc sản miền biển tươi rói.

5. Nhà công tử Bạc Liêu

Tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Với thiết kế theo phong cách Pháp và vật liệu chuyển từ Pháp sang, đây được xem là ngôi nhà bề thế nhất Nam Kỳ lục tỉnh đầu thế kỷ 20. Du khách đến đây ngoài việc tham quan, tìm hiểu kiến trúc, hiện vật lịch sử, du khách còn có dịp nghe kể về cuộc đời “dân chơi” của công tử giàu nhất miền nam thời bấy giờ. Đây thực sự là một điểm đến mà bất cứ du khách nào đến Bạc Liêu đều muốn đặt chân tham quan.

6. Khu du lịch Nhà Mát

Khu du lịch Nhà Mát thuộc phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu. Đây là khu du lịch nghỉ mát, sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với khu vui chơi giải trí lớn nhất ở vùng Bạc Liêu. Nổi bật trong đó có khu bãi tắm nhân tạo nằm trong khu du lịch Nhà Mát nằm ven bờ biển Bạc Liêu. Du khách đến đây đầu tiên sẽ ấn tượng với cổng vào khu bãi tắm hình con bạch tuộc nâng chiếc thuyền nhìn khá đẹp mắt. Ở khu bên trong bãi tắm có dãy núi nhân tạo, hang động với 1 chiếc đờn kìm lớn. Chủ ý của việc làm này để chỉ vùng đất Bạc Liêu là địa danh gắn liền với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cùng với cố soạn giả Cao Văn Lầu rất nổi tiếng với bài “Dạ cổ hoài lang”. Về quy mô thì khu du lịch Nhà Mát không kém cạnh gì các khu du lịch lớn ở Sài Gòn như Suối Tiên, Đầm Sen… Vì thế, nếu Quý khách đi du lịch Bạc Liêu, có thể ghé vào tham quan và vui chơi ở đây.

7. Chùa Xiêm Cán

chuaxiemcan

Thuộc Ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Ngôi chùa đặc trưng của người Khmer tại Bạc Liêu, được xây dựng vào thế kỷ 19 trên khuôn viên rộng đến 50.000 m². Xuyên qua hàng cây xanh mát từ quốc lộ vào, du khách đều ngỡ ngàng bởi chùa được trang trí nhiều họa tiết, hoa văn, cùng với những đường nét chạm trổ, điêu khắc hết sức độc đáo.

8. Phật bà Nam Hải

me-nam-hai

Khu Quan Âm Phật Đài (Phật Bà Nam Hải) thuộc phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Được xây dựng từ năm 1973, khu Phật Bà Nam Hải là một công trình kiến trúc – văn hóa – tâm linh nổi bật nhất ở Bạc Liêu. Hằng năm, có hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, thưởng ngoạn và bày tỏ lòng thành kính của mình. Đặc điểm thu hút du khách tại đây là tượng Phật Bà cao 11m hướng về biển Đông để phù hộ và che chở cho ngư dân đang mưu sinh ngoài biển khơi.

9. Tháp cổ Vĩnh Hưng

thapcovinhhung

Cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 20 km, tháp cổ Vĩnh Hưng ở xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tháp này là di tích kiến trúc cổ duy nhất còn được bảo tồn ở miền Tây có giá trị về mặt nghệ thuật văn hoá được một nhà khảo cổ người Pháp phát hiện vào năm 1911.

10. Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu là nơi an nghỉ cuối cùng của tác giả bài Dạ Cổ Hoài Lang nổi tiếng Nam Bộ. Tại đây du khách được nghe giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của ông, quá trình phát triển nghệ thuật từ bản Dạ Cổ. Du khách còn có dịp tham quan miễn phí các phòng trưng bày hình ảnh về trang phục, nhạc cụ, mô hình sáp về đờn ca tài tử… Năm 1997 khu lưu niệm được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh

11. Phước Đức cổ miếu

Tọa lạc: Số 74, Điện Biên Phủ, Phường 3, thành phố Bạc Liêu. Phước Đức cổ miếu là một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo của người Hoa ở Bạc Liêu. Miếu này tọa lạc ở số 74 đường Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu. Đây là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa sống ở Bạc Liêu, được xây dựng vào năm 1810. Trong miếu có bàn thờ chính thờ Ông Bổn – một vị thần được coi là có công khai hoang đất đai và phù trợ cho mọi người sinh cơ lập nghiệp có cuộc sống an lành. Phước Đức cổ miếu còn gọi là chùa Bang, trước đây ngôi miếu này được dựng bằng cây lá đơn sơ và thờ các vị thần như Bổn Đầu Công (ông Bổn), Quan Đế, Thần Nông, Thổ công, ông bà Công Mẫu… trong đó thờ Ông Bổn là chính.

Toàn bộ ngôi miếu là một kiến trúc nghệ thuật qui mô và hoàn mỹ từ đầu kèo, đầu xiên cho đến các linh thú và hoa văn trên các khánh thờ đều được chạm khắc tinh tế. Từng bộ phận trong miếu là một cổ vật có giá trị nghệ thuật cao bởi chúng đã tồn tại trên 100 năm. Phước Đức cổ miếu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

12. Cánh đồng muối Bạc Liêu

canh-dong-muoi

Vốn là nơi cung cấp số lượng muối lớn cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên cánh đồng muối là nét đặc thù của tỉnh Bạc Liêu. Những cánh đồng muối được chia thành từng ô, từng hàng, chạy dài thẳng tắp. Dưới cái nắng gay gắt, diêm dân chăm chú làm việc. Muối kết tinh trong những ô trắng, lấp lánh. Biển Bạc Liêu khá sạch, độ mặn cao nên muối tốt và thu hoạch nhanh. Tận dụng lợi thế này nên người dân ở đây luôn lao động cật lực, lam lũ để cho ra những hạt muối trắng ngần.

13. Gành hào

Thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Đến Gành Hào, đứng trên những con đê được gia cố vững chắc, bạn sẽ được vươn tầm mắt nhìn ngắm những con thuyền ngoài khơi xa. Phần nhiều đó là những con thuyền đánh cá. Tàu ra khơi với hình ảnh những chàng trai vùng biển rám nắng, cơ bắp vạm vỡ. Mùi vị biển cả của cuộc sống mới ở Gành Hào đang từng bước đưa nơi đây thịnh vượng về kinh tế. Không chỉ những giây phút ra khơi hay đoàn thuyền đánh cá trở về thì Gành Hào mới đẹp. Những buổi tối trăng dát bạc trên sóng biển, cảnh vật Gành Hào phút chốc biến hóa thơ mộng. Đến Gành Hào du lịch, nếu là những đôi tình nhân thì họ không quên ngắm biển trong những phút giây này.

14. Tượng Đài Liệt Sỹ

Vừa đến địa phận của tỉnh Bạc Liêu bàn sẽ được chào đón bởi Tượng Đài liệt sỹ hien ngang, hoành tráng. Tượng đài được xây dựng nhằm ghi dấu hình tượng những người con anh hùng xứ sở Bạc Liêu từ giai đoạn mở cõi, chống Pháp cho đến chống Mỹ và cuối cùng là xây dựng – phát triển.

Đặc biệt, tượng đài liệt sỹ là một công trình lớn nằm trong khuôn viên của Quảng trường Hùng Vương. Đồng thời, quảng trường Hùng Vương cũng được đánh giá là Quảng trường tiêu biểu và lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 10.000 lượt khách du lịch ghé thăm mỗi tháng. Vì thế, đến thăm tượng đài liệt sỹ, du khách cũng được trực tiếp đặt chân đến Quảng trường Hùng Vương nổi tiếng. Tại đây, ngoài tượng đài liệt sỹ, du khách còn được thưởng ngoạn các công trình kiến trúc đặc sắc khác như: Đài tưởng niệm liệt sỹ, Tượng đài Cây đờn kìm, Tượng đài biểu tượng tình anh em ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer