Du lịch biển đảo Việt Nam còn nhiều tiềm năng
Với lợi thế đường bờ biển dài, nhiều địa điểm được bình chọn trong danh sách những bãi biển, vịnh biển đẹp nhất thế giới, nhiều năm qua, du lịch biển luôn là thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát huy giá trị tài nguyên biển mới chủ yếu khai thác ven bờ, hệ thống các đảo của Việt Nam nhiều tiềm năng chưa được khai thác tương xứng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định, du lịch biển, đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định, phát triển du lịch biển, đảo là một trong những nội dung góp phần hình thành các khu kinh tế biển trọng điểm. Không chỉ dừng ở tiềm năng phát triển du lịch với vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, hệ thống các đảo vùng ven biển Việt Nam còn giữ vị trí vô cùng quan trọng đối với chính trị, an ninh quốc phòng.
Du lịch biển đảo còn nhiều tiềm năng phát triển.
Việc khai thác tiềm năng đảo, ngoài đóng góp cho phát triển du lịch và các ngành kinh tế, còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức gìn giữ môi trường, nâng cao nhận thức về chủ quyền quốc gia. Việc khai thác tiềm năng, giá trị các đảo cũng nhằm mục đích cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của Việt Nam trong việc thực hiện Luật Biển 2013, thực thi các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Khẳng định du lịch biển đảo đã có những thành tựu nhất định nhưng thạc sĩ Đặng Thị Giang, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng cũng cho rằng, Việt Nam chưa phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra quốc tế của các địa phương có biển, đảo, du lịch biển, đảo vẫn còn nhỏ bé về quy mô, còn bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề.
Việc phát triển du lịch biển, đảo chưa gắn với liên kết kinh tế vùng, chưa tạo thành được chuỗi kết nối giữa các địa phương có biển và các địa phương khác, do vậy chưa tạo ra mối liên kết trong phát triển du lịch biển đảo.
Trước tình hình mới và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để khắc phục những hạn chế, yếu kém, cần có những định hướng chính sách phát triển du lịch biển, đảo. Cần khai thác tối đa lợi ích của biển, đảo, mở rộng giao thương quốc tế, tự do hóa quan hệ du lịch với các nước…
Cũng theo thạc sĩ Đặng Thị Giang, trong xu hướng liên kết phát triển du lịch biển đảo và hợp tác hiện nay, việc lựa chọn thế mạnh để phát triển và liên kết phát triển du lịch biển đảo là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương có biển. Điều đó sẽ giúp các tỉnh, vùng tiết kiệm được nguồn lực về tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ… của địa phương…
Trong chuỗi phát triển của các lĩnh vực phát triển du lịch biển đảo đều cần phải thực hiện đồng thời và tổng thể trên ba phương diện: Khai thác vùng không gian biển, đảo (mặt biển, dưới biển, bầu trời trên biển, đảo); khai thác vùng bờ biển (các cảng biển, bãi biển, khu du lịch ven biển, đảo); các lĩnh vực “hậu cần” cho kinh tế biển, đảo và các khu kết nối (vận tải biển, dịch vụ du lịch biển đảo, chế biến sản phẩm khai thác biển, khoa học công nghệ, kết nối du lịch biển với tuyến du lịch đất liền, thị trường cho đầu ra của sản phẩm khai thác từ biển, đảo…). Để làm được điều đó, phát triển du lịch biển đảo của từng địa phương phải gắn với liên kết du lịch biển đảo của vùng và cả nước mới đảm bảo được nguồn lực và tính bền vững trong phát triển…
TS. Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải cũng cho hay, hạ tầng giao thông vận tải phục vụ phát triển du lịch biển đảo còn có những bất cập. Cụ thể, một số tuyến đường bộ (đường tỉnh 356…), đầu mối vận tải hành khách (bến phà Gót – Hải Phòng…) kết nối trực tiếp đến các khu du lịch, điểm du lịch (đảo Cát Bà…) chưa được đầu tư nâng cấp, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng vào ngày cao điểm du lịch, ảnh hưởng lớn tới chất lượng dịch vụ vận tải và bảo đảm an toàn giao thông cho khách du lịch.
Hiện chỉ có 1 cảng biển chuyên dụng phục vụ hành khách (Cảng tàu khách quốc tế – Quảng Ninh), do đó phải sử dụng cảng biển tổng hợp để tiếp nhận tàu du lịch quốc tế, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm du lịch. Các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo có lưu lượng hành khách du lịch lớn (Phú Quốc, Lý Sơn, Cát Bà, Cô Tô…) chưa được quan tâm, cải tạo, ảnh hưởng đến điều kiện bảo đảm an toàn giao thông. Vì vậy, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn hạ tầng giao thông vận tải phục vụ phát triển du lịch biển đảo mới phát huy tối đa tiềm năng du lịch đảo ven bờ của Việt Nam.