Du lịch nông nghiệp organic
Mục lục bài viết
Du khách học làm nông dân organic
Những ngày đầu năm 2023, chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty Sản xuất thương mại Abavina đang xây dựng kế hoạch để đẩy mạnh hoạt động thu hút khách du lịch bằng hình thức khá lạ: Du lịch học sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Tour tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp organic thu hút với du khách nước ngoài
ABAVINA
Với thương hiệu Anh Ba Việt Nam, từ 5 hộ dân ban đầu ở khu vực Trường Long, Phong Điền, Cần Thơ, đến thời điểm hiện tại số hộ đang tham gia mô hình là 25 hộ tập trung ở Phong Điền, Cần Thơ và Châu Thành A, Hậu Giang, diện tích 30 ha, với 50 loại sản phẩm. Các sản phẩm này được Abavina phân phối đến các cửa hàng nông sản sạch, nhà hàng chay… và các công ty xuất khẩu trên cả nước.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: “Là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực phát triển cộng đồng, Abavina tập trung xây dựng nền tảng cộng đồng thông qua việc thành lập các nhóm nhỏ để giám sát chia sẻ và hỗ trợ nâng đỡ nhau, thực hiện các hoạt động giáo dục, chuyển giao kỹ thuật và một trong những hoạt động hỗ trợ chính là du lịch nông nghiệp.
Theo chị Kim Thoa, mô hình gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái tát mương, bắt cá đã được nhiều nơi áp dụng, mô hình Abatour cũng dựa vào tài nguyên bản địa nhưng có chút khác biệt hơn: Đó chính là du lịch nhưng được chính các kỹ sư, chuyên gia của dự án trực tiếp chia sẻ kiến thức về sản xuất hữu cơ, kỹ năng và kinh nghiệm để làm trang trại nông nghiệp. Cụ thể, học viên sẽ cùng trải nghiệm các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi theo hình thức thuận thiên, kinh tế tuần hoàn, dựa vào tài nguyên bản địa; trải nghiệm các hoạt động hiểu về đất trồng cây, trồng cây che phủ như: test PH của đất, test dinh dưỡng của đất, quan sát các quần thể động thực vật trên mặt đất; trồng cây che phủ, cây tạo sinh khối: các cây họ đậu, chùm ngây…
Ngoài ra còn có các hoạt động trải nghiệm để hiểu về cây giống bản địa cùng cách ươm tạo chúng; cách ủ phân bón hữu cơ dựa vào tài nguyên bản địa; các hoạt động chăm sóc và thu hoạch nông sản thuận thiên.
Du khách có thể cùng ngồi lại, học tập và thực hành các kỹ thuật canh tác cây trồng thuận tự nhiên, theo từng chủ đề được thiết kế linh hoạt như: kỹ thuật canh tác cây trồng thuận tự nhiên dựa vào tài nguyên bản địa; kỹ năng phát triển cộng đồng, kỹ năng hợp tác, kỹ năng xây dựng mạng lưới tình nguyện viên nông nghiệp cộng đồng; đặc biệt là trải nghiệm thấu cảm cùng nông dân thuận thiên với từng khoảng thời gian phù hợp.
Xu hướng du lịch nông nghiệp
Du khách tham quan mô hình sản xuất kẹo dừa tại Bến Tre
KHANG KA
Xu hướng du lịch sinh thái kết hợp mô hình sản xuất nông nghiệp đang ngày càng phát triển trên cả nước. Tại thị xã Sa Pa, hiện có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp. Từ năm 2020 đến nay, dự án phát triển cây cải dầu đã được thực hiện tại thôn Lồ Lao Chải (xã Hoàng Liên) và thôn Tả Van Dáy 2 (xã Tả Van) do UBND thị xã Sa Pa làm chủ đầu tư, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Sa Pa thực hiện.
Qua đánh giá, mô hình trồng cải dầu kết hợp với du lịch đã đem lại hiệu quả kinh tế “kép”, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. Trong đó thu từ việc bán rau, ngồng, hạt cải… là 40 triệu đồng/ha, thu từ phát triển du lịch thông qua các dịch vụ như chụp ảnh, cho thuê quần áo, bán nước, phục vụ nhu cầu ăn uống… là 60 triệu đồng.
Việc trồng rau cải và tăng vụ cải dầu trên đất ruộng lúa một vụ trước đây không chỉ giúp nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn danh thắng ruộng bậc thang, phát triển du lịch bền vững và thân thiện với môi trường; hạn chế tình trạng chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, đất sử dụng mục đích khác; thâm canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất; hạn chế thả rông gia súc, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới…
Theo thống kê, hiện nay, Hà Nội đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu, như: công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), trang trại đồng quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ)…
Tại khu vực ĐBSCL, nhiều chủ vườn còn đầu tư thêm các dịch vụ như homestay, phục vụ các món ăn đặc sản của địa phương như: rượu dừa, gỏi chôm chôm, cá lóc nướng trui. Bên cạnh đó, một số nơi còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế cho du khách với các nghề thủ công như: làm kẹo, dệt vải, lấy mật ong…
Theo Bộ NN-PTNT, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền cũng chính là một trong những nhiệm vụ Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 được Chính phủ đề ra.
Cụ thể, tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa; theo độ tuổi,…), đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.