Du lịch Thái Lan mở cửa nhưng còn đìu hiu
Khách du lịch đeo khẩu trang tại Thái Lan – Ảnh: BLOOMBERG.
Ở Patpong, khu vực trung tâm thủ đô Bangkok, hầu hết các buổi chiều đều trôi qua trong vắng lặng. Trước đại dịch, đây là một trong những khu “đèn đỏ” náo nhiệt nhất trên thế giới, thu hút lượng lớn khách du lịch nước ngoài tới các quán bar, hộp đêm.
Nhà hàng, cửa hiệu đóng cửa
Với việc ngành du lịch Thái Lan gần như bị đóng băng trong suốt 2 năm do COVID-19, hầu hết các cơ sở kinh doanh đều trong tình trạng đóng cửa. Ở khu vực chợ đêm, nhiều cửa hàng bình dân hay bán áo Red Bull, quần boxing Thái, đồng hồ Rolex nhái… cũng không còn.
Du lịch từng đóng góp tới 1/5 GDP của quốc gia Đông Nam Á trước khi đại dịch xuất hiện, với gần 40 triệu du khách nước ngoài và doanh thu hơn 60 tỉ USD trong năm 2019. Như nhiều nước khác hiện đang áp dụng chính sách sống chung với đại dịch, Thái Lan đang đẩy mạnh nỗ lực phục hồi ngành du lịch. Đầu tháng 2 năm nay, chính quyền của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha đã bắt đầu cho phép khách du lịch tiêm vắc xin nhập cảnh mà không cần cách ly.
Nhưng khách du lịch khi đến nước này vốn kỳ vọng vào sự sôi động của các nhà hàng, quán bar hay chợ đêm dường như sẽ thất vọng, bởi nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ đóng vai trò trọng yếu trong hệ sinh thái du lịch của Thái Lan hiện vẫn chưa hoạt động trở lại.
Trong khi đó, các cửa hàng dịch vụ cao cấp hơn đang đưa ra các gói giảm giá kích cầu sâu nhằm thu hút số khách ít ỏi, gián tiếp “bóp chết” các cơ sở nhỏ vẫn đang cố duy trì sau dịch.
Các quy định thắt chặt du lịch của Thái Lan, ví như yêu cầu phải thực hiện các xét nghiệm COVID-19 và có bảo hiểm y tế với mức hỗ trợ ít nhất 50.000 đô la, cũng phần nào giới hạn đối tượng khách du lịch, theo Bill Heinecke, chủ tịch Tập đoàn dịch vụ Minor International có trụ sở ở Bangkok.
“Giờ đây khi bạn đi du lịch, có thể thấy ghế hạng thương gia và hạng nhất đều kín, nhưng hạng phổ thông thì vắng tanh”, ông Heinecke nói thêm.
Dự báo sớm nhất phải đến năm 2024 ngành du lịch Thái Lan mới trở lại thời điểm trước dịch bệnh. Năm nay, Chính phủ Thái Lan ước tính sẽ có ít hơn 10 triệu khách nước ngoài đến nước này. Đó thậm chí còn là dự báo lạc quan với điều kiện Omicron và các biến chủng khác không gây tác động lớn đến quá trình hồi phục kinh tế trong nửa sau của 2022.
Thiết lập ‘bong bóng du lịch’
Trước đó, các nỗ lực nhằm phục hồi ngành du lịch, như chương trình trợ cấp để hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại và ăn uống của khách du lịch trong nước, cũng đã được Chính phủ Thái Lan triển khai. Nước này đưa vào áp dụng mô hình “du lịch hộp cát” (sandbox), trong đó cho phép khách du lịch nước ngoài không cần cách ly bắt buộc, trong điều kiện họ dành ít nhất 1 tuần ở Phuket hoặc 1 trong 3 bãi biển khác nằm trong chương trình.
Một con phố ‘đèn đỏ’ nhộn nhjp ở Bangkok năm 2012 và im ắng năm 2021 – Ảnh: BLOOMBERG.
Các hiệp hội khách sạn và hàng không của Thái Lan cho rằng những biện pháp này là không đủ để giảm chi phí, đặc biệt là đối với các khách sạn nhỏ đang gặp khó khăn do sự thiếu vắng các nhóm khách đi tour từ nước ngoài.
Nhân sự là vấn đề đặc biệt khó khăn với các cơ sở này, theo bà Marisa Sukosol Nunbhakdi, chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan. “Để mở cửa, các khách sạn cần nhân lực, nhưng hiện không có đủ nhu cầu và tiền bạc để làm điều đó”, bà nói.
“Nhiều người lao động trong lĩnh vực này đã quay trở về nhà hoặc thay đổi công việc, và hiện họ không muốn quay trở lại, bởi điều đó sẽ làm tăng nhiều chi phí”, bà Marisa Sukosol Nunbhakdi nói.
Mức lương trung bình trong ngành du lịch đã giảm 9,5% trong quý 3-2021, khi người lao động chuyển sang các công việc có mức lương thấp hơn, trong khi số giờ làm việc trung bình cũng giảm khoảng 10%, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định vào tháng 11.
Tỉ lệ phòng trung bình của các khách sạn Thái trong tháng 1 cũng giảm 32% từ mức 37% trong tháng 12, khi biến thể Omicron khiến chính phủ buộc phải thắt chặt quy định nhập cảnh.
Do số lượng khách vẫn ở mức thấp, hầu hết các khách sạn tại đây chọn lựa duy trì người lao động theo dạng tạm thời, thay vì tuyển dụng toàn thời gian, báo cáo đánh giá niềm tin của ngành dịch vụ do ngân hàng Thái Lan thực hiện cho biết.
Những điều này đã ảnh hưởng đến nỗ lực hồi phục ngành dịch vụ. “Ngành du lịch sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi”, trợ lý thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Piti Disyatat nói vào ngày 9-2.
“Nếu ngành này phải đối mặt với việc thiếu lao động, các cơ sở sẽ không thể phục vụ quá nhiều du khách, và nền kinh tế sẽ không thể tăng trưởng như chúng ta mong muốn”.
Ngoài ra, Thái Lan còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước trong châu Á. Philippines vào đầu tháng 2 đã bắt đầu cho phép khách du lịch tiêm vắc xin nhập cảnh mà không cần cách ly nếu có xét nghiệm âm tính và bảo hiểm y tế, trong khi Indonesia đã mở lại Bali cho khách du lịch quốc tế, trong đó khách tiêm đủ vắc xin sẽ cần cách ly 5 ngày và chưa tiêm là 7 ngày.
Nhập cảnh Thái Lan ‘hậu COVID’: Kiểm tra chặt chẽ, khó đặt phòng ‘ảo’ rồi hủy