Du lịch Thái Lan sẵn sàng tạo “sự kinh ngạc” trở lại
Ngành du lịch Thái Lan đã chứng tỏ khả năng hồi phục mạnh mẽ với hơn 11 triệu lượt khách nước ngoài đến thăm trong năm 2022. “Amazing Thailand” đã sẵn sàng tạo sự kinh ngạc trở lại.
Đầu tư thích đáng cho xúc tiến du lịch
Tháng 11 vừa qua, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đã trình Nội các phê duyệt khoản ngân sách trị giá 8,7 tỷ baht (251 triệu USD) để thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch, trong nỗ lực nhằm đạt mục tiêu thu hút 18-20 triệu lượt du khách tới Thái Lan trong năm tới.
Trong tổng số kinh phí nói trên, 7,2 tỷ baht sẽ được phân bổ cho giai đoạn 5 thực hiện chương trình “Rao Tiew Duay Kan” (Chúng ta du lịch cùng nhau) nhằm thúc đẩy du lịch nội địa. Số tiền 1,5 tỷ baht còn lại được phân bổ cho ngân sách tiếp thị của Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), bao gồm 1 tỷ baht cho quảng bá du lịch ngoài nước và 500 triệu baht cho thị trường nội địa.
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng đang lên kế hoạch xin sự chấp thuận của Nội các để miễn thị thực cho tất cả du khách châu Âu và kéo dài thời gian lưu trú cho khách du lịch từ các quốc gia/vùng lãnh thổ được miễn thị thực. Hiện tại, du khách từ một số nước châu Âu vẫn cần phải xin thị thực để đến Thái Lan.
Kể từ ngày 1/10, Thái Lan đã cho phép kéo dài thời gian lưu trú từ 30 ngày lên 45 ngày đối với khách du lịch từ các quốc gia/vùng lãnh thổ được miễn thị thực, và từ 15 lên 30 ngày đối với khách du lịch đủ điều kiện nhận thị thực khi đến.
Thái Lan hiện đã mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch nước ngoài và không còn yêu cầu khách du lịch phải xuất trình xác nhận đã tiêm phòng COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm COVID-19.
Quảng bá du lịch theo chủ đề
Một cuộc khảo sát do TAT thực hiện về các hoạt động yêu thích của du khách nước ngoài khi tới vương quốc này cho thấy hầu hết du khách thích ăn đồ ăn Thái (90%), đến các tiệm massage và spa (48%), đi biển (48%) và tham quan các di tích lịch sử (46%).
Trong nỗ lực khôi phục ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, các cơ quan chức năng Thái Lan đang có nhiều sáng kiến độc đáo để quảng bá cho ngành kinh tế xương sống này, trong đó có việc tổ chức các tour tham quan theo chủ đề sẽ diễn ra liên tục từ tháng 12/2022-3/2023 nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.
Khám phá “Những ngôi đền ẩn giấu” là tour du lịch mới nhất được tổ chức kéo dài đến cuối tháng 12/2022. Tour du lịch này nằm trong sự kiện “Mở ra Bangkok” được TAT, Cơ quan Kinh tế Sáng tạo (CEA) và Cục Triển lãm và Hội nghị Thái Lan (TCEB) phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy ngành du lịch của thành phố thủ đô.
Trong tour “Những ngôi đền ẩn giấu”, du khách sẽ được tham quan các đền chùa ít được biết đến của Bangkok. Trong khi đó, những người tham gia tour “Chào mừng Benjakitti” sẽ được đưa đi thăm Công viên rừng Benjakitti ở trung tâm thành phố Bangkok.
Trong seri “Tòa nhà cổ sống động”, du khách sẽ được khám phá các tòa nhà lịch sử của thành phố. Theo Phó thống đốc Bangkok Sanon Wangsrangboon, các tour du lịch theo chủ đề giúp quảng bá bản sắc địa phương và thúc đẩy nền kinh tế cộng đồng, đồng thời cho phép khách tham quan tìm hiểu thêm về Phật giáo, ẩm thực truyền thống và lối sống, văn hóa của cư dân địa phương.
Đẩy mạnh du lịch chữa bệnh
Thúc đẩy du lịch không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Du lịch và Thể thao. Bộ Y tế Thái Lan mới đây đã đưa ra khái niệm “Sức khỏe để Thịnh vượng” nhằm xây dựng sức mạnh kinh tế đất nước thông qua thúc đẩy du lịch chữa bệnh. Theo Hiệp hội Du lịch Y tế, Thái Lan xếp thứ 5 trong số các điểm đến du lịch y tế phổ biến nhất trên thế giới vào năm ngoái.
Thái Lan đứng đầu các quốc gia khác ở châu Á về số lượng bệnh viện đã được Ủy ban Hỗn hợp Quốc tế (JCI) công nhận đạt tiêu chuẩn toàn cầu hàng đầu về chất lượng chăm sóc sức khỏe và an toàn cho bệnh nhân. Chứng nhận JCI được xem là bảo chứng quan trọng đối với các bệnh viện ở các nước đang phát triển đang tìm kiếm khách du lịch y tế. Theo danh sách JCI tính đến tháng 12/2021, Thái Lan có tới 60 cơ sở y tế được JCI công nhận trên toàn quốc, trong khi Ấn Độ có 37, Nhật Bản 31, Malaysia 17 và Singapore 5.
Theo Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul, các yếu tố khiến Thái Lan trở thành điểm đến phổ biến đối với khách du lịch bao gồm tiêu chuẩn chăm sóc y tế cao, phương pháp điều trị chất lượng, chi phí hợp lý và chi phí sinh hoạt phải chăng cho những người lưu trú dài hạn khi họ hồi phục. Ngoài ra, ông Anutin cho rằng Thái Lan còn có thị thực y tế và cơ sở hạ tầng thuận lợi, giúp hỗ trợ du lịch y tế phát triển.
Bên cạnh đó, trong năm nay, Ủy ban Trung tâm Y tế Thái Lan đã phê duyệt các hướng dẫn nhằm phát triển Hành lang Sức khỏe Andaman (AWC) theo mô hình của ngành chăm sóc sức khỏe tiên tiến trên thế giới. Các mục tiêu của AWC là tăng cường khả năng cạnh tranh về du lịch sức khỏe ở 4 tỉnh dọc biển Andaman bao gồm Phuket, Krabi, Phang Nga và Ranong, mang lại sự phục hồi kinh tế, du lịch sau đại dịch tại các địa phương này. Việc phát triển các mô hình của ngành chăm sóc sức khỏe sẽ được thực hiện với việc sử dụng y học xanh và kinh tế sáng tạo nhằm nâng cao các chương trình chăm sóc sức khỏe và du lịch chữa bệnh.
Tích cực tìm kiếm các thị trường mới
Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Thái Lan từng đón tới 40 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, trong đó du khách từ Trung Quốc chiếm thị phần lớn. Trong khi Trung Quốc còn chưa rõ ràng về thời điểm dỡ bỏ hạn chế cho du lịch nước ngoài, Thái Lan đã tích cực tìm kiếm các thị trường mới để bù đắp lượng khách từ Trung Quốc.
Trong năm nay, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đã có nhiều hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường Trung Đông và Trung Á trong bối cảnh xu hướng hậu COVID-19 cho thấy nhu cầu du lịch quốc tế tăng mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchakitprakan, khu vực Trung Á là thị trường mới tiềm năng vì thời gian bay ngắn, không quá 7 giờ 30 phút và du khách từ khu vực này có nhu cầu đi du lịch quốc tế cao sau đại dịch. Điển hình như Kazakhstan và Uzbekistan là các quốc gia có tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao hơn các quốc gia khác trong khu vực thì nhu cầu đi du lịch của người dân cũng cao hơn.
Hiện Thái Lan đang xúc tiến các biện pháp đơn giản hoá thủ tục thị thực đối với các quốc gia ở khu vực này, bên cạnh việc mở thêm các chuyến bay thẳng giữa các thành phố ở Trung Á với các điểm du lịch ở Thái Lan.
Triển vọng và thách thức
Một khảo sát mới đây nhất do chương trình BBC News thuộc Tổ hợp truyền thông Anh BBC thực hiện cho thấy Thái Lan được đánh giá là điểm đến ưa thích nhất tại Đông Nam Á đối với khách du lịch từ Bắc Mỹ và châu Âu khi họ lên kế hoạch đi du lịch.
Khảo sát cho biết, du khách tới Đông Nam Á thường là những người đã đi nhiều nơi trên thế giới và họ tìm đến Đông Nam Á để mong có những trải nghiệm mới và khác biệt. Các số liệu thống kê cũng cho thấy ưu tiên của khách du lịch nằm ở du lịch văn hóa và bền vững, với 91% người được hỏi tìm kiếm văn hóa và di sản độc đáo ở điểm đến đã chọn và 72% khách du lịch có ý thức giảm thiểu tác động của họ đối với môi trường địa phương. Bên cạnh đó, du khách thuộc nhóm này thường có kế hoạch ở lại điểm đến ít nhất 1-2 tuần. Và dường như tất cả những gì ngành du lịch Thái Lan đang làm hầu như đều đáp ứng được đúng mong muốn của họ.
Tuy vậy, mục tiêu đón 18-20 triệu lượt khách du lịch nước ngoài của Thái Lan trong năm tới sẽ không dễ dàng đạt được. Hiệp hội đại lý du lịch Thái Lan mới đây kêu gọi các nước mở cửa hơn nữa cho du lịch vì theo họ, các biện pháp hạn chế đi lại và nhập cảnh được áp dụng ở một số quốc gia vẫn đang là những trở ngại lớn nhất trong việc mở rộng hoạt động du lịch.
Trong khi đó, TAT cũng nhìn nhận kết quả khả quan trong năm nay có được là nhờ nhu cầu tăng cao từ những người không thể đi du lịch trong 2-3 năm trước đó. Động lực này sẽ không còn khi mùa cao điểm du lịch quốc tế kết thúc vào tháng 3/2023.
Theo Tổng cục trưởng TAT Yuthasak Supasorn, những vị khách quốc tế có nhu cầu du lịch và sức chi trả cao chủ yếu đi du lịch vào mùa Đông năm nay và quý I năm tới. Khi không còn nhu cầu bị dồn nén, ngành du lịch sẽ mất động lực thúc đẩy lượng khách. Khi vào mùa thấp điểm, Thái Lan sẽ phải ứng phó với hàng loạt yếu tố tác động tiêu cực đến ngành du lịch như suy thoái kinh tế, chi phí đi lại cao và lạm phát.