Du lịch Việt Nam, đang tiến hay lùi?

(HNMO) – Những năm gần đây, ngành Du lịch Việt Nam liên tiếp đạt những thành tích ấn tượng. Nhưng phân tích một cách sâu sắc, Tổng cục Du lịch cảnh báo, du lịch Việt Nam còn ở vị trí thấp so với Thái Lan, Malaysia và Singapore. Khả năng đuổi kịp các nước này chỉ có thể đặt ra khi ngành du lịch thực sự được quan tâm.


Vui buồn những con số

Theo Tổng cục Du lịch, so sánh trong ASEAN, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 5 về số lượng khách quốc tế với hơn 10 triệu lượt, bằng 31% so với Thái Lan (32,6 triệu), bằng 37% của Malaysia (26,8 triệu), 61% của Singapore (16,4 triệu), 83% so với Indonesia (12 triệu).

Về “Chỉ số năng lực cạnh tranh”, Tổng cục Du lịch cũng cho biết, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 67/136 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2015 và thuộc nhóm 10 nền kinh tế cải thiện mạnh nhất về thứ hạng; xếp hạng 5 và đứng đầu về mức độ cải thiện thứ hạng trong ASEAN so với đánh giá 2015.
 

Khách quốc tế đến Hà Nội (Ảnh: internet)

Điểm mạnh nhất của Việt Nam là tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 30), tài nguyên tự nhiên (hạng 34), sức cạnh tranh về giá (hạng 35), nhân lực và thị trường lao động (hạng 37). Nhưng rất nhiều chỉ số của Việt Nam bị xếp hạng thấp: Mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (hạng 101) và mức độ mở cửa quốc tế (hạng 76).

Đặc biệt, những hạn chế lớn nhất của ngành du lịch Việt là: Chất lượng hạ tầng du lịch xếp hạng 113, chi tiêu chính phủ cho ngành du lịch xếp hạng 114; chỉ số yêu cầu thị thực nhập cảnh xếp hạng 116, thấp nhất trong các nước ASEAN.

Cũng so sánh ngay trong khu vực ASEAN, năm 2016 Việt Nam chỉ chi khoảng 2,5 triệu USD cho xúc tiến điểm đến du lịch quốc gia trong khi Thái Lan, Singapore, Malaysia chi khoảng 100 triệu USD cho hoạt động này.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 22 nước nhưng Indonesia miễn cho 169 nước và vùng lãnh thổ; Singapore là 158, Philippines 157, Malaysia 155 và Thái Lan miễn cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ.

Malaysia có 35 văn phòng đại diện du lịch tại nước ngoài, Thái Lan có 28 văn phòng, Singapore 23 văn phòng còn Việt Nam đến nay vẫn chưa có một văn phòng đại diện du lịch nào ở nước ngoài.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng du lịch của Việt Nam cao thứ 2 khu vực. Trong cả giai đoạn 2011-2016, du lịch Việt Nam tăng trưởng 11%, chỉ thấp hơn Myanmar (37%) và Campuchia (12%). Riêng năm 2016, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực (26%), trong khi Indonesia đạt 16% (cao thứ hai khu vực), Philippines (11%), Thái Lan (9%), Singapore (8%), Campuchia và Malaysia (4%), các nước khác giảm.

Từ thực tế này, Tổng cục Du lịch cảnh báo, du lịch Việt Nam còn ở vị trí thấp so với các nước Thái Lan, Malaysia và Singapore. Khả năng đuổi kịp các nước này chỉ có thể đặt ra khi ngành du lịch thực sự được quan tâm..

Đối với các nước ở nhóm thấp hơn, du lịch Việt Nam ở mức độ phát triển cao hơn, nhưng nếu ta không quan tâm và có những xung lực phát triển mới thì du lịch các nước có thể dần tiệm cận với mức độ phát triển du lịch của nước ta.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016, lượng khách quốc tế ước đạt kỷ lục hơn 10 triệu lượt khách, tăng 26% so với năm 2015.

Trong số này, phần lớn là khách đến bằng đường hàng không với 8,26 triệu lượt, tăng 31,7% so với cùng kỳ. Khách đến bằng đường biển cũng đạt mức tăng trưởng cao 67,7% với gần 285.000 lượt. Trong khi đó, lượt khách đến bằng đường bộ giảm 2,3%, chỉ đạt 1,467 triệu lượt khách. 

Khách Trung Quốc- lợi ích và thiệt hại

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là ba thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam.

Riêng các thị trường này đã chiếm gần một nửa tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt gần 2,7 triệu lượt, tăng trưởng 51,4% trong 2016. Khách từ Hàn Quốc và Nhật Bản đạt lần lượt 1,54 triệu lượt và 0,74 triệu lượt, tăng tương ứng 38,7% và 10,3% so với cùng kỳ. 

Từ giữa năm 2016 đến nay, khách Trung Quốc đi theo tour 0 đồng tăng mạnh ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và mới đây là Quảng Ninh. Điều đáng quan tâm là, dù lượng khách đến tăng nhưng ngành Du lịch địa phương hầu như không được hưởng lợi, bởi toàn bộ dịch vụ phục vụ số khách này đều do doanh nghiệp Trung Quốc bao thầu. Khách được đi tham quan rất ít, chủ yếu được đưa vào các điểm mua sắm, hàng lưu niệm, ăn uống với giá cao và hiện tượng các cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc vừa bị đóng cửa là điển hình.

Bên cạnh đó là tình trạng nhồi nhét khách, giảm suất ăn chính hay thậm chí tắt điều hòa trên xe để buộc khách phải xuống điểm mua sắm… Thực trạng nêu trên không chỉ gây thất thoát nguồn thuế mà còn làm xấu hình ảnh du lịch địa phương, rộng hơn là hình ảnh du lịch Việt Nam và dẫn đến hậu quả là nhiều du khách “một đi không trở lại”.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Dã ngoại Lửa Việt, bán tour 0 đồng cho du khách Trung Quốc đến Việt Nam là một hình thức kinh doanh không tốt bởi giá mua sắm, dịch vụ bị đẩy lên cao gấp 3, 4 lần. Để thu hút khách, không ít đơn vị lữ hành đã bán tour dưới giá thành, thậm chí là tour 0 đồng cho những đoàn khách Trung Quốc, Hàn Quốc. Đây là hình thức tour trong đó khách được chào mời chỉ phải trả tiền vé máy bay, còn tiền ăn, ở, tham quan… sẽ được miễn phí hoàn toàn.

Tuy nhiên, khi tham gia tour khách sẽ liên tục bị ép vào cửa hàng mua sắm, sử dụng các dịch vụ giá cao hay sẽ bị “chém đẹp” khi mua vé tham quan tại các điểm đến…
 

Du khách Trung Quốc tại Việt Nam (Ảnh: internet)

Thực tế cho thấy, không chỉ ở Việt Nam, tình trạng tour giá rẻ đã xuất hiện ở nhiều quốc gia như tại Thái Lan từ năm 1995, sau đó xuất hiện tại Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore. Rất nhanh chóng, các tour dạng này đã bị siết chặt.

Cụ thể là từ năm 2016, Thái Lan đã “mạnh tay” với dạng tour này nên chỉ trong một thời gian ngắn, chi phí tour đã tăng lên 9.000 tệ (tương đương 28,8 triệu đồng/khách cho tour 5 đến 6 ngày), dẫn đến lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan sụt giảm mạnh. Sau đó, Thái Lan đã dần điều chỉnh, nới lỏng thị trường.

Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong cũng đã từng siết chặt tour giá rẻ, tour 0 đồng bằng cách thường xuyên đưa tin về việc hướng dẫn viên ép buộc du khách mua sắm… Các nước Âu – Mỹ chấp nhận sự tồn tại tour giá rẻ nhưng luôn có quy định khách du lịch phải được biết rõ dịch vụ trong tour, vì thế tỷ lệ khiếu kiện ít, khách du lịch hiểu và đồng thuận…

Ông Đặng Tiến Đạt, đại diện Lạc Hồng Travel khẳng định: “Khách Trung Quốc đã và đang góp phần đuổi những dòng khách cao cấp như Nga, Pháp, Đức, Mỹ…”

Tuy nhiên, khách Trung Quốc không phải không có những mặt tích cực. Theo ông Lê Vàng, chuyên viên Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch: “Trong khi chúng ta rất khó “móc” hầu bao du khách từ các thị trường khác thì khách Trung Quốc lại ưa thích sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam. Chính vì vậy, nếu quản lý tốt thì đây là nguồn thu ngoại tệ lớn, có tác dụng phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ”.

Bất cứ thị trường khách nào cũng có hai mặt. Khai thác mặt nào để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho Việt Nam phụ thuộc vào chính chúng ta.