Đưa hình ảnh đất nước đậm đà bản sắc dân tộc ra thế giới
Đối ngoại bằng “sức mạnh mềm”
Năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng cố đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain thưởng thức món bún chả trên phố Lê Văn Hưu. Hoàng tử Anh William thưởng thức cà phê phố cổ hay cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande uống cà phê trên phố Mã Mây vào năm 2016. Năm 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và phu nhân đã cùng thưởng thức món phở bò tại một cửa hàng ở Hà Nội. Mới đây nhất, hồi tháng 2/2019, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã dừng chân thưởng thức cà phê ngay tại một quán vỉa hè…
Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫy tay chào người dân Thủ đô Hà Nội sau khi rời quán bún chả trên phố Lê Văn Hưu. Ảnh: TTXVN
Văn hóa ẩm thực Việt – một mảnh ghép trong gia tài di sản văn hóa đồ sộ của Việt Nam, tạo dấu son trên bản đồ du lịch quốc tế là một phần thành quả của các chiến lược, chính sách thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, hoạt động giao lưu văn hóa sau khi đất nước được thống nhất và sau hơn 35 năm đổi mới, đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành chiến lược, chính sách thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, hoạt động giao lưu văn hóa.
Ngày nay, Việt Nam có quan hệ kinh tế – thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ ở cả 5 châu lục, trong đó có 30 nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Từ mục tiêu góp phần xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm nâng cao vị thế quốc gia, ngoại giao văn hóa đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, đóng góp tích cực đối với sự phát triển của đất nước. Trong đó, các chuyên gia đánh giá, cách nhìn nhận về ngoại giao văn hóa ở Việt Nam tương đối đa dạng và theo nhiều xuất phát điểm khác nhau.
PGS, TS. Lê Thanh Bình (Học viện Ngoại giao) nhận định: “Các hoạt động giao lưu văn hóa ngày càng trở thành một kênh chuyên nghiệp, hiệu quả góp phần nâng tầm vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Giao lưu văn hóa không chỉ đẩy mạnh quan hệ với các nước, mà còn truyền bá văn hóa nước nhà đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết kiều bào với quê hương, đất nước, thẩm thấu văn hóa Việt Nam tới cộng đồng nước sở tại”.
Nhiều hoạt động, như ngày, tuần, tháng văn hóa Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật, lễ hội văn hóa – du lịch, chiếu phim, các hoạt động giao lưu văn hóa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đem lại sự thấu hiểu, cảm mến, thân thiện, để lại ấn tượng đẹp đối với cộng đồng quốc tế.
Các “Năm Việt Nam” tại nhiều nước như Liên bang Nga, Trung Quốc, Lào,… hay tổ chức năm chéo Việt – Pháp, Pháp – Việt; Việt – Nga, Nga – Việt…; các lễ hội Việt Nam hằng năm với lượng khách tham gia hàng trăm nghìn người tại Nhật Bản, Hàn Quốc đang trở thành kênh thu hút đầu tư, du lịch tới Việt Nam. Mô hình trung tâm văn hóa, nhà văn hóa Việt Nam tại Pháp, Đức, Thái Lan, Lào… góp phần tích cực kết nối, truyền bá các nét đặc sắc, điển hình của văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tới người bản địa và cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước sở tại.
Tại các tổ chức về văn hóa của thế giới như Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), Quỹ Văn hóa dân gian quốc tế (IGF), Tổ chức Triển lãm thế giới (BIE), Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO), Tổ chức Văn hóa – Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO), Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP)…, đại diện Việt Nam đã thể hiện được sự năng động, tinh thần trách nhiệm, đóng góp một số sáng kiến được ghi nhận, góp phần nâng cao vị thế đất nước.
Đối với hoạt động quảng bá du lịch, truyền thông thương hiệu đất nước, các ngành chức năng đã tích cực quảng bá các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam tại nhiều trang tin điện tử, tạp chí, kênh truyền thông phổ biến, như CNN, Travel and Leisure, National Geographic, Condé Nast Traveler, góp phần thu hút xấp xỉ 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những năm gần đây.
Nghệ thuật tạo hình, hội họa bước đầu được truyền thông quốc tế, sàn đấu giá uy tín ghi nhận. Nhiều bức tranh của các danh họa trong nước, như Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh…, được định giá rất cao. Các sự kiện văn hóa quốc tế do Việt Nam tổ chức, như Festival Huế, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan Xiếc quốc tế, Liên hoan Rối quốc tế…, được các nhà chuyên môn, nghệ sĩ, nhà báo, du khách quốc tế tham gia đông đảo, nhiệt tình ủng hộ.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đánh thử nhạc cụ dân tộc Việt Nam nhân thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Chủ động ngay trên “sân nhà”, Việt Nam là miền đất chào đón các tổ chức quốc tế, đoàn ngoại giao, nhà văn hóa, nhà báo, nghệ sĩ nước ngoài đến với sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế ngay tại Việt Nam. Nhiều nước đã thành lập và đưa vào hoạt động của các cơ sở văn hóa tại Việt Nam, như Viện Goethe của Đức, Thư viện Phòng Văn hóa Sứ quán Mỹ; các trung tâm văn hóa và ngôn ngữ của Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Phát biểu về những thành tựu của Ngoại giao Văn hóa, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung chia sẻ: “Sau nhiều nỗ lực, đến nay Việt Nam tự hào là nước đứng đầu khu vực ASEAN với tổng số 21 di sản thế giới được UNESCO công nhận, tất cả 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều sở hữu với ít nhất một danh hiệu do UNESCO ghi danh, công nhận. Đây là sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào việc làm phong phú thêm, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại. Đồng thời, các danh hiệu ở tầm cỡ quốc tế mà UNESCO dành cho Việt Nam cũng là cách thức hữu hiệu giúp bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về đất nước, con người, truyền thống, lịch sử của Việt Nam.
Chính sách mở đường ngoại giao văn hóa
Việc xác định “ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế là ba trụ cột của Ngoại giao Việt Nam” tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 25 (năm 2006) và tới Hội nghị Ngoại giao lần thứ 26 (năm 2008), công tác ngoại giao văn hóa đã được coi là trọng tâm của toàn ngành ngoại giao.
Ngoại giao văn hóa được nâng tầm, khi được đề cập đến trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng (năm 2011): “Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại nhân dân; đối ngoại, quốc phòng và an ninh; chính trị đối ngoại, kinh tế và văn hóa đối ngoại”.
Hoạt động gắn biển tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Marseille (Pháp) vào ngày 26/11/2021. Ảnh: TTXVN
Ngày 14/2/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 208/2011/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, xác định 5 hoạt động chính của ngoại giao văn hóa, bao gồm: Mở đường, khai thông quan hệ với các nước và khu vực có nhiều quan hệ với ta; xúc tiến, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các quốc gia; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế; vận động để Việt Nam có nhiều di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, một số công trình nghiên cứu về ngoại giao văn hóa đã được xuất bản, đóng góp cơ sở lý luận quan trọng cho “địa hạt” khá mới mẻ này.
Một số lĩnh vực được thế giới quan tâm đặc biệt và đang là xu thế phát triển cũng được Việt Nam chú trọng như “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, các quyền liên quan”.
Không dừng ở lý luận, các hoạt động ngoại giao văn hóa đi vào thực tiễn, gắn với các hoạt động ngoại giao chính trị, như các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các hội nghị cấp cao có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới. Từ năm 2007, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Nhật Bản, các hoạt động ngoại giao văn hóa đã được lồng ghép vào chương trình nghị sự, tạo dấu ấn “mở đường” ấn tượng về chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam sang Nhật Bản, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Từ đó, việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại Việt Nam, lồng ghép các chương trình ngoại giao văn hóa liên tục được thực hiện. Tính riêng năm 2019, trong các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước, mục tiêu quảng bá hình ảnh Việt Nam đã được chú trọng và thực hiện thành công bên cạnh các mục tiêu về chính trị và kinh tế.
Đoàn Phu nhân, phu quân lãnh đạo các nền kinh tế tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC Việt Nam 2017 tham quan phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) và ấn tượng với những bức tranh thêu tay trên lụa và những tà áo dài thêu. Ảnh: TTXVN
Ngoại giao văn hóa còn góp phần tích cực trong việc nâng cao hiểu biết về Việt Nam trong chính giới và nhân dân các nước trên thế giới. Đặc biệt, việc triển khai thành công đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam ở nước ngoài 2010 – 2020” trong những năm qua đã mang lại kết quả hết sức tốt đẹp. Nhiều tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài đã được duy tu, sửa chữa hoặc khánh thành, điển hình như hoàn thành công tác duy tu, sửa chữa tượng đài Bác Hồ ở Madagascar, Nga, Cuba, khánh thành tượng đài Bác Hồ tại Chile, Singapore…
Trong “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2011 nêu rõ: “Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam”.