Đưa hình ảnh đất nước ra thế giới qua con đường di sản: Nâng tầm vị thế đất nước (Bài 1)
Việt Nam là đất nước có nền văn hiến lâu đời, với nền văn hóa đậm đà bản sắc của 54 dân tộc anh em. Trong nền văn hóa đó, các di sản văn hóa đã được nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy, không chỉ giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn nâng tầm vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Vị thế từ di sản
Hồi 16 giờ 12 phút, ngày 29/11/2022 giờ địa phương (tức 22 giờ 12 phút ngày 29/11/2022 giờ Việt Nam), tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Rabat, Thủ đô của Vương quốc Ma-rốc, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là 1 trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.
Các hoạt động giao lưu văn hóa ngày càng trở thành một kênh chuyên nghiệp, hiệu quả góp phần nâng tầm vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Giao lưu văn hóa không chỉ đẩy mạnh quan hệ với các nước, mà còn truyền bá văn hóa nước nhà đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết kiều bào với quê hương, đất nước, thẩm thấu văn hóa Việt Nam tới cộng đồng nước sở tại.
PGS, TS. Lê Thanh Bình
Học viện Ngoại giao
Như vậy, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam, được ghi danh vào các Danh sách của UNESCO. Trước đó, cùng với 8 di sản văn hóa vật thể, Việt Nam đã có 14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
Điều này cho thấy, di sản văn hóa phong phú và đa dạng của 54 dân tộc trên đất nước ta ngày càng được cộng đồng trong nước và quốc tế quan tâm. Cùng với số lượng di sản đã vươn tầm, được thế giới công nhận thì cả nước hiện có hàng trăm nghìn di sản văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước hiện đã kiểm kê được hơn 40.000 di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh; hơn 10.000 di tích đã được xếp hạng (119 di tích quốc gia đặc biệt, 3.551 di tích quốc gia, 6.340 di tích cấp tỉnh); 64.000 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 396 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới ghi danh (3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương).
Cả nước hiện có 185 bảo tàng, gồm 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập, bảo quản hơn 4 triệu hiện vật; có 215 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia.
Bên cạnh đó là gần 8.000 lễ hội được lưu truyền gắn với nhiều phong tục, tập quán, nghệ thuật trình diễn, làng nghề thủ công, văn hóa ẩm thực, trang phục…, trong đó có nhiều phong tục, tập quán của đồng bào DTTS được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng nhằm bảo đảm tính đa dạng, phong phú về sắc thái văn hóa của các vùng, miền trên cả nước.
Ngày 29/11/2022, UNESCO đã ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại
Với khối tài sản vô giá đó, trong quá trình hội nhập, bằng nhiều hình thức như qua các màn trình diễn nghệ thuật truyền thống, qua các hội nghị ở nước bạn hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng, Việt Nam đã tập trung giới thiệu các giá trị văn hóa của đất nước ra nước ngoài, để mọi người, mọi quốc gia trên thế giới hiểu về văn hóa, đất nước con người Việt Nam.
Động lực cho phát triển
Phải khẳng định, di sản văn hóa ở nước ta tham gia trong quá trình hội nhập không dừng ở hoạt động nội bộ của ngành văn hóa hay ngành du lịch. Khách nước ngoài đến Việt Nam thưởng ngoạn, nghiên cứu, trải nghiệm từ các di sản vật thể và phi vật thể, qua đó họ hiểu thêm các giá trị truyền thống của con người Việt Nam, đồng thời giúp họ có niềm tin trong việc chọn Việt Nam làm điểm đến, điểm đầu tư đáng tin cậy.
Không những vậy, hệ thống di sản văn hóa này đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của các địa phương có di sản. Đơn cử, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình0, tại thời điểm lập hồ sơ đề cử vào năm 2012 chỉ có hơn 1 triệu lượt khách/năm; năm 2019, sau 5 năm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, địa chỉ này đã thu hút 6,3 triệu lượt khách tham quan.
Hay Quần thể Di tích Cố đô Huế và Vịnh Hạ Long khi mới được ghi danh Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới chỉ có vài chục nghìn người thăm/năm, đến nay con số này đã lên đến hàng triệu lượt người….
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO ghi danh năm 2005.
Cùng với đó, những bảo tàng rất đông khách tham quan (như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng cổ vật cung đình Huế…); những di sản văn hóa phi vật thể thu hút số lượng lớn người tham dự và trải nghiệm (như nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hội Gióng, dân ca Quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử…) đã mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt.
Theo ông Trần Văn Mạnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, khi những di sản có giá trị được khai thác ‘đúng mức’ sẽ đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, giúp ngành du lịch, khách sạn, bán lẻ… phát triển, tạo nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.
Ở chiều ngược lại, các doanh nhân, doanh nghiệp hưởng lợi từ di sản cần có kế hoạch đầu tư trở lại vào việc bảo tồn di sản như một phần trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, tự nguyện, tự giác trích một phần những khoản thu được từ khai thác di sản để quay ngược trở lại đóng góp và thúc đẩy hơn nữa công tác bảo tồn và gìn giữ di sản.
Một nghiên cứu của TS. Nguyễn Công Thành, giảng viên Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) khẳng định rằng, di sản văn hóa có giá trị kinh tế, có thể đem lại lợi ích kinh tế cho xã hội. Lấy ví dụ về Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), nghiên cứu của ông Thành ước tính giá trị kinh tế của di sản này đạt khoảng 5 triệu USD/năm từ phương pháp tính mức sẵn sàng chi trả của du khách (WTP) khi đến thăm quan; trong đó, mức WTP bình quân 1 người cao nhất là 8,78 USD của du khách quốc tế và thấp nhất là 2,17 USD của người dân trong nước.
“Vì thế, xu hướng lồng ghép bảo tồn di sản vào các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và sử dụng bảo tồn di sản như là một động lực phát triển kinh tế đang ngày càng được quan tâm”, nghiên cứu của TS. Nguyễn Công Thành nhận định.
Xòe Thái được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2021
Thực tế, việc khai thác nguồn lực di sản văn hóacòn kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố khác như kết cấu hạ tầng, dịch vụ, sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động,… tạo ra sự phát triển bao trùm và hài hòa. Những không gian di sản văn hóa như vậy khôngchỉ lan tỏa giá trị di sản, góp phần vào sự phát triển xã hội hài hòa, nhân văn và có bản sắc… mà đã trở thành sản phẩm văn hóa – thương mại tạo ra sự tăng trưởngkinh tế.
15 Di sản phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận:
– Nhã nhạc cung đình Huế (năm 2003);
– Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2005);
– Dân ca quan họ Bắc Ninh (năm 2009);
– Ca trù (năm 2009);
– Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (năm 2010);
– Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (năm 2012);
– Đờn ca tài tử Nam Bộ (năm 2013);
– Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh (năm 2014);
– Nghi lễ và trò chơi kéo co (năm 2015);
– Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (năm 2016);
– Nghệ thuật bài chòi Trung bộ (năm 2017);
– Hát xoan (năm 2017);
– Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái (năm 2019);
– Nghệ thuật Xòe Thái (năm 2021);
– Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (năm 2022).