Đua nhau học kỹ năng
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian nghỉ hè của học sinh – sinh viên trong cả nước ngắn hơn mọi năm. Nhiều phụ huynh tranh thủ gửi gắm con em vào các lớp kỹ năng hè.
Bù đắp thiếu hụt
Chờ đón con đang học khóa giao tiếp tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, anh Nguyễn Đình Huy, nhà ở quận 7 (TP HCM), nói: “Nhiều phụ huynh sai lầm khi không chú ý giáo dục kỹ năng sống cho con nên nhiều cháu giống như “gà công nghiệp”. Tôi mong con không chỉ là học sinh giỏi trên trường mà về nhà hay ra ngoài xã hội cũng đều biết cách ứng xử”.
Chị Nguyễn Ngọc Thùy Trinh, ngụ quận Gò Vấp (TP HCM), cho biết: “Hai bé nhà tôi có khuynh hướng nghiêng về các môn nghệ thuật. Mọi năm, tôi thường gửi các con vào những lớp năng khiếu ở TP HCM học thêm các môn nghệ thuật. Nhưng năm nay, các con đã lớn, nên tôi tìm đến các lớp dạy kỹ năng sống ngắn hạn, cho trải nghiệm trong môi trường không cha mẹ 1 tuần để học những việc cơ bản nhất”. Ban đầu, khi trao đổi về kế hoạch này, con gái 12 tuổi và con trai 11 tuổi của chị Trinh đều không chịu. Các con lập luận rằng những chuyện thuộc về cá nhân thì con đã quen, còn việc nhà có ông bà ngoại và ba mẹ, tại sao con lại phải học?
Theo tìm hiểu, các bé từ 6 đến 12 tuổi thường học các lớp kỹ năng do phụ huynh lựa chọn. Ở độ tuổi từ 13 đến 18, các em đã có thể định hình được bản thân mình yêu thích gì hoặc đi chung với bạn bè cho vui. Cha mẹ đóng vai trò tìm hiểu và hướng dẫn thêm, còn lại để con tự lập. Riêng đối với những sinh viên các trường đại học – cao đẳng, các lớp kỹ năng liên quan đến hướng nghiệp được nhiều em lựa chọn để làm bước đệm cho quá trình đi làm sau này.
Nhiều em nhỏ tham gia các khóa Trải nghiệm và Ứng dụng tâm lý Nhân Đức (quận Gò Vấp, TP HCM)
Nhiều lớp học mở theo nhu cầu
Ông Trương Minh Trung – Phó Phòng Đào tạo, Nhà Văn hóa Sinh viên TP HCM – cho biết Nhà Văn hóa Sinh viên TP HCM đang lên kế hoạch tổ chức các lớp kỹ năng hè đa dạng cho nhiều lứa tuổi; đặc biệt là các lớp về định hướng tương lai như xác lập mục tiêu và kế hoạch học tập rèn luyện, thiết kế con đường nghề nghiệp, kỹ năng viết CV và chinh phục nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, Nhà Văn hóa Sinh viên TP HCM cũng phối hợp với các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp mở lớp ở các nhóm: kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội, kỹ năng quản lý bản thân và kỹ năng chuyên nghiệp, nâng cao.
“Chúng tôi tiến hành khảo sát tại các trường để tìm hiểu nguyện vọng của các bạn sinh viên trước khi mở lớp. Đặc biệt, chúng tôi cũng chủ trương đa dạng các hình thức học tập cho phù hợp với nhu cầu. Hiện nay, do đã quen với việc học trực tuyến cộng với giá xăng tăng cao nên nhiều bạn chọn hình thức online, thuận tiện cho việc học và làm thêm của các mình” – ông Trung thông tin.
ThS Nguyễn Hữu Phúc – đồng sáng lập Trải nghiệm và Ứng dụng tâm lý Nhân Đức (quận Gò Vấp, TP HCM), giảng viên kỹ năng mềm – đề cao việc giáo dục trải nghiệm. Quá trình này giúp người học củng cố kiến thức, phát triển các năng lực thiết yếu và hình thành tư duy mới phù hợp với sự thay đổi và nhận thức của xã hội.
ThS Phúc nhấn mạnh: “Học thông qua trải nghiệm được đánh giá là giúp phát triển năng lực của một công dân toàn cầu thế kỷ XXI, gồm tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác, sáng tạo. Hơn nữa, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tiến hành kế hoạch tích hợp hoạt động trải nghiệm vào các chương trình giáo dục chính thống”.
Có rất nhiều trung tâm kỹ năng lấy tiêu chí này để chiêu sinh. Khi tham gia, học viên được trải nghiệm thực tế, hòa mình với thiên nhiên và hóa thân thành những nhân vật yêu thích như nông dân, đầu bếp, bác sĩ… Ngoài ra, những khóa trại hè tiếng Anh, học kỳ quân đội, kỹ năng sinh tồn cũng là một dạng trải nghiệm bổ ích, được nhiều người lựa chọn.
Một vấn đề đang được quan tâm là trẻ có xu hướng trầm cảm, rút vào vỏ ốc của riêng mình chứ ít tương tác với người thân hoặc bạn bè, nhất là thời điểm trong và sau dịch Covid-19. Chính vì vậy, một nét mới trong thời gian gần đây là các lớp học yoga kể chuyện dành cho những bé nhóm 3-6 tuổi, 7-10 tuổi ở các trường mầm non và tiểu học.
“Chúng tôi khuyến khích sự tham gia của các thành viên trong gia đình để tạo nên một bức tranh đầy yêu thương, gắn bó. Ở đó, các bé sẽ được học cách ứng xử, thấu hiểu và trưởng thành, thực hành các tư thế yoga hỗ trợ phát triển chiều cao, hít thở sâu, giúp trẻ thư giãn tinh thần sau khoảng thời gian nhiều biến động”, chị Vũ Thị Kiều Oanh, người sáng lập Yoga Planet (quận 3, TP HCM), thông tin.
Chị Vũ Thị Kiều Oanh lưu ý phụ huynh cần xác định mục tiêu học tập hè, tập trung vào nội dung mà gia đình và bản thân đứa trẻ đó mong muốn, tránh hiện tượng FOMO (hội chứng lo sợ đứng ngoài trào lưu của đám đông) và quan trọng là cho trẻ thời gian để trải nghiệm, đào sâu, không chạy theo bề mặt.
Tìm hiểu kỹ các khóa học
Giữa một rừng các khóa học và trung tâm kỹ năng hè, các em cần xác định thật rõ ràng nhu cầu và khả năng của bản thân; phụ huynh cần sáng suốt trước những quảng cáo thổi phồng, tránh giao hoàn toàn cho trung tâm mà không theo dõi con. Bên cạnh đó, học phí cũng là một vấn đề đáng quan tâm, nhất là đối với những gia đình có điều kiện kinh tế không mấy khá giả. Chính vì vậy, mọi người nên tìm hiểu kỹ, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.