Đừng vội mừng khi thấy trẻ 2 tuổi nói tiếng Anh
“Thấy đứa cháu 2 tuổi đã biết nói các chữ cái bằng tiếng Anh, nhìn quả táo bé nói apple, cả nhà mừng quýnh nghĩ con mình có năng khiếu tiếng Anh. Nhưng đáng tiếc sự thật không phải là như vậy”, chuyên gia Anh Đức chia sẻ.
Trong thời đại bùng nổ của công nghệ, trẻ con vô tình được tiếp cận với các thiết bị hiện đại mà bố mẹ ở tuổi của chúng không có cơ hội biết tới. Phổ biến nhất và cũng là thu hút nhất với trẻ con là các đoạn phim hoạt hình và các bài hát trên Youtube vốn được làm rất sinh động và hấp dẫn với trẻ con. Những bài hát phổ biến về bảng chữ cái tiếng Anh, những bài hát ghép tên đồ vật với bảng chữ cái, rồi cả những bài hát về con số… đã thu hút trọn vẹn sự chú ý của đứa trẻ, khiến bé nhập tâm và nói theo những gì chúng nghe thấy và nhìn thấy.
Thực chất trẻ con 2 tuổi chưa có khái niệm về các ký tự hay chữ viết, và lại càng không có khái niệm về âm thanh gắn với chữ viết đó được phát âm như thế nào. Chúng chỉ đơn thuần “chụp lại” cả hình ảnh và âm thanh những gì sinh động đang diễn ra trước mắt chúng. Nếu bạn để ý thì thấy trẻ sẽ xem đi xem lại hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần một vài đoạn phim mà chúng thích.
Sự lặp lại ở tần suất rất cao của một vài chữ viết, câu hát và hình ảnh đồ vật khiến cho đứa trẻ trở nên “thuộc” hình ảnh và âm thanh các chữ viết và đồ vật đó, nên khi thấy những chữ cái, những quả bóng hay quả táo… quen thuộc xuất hiện trong thực tế, đứa trẻ sẽ nói ra cái chúng đã thuộc một cách tự nhiên. Và hành vi này xảy ra với hầu hết đứa trẻ được cha mẹ cho xem nhiều các bài hát tiếng Anh trên Youtube, nó không phải là hiện tượng lạ hay là năng khiếu đặc biệt. Bất cứ đứa trẻ bình thường nào được xem nhiều phim và lặp lại nhiều lần đều có xu hướng nhắc lại âm thanh của những đồ vật mà chúng hay xem khi bắt gặp trong thực tế.
Tiến sĩ Ben Williams, chuyên gia về giáo dục trẻ thông minh sớm đang hướng dẫn trẻ học tập.
Sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra từ phía phụ huynh, và câu hỏi đầu tiên là liệu việc đứa trẻ xem rồi nhắc lại những từ tiếng Anh như vậy có hữu ích cho việc học tiếng Anh không?
Câu trả lời là có nhưng không nhiều. Xét về mặt tích cực, nó cho đứa trẻ nhận ra rằng những đồ vật hay khái niệm ấy có các ngôn ngữ khác nhau để diễn đạt. Nó tạo ra một nhận thức đa ngôn ngữ ngay từ bé cho trẻ. Và nó cũng giúp cho trẻ con có nhận thức âm thanh tiếng Anh bản ngữ chuẩn ngay từ bé, nên sau này trẻ học tiếng Anh sẽ thuận lợi hơn nhiều lần. Việc nhìn hình ảnh và nghe âm thanh tên của đồ vật, chữ viết, con số ấy khá gần giống với quá trình học tiếng mẹ đẻ. Đó chính là quá trình học ngôn ngữ trực tiếp (direct language learning). Chỉ đáng tiếc là nó gần giống mà thôi.
Các bậc cha mẹ cần lưu ý rằng quá trình “học ngoại ngữ” này không có sự hồi đáp. Tức là trẻ chỉ tiếp thu ngôn ngữ một chiều chứ không có quá trình giao tiếp thực sự. Chính vì thế, khi trẻ lớn hơn, cha mẹ và ông bà sẽ không khỏi thất vọng khi thấy khả năng tiếng Anh của đứa bé vẫn dậm chân tại chỗ khi bé mãi chỉ nói quanh quẩn những chữ cái, tên đồ vật đó mà thôi.
Câu hỏi tiếp theo là vậy thì làm thế nào để giúp trẻ phát huy được ưu điểm tích cực đó và phát triển được tiếng Anh một cách thực thụ?
Theo thống kê của Colin Rose, một nhà giáo dục có ảnh hưởng lớn trên thế giới, thì nếu biết 3.000 từ vựng trẻ sẽ hiểu được 90% giao tiếp tiếng Anh phổ thông hàng ngày, và 65% sách viết cho trẻ sẽ lặp đi lặp lại 400 từ vựng hay dùng nhất.
Nhưng vấn đề ở đây là tất cả từ vựng đều được gắn trong trạng thái cụm từ và ở trong bối cảnh chứ không tồn tại một mình, đơn lẻ. Chính trạng thái cụm từ và bối cảnh giao tiếp mới là chìa khóa cốt lõi cho quá trình đào tạo tiếng Anh cho trẻ. Nhưng trẻ không học bằng chữ viết, chúng học bằng tai, mắt và sự trải nghiệm trực tiếp của bản thân. Ngay cả khi trẻ đã biết chữ viết, thì việc học bằng âm thanh, hình ảnh, vận động và trải nghiệm vẫn luôn phát huy hiệu quả cao hơn việc học bằng chữ viết và đi vào tiểu tiết ngữ pháp.
Cần nói thêm ngữ pháp tiếng Anh suy cho cùng là thói quen của chuỗi âm thanh được lặp đi lặp lại theo trật tự nhất định để tạo ra câu, chứ nó không phải là sự liên kết thuần túy của chữ viết. Một đặc điểm sinh lý rất thú vị nữa tác động đến hành vi học tập của trẻ đó là trẻ con có xu hướng học bằng não phải, nơi xử lý các thông tin mang tính giai điệu, nhịp điệu, tổng thể, màu sắc, và sức tưởng tượng… chứ không thích học bằng não trái, nơi xử lý logic, trình tự, con số… nhiều như cách học của người lớn.
Vì vậy một việc cha mẹ rất nên làm để trẻ con thực sự phát triển được năng lực tiếng Anh đó là rèn luyện cho trẻ thói quen nghe và xem truyện tranh bằng tiếng Anh bằng đúng giọng bản ngữ. Mỗi buổi tối, trước khi trẻ đi ngủ, cha mẹ bật cho trẻ nghe những câu chuyện nhỏ bằng tiếng Anh ở trình độ ngôn ngữ phù hợp với khả năng tiếp nhận của trẻ, đồng thời cho trẻ cầm và xem câu chuyện đó bằng tranh vẽ. Nhiệm vụ của cha mẹ là chỉ lật từng trang sách tương ứng với đoạn âm thanh đang kể, và lặp đi lặp lại việc đó trong nhiều ngày. Giấc ngủ và tiềm thức sẽ làm nốt việc còn lại cho trẻ, đó là giúp trẻ hấp thụ được tiếng Anh ở trạng thái câu chuyện với cụm từ và các câu nói chuẩn xác, kèm theo cả chữ viết cho mỗi câu nói một cách tự nhiên.
Ngoài ra, nếu phụ huynh muốn gửi con tới các trung tâm tiếng Anh để học, thì chúng ta cũng cần lưu ý rằng tuổi càng bé trẻ càng có xu hướng học ngôn ngữ trực tiếp tốt hơn, tức là học tiếng Anh bằng tiếng Anh chứ không học thông qua tiếng Việt. Nên việc gửi trẻ tới các chương trình đào tạo do giáo viên nói tiếng Anh bản ngữ có trình độ sư phạm tốt là một việc nên làm.
Ở lứa tuổi bé dưới 10 tuổi, việc học tiếng Anh với giáo viên Việt Nam không thực sự có lợi, vì trẻ sẽ học cách diễn đạt phi bản ngữ cũng như cách phát âm không tự nhiên của giáo viên Việt Nam. Những chương trình học tiếng Anh bằng giáo viên bản ngữ giàu trải nghiệm, giàu vận động và tương tác sẽ giúp trẻ học tiếng Anh trực tiếp chứ không bị tư duy gián tiếp qua tiếng Việt. Quá trình này tuyệt đối không ảnh hưởng làm trẻ bị lẫn lộn tiếng Anh và tiếng Việt với nhau, vì nó là hai quá trình mã hóa ngôn ngữ bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt song song và độc lập với nhau.
Nguyễn Anh Đức
Chuyên gia giảng dạy tiếng Anh, CEO Smartcom Việt Nam