Gần 500 phụ huynh tiếp tục kêu cứu, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nói gì?

GDVN- Gần 500 phụ huynh Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội lo lắng việc thay đổi một số quy định về quản lý giáo dục với nhà trường gần đây sẽ ảnh hưởng quyền lợi con họ

Phụ huynh “đứng ngồi không yên”

Phản ánh với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Ban phụ huynh học sinh đang theo học nghệ thuật và chương trình văn hoá phổ thông tại Trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội cho biết, họ đang rất bất ngờ và hoang mang.

Các phụ huynh này cho rằng, quyền lợi của gần 500 học sinh đang theo học ở đây đang bị ảnh hưởng trực tiếp do thay đổi của một số quy định về quản lý giáo dục trong thời gian gần đây.

Cụ thể, các phụ huynh này cho biết, nếu trước đây khi con họ tham gia học chương trình Giáo dục thường xuyên bậc Trung học phổ thông ở trường này, thì khi tốt nghiệp bằng Trung học phổ thông của các em sẽ ghi là học tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và được trường này ký, đóng dấu. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 5/8/2021 tất cả mọi hoạt động liên quan đến học văn hoá đều phải liên kết với trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Gần 500 phụ huynh tiếp tục kêu cứu, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nói gì? ảnh 1

Như vậy, sau này khi tốt nghiệp thì bằng Trung học phổ thông của các học sinh này sẽ được ghi là học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, dù trên thực tế các em vẫn là học sinh của Trường cao đẳng Nghệ Thuật Hà Nội và các trung tâm kia chỉ đóng vai trò là đơn vị liên kết dạy chương trình văn hoá phổ thông.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Quang, một phụ huynh có con học lớp 10A, Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội bức xúc: “Trước đây, khi cho con đăng ký học ở đây thì chúng tôi cũng đã đắn đo, suy nghĩ rất kỹ bởi nếu chỉ học văn hoá không thôi thì rất nhiều trường có thể làm được.

Nhưng riêng Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội thì còn đào tạo những bộ môn về nghệ thuật nữa nên muốn còn vào học ở đây, bắt buộc các em vẫn phải trải qua một đợt thi năng khiếu nữa, chứ không đơn thuần là cứ đóng hồ sơ vào là được nhận vào học.

Sau khi có quy định nhà trường phải thực hiện việc liên kết như trên thì nhà trường cũng thông báo với phụ huynh rằng, đã gửi tờ trình lên Sở Giáo dục Hà Nội để xin tiếp tục được dạy chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông như những năm học trước đây.

Về việc này, chúng tôi được biết là phía Sở Giáo dục cũng đã nắm được nguyện vọng của nhà trường nên đã có công văn số 2606/SGDĐT-GDTX-CN ngày 19/7/2021 để trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị cho phép nhà trường tiếp tục giảng dạy chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông trong các trường nghệ thuật.

Sau đó, ngày 2/8/2021, Bộ Giáo dục đã có công văn số 3216/BGDĐT-GDTX-CN chỉ đạo Sở Giáo dục Hà Nội phải yêu cầu các trường nghệ thuật thực hiện đúng Luật giáo dục năm 2019. Trên cơ sở đó, ngày 5/8/2021, Sở Giáo dục Hà Nội cũng đã phản hồi cho nhà trường bằng công văn số 2785/SGDĐT-GDTX-CN đề nghị các trường đào tạo nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội, bắt đầu từ năm học 2021 – 2022 phải thực hiện việc liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên để dạy học văn hoá.

Việc Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội phải liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên để dạy học văn hoá từ năm học 2021 – 2022 theo chỉ đạo khiến không chỉ gia đình tôi mà gần 500 phụ huynh khác cũng thấy rất bất ngờ và hoang mang”.

Cùng chung tâm trạng với anh Quang, anh Tùng có con đang học lớp 11D tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho biết: “Nếu thực hiện theo quyết định trong các Công văn được giao thì từ năm học này các con sẽ không được Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội ký, đóng dấu học bạ như trước nữa mà thay vào đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên sẽ làm việc này.

Đồng thời, trong bằng tốt nghiệp chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông của các con cũng sẽ ghi là học sinh được học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên chứ không phải là của Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội như trước nữa dù trên thực tế các con vẫn là học sinh của nhà trường, vẫn đang học tập tại trường.

Như vậy, nếu đối chiếu với Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau Trung học vào học Giáo dục nghề nghiệp và các Nghị định khác có liên quan về việc đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, trao quyền tự chủ cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp thì việc làm này là rất bị động và không bám vào tình hình thực tế”.

Nhà trường nói gì?

Nêu lý do dẫn đến sự việc này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Dương Minh Ánh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cho biết: “Khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 có quy định rằng, nếu các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu dạy chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông thì cần phối hợp với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên có thẩm quyền.

Khi đó, các trung tâm Giáo dục thường xuyên mới có quyền xác nhận thông tin cũng như ký tên, đóng dấu vào học bạ để có mã định danh khi thi Trung học phổ thông.

Trên lý thuyết là như vậy, nhưng với Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là một trường đào tạo ngành nghề đặc thù nên từ bao nhiêu năm nay, nhà trường vẫn đảm nhiệm hết những công việc đó. Với các học sinh học chương trình văn hoá Trung học phổ thông năm vừa rồi (năm 2020 – PV) cũng vậy, nhà trường cũng đảm nhiệm hết.

Nhưng từ tháng 6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo các Sở để yêu cầu các trường nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội thực hiện nghiêm túc theo luật. Chúng tôi là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chịu sự quản lý trực tiếp của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội thì chúng tôi phải nghiêm chỉnh chấp hành, nên mới có tình trạng như phụ huynh đang phản ánh hiện nay”.

Gần 500 phụ huynh tiếp tục kêu cứu, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nói gì? ảnh 2

Về những bất cập khi nhà trường phải thay đổi mô hình, chương trình đào tạo, cô Ánh nêu nhận định: “Thực tế, sau khi Sở Giáo dục Hà Nội có công văn yêu cầu nhà trường thực hiện theo luật, thì phía nhà trường cũng đã có nhiều lần tiếp xúc để giải thích với các phụ huynh nhưng họ vẫn có những ý kiến không đồng ý.

Đa số phụ huynh nêu nguyện vọng rằng, nếu thực hiện thì áp dụng với học sinh khoá mới, chứ không nên áp đặt hết với những khoá học từ trước khi có Công văn yêu cầu. Vì thế, nó đã gây không ít xáo trộn trong tâm lý của phụ huynh và việc học tập của học sinh.

Việc này, chúng tôi cũng đã trao đổi với phụ huynh rằng, nhà trường cũng chỉ thực hiện theo các quy định của luật, không thể làm trái. Chúng tôi cũng đã giải thích với các phụ huynh rằng, việc này về bản chất sẽ không có sự thay đổi nhiều, chỉ có về mặt quản lý thì sẽ do Trung tâm Giáo dục thường xuyên đảm nhiệm.

Nhưng chúng tôi cũng phải thừa nhận rằng, sẽ có một số bất cập khi thực hiện theo quy định này. Bởi lẽ, nhà trường không có thẩm quyền ký học bạ cho các học sinh, ngay đầu vào tuyển sinh thì mã định danh cũng là của các trung tâm quy định. Đồng thời, việc cử học sinh đi thi cũng thuộc quyền hạn của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Mà ngành đào tạo nghệ thuật là ngành đặc thù, khi mình đang chủ động trong việc sắp xếp việc học hay các hoạt động tập năng khiếu..v.v. nhưng giờ phải phụ thuộc vào đơn vị khác phần học văn hoá thì cũng không thể nào tránh khỏi những khó khăn”.

Cô Ánh cũng thông tin thêm về các phương án giải quyết của nhà trường trước những yêu cầu của phụ huynh: “Để giải quyết vấn đề này thì một mặt nhà trường cũng đi tìm một trung tâm Giáo dục thường xuyên phù hợp để liên kết đào tạo theo quy định đề ra và hiện tại chúng tôi đã tìm được rồi. Cũng khẳng định với các phụ huynh rằng, dù là liên kết nhưng chất lượng giáo viên, chất lượng dạy học vẫn luôn được chúng tôi đảm bảo.

Mặt khác, chúng tôi cũng đã có ý kiến với các lãnh đạo của Bộ và của Sở để xem xét về việc này. Để hài hoà với mong muốn của phụ huynh, nhà trường cũng đề xuất với các cấp lãnh đạo là cho Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tiếp tục được giảng dạy chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông này cho đến khi có Nghị định mới.

Bên cạnh đó, được biết Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch cũng được giao để xây dựng Nghị định về đào tạo lĩnh vực chuyên sâu đặc thù ngành nghệ thuật, trong đó cũng sẽ có những vấn đề liên quan đến đào tạo văn hoá trong các trường nghệ thuật nên chúng tôi cũng đang chờ thêm những hướng dẫn mới”.

Trung Dũng