Gắn du lịch với phát huy giá trị các di tích lịch sử Sài Gòn – TPHCM

“Con tên là Trần Trọng Nhân, con xin giới thiệu đến quý ông bà, cô chú tham quan ngôi nhà của gia đình con hiện là Di tích Hộp thư bí mật và hầm nổi. Nơi đây ngày xưa là cơ sở cách mạng của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Cũng tại đây, ông Đỗ Miểng và bà Nguyễn Thị Sự là hai người cộng sự của ông nội con có bán món cà phê và cơm tấm, nên giờ gia đình vẫn còn giữ nguyên những bàn ghế, vật dụng xưa cũ. Ngày xưa nơi này rất nguy hiểm, nhưng ông nội của con và các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đã rất quả cảm khi hoạt động, dù sinh sống xung quanh là nhà các quan chức và bót cảnh sát của chế độ cũ. Khi bước vào nhà bếp sẽ thấy không có điểm khác thường nào, nhưng gõ nhẹ vào cột gỗ thì biết ngay ở bên trong rỗng, mở cục đá dưới cột là hộp thư bí mật chứa thư từ, tài liệu, vũ khí của lực lượng Biệt động Sài Gòn…”.

Đó là những lời giới thiệu mà cậu bé Trần Trọng Nhân, 15 tuổi, là cháu nội của ông Trần Văn Lai – chủ ngôi nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định (quận 1) kể về quá trình hoạt động cách mạng của ông cha và các đồng đội Biệt động Sài Gòn những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước giữa lòng địch.

Những đoàn du khách theo chương trình tour Ký ức Biệt động Sài Gòn đến địa chỉ trên sẽ tiếp tục được Nhân giới thiệu rất chi tiết những nét đặc thù của ngôi nhà, một di tích lịch sử đặc biệt ở TPHCM: “Đây là cầu thang bằng gỗ, được thiết kế rất dốc, vì những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn có thân hình mảnh mai, nên có thể dễ leo lên, leo xuống thoát nhanh ra ngoài khi bị địch phát hiện. Còn đây là căn hầm nổi được ngụy trang bằng tấm ván gỗ. Mở tấm ván gỗ ra có căn hầm chứa vàng, tiền và thuốc tây để chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tới nhận, chuyển vào chiến khu tiếp tế cho lực lượng của ta…”.

Mỗi ngày, những lúc rảnh rỗi, cậu bé Trần Trọng Nhân lại thay cha tiếp và giới thiệu cho các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan di tích. Bên cạnh việc giới thiệu di tích, cậu còn thêm giới thiệu nét đặc biệt của di tích này: “Để che mắt kẻ địch, ông nội con cùng đồng đội mở quán cà phê và quán ăn với 2 món đặc trưng là cà phê bơ và cơm tấm kiểu Đại Hàn. Mà món thì phải hấp dẫn, phải ngon để thu hút khách, từ đó các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn dễ dàng đến và đi mà không gây nghi ngờ”. 

Cách đó vài trăm mét, tại số 145 Trần Quang Khải, phường Tân Định (quận 1), là một ngôi nhà khác của ông Trần Văn Lai. Nơi đây hiện là Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, trưng bày hơn 100 hiện vật, tranh ảnh của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong những năm tháng chiến đấu giữa lòng địch. Ngoài ra, tại đây còn có phòng chiếu phim có sức chứa hơn 30 người với màn ảnh rộng, âm thanh nổi, giới thiệu những thước phim tài liệu quý về lực lượng Biệt động Sài Gòn, có những thước phim ghi lại các chiến sĩ ẩn giấu bí mật trước khi xuất quân tham gia các trận đánh lớn nhỏ giữa nội đô Sài Gòn, trong đó có chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. 

Điểm độc đáo của tour Ký ức Biệt động Sài Gòn là đã phát huy được đặc thù của các di tích cơ sở bí mật giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Do hầu hết các cơ sở này là nhà phố, việc khai thác, tổ chức du lịch sẽ có nhiều điểm khác biệt. Như hầu hết các cơ sở bí mật ngụy trang dưới hình thức quán ăn, có thể gắn với du lịch ẩm thực, nơi khách không chỉ thưởng thức món ăn mà còn hòa mình vào không khí của một thời với nhiều vật dụng ngày xưa được giữ nguyên hoặc sưu tầm lại. Như ở Di tích Hộp thư bí mật và hầm nổi, sau khi tham quan, du khách được thưởng thức cà phê, cơm tấm theo đúng hương vị ngày xưa. Không những thế, bàn ghế, vị trí đặt bàn ghế cùng tất cả vật dụng trong nhà cũng được phục dựng gần như chính xác như giai đoạn năm 1968.

Tour Ký ức Biệt động Sài Gòn do UBND quận 1 phối hợp với Lữ hành Fiditour – Vietluxtour tổ chức, đã thu hút nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, trở thành một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố, tạo dấu ấn độc đáo với du khách khi đến với TPHCM. Theo Lữ hành Fiditour, tour đang thu hút rất nhiều du khách nước ngoài và học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu về lịch sử đấu tranh hào hùng của quân và dân Sài Gòn – TPHCM trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

Với tiềm năng to lớn từ di tích lịch sử, văn hóa, ở TPHCM hiện nay, việc phát triển du lịch gắn kết với các di tích lịch sử hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng không chỉ vào sự phát triển chung của thành phố mà còn giúp quảng bá lịch sử, văn hóa của vùng đất Sài Gòn – TPHCM đến với người dân, bạn bè năm châu.