Giá Bitcoin vọt tăng
Giá Bitcoin tăng gần 36% chỉ sau một tuần. Giới chuyên gia cho rằng bất cứ dấu hiệu nào của việc cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy dòng tiền đổ vào các tài sản rủi ro.
Thị trường tiền mã hóa hưởng lợi trước những nỗ lực hỗ trợ lĩnh vực ngân hàng của Mỹ. Giới đầu tư đặt cược rằng Mỹ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Hôm 17/3, Bitcoin – đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới – đã tăng giá tới 7% lên khoảng 26.710 USD/BTC. Còn giá Ether tăng khoảng 5%, trong khi các đồng tiền nhỏ hơn cũng tăng vọt.
So với 7 ngày trước đó, giá Bitcoin đã vọt lên gần 36%. “Bất cứ dấu hiệu nào của việc cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy dòng tiền đổ vào các tài sản rủi ro”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Noelle Acheson nhận định.
Giá Bitcoin vọt tăng trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: CoinMarketCap.
Mục lục bài viết
Tài sản rủi ro hưởng lợi
Ông cho rằng điều này đủ để các tổ chức đầu tư đặt cược vào thị trường tiền mã hóa, bất kể họ có tin vào sự tăng trưởng của Bitcoin trong dài hạn hay không.
Giá Bitcoin đã tăng khoảng 55% trong năm nay và tiến gần đến mức cao nhất kể từ tháng 6/2022. Nhưng đồng tiền này vẫn còn một chặng đường dài để trở lại ngưỡng kỷ lục gần 69.000 USD/BTC, được thiết lập vào tháng 11/2021.
Nỗi lo ngại về lĩnh vực ngân hàng của Mỹ đang lan rộng sau vụ sụp đổ của 3 nhà băng. Trong đó, Silicon Valley Bank (SVB) là ngân hàng lớn nhất phải đóng cửa kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đáng nói, rắc rối của SVB được cho là đến từ các đợt tăng lãi suất ồ ạt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Bất cứ dấu hiệu nào của việc cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy dòng tiền đổ vào các tài sản rủi ro
Chuyên gia Noelle Acheson
Khi Fed mạnh tay tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, các khách hàng của SVB buộc phải rút tiền gửi để duy trì hoạt động.
Để đối phó với làn sóng rút tiền, SVB buộc phải bán tài sản, chủ yếu là các trái phiếu đã mất phần lớn giá trị.
Thảm họa của SVB và tác động lan tỏa đến ngành công nghiệp của Mỹ làm dấy lên câu hỏi về động thái tiếp theo của Fed trong cuộc họp chính sách tháng 3.
Các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ khó có thể tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 22/3 này do những căng thẳng đang đè nặng lên lĩnh vực ngân hàng.
Trước đó, ngân hàng này dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3.
Đà tăng bất thường
Khi giới đầu tư đặt cược vào khả năng ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải bớt “diều hâu”, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD đã lao dốc. “Lợi suất trái phiếu sụt giảm là tin mừng đối với nhiều startup tiền mã hóa”, ông Edward Moya – chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Mỹ – nhận định với Bloomberg.
Ngoài rắc rối của những ngân hàng khu vực Mỹ, Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ – cũng đang gặp rắc rối lớn. Khủng hoảng của Credit Suisse khiến các thị trường châu Âu và toàn cầu run rẩy. Nhà băng này là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới.
Giá Bitcoin tăng mạnh dù cả 3 ngân hàng vừa phá sản của Mỹ đều có liên quan tới ngành công nghiệp tiền mã hóa. Hôm 8/3, Silvergate Capital – công ty cho vay lớn của lĩnh vực này – tuyên bố dừng hoạt động và đang tiến hành thanh lý tài sản.
Theo CNBC, sự sụp đổ của Silvergate là minh chứng cho thấy vết thương từ bê bối FTX vẫn đang lan rộng toàn ngành. Sàn giao dịch FTX là một khách hàng lớn của Silvergate.
Trong khi đó, SVB được coi là xương sống của lĩnh vực startup công nghệ. Còn Signature Bank – ngân hàng lớn thứ 3 phá sản tại Mỹ – cũng là một trong những tên tuổi lớn của ngành công nghiệp tiền mã hóa.
Ngân hàng này đã có những động thái mở cửa đối với hoạt động giao dịch tiền mã hóa vào năm 2018. Điều đó giúp Signature Bank thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi trong những năm gần đây.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu… Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.