Giá hoa tăng vọt trong ngày 28 Tết
–
Chủ nhật, 30/01/2022 11:02 (GMT+7)
Ngày 28 Tết, giá hoa tươi tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 những ngày trước đó nhưng vẫn thu hút sức mua của người tiêu dùng.
Sáng 29 Tết, giá hoa tươi đã tăng gấp đôi. Ảnh: Vũ Long
Hoa tươi tăng giá gấp 2 lần, sức mua vẫn tăng
“Chiều lòng” người bán hàng, thời tiết chuyển rét đậm, rét hại, hoa tươi lâu hơn nên người bán đang thi nhau “hét giá”.
Khảo sát của PV Lao Động dọc các điểm bán hoa tươi trên các trục đường của Hà Nội như: Trần Vỹ, Trung Kính, Hồ Tùng Mậu, Tô Hiệu (Cầu Giấy), Nguyễn Chí Thanh, Thái Hà (Đống Đa), Hàng Bồ, Hàng Mành (Hoàn Kiếm), Nguyễn Văn Cừ (Long Biên)… hoa tươi ngày 28 Tết đã tăng giá “khét lẹt” từ 2.000-10.000 đồng/bông hoặc cành.
Những bó hoa thanh liễu nhập ngoại được tách đôi bán với giá 200.000 đồng/bó, đắt gấp 2 lần vẫn hút khách. Ảnh: Vũ Long
Cụ thể: Hồng “lộc”: 40.000 đồng/cành (gồm 1 bông và 5 nụ lộc), tăng 10.000 đồng/cành so với 1 ngày trước; cúc vàng: 10.000 đồng/bông (tăng 2.000 đồng/bông), hồng nhung: 15.000 đồng/bông (tăng 5.000 đồng/bông), lyly hồng: 80.000 đồng/cành 7 tai, 70.000 đồng/cành 5 tai (tăng 10.000 đồng/cành); thanh liễu: 200.000 đồng/bó nhỏ, baby: 250.000 đồng/bó to; lay ơn: 200.000 đồng/bó 10 cành (tăng 20.000 đồng/bó); hồng leo thơm được bán với giá 50.000 đồng/chục, tăng 20.000 đồng/chục so với trước; đào dăm: 50.000 đồng/bó, tăng gấp đôi so với cách đây 2 ngày…
Mặc dù hoa tươi tăng giá rất mạnh, nhưng sức mua ngày 28 Tết vẫn tăng. Vừa nhanh tay chọn những cành hồng lộc đẹp để chưng bàn thờ, chị Nguyễn Thị Hoa (phố Trần Vỹ – Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Tôi chờ sát Tết mới mua để hoa chưng được lâu hơn, dù biết trước giá sẽ tăng từng ngày.
Mỗi cành hồng lộc có dáng đẹp gồm 1 bông và 5 nụ được “hét” với giá 40.000 đồng/cành. Ảnh: Vũ Long
“Mặc dù giá hoa tăng gấp đôi ngày thường, nhưng tôi vẫn mua nhiều, bởi 2 cái Tết do dịch COVID-19 đã không đi du lịch, không đi du xuân được, các lễ hội cũng đóng cửa. Tết chỉ còn cách chơi hoa để tự làm cho mình vui. Nếu không mua hoa về bày biện, chắc tôi bị stress mất” – chị Hoa cho hay.
Tết năm nay, chị Nguyễn Diệu Linh (Tòa nhà Sông Hồng, số 165 Thái Hà – Đống Đa, Hà Nội) cũng dành một khoản kinh phí khá lớn để mua hoa tươi bày biện trong nhà.
Trưa 28 Tết, hoa hồng cũng tăng giá gấp đôi ngày thường. Ảnh: Vũ Long
“Nếu như vài ngày trước thanh liễu các màu giá 150.000 đồng/bó to, thì nay người bán tách đôi và bán với giá 170.000 đồng/bó nhỏ, đắt gấp 2 lần mà vẫn tranh cướp nhau. Tôi chỉ mua 2 bó thanh liễu, chục hoa ly và vài bông hồng cắm bàn thờ cũng đã hết gần 1 triệu tiền hoa” – chị Diệu Linh nói.
Hoa tươi đắt giá vì giảm diện tích trồng
Theo chị Nguyễn Thị Hà (làng hoa Tây Tựu, Hà Nội), năm nay người trồng hoa tại các làng hoa nổi tiếng của Hà Nội như Tây Tựu, Mê Linh, Mỹ Đức, Đan Phượng… được một mùa hoa Tết phấn khởi vì giá hoa tăng cao. Hiện tại, nhiều thương lái vẫn đổ về “ôm” hoa để bán nhưng hầu hết hoa đã được đặt hết.
“Ngay từ ngày mùng 1 tháng chạp người buôn đã về để đặt cọc. Đến thời điểm này vườn hoa nào cũng đã được “cọc” hết. Thậm chí, các loại cúc, hồng, đồng tiền, lily… cũng đã được đặt cọc để bán dịp ra Tết hoặc rằm tháng giêng” – chị Nguyễn Thị Hà nói.
Nhiều vườn hoa đã được thương lái đặt cọc trước Tết. Ảnh: Vũ Long
Lý giải nguyên nhân vì sao giá hoa tươi tăng cao, ông Nguyễn Hà – đường Tây Tựu – Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho hay: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đặc biệt là “làn sóng” dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua, người trồng hoa bị thua lỗ rất nặng bởi hoa đến vụ không bán được. Nhiều gia đình đã bỏ vườn không trồng, lượng hoa tươi ra thị trường giảm khiến giá hoa tươi tăng cao.
“Nói chung, người trồng hoa khó dự đoán được sức mua, chỉ có thể phụ thuộc vào thị trường. Mùa Tết năm nay, người trồng hoa đã gặp may mắn khi hoa tươi được giá. Tuy nhiên, thu nhập của người trồng so với người bán trung gian là quá ít ỏi, không tương xứng” – anh Hà nhấn mạnh.