Gia tộc và hôn nhân xưa

Mục lục bài viết

Gia tộc và hôn nhân xưa

Mục đích hôn nhân là cốt duy trì gia thống, cho nên việc hôn nhân là việc chung của gia tộc chứ không phải là việc riêng của con cái. Bởi vậy định vợ gả chồng cho con cái là quyền của cha mẹ, chứ con cái chỉ biết phụng mệnh mà thôi. Ái tình của con cái, cha mẹ không cần biết đến, chỉ cốt được nơi xứng đáng, được nơi “môn đăng hộ đối”, thì cha mẹ hai bên trái gái nhờ mối lái điều đình mà đính hôn. Bởi vậy có khi con cái còn trẻ dại mà cha mẹ cũng đính ước, thành ra cái lệ tảo hôn. Lại nhiều khi con còn trong bụng mà cha mẹ đã ước hôn cho chúng nó, tức là tục chỉ phúc hôn.

Nghĩa vụ của người ta đối với gia tộc và tổ tiên là phải truyền giống về sau để vĩnh truyền tông tộc, cho nên luân lý cho người vô hậu là phạm điều bất hiếu rất to (1). Đàn ông ai cũng phải lấy vợ để sinh con, mà những người độc thân chủ nghĩa là đắc tội với tổ tiên và gia tộc. Song người con gái nếu vì gia đình mà ở vậy để nuôi cha mẹ già yếu và em út nhỏ dại thì lại là chí hiếu, vì trách nhiệm truyền chủng thừa gia là ở đàn ông, chứ con gái thì xuất giá rồi mới có nghĩa vũ với gia tộc. Khi ấy người con gái không có quan hệ gì với gia đình của cha mẹ mình nữa, mà thành một phần tử trong gia đình của chồng.

Việc hôn nhân không những chỉ có nguyên nhân huyết thống mà còn có nguyên nhân kinh tế nữa. Người vợ không những là người phải đẻ con cho gia đình chồng, mà lại còn là người phải làm lụng và coi sóc việc nhà cho cha mẹ chồng. Bởi thế nhiều khi con trai còn nhỏ, đương ham chơi hay đương đi học, mà cha mẹ cũng cưới vợ cho nó để có dâu mà sai làm việc.

Cái hy vọng lớn nhất của một cặp vợ chồng là sinh được con trai. Nếu vợ chí có con gái thì chồng phải cưới thiếp. Nhưng pháp luật buộc rằng phải có vợ chính bằng lòng thì chồng mới được lấy vợ lẽ. Theo thói thường khi vợ chính không con hay là lấy chồng lâu mà không có con trài thì tự mình đi hỏi và cưới thiếp cho chồng, chứ không đợi chồng phải đòi.

Đàn ông cưới thiếp, nhất là ở các nhà giàu sang, còn có nhiều nguyên nhân khác nguyên nhân truyền thống nữa. Những nhà giàu có cần nhiều người làm việc, đàn ông thường lầy nhiều vợ hầu giúp đỡ công việc gia đình để khỏi phải nuôi đầy tớ. Thói thường lại lấy nhiều vợ lắm con làm điều vinh dự, cho nên ở các nhà giàu sang đàn ông thường lấy nhiều vợ lẽ để sanh con đàn con lũ mà lấy tiếng với đời. Có khi vì vợ chính đẻ nhiều mà thân thể tiều tuỵ, hay vì bệnh tật mà không thoả mãn được tính dục của chồng, hay vì hôn nhân cưỡng bức mà vợ chồng không thương nhau, những nguyên nhân ấy cũng hay khiến đàn ông lấy vợ lẽ.

Đối với vợ chính, vợ lẽ phải phục tòng nhất thiết. Ở nhiều gia đình người vợ lẽ chỉ là đầy tớ không công. Con cái của vợ lẽ sinh ra phải xem vợ chính là mẹ đích của mình mà phải để đại tang, còn chính mẹ mình lại xem là mẹ thứ, không được để đại tang nếu mẹ mình chết trước mẹ đích. Lấy thiếp không cần phải làm lễ cưới; vì người thiếp không phải là một phần tử trọng yếu trong gia tộc cho nên chồng hay vợ chính muốn đuổi đi khi nào cũng được. Thực ra, người thiếp chỉ là người đàn bà mà chồng hay vợ chính xuất tiền mua về để sai làm việc nhà và bắt sinh đẻ, cho nên có thể đem đi tặng, hay là bán lại cho người khác được.

Việc giá thú ở nước ta làm theo quy thức như ngày nay là bắt chước lễ tục của Trung Quốc, do Nhâm Diên là người thứ nhất đem dạy cho dân ta. Theo sách xưa thì việc hôn nhân nguyên có sáu lễ như sau này:

1. Lễ nạp thái là sau khi hai nhà, bên trai và bên gái, đã nghị hôn thì nhà trai sai mối đem con nhạn đến nhà gái để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy;

2. Lễ vấn danh là lễ do nhà trai sai mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của người con gái;

3. Lễ nạp cát là lễ cáo cho nhà gái biết rằng đã bói được triệu (quẻ) tốt, thì là việc hôn nhân nhất định;

4. Lễ nạp tệ hay nạp trưng là nộp đồ sính lễ cho nhà gái, thế là việc hôn nhân đã thành;

5. Lễ thỉnh kỳ là xinh định ngày giờ để rước dâu;

6. Lễ thân nghinh là họ nhà trai mang lễ đến nhà gái để rước dâu về.

Trong sáu lễ ấy ở nước ta thường giảm bớt và chỉ dùng ba lễ là: Lễ giạm hay lễ vấn danh, lễ hỏi hay lễ nạp tệ về lễ thân nghinh hay là rước dâu.

Việc hôn nhân ở nước ta, chỉ do cha mẹ định đoạt (phụ mẫu chi mệnh) và do lời nói của người mối lái (môi chước chi ngôn), chứ người đương sự không có quyền gì cả. Khi cha mẹ nhà trai đã tìm được người con gái con nhà xứng đáng thì nhờ người mối (mai dong, hoặc băng nhân) điều đình. Nếu nhà gái bằng lòng thì người mối lại đem lễ đến xin lộc mạng hay bát tự, tức là giấy chép giờ ngày tháng năm sinh của người con gái. Đó là lễ giạm hay lễ vấn danh. Nhà trai đem tuổi con gái và tuổi con trai nhờ thấy số xem số mệnh lấy nhau có hợp không. Ở nhà thường dân thì người mối chỉ đến hỏi tuổi người con gái chứ không cần soạn lễ. Nếu hai tuổi tương hợp thì người mối cùng cha mẹ người con trai đem sính lễ đến để giao ước nhất định, thế là lễ hỏi hay nạp tệ. Từ đó người con trai phải theo những ngày lễ tết trong một năm mà đi xiêu đi tết nhà gái, lại phải nhớ lấy những ngày kỵ huý mà đem lễ đến cúng. Ở nhà quê thường có tục bắt con trai phải đến nhà gái mà làm đỡ công việc, gọi là “làm rể”.

Sau lễ hỏi, nhà gái đem trầu cau đi biếu họ hàng và bạn bè để báo tin mừng. Từ lễ này đến lễ cưới, thời gian lâu chóng không chừng. Có khi gặp việc trở ngại, như việc tang chế, thì phải chờ hai ba năm mới làm lễ cưới được. Cũng có khi vì hai nhà đính hôn cho con cái từ khi chúng còn nhỏ tuổi, nên phải chờ hàng chục năm mới cho chúng thành hôn. Nhưng lại có khi lễ cưới chỉ làm sau lễ hỏi vài ngày, nhất là gặp nhịp phải cưới chạy tang.

Trước khi cử hành lễ cưới (thân nghinh) thì nhà trai nhờ người mối trao thơ hỏi nhà gái về món tiền và lễ vật thách cưới. Việc gả chồng cho con gái thì từ xưa đã thành một việc bán con gái để lấy tiền (2), cho nên nhiều nhà gái thách cưới rất cao, mà đòi cho được đủ tiền đủ lễ mới chịu cho cưới.

Đến ngày thân nghinh thì chú rể cùng họ hàng mặc quần áo đẹp họp thành một đoàn, chọn giờ hoàng đạo kéo sang nhà gái để rước dâu. Trong đoàn ấy, người chủ hôn (thường chọn người già vợ chồng còn song toàn) mặc áo lễ cưới bưng quả hộp (hộp đựng trầu cưới và tư trang của cô dâu) đi trước, rồi đến các người dẫn lễ, sau đến chú rể cùng hai người phụ rể, rồi đến cha mẹ và họ hàng nhà trai. Ở các đám cưới to, đi trước hết có hai đứa trẻ bồng một cặp ngỗng và hai đứa trẻ mang một cặp lồng đèn, hai điều ấy là theo tục xưa, một là lấy chim nhạn là thứ chim khi nào cũng có cặp đôi để tỏ ý hôn nhân bền chặt, hai là ngày xưa lễ rước dâu cử hành về buổi chiều hôm (3) nên phải đem đèn.

Khi họ nàh trai đương đi đến nhà gái thì ở giữa đường thường gặp đám giăng dây (4), phải nộp tiền thì người ta mới mở gdây cho đi. Tục ấy nguyên ở Tàu gọi là lan giai nghĩa là chặn đường. Nhưng ở nước ta hai chữ lan giai lại dùng để chỉ lệ nộp cheo. Theo lệ này thì nhà trai phải nộp một món tiền cho làng người con gái như một thứ thuế hôn nhân. Có nơi, khi họ nhà trai đi đến cửa làng nhà gái thì người làng đóng cửa lại đòi cho được tiền rồi mới mở cửa cho đi. Tục ấy cũng giống lệ lan giai. Dần dần tục giăng dây và đóng cửa để đón đường thành một lệ của làng, do pháp luật công nhân, tức là lệ nộp cheo vậy.

Lại có nơi chính người nhà đóng cửa nhà gái, hay chính người họ đóng cửa từ đường để đòi tiền. Song những tục ấy không phổ thông bằng tục giăng giây đón đường kia.

Khi họ nhà trai đến nhà gái thì ông chủ hôn, rồi đến chú rể, làm lễ gia tiên. Đoạn bày hương án giữa sân để hai vợ chồng làm lễ tơ hồng. Sau đó chú rể làm lễ cha mẹ vợ, rồi họ hàng ăn uống xong rồi rước dâu về.

Khi đưa dâu, nhà gái chọn một ông già cầm bó hương đi trước, rồi bà con họ hàng dẫn cô dâu theo sau.

Đến nhà trai thì một bà già dẫn cô dâu vào lạy gia tiên, rồi đi lễ nhà thờ họ, đoạn trở về lễ cha mẹ chồng.

Đến tối hôm cưới, người chồng lấy trầu thăm (trầu lễ Tơ hồng) trao một nửa cho vợ, rót một chén rượu mỗi người uống một nửa, gọi là lễ hợp cẩn hay giao duyên.

Ba ngày sau, hai vợ chồng trở về nhà cha mẹ vợ làm lễ “lại mặt” hay lễ “tứ hỉ”. Khi ấy, vợ chồng đem lễ lạy gia tiên và đi chào họ hàng nhà vợ. Xong lễ ấy hai vợ chồng trở về nhà chồng, rồi từ đấy người vợ thành một phần tử trọng yếu trong gia tộc của chồng mà không có quan hệ mật thiết với gia tộc của cha mẹ mình nữa.

Có một điều cần phải chú ý là về mỗi một lễ kể trên, người ta phải chọn ngày chọn giờ tốt để cho duyên vợ chồng được hoà thuận. Về lễ cưới có khi người ta chọn cả năm cả mùa và cả tháng nữa.

Ngày nay ở các gia đình tân tiến, cha mẹ đã biết trọng đến ái tình của con cái trong việc hôn nhân, để cho con cái tự do chọn lấy bạn lứa của mình, nhưng phần nhiều gia đình vẫn còn theo cái lối “phụ mẫu chi mệnh”, “môi trước chi ngôn” như xưa. Duy ở thành thị thì những lễ tục về hôn nhân có cải lương ít nhiều, đại khái bỏ bớt những điều phiền phức, bỏ tục giăng giây đón đường và bỏ lệ thách cưới quá cao, cũng có ít nhiều gia đình “văn minh” ở thành thị làm lễ hôn nhân theo lối tây, không nộp cheo cho làng như xưa, mà nhờ quan Thị trưởng (Đốc lý) làm chứng.

_______________________

1. Mạnh tử: Bất hiếu, giả tâm, vô hậu vi đại.

2. Giá bán.

3. Chữ hôn nguyên nghĩa là chiều hôm, xưa làm lễ cưới vào lúc chiều hôm là lúc dương qua âm lại, âm dương đương giao hoán với nhau.

4. Người ở các làng dọc đường hay làng nhà gái đặt một cái bàn bên đường, có hương hoa trầu pháo, và giăng ngang đường một cái dây. Khi đoàn nhà trai đi đến đó thì những người giăng dây đốt pháo để mừng, có cho họ tiền thì họ mới chịu mở dây mà cho đi

Nguồn: Xưa và Nay, số 251 & 252 tháng 1 – 2006