Giá trị truyền thống văn hóa trong tiến trình phát triển
Con người tự tin vào mình nhưng thiếu sự tin cậy vào người khác, hướng đến tự do cá nhân nhưng thiếu tôn trọng tự do của đồng loại, hướng đến sự phát triển kinh tế của mình nhưng cạnh tranh một cách gay gắt với xung quanh. Trước thách thức này cần có giải pháp giữ gìn đặc trưng văn hóa của cộng đồng, của quốc gia dân tộc để đóng góp vào tổng thể chung của văn hóa nhân loại.
Lễ hội truyền thống mừng xuân tại Điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Giữ gìn bản sắc trong hội nhập
Khi nói đến sự tri nhận văn hóa, chúng tôi nhớ đến một định nghĩa về văn hóa của nhà cách mạng lỗi lạc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh. Người viết định nghĩa này vào năm 1942 – 1943, ở trang sau tác phẩm Nhật ký trong tù nổi tiếng: “Vì lẽ sinh tồn và mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó, tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh và nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (105 chữ) (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, tr 431).
Đó là một quan niệm về văn hóa có tính khái quát rất cao khi ta so sánh với định nghĩa về văn hóa của UNESCO sau hơn nửa thế kỷ, năm 2001: “Văn hóa là tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội; văn hóa không chỉ bao gồm văn học nghệ thuật, mà còn cả phong cách sống, phương thức sống, các hệ giá trị, truyền thống và niềm tin”.
Chính tập hợp những giá trị văn hóa là cốt lõi làm nên bản sắc văn hóa, đặc trưng văn hóa của cộng đồng, của quốc gia dân tộc, đóng góp vào tổng thể chung của văn hóa nhân loại. Và chính bản sắc đó làm nên sức mạnh của một quốc gia trước những thử thách trong suốt trường kỳ lịch sử.
Thời hậu chiến ở Việt Nam là một giai đoạn lịch sử không thể nào quên trong ký ức dân tộc. Hai mươi năm cấm vận là cả một thế hệ con người. Việt Nam vốn là một nước thuộc văn hóa nông nghiệp, tình yêu ruộng đất, yêu cây lúa hạt thóc, kinh nghiệm và kỹ năng trồng lúa nước ngàn đời thấm vào máu mọi người, từ trẻ đến già, vậy mà rơi vào hàng những quốc gia đói nghèo nhất thế giới.
Những trăn trở đổi mới đầu tiên của những năm 1986 – 1989 về nông nghiệp chính là đã khơi dậy được tinh thần và truyền thống văn hóa cổ truyền đó. Sản lượng lương thực tăng cao một cách bất thường khi người nông dân có điều kiện phát huy những kinh nghiệm văn hóa truyền đời của mình. Từ khát vọng 21 triệu tấn lương thực, đến nay, riêng về thóc, chúng ta đã đạt trên 43 triệu tấn và chúng ta đang là một trong những nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Một sự đổi mới đúng đắn đã tạo nên môi trường vững bền cho sự phát triển quốc gia.
Hiện nay, sự hội nhập văn hóa trên thế giới đã bước sang một tình thế hoàn toàn mới với sự phát triển thần tốc của công nghệ số, thông tin và truyền thông. Từ 1990, chúng ta đã có những nối kết internet đầu tiên và hiện nay là một trong những quốc gia có môi trường công nghệ số phát triển rộng khắp.
Khó tưởng tượng được tiện ích mà cuộc vận động số này đã mang lại trên tất cả các lĩnh vực của tổng thể văn hóa. Nhưng đồng thời, cùng với nó là những thử thách cam go trên con đường phát triển xã hội, phát triển quốc gia: Cạnh tranh quyết liệt hơn trong nhịp độ phát triển chung, bản sắc văn hóa cộng đồng dễ bị tổn thương, nhạt nhòa trong tiếp biến văn hóa, sự áp đặt văn hóa có cơ hội thực thi hơn trên toàn cầu, sự trôi dạt văn hóa đang diễn ra ở các quốc gia độc lập.
Để văn hóa không đơn độc
Với các giá trị, các di sản văn hóa truyền thống, UNESCO đã đề ra bốn nghĩa vụ hết sức rõ ràng với hy vọng giữ gìn một thế giới đa dạng văn hóa, giống như ta cần bảo vệ một hệ sinh thái thế giới đa dang về chủng loại. Cụ thể, thấu hiểu văn hóa để thẩm định được các giá trị tốt đẹp. Sự thấu hiểu này không chỉ ở bộ phận nghiên cứu, quản lý và thực hành văn hóa (rất quan trọng) mà phải lan tỏa ra toàn dân tinh thần giác ngộ văn hóa trong cuộc sống. Sự thấu hiểu sẽ dẫn dắt văn hóa phát triển. Bác Hồ nói: “Văn hóa dẫn đường cho quốc dân đi” là vì vậy.
Bảo tồn là gìn giữ những giá trị văn hóa với tất cả những hoạt động trong thực tiễn đời sống. Những giá trị CHÂN – THIỆN – MỸ đã được thẩm định, khẳng định, phù hợp với điều kiện hiện đại sẽ cần bảo tồn, gìn giữ lâu dài bằng nhiều cách khác nhau, đóng góp vào sự đa dạng văn hóa thế giới.
Quảng bá và truyền thông giá trị văn hóa truyền thống là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong hiệp hội UNESCO. Giá trị văn hóa phải phục vụ tất cả mọi người trong cộng đồng, trên trái đất, đem đến cho nhau những bản sắc của cộng đồng mình. Truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng về hình ảnh quốc gia trước thế giới. Trên không gian mạng, truyền thông những gì về các giá trị là trách nhiệm và là sự chọn lựa hết sức chu đáo.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa được tổ chức tại Hà Nội thể hiện sự nhận thức, đường lối, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác văn hóa trong thời kỳ mới, khẳng định vai trò to lớn của văn hóa đối với đất nước. Những hứa hẹn về đầu tư nguồn lực kinh tế cho hoạt động văn hóa đã được nêu ra. Thiết chế văn hóa của Việt Nam là một thiết chế từ T.Ư đến địa phương, bao gồm nhiều ngành nghề từ nghiên cứu, giảng dạy, sáng tạo, thực hành… đang vận hành trong tổng thể sự phát triển của quốc gia và kết quả của hoạt động thực tiễn là rất đáng ghi nhận.
Nhưng thực tế, chúng ta chưa thấy được sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khi trong thực tiễn vận hành văn hóa, họ đã có những đóng góp hết sức lớn lao. Sự cần thiết hợp tác với các thành phần kinh tế, cộng thông với họ trong sự nghiệp văn hóa cần được ý thức cao hơn nữa để tạo nên sức mạnh văn hóa cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Phát huy và phát triển giá trị văn hóa truyền thống sẽ mở ra con đường sáng tạo, tiếp nhận của mọi ngành nghề văn hóa trong tính tổng hợp của nó. Nhu cầu văn hóa của xã hội là bất tận, là bức thiết trong đời sống. Văn hóa Việt Nam từ 1945 đến nay đã rất thành công, để lại nhiều thành tựu của ứng dụng phát huy văn hóa truyền thống nhưng vẫn chưa đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu to lớn, rộng rãi này.