Giá trị văn hóa làm nên điều khác biệt để du lịch Ninh Bình ‘cất cánh’
Di sản văn hóa-Nguồn lực, lợi thế to lớn để Ninh Bình phát triển du lịch – Ảnh: VGP/Diệp Anh
Thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp văn hóa trên thế giới và nhìn lại chủ chương, đường lối, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa nói chung, du lịch văn hóa nói riêng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương.
Trước đó, Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên văn hóa, tài nguyên du lịch của từng vùng, địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Vừa qua, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 2767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20%-25% trong tổng số khoảng 130 tỉ USD tổng thu từ khách du lịch.
Ninh Bình được biết đến là kinh đô của Việt Nam với 3 triều đại Đinh, Lê, Lý, vì thế, địa phương này sở hữu nhiều di tích lịch sử – văn hóa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam.
Là tỉnh có bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến lâu đời, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc hòa quyện trong cảnh quan thiên nhiên hũng vĩ, nên thơ của núi non, sông hồ và đặc biệt là hệ thống các hang động lung linh, huyền ảo, Ninh Bình lấy du lịch văn hóa di sản làm nòng cốt, đặc trưng để xây dựng sản phẩm du lịch xanh, thân thiện, an toàn trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Chủ trương đó cũng theo đúng những định hướng mà Chính phủ đã đề ra.
Mục lục bài viết
Di sản văn hóa-Nguồn lực, lợi thế to lớn để Ninh Bình phát triển du lịch
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Bùi Văn Mạnh-Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, Ninh Bình luôn coi giá trị sản văn hóa vật thể và phi vật thể là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch.
Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã có chiến lược rõ ràng về khai thác các giá trị văn hóa; có đề án rất cụ thể để tôn tạo, phục dựng lại các giá trị văn hóa lịch sử, lấy điều đó làm nền tảng để phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch.
Hiện nay, Ninh Bình đang triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tiếp tục tôn tạo, khai thác các di tích lịch sử văn hóa; lấy chiều sâu văn hóa của cố đô Hoa Lư, Di sản thế giới Tràng An để phát triển các sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu của Ninh Bình mang đến bản sắc riêng của cố đô Hoa Lư.
“Du lịch di sản được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của Ninh Bình. Chúng tôi đang dựa trên việc đẩy mạnh quảng bá, khai thác các giá trị Di sản Văn hóa thế giới Tràng An để tạo ra những sản phẩm mang màu sắc, đặc trưng riêng của vùng đất cố đô Hoa Lư”, ông Bùi Văn Mạnh chia sẻ.
Có thể nói, Ninh Bình – vùng đất được biết đến là nơi địa linh nhân kiệt, nơi sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần, từ bóng trận cờ lau của Vua Đinh Tiên Hoàng, phá Tống bình Chiêm củaVua Lê Đại Hành đến chiếu dời đô bất hủ của Thái tổ Lý Công Uẩn; từ căn cứ địa vững chắc trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần đến tiếng vó ngựa thần tốc của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ tiến về Thăng Long đại phá quân Thanh.
Nơi đây có nhiều công trình kiến trúc, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng đan xen vào nhau như những bức tranh thiên nhiên thủy mặc mà ở đó hiện đang hiện hữu 1.821 di tích, gồm 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt). Một số di tích lịch sử văn hóa quan trọng như: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, đền Thái Vi, đền Đức Thánh Nguyễn, đền Trương Hán Siêu, chùa Bái Đính, chùa Bích Động, chùa Nhất Trụ, nhà thờ đá Phát Diệm…
Ninh Bình-nơi mà cách đây hơn 1.000 năm, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh đã thu phục 12 sứ quân, thống nhất giang sơn lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt – Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta, đặt Kinh đô ở Hoa Lư gắn với ba triều đại: Đinh, tiền Lê và Lý. Đặc biệt có Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới duy nhất ở Đông Nam Á, nơi được ví như cuốn biên niên sử nguyên vẹn về sự biến đổi địa chất, địa mạo và cảnh quan môi trường cùng truyền thống cư trú của loài người trải qua hơn 30.000 năm phát triển.
Ninh Bình còn là vùng quê chứa đựng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể nổi tiếng với 225 lễ hội truyền thống, trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội chùa Bích Động, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Báo bản Nộn Khê, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ…
Nơi đây cũng là đất tổ của nghệ thuật hát xẩm, hát chèo và nhiều làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làng nghề thêu Văn Lâm, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư), các làng nghề chế biến cói ở Kim Sơn, nghề gốm Bồ Bát (Yên Mô).
Đây chính là nguồn lực, lợi thế to lớn để tỉnh Ninh Bình phát triển du lịch và xác định du lịch văn hóa một trong những trụ cột chính, mang tính hạt nhân để dẫn dắt thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực cùng phát triển.
Du khách không ngừng tìm kiếm và trải nghiệm du lịch văn hóa tại Ninh Bình – Ảnh: VGP/Diệp Anh
Sự gắn kết giữa du lịch và văn hóa ngày càng sâu sắc tạo động lực cho nhiều ngành phát triển
Thời gian qua, nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch phát triển văn hóa thể thao như: Đề án xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giai đoạn 2021-2030″…
Hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng. Một số khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp được đầu tư hoàn thiện đưa vào phục vụ khách du lịch có hiệu quả; các chỉ tiêu về lượt khách, doanh thu du lịch, số lao động trong ngành du lịch… ngày càng tăng.
Giai đoạn 2016-2022 nhiều dự án, công trình về du lịch với số vốn hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tiêu biểu như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng quảng trường và sân lễ hội phía trước Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế tại thành phố Ninh Bình; Dự án nạo vét, xây kè bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; dự án nâng cấp tuyến đê hữu Hoàng Long và đê sông Đáy kết hợp giao thông đoạn đường từ Cúc Phương – Chùa Bái Đính đi Kim Sơn phục vụ du lịch; Dự án tu bổ tôn tạo di tích đền Cọ (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư); Dự án nâng cấp tuyến đường chính vào khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình; Dự án xây dựng mốc giới bảo vệ, phân định ranh giới vùng lõi, vùng đệm của Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Dự án đầu tư xây dựng Công viên động vật hoang dã Quốc gia tỉnh Ninh Bình.
Tỉnh Ninh Bỉnh đã khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách vào lĩnh vực dịch vụ du lịch, đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 83 dự án, với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án triển khai tích cực, đúng tiến độ và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch có hiệu quả, tiêu biểu như: Khu nghỉ dưỡng Emeralda, khách sạn Hoàng Sơn – Peace, khách sạn The Reed, khách sạn Legend, khách sạn The Vissai, Minawa Kenh Ga Resort & Spa các cơ sở vui chơi giải trí, mua sắm như sân golf Hoàng Gia, Sân golf Tràng An, siêu thị Big C, phố đi bộ trung tâm, phố cổ Hoa Lư…
Đối với tỉnh Ninh Bình, sự liên kết giữa du lịch và văn hóa ngày càng gắn kết sâu sắc, đòi hỏi phải thúc đẩy sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bản sắc và sự khác biệt của văn hóa địa phương.
Theo Sở Du lịch Ninh Bình, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, du lịch tỉnh Ninh Bình có những bước phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về du lịch từng bước được kiện toàn và hoạt động hiệu quả; công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An có nhiều tiến bộ.
Các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương luôn tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Du lịch phát triển có những đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ; đồng thời thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển.
Trong năm 2022, toàn tỉnh đón 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khách nội địa đón hơn 3,6 triệu lượt khách, khách quốc tế đón hơn 58 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt 3,45 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 04 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón 3,685 triệu lượt khách, tăng 247% so với cùng kỳ năm 2022.
Đến năm 2030, ngành du lịch Ninh Bình dự kiến phấn đấu đón 12 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 2 triệu lượt, khách nội địa ước đạt 10 triệu lượt; tổng thu du lịch ước đạt 18.660 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 43.700 lao động.
Tràng An, Ninh Bình được chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất, được yêu thích nhất, hiếu khách nhất, tuyệt vời nhất thế giới – Ảnh: VGP/Diệp Anh
Ninh Bình-Phát huy thế mạnh “viên ngọc ẩn giấu đẹp nhất châu Á”
Đặc biệt, khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014 đã tạo điểm nhấn quan trọng đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước), được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế (tripadvisor, telegraph, business insider…) đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất, được yêu thích nhất, hiếu khách nhất, tuyệt vời nhất thế giới.
Đặc biệt, mới đây Tạp chí Forbes (Mỹ) nhận định: Ninh Bình là “Hạ Long cạn” ẩn chứa nhiều kỳ quan thiên nhiên đẹp đến nỗi bạn sẽ yêu ngay lập tức. Danh sách của Forbes đưa ra gồm 23 địa điểm.
Và Ninh Bình cũng được mệnh danh là một trong những viên ngọc ẩn giấu đẹp nhất châu , ngày càng nổi tiếng trên mạng xã hội. Ngoài Ninh Bình, danh sách còn có các danh thắng của Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia; Interlaken (Thụy Sĩ), Formentera (Tây Ban Nha), Nice (Pháp).
Đây không phải là lần đầu tiên Ninh Bình được bình chọn, đánh giá cao, mà không ít tổ chức quốc tế đã xếp hạng Ninh Bình là điểm đến du lịch hàng đầu, điểm đến thân thiện trên thế giới.
Đối với Ninh Bình, vai trò của du lịch văn hóa ngày một quan trọng hơn vì du lịch văn hóa đã tăng thêm việc làm ở các vùng có tài nguyên văn hóa, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đồng thời, đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch sẽ làm tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch.
Sản phẩm công nghiệp văn hóa là cầu nối ngắn nhất quảng bá hình ảnh quốc gia, địa phương ra thế giới và thu hút du khách quốc tế đến với các quốc gia, địa phương thông qua du lịch. Phần lớn các hãng lữ hành đều cho biết, sở dĩ nhiều du khách nô nức đến Ninh Bình vì quá mê mẩn những cảnh đẹp được quay trong bộ phim như bộ phim “Kong: Skull Island” được quay tại Ninh Bình đã góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn của du lịch Ninh Bình.
Đến Ninh Bình du khách không ngừng tìm kiếm và trải nghiệm văn hóa bản địa trong đó chính giá trị văn hóa làm nên điều khác biệt trong hành trình trải nghiệm của du khách. Tự tay làm ra những sản phẩm địa phương cũng là một cách để du khách có được một chuyến du lịch trải nghiệm thú vị qua đó giúp du khách hiểu thêm được về lịch sử văn hóa của mỗi vùng quê ở Ninh Bình. Trên nhiều khía cạnh khác nhau trải nghiệm văn hóa bản địa gắn với lịch sử đó là trải nghiệm hai trong một rất thú vị.
Diệp Anh