Giải quyết tốt mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch
Trong khi đó, việc đi lại thiếu an toàn, đã xảy ra cướp giật giữa chỗ đông người, rồi tai nạn, đeo bám du khách, chèo kéo mua hàng lưu niệm không có giá trị mà lại lấy giá đắt. Văn hóa giao thông cũng rất kém khi người, xe tham gia giao thông thường vi phạm luật đi đường, chen lấn, tranh giành nhau đi, gây ra ùn tắc và tai nạn giao thông… Tất cả những hiện tượng đó để lại ấn tượng khó chịu, nặng nề cho du khách. Không ít du khách nước ngoài đến nước ta một lần và không bao giờ quay trở lại. Rõ ràng, du lịch đang rất cần đến một môi trường văn hóa lành mạnh để phát triển bền vững. Ở đó con người lịch sự văn minh, thân thiện; ở đó du khách có thể thoải mái cảm nhận được vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam chúng ta.
Nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh đã tạo thế mạnh cho du lịch Việt Nam, trong đó có tới 14 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên trong cuộc hội thảo quốc tế “Mười năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể – Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai” mới được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo, nếu tổ chức và quản lý không tốt, du lịch sẽ phá hủy di sản. Bà I-ri-na Bô-cô-va, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết: “UNESCO kêu gọi cộng đồng LHQ cần làm gì để tiếp cận và bảo tồn văn hóa gắn với phát triển bền vững. Bởi trong quá trình phát triển nếu không có văn hóa sẽ không có di sản văn hóa”. Ðiều này thể hiện khá rõ nét trong việc tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống ở nước ta. Lễ hội truyền thống thường gắn với di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh. Một số lễ hội đã bị thương mại hóa. Cư dân địa phương phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch để kiếm sống và giao dịch thương mại. Lễ hội trở nên xô bồ, nhếch nhác, che lấp mất giá trị quý giá vốn có của nó. Không ít nơi, di tích bị xâm hại, bị làm mới, mất đi giá trị nguyên gốc. Người ta chỉ biết đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến chuyện lâu dài, khi di sản bị làm méo mó, mất giá trị, liệu còn ai biết đến để tham quan du lịch nữa.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, giải quyết tốt mối quan hệ văn hóa và du lịch có tầm quan trọng, cấp thiết đến nhường nào. Dường như thời gian qua, sự phối hợp hành động giữa ngành văn hóa và ngành du lịch còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ. Những người trông giữ di sản không am tường về du lịch, còn những người làm du lịch thì tìm mọi cách để thu hút khách mà không cần quan tâm đến việc có làm tổn hại đến di sản hay không. Trong quá trình phát triển, mỗi di sản không thể “đóng cửa” chỉ trông chờ vào kinh phí của Nhà nước để bảo tồn, mà còn cần được quảng bá rộng rãi không những ở trong nước mà còn vươn ra thế giới để giới thiệu rộng rãi với mọi người về đất nước và con người Việt Nam, từ đó có thêm nguồn kinh phí phục vụ tôn tạo, sửa chữa. Ngành du lịch cũng cần dựa vào di sản mới có nội dung đa dạng, hấp dẫn du khách. Vậy tại sao hai ngành không liên kết chặt chẽ với nhau để thống nhất hành động vì lợi ích chung? Việc kết hợp hài hòa giữa hai ngành sẽ giúp những người làm văn hóa có đầu óc và kỹ năng làm du lịch, sáng tạo nhiều hình thức sống động phô diễn tất cả giá trị, vẻ đẹp của di sản, đồng thời những người làm du lịch càng hiểu sâu sắc giá trị của di sản để tìm cách thu hút du khách mà không gây ra nguy cơ phá hỏng di sản.
Nhân tố mang tính quyết định đến sự thành công trong việc giải quyết mối quan hệ văn hóa và du lịch là sự quan tâm của lãnh đạo và ý thức của người dân nơi có di sản. Sự quan tâm của lãnh đạo địa phương bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể sẽ huy động được sự tham gia của tất cả các ban, ngành, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân trong việc quản lý và tổ chức các hoạt động của di sản. Thiếu sự quan tâm ấy, chắc chắn hoạt động văn hóa và du lịch sẽ chuệch choạc, mất phương hướng và dễ rơi vào tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Người dân cũng giữ vai trò chính trong việc xây dựng môi trường văn hóa cho du lịch. Bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục tinh thần tự hào, ý thức bảo vệ di sản cần quan tâm đến sự hưởng lợi của họ. Vấn đề là sự hưởng lợi ấy cần được tổ chức, quản lý một cách quy củ, minh bạch, tránh tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm. Hoạt động văn hóa du lịch vừa bảo tồn và phát huy di sản vừa góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, trên cơ sở đó du lịch mới phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
TRẦN NGUYỄN