Giáo dục đại học Việt Nam tăng hạng trên bản đồ giáo dục quốc tế | Giáo dục | Vietnam+ (VietnamPlus)

Giao duc dai hoc Viet Nam tang hang tren ban do giao duc quoc te hinh anh 1

Giờ học thực hành của các học viên thạc sĩ ngành Vũ trụ, Đại học Việt-Pháp, với các giáo sư đến từ Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES). (Ảnh: PV)

Dù có lịch sử phát triển non trẻ hơn rất nhiều so với giáo dục đại học khu vực và thế giới, thời gian qua, các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã liên tục được nghi nhận trong các bảng xếp hạng đại học uy tin hàng đầu của thế giới.

Theo kết quả xếp hạng trên 10.000 trường đại học khu vực châu Á của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), trong nhóm các trường đại học tốt nhất châu Á, năm 2018 Việt Nam có 7 trường, năm 2019 có 7 trường, năm 2020 có 8 trường và năm 2021 lên 11 trường.

Các trường lọt nhóm 500 đại học tốt nhất châu Á năm 2018 gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng. Năm 2019 có thêm Đại học Tôn Đức Thắng góp mặt trong bảng xếp hạng này. Năm 2020 thêm Đại học Duy Tân. Năm 2021, QS xếp hạng 634 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất châu Á, Việt Nam có thêm các trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Bảng xếp hạng QS 2020 theo lĩnh vực có tên 4 đại học của Việt Nam lọt tốp 600 trên thế giới, gồm Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Cần Thơ. Trong đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường đại học Cần Thơ lần đầu tiên được “điểm danh” trong bảng xếp hạng này.

Giao duc dai hoc Viet Nam tang hang tren ban do giao duc quoc te hinh anh 2

Nghiên cứu khoa học trong trường đại học ở Việt Nam. (Ảnh: PV)

Cụ thể, ngành khoa học máy tính và hệ thống thông tin của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được xếp trong nhóm 551-600 thế giới. Ngành nông nghiệp và lâm nghiệp của Đại học Cần Thơ lọt nhóm 251-300.; Đại học Quốc gia Hà Nội có 3 nhóm ngành được xếp hạng, gồm toán, vật lý và thiên văn, khoa học máy tính và hệ thống thông tin.

Trường đại học Bách khoa Hà Nội có 4 nhóm ngành được vào tốp 400 và 500, gồm các nhóm ngành: kỹ thuật điện – điện tử, kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo; khoa học máy tính và hệ thống thông tin, toán học. Trong số đó, cả 3 nhóm ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ thông tin tăng từ 50 đến 100 bậc so với năm 2019 và tiếp tục giữ vị trí số một Việt Nam.

[12 đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng thế giới 2020]

Đây cũng là lần đầu tiên hai ngành toán học của Việt Nam được lọt vào tốp 500 của thế giới.

Cũng trong năm 2020, Tổ chức xếp hạng QS đưa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vào nhóm 1.000 đại học tốt nhất thế giới.

Theo bảng xếp hạng Webometrics (phiên bản lần thứ nhất năm 2020) của Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs (CSIC- Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha) công bố tháng 1/2020, Việt Nam có 172 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng (năm 2019 là 134 cơ sở.)

Ở bảng xếp hạng uy tín Times Higher Education World University Rankings (bảng xếp hạng THE), năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên có ba trường đại học được xếp hạng. Trong đó, Đại học Bách khoa Hà NộiĐại học Quốc gia Hà Nội được xướng tên trong danh sách 1.000 đại học hàng đầu thế giới. Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh xếp hạng 1.000+. Năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục lọt tốp 1.000 đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng này. Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng 1.000+.

Ở Bảng xếp hạng đại học theo thành tựu học thuật (URAP), năm 2020, Việt Nam có 12 trường đại học được xếp hạng, tăng thêm 4 trường so với năm ngoái.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là những thành tựu rất đáng tự hào của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung và của từng cơ sở giáo dục đại học nói riêng./.

Phạm Mai (Vietnam+)