Giao lưu thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam

Từ nhiều năm nay, mỗi khi đến ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 là Đền Rừng lại trở thành địa điểm tổ chức thực hành nghi lễ tín ngưỡng hầu đồng, thu hút đông đảo thanh đồng từ khắp nơi hội tụ, tạo nên không khí giao lưu vô cùng tưng bừng nhộn nhịp.

Giao lưu thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu nhân ngày Di sản Việt Nam - Ảnh 1.

Chương trình Giao lưu thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt diễn ra nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Đền Rừng có tuổi thọ hơn 160 năm, lại tọa lạc trên địa thế đẹp với mặt hướng ra sông Hồng đỏ nặng phù sa. Theo các bút tích ghi lại, Đền được xây dựng từ những năm giữa thế kỉ XIX. Ngôi đền được xây dựng trên chính quê hương của Thái Úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt, vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Bên bờ sông Hồng này được coi là có vị thế đặc biệt, không phải cửa sông sầm uất, không phải đoạn sông trên bến dưới thuyền, mà là khúc sông Hồng thoáng đãng, bình lặng, không khí mát mẻ. Vì thế mà nơi đây quy tụ nhiều di tích như Đền Rừng, Đền Cửa Ông, Đền Mẫu Thoải, Đền Núi, tạo thành một quần thể tâm linh vô cùng nổi tiếng với du khách trong vùng và thập phương.

Sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, năm nay Đền Rừng tiếp tục được chọn là địa điểm đăng cai tổ chức chương trình “Giao lưu thực hành nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống chào mừng kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11. Chương trình thu hút sự quan tâm và tham dự của đông đảo người dân và các thanh đồng đến từ Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Phú Thọ…

Giao lưu thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu nhân ngày Di sản Việt Nam - Ảnh 2.

Sau mỗi buổi hầu, Ban tư vấn đều trao đổi góp ý kiến về chuyên môn với các thanh đồng, cung văn (về trang phục, áo mũ, đạo cụ, nghi thức, lời ca, âm nhạc…) để qua đó ngày càng hoàn thiện hơn các chuẩn mực chung trong nghi lễ hầu đồng

Trong 3 ngày thực hành, giao lưu nghi lễ hầu đồng, các thủ nhang, thanh đồng đã trình hầu các giá đồng đặc sắc. BTC khuyến khích các giá đồng mang yếu tố đổi mới, có giá trị tích cực và phù hợp với đời sống mới, nhưng không được làm biến dạng bản chất của nghi lễ, ảnh hưởng tới tín ngưỡng truyền thống.

Chương trình giao lưu được tổ chức nhằm góp phần đề xuất các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt trên địa bàn Hà Nội…

Sau mỗi buổi hầu, Ban tư vấn đều trao đổi góp ý kiến về chuyên môn với các thanh đồng, cung văn (về trang phục, áo mũ, đạo cụ, nghi thức, lời ca, âm nhạc…) để qua đó ngày càng hoàn thiện hơn các chuẩn mực chung trong nghi lễ hầu đồng.

Là người được chọn trình diễn mở màn buổi khai mạc chương trình, nghệ nhân, thanh đồng Hoàng Xuân Mai (Hà Nội) đã mang đến các giá hầu đặc sắc, nhận được nhiều sự hưởng ứng của người dân có mặt trong ngày hội.

Chia sẻ cảm xúc sau khi trình diễn, nghệ nhân, thanh đồng Hoàng Xuân Mai cho biết: “Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Điều này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần trong điện thần Tam phủ, trong đó có nhiều người vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí… Khi sống họ là những người có tài, có đức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân, khi mất hiển linh, là chỗ dựa tinh thần, thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước.

Giao lưu thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu nhân ngày Di sản Việt Nam - Ảnh 3.

Nghệ nhân, thanh đồng Hoàng Xuân Mai

Thực hành và tham dự vào nghi lễ lên đồng và các hoạt động lễ hội để cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, thể hiện khát vọng trong cuộc sống thường ngày, hướng con người đến lòng từ bi bác ái như là nền tảng của những nguyên tắc ứng xử giữa con người với con người. Thờ cúng Thánh Mẫu, biểu tượng người mẹ tối linh sẽ góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hành lễ hội, lên đồng, hát văn với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa… được thể hiện một cách nghệ thuật gắn với Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ, đó cũng là một phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt”.

Từng tham gia rất nhiều chương trình liên hoan, giao lưu nghệ thuật diễn xướng nên nghệ nhân, thanh đồng Hoàng Xuân Mai hiểu rõ được giá trị và ý nghĩa thu nhận được sau mỗi lần loan giá hầu đồng.

Giao lưu thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu nhân ngày Di sản Việt Nam - Ảnh 4.

Theo nghệ nhân, thanh đồng Hoàng Xuân Mai, hiện nay Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ đã được UNESSCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nên việc thực hành nghi lễ hầu đồng trở nên phổ biến hơn. Vì thế mà đâu đó vẫn còn có những sự hiểu biết khác nhau, dẫn đến thực hành chưa được đúng với nghi thức chuẩn mực.

“Thực hành nghi lễ hầu đồng là tín ngưỡng dân gian rất phong phú, thể hiện nhiều nét đẹp của văn hóa tâm linh, do bị ảnh hưởng của vùng miền, bị thay đổi theo từng giai đoạn xã hội nói chung và từng cá nhân nói riêng nên trong nghi lễ thực hành có nhiều điểm chưa đồng nhất. Vì thế, qua những chương trình giao lưu như thế này sẽ giúp các đồng thầy, thanh đồng học hỏi, tiếp nhận những giá trị chuẩn mực, học hỏi cái mới trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cho phù hợp với xã hội đương đại mà vẫn giữ được bản sắc và các giá trị văn hóa đặc sắc của nghi lễ hầu đồng”, nghệ nhân, thanh đồng Hoàng Xuân Mai nói./.