Giao lưu văn hóa Đông – Tây và những bài học đối với phát triển văn hóa Việt Nam
Quá trình nghiên cứu và đi đến khẳng định sự khác biệt trong văn hóa Đông – Tây đối với chúng ta hiện nay không phải đi đến khẳng định nền văn hóa này và hạ thấp nền văn hóa kia mà càng thấy rõ hơn sự cần thiết phải kết hợp văn hóa Đông – Tây trong xây dựng và phát triển nền văn hóa của mỗi quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Bài học về sự thành công trong kết hợp văn hóa Đông – Tây của một số quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới có thể là những gợi ý quan trọng cho phát triển nền văn hóa với mục tiêu không chỉ tiên tiến mà còn đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam hiện nay.
Khi nói văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây chúng ta thấy tự nó đã có sự khác biệt. Nói về sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây có nhiều cách khác nhau để so sánh và cũng có thể vạch ra nhiều tiêu chuẩn để so sánh. Nhưng nếu xét dưới góc độ triết học, có thể nhận thấy rõ một số điểm khác biệt sau đây:
Một là, sự khác biệt về tính minh bạch trong việc nhìn nhận và đánh giá về thế giới xung quanh. Đối với người phương Tây, ngay từ thời cổ đại, cách nhìn nhận và đánh giá về thế giới xung quanh đã thể hiện khá rõ lập trường triết học của họ dưới các hình thức thế giới quan khác nhau, thậm chí đối lập nhau: có thế giới quan duy vật, có thế giới quan duy tâm, có thế giới quan lạc quan tích cực, có thế giới quan bi quan, tiêu cực,… Những người có thế giới quan duy vật, lạc quan tích cực (dù dưới các hình thức thô sơ, máy móc hay biện chứng…) thường đại diện cho xu hướng tư duy tiến bộ, ủng hộ hoặc đồng hành với sự phát triển của khoa học.
Trái lại, những người có thế giới quan duy tâm, bi quan tiêu cực (dù dưới các hình thức chủ quan, khách quan hay tôn giáo) thường đại diện cho xu hướng tư duy phản tiến bộ, không tin hoặc cản trở sự phát triển của khoa học. Dù vậy, đặc điểm dễ nhận thấy nhất trong thế giới quan của người phương Tây là tính minh bạch trong cách nhìn nhận và đánh giá về thế giới diễn ra xung quanh mình. Trong thói quen xem xét của người phương Tây: thế giới chỉ có thể là đen hoặc trắng chứ không chấp nhận một thế giới đen trắng lẫn lộn. Điều đó lý giải tại sao người phương Tây lại coi trọng lối tư duy “duy lý” chứ không phải “duy tình”.
Trong nhận thức của người phương Đông, thế giới xung quanh mình không phải là những mảnh ghép rời rạc nhau mà là một chỉnh thể có tính thống nhất giữa trời, đất và con người. Chính vì thế, trong triết học phương Đông, một số lý thuyết triết học như lý thuyết về “Tam tài” (Trời – Đất – Người), lý thuyết “Thiên Nhân hợp nhất” (Trời với Người là một) luôn được các nhà triết học qua các thời đại ở các nước phương Đông đề cao. Đây chính là cơ sở quan trọng để hình thành nên thói quen đề cao văn hóa cộng đồng, đồng thời coi nhẹ văn hóa cá nhân của người phương Đông cũng là một sự khác biệt căn bản giữa văn hóa phương Đông với văn hóa phương Tây.
Mặt khác, cũng do nền tảng phát triển của tri thức khoa học, đặc biệt là các tri thức về khoa học tự nhiên qua các thời đại còn hạn chế nên trong thế giới quan của người phương Đông, các yếu tố duy tâm, duy vật, biện chứng và siêu hình thường đan xen lẫn lộn. Điều này cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành phương pháp luận trong văn hóa ứng xử của người phương Đông như tính linh hoạt, mềm dẻo, tính dễ thỏa hiệp trong việc thừa nhận chân lý.
Hai là, sự khác biệt phương thức tư duy và văn hóa ứng xử. Phương thức tư duy xét về mặt triết học là thói quen, là cách thức sắp xếp, trình bày quá trình tư duy của con người được thể hiện trên nhiều phương diện: từ cách tiếp cận đối tượng nhận thức, cách lựa chọn nội dung phản ánh đến cách trình bày các kết quả phản ánh của quá trình nhận thức. Phương thức tư duy thường là kết quả phản ánh từ điều kiện sinh tồn (điều kiện địa lý, phương thức sản xuất, môi trường xã hội,…) của chủ thể tư duy. Đối với người phương Đông, do đặc điểm về điều kiện địa lý, phương thức sản xuất và lịch sử phát triển xã hội nên thường chú trọng và đề cao phương thức tư duy trực giác (duy cảm). Đặc điểm nổi bật của phương thức tư duy trực giác là “cách thức tư duy chú trọng đến sự cảm nhận hay thể nghiệm”(1).
Về phương diện văn hóa, do chịu ảnh hưởng bởi phương thức tư duy trực giác nên trong cách suy nghĩ và ứng xử của người phương Đông trong cuộc sống thường ngày thường mang tính trực quan, cảm tính, đề cao nhận thức kinh nghiệm (chủ yếu là kinh nghiệm đời thường của cư dân nông nghiệp), coi nhẹ vai trò của tri thức khoa học. Trong cách ứng xử, người phương Đông thường theo lối “duy tình”. Lối tư duy này cũng có những điểm tích cực, như: đề cao tính cố kết cộng đồng; tính dễ thân thiện; coi trọng các quan hệ thân tộc (quan hệ với bố mẹ, con cái, anh em, bạn bè, hàng xóm láng giềng, đồng hương, đồng bào)… Nhưng lối tư duy này tự nó cũng bộc lộ những hạn chế, như: sự cả tin (dễ tin do vẻ bề ngoài); sự nể nang (do tình thân, do quan hệ) mà làm mất đi sự lý trí, sáng suốt trong đánh giá, nhận định; dễ tạo ra sự ồn ào, chạy theo vẻ bề ngoài mà thiếu đi sự tinh tế, sâu sắc; coi trọng đạo đức hơn tài năng con người, coi trọng tình cảm hơn lý trí (một trăm cái lý không bằng một tý cái tình).
Ngược lại, người phương Tây lại coi trọng tư duy duy lý, là phương thức tư duy chỉ chú trọng đến giai đoạn nhận thức lý tính, là “lối tư duy độc lập chỉ thiên về lý trí, chỉ tin vào lý trí”. Về mặt triết học, chủ nghĩa duy giác hay chủ nghĩa duy lý (rationalism) xuất hiện từ khá sớm ở các nước phương Tây. Những người đặt nền móng cho chủ nghĩa duy lý ra đời và phát triển phải kể tới một số đại biểu trong triết học Hy Lạp cổ đại như Pắcmênít (Parmenides, đầu thế kỷ V trước Công nguyên), Zênông (Zeno, 490 – 430 trước Công nguyên), Platông (Plato, 427 – 347 trước Công nguyên)… Đến thời cận đại, chủ nghĩa duy lý được tiếp tục phát triển với đại diện là R.Đềcáctơ (René Descartes, 1596 – 1650). Đềcáctơ không chỉ là triết gia, nhà khoa học, nhà toán học người Pháp, ông còn được coi là cha đẻ của chủ nghĩa duy lý cận đại(1)(2).
Chủ nghĩa duy lý “là một lập trường nhận thức luận, trong đó lý tính được coi là nguồn gốc thứ nhất của mọi tri thức, cao hơn bằng chứng cảm tính”(3). Theo các nhà duy lý, tiêu chuẩn cuối cùng của các chân lý cơ bản và xuất phát phải là tính rõ ràng và mạch lạc. Do đó, phương pháp nghi ngờ được các nhà duy lý sử dụng như một hình thức của hoài nghi luận, nhờ nó mà loại bỏ được bất cứ tư tưởng nào có khả năng sai lầm. Trong lịch sử phát triển tư duy, chủ nghĩa duy cảm (chủ nghĩa kinh nghiệm, empiricism) cũng tồn tại và phát triển nhưng chủ nghĩa duy lý vẫn được coi là khuynh hướng triết học có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành đặc điểm tư duy của người phương Tây.
Về mặt văn hóa, lối tư duy duy lý của người phương Tây cũng có những điểm tích cực trong nhận thức cũng như hành vi ứng xử thường phân minh rõ ràng, trắng ra trắng, đen ra đen và không chấp nhận sự lẫn lộn giữa đen và trắng (áp dụng triệt để quy luật “bài trung” trong lôgíc học), tính thực tế trong nhận thức và hành động. Tuy nhiên, bản thân phương thức tư duy đó cũng bộc lộ yếu tố hạn chế như tính máy móc.
Ba là, sự khác biệt về chủ thể văn hóa. Chủ thể văn hóa ở đây được hiểu là văn hóa cá nhân hay văn hóa tập thể. Do chịu ảnh hưởng bởi thói quen kinh nghiệm về lao động sản xuất của cộng đồng cư dân nông nghiệp nên văn hóa ứng xử của người phương Đông thường coi trọng tính tập thể. Một số lý thuyết triết học phương Đông cũng góp phần tạo cơ sở cho văn hóa ứng xử theo lối tập thể của người phương Đông như thuyết “Trung dung” của Nho giáo hay thuyết “Đại thừa” trong kinh Phật. Đặc điểm của văn hóa tập thể của người phương Đông là lối nhận thức và ứng xử thường dựa vào số đông. Trong văn hóa ứng xử tập thể thì vai trò của tập thể thường được đề cao thay vì cá nhân; mỗi cá nhân muốn tồn tại trong cộng đồng phải tự biết khép mình, hòa vào số đông thay vì muốn tách ra hoặc bộc lộ năng lực vượt trội của cá nhân trước tập thể. Ưu điểm của dạng văn hóa này là có khả năng phát huy sức mạnh của cộng đồng, nhưng tự nó cũng có những nhược điểm hạn chế như: hạn chế sự phát triển của cá nhân, thiếu địa chỉ cụ thể để quy trách nhiệm về các sai lầm, dễ bị cá nhân lợi dụng để lũng đoạn quyền lực, v.v..
Nếu chủ thể văn hóa ở phương Đông là tập thể, cộng đồng thì chủ thể văn hóa ở phương Tây lại là cá nhân. Về phương diện triết học, chủ nghĩa cá nhân (individualism)là khuynh hướng triết học đề cao, thậm chí tuyệt đối hóa vai trò, vị trí và những lợi ích có liên quan đến cá nhân với tư cách là một trong những bộ phận cấu thành nên cộng đồng hay xã hội. Những người theo chủ nghĩa cá nhân chủ trương không hạn chế mục đích và ham muốn cá nhân. Họ phản đối sự can thiệp từ bên ngoài lên sự lựa chọn của cá nhân – cho dù sự can thiệp đó là của xã hội, nhà nước, hoặc bất kỳ một nhóm hay một thể chế nào khác. Chủ nghĩa cá nhân do vậy đối lập với chủ nghĩa toàn luận (neo full comment), chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cộng đồng, và chủ nghĩa công xã. Chủ nghĩa cá nhân xuất hiện từ khá sớm trong triết học phương Tây nhưng chỉ đến khi chủ nghĩa tư bản hình thành và phát triển ở các nước phương Tây thời kỳ cận đại thì chủ nghĩa cá nhân mới chính thức được khẳng định cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn(4).
Về mặt văn hóa, chủ nghĩa cá nhân nhấn mạnh đến sự độc lập của con người và tầm quan trọng của tự do và tự lực của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân trong văn hóa tự nó cũng mang tính hạn chế như việc đề cao vai trò của cá nhân thường dẫn tới khuynh hướng cực đoan, tuyệt đối hóa vai trò của cá nhân đơn lẻ, dung dưỡng cho tính ích kỷ của cá nhân, hạ thấp vai trò của cộng đồng, của xã hội. Về mặt này, chủ nghĩa cá nhân gần với chủ nghĩa vị kỷ(egoism). Chủ nghĩa cá nhân kết hợp với chủ nghĩa thực dụng đã làm cho văn hóa cá nhân ở các nước phương Tây mang một màu sắc mới – văn hóa thực dụng, một hình thức văn hóa khá điển hình trong văn hóa Mỹ hiện nay.
Bốn là, sự khác biệt về tôn giáo và đức tin. Về mặt lịch sử, các tôn giáo lớn trên thế giới chỉ xuất hiện lần đầu tiên vào những năm đầu Công nguyên nhưng ý thức tôn giáo của nhân loại thì đã xuất hiện trước đó hàng nghìn năm cả ở phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, theo thời gian việc lựa chọn đức tin đối với các tôn giáo giữa phương Đông và phương Tây có khác nhau. Đa số các cộng đồng dân cư các quốc gia phương Tây đều theo Thiên Chúa giáo, nên trong ý thức về tôn giáo của họ đức tin đối với đạo Thiên Chúa có một vị trí và ý nghĩa rất lớn và góp phần tạo ra bản sắc văn hóa riêng của họ.
Ngược lại, đức tin tôn giáo của cộng đồng dân cư phương Đông lại có vẻ phức tạp hơn. Do điều kiện lịch sử, địa lý và chính trị khác nhau nên người phương Đông thường có đức tin về các tôn giáo khác nhau. Ngoài đức tin về một số tôn giáo phổ biến như Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Nho giáo hay Đạo giáo, v.v.. người phương Đông còn có tín ngưỡng và văn hóa tâm linh khác, đa dạng và phức tạp hơn. Chính vì thế, tại các quốc gia phương Đông không có ý thức tôn giáo thuần nhất như ở phương Tây mà chỉ có các trung tâm sinh hoạt tôn giáo khác nhau, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho từng vùng, miền trong khu vực.
Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực châu Á nên trong quá trình phát triển nền văn hóa Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng và chi phối bởi các đặc trưng văn hóa của các quốc gia phương Đông nói chung. Tuy nhiên, quá trình phát triển đất nước trong điều kiện toàn cầu hóa không chỉ về kinh tế mà còn về các phương diện khác trong đó có văn hóa hiện nay, cũng giống như nhiều quốc gia khác, sự giao lưu văn hóa Đông – Tây như một xu hướng tất yếu trong đó có Việt Nam. Do đó, để chủ động trong việc “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc”(5) như Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định và từ sự khác biệt trong so sánh văn hóa Đông Tây, chúng ta cần có cách ứng xử phù hợp. Theo chúng tôi, cần lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất, cần tạo lập một môi trường đa văn hóatrong phát triển văn hóa ở mỗi quốc gia. Tính đa văn hóa trong phát triển văn hóa quốc gia hiện nay được hiểu là tính chất đa dạng, sự giao lưu và tồn tại đan xen các dạng thức văn hóa khác nhau trong một nền văn hóa thống nhất. Trong môi trường đa văn hóa ấy cần được hiểu cả hai chiều cạnh: (1) tạo ra sự giao lưu và tính tiếp biến giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại; (2) tạo lập môi trường giao lưu giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây.
Bài học của các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới cho thấy tạo lập một môi trường đa văn hóa không những không cản trở mà còn tạo động lực cho sự cho sự phát triển của quốc gia. Nhật Bản là một quốc gia phát triển vào bậc nhất của châu Á. Sự phát triển mang tính thần kỳ của Nhật Bản biểu hiện rõ nhất vào những năm 60 thế kỷ XX, nhưng ít ai biết được rằng để có được sự phát triển đó người Nhật Bản đã âm thầm tạo động lực cho sự phát triển từ gần một thế kỷ trước đó, mà một trong những động lực cho sự phát triển ngay từ đầu đã được người Nhật Bản xác định là xây dựng một nền văn hóa “đa văn hóa”. Một trong những câu nói cửa miệng nổi tiếng của người Nhật những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: “Con người Nhật Bản, kỹ thuật phương Tây” đã minh chứng cho điều đó. Trên thế giới, không chỉ có Nhật Bản mà còn nhiều quốc gia khác như Hoa Kỳ, Canađa, Australia, New Zeland… phát triển muộn hơn so với các nước phương Tây truyền thống nhưng nhờ biết đánh giá đúng vai trò và xây dựng thành công một nền văn hóa đa văn hóa của quốc gia nên đã tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy các nước này phát triển như hiện nay.
Thứ hai, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế của văn hóa phương Đông và phương Tây trong việc tạo lập một nền văn hóa mới. Là một quốc gia phương Đông, dĩ nhiên nền văn hóa của Việt Nam trong tương lai phải là một nền văn hóa mang bản sắc phương Đông. Nhưng để văn hóa phương Đông trở thành một phần động lực trong sự phản triển, trước hết chúng ta phải xác định rõ những giá trị trong văn hóa phương Đông cần phát huy cũng như hạn chế những nhược điểm có thể gây cản trở cho sự phát triển của nó. Đối với việc tiếp thu các giá trị văn hóa phương Tây trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam cũng cần có quan điểm biện chứng, nghĩa là biết kế thừa, tiếp thu những giá trị hợp lý, đồng thời cũng biết loại bỏ những giá trị không phù hợp. Bài học chung của nhiều quốc gia phát triển trong khu vực gần với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, v.v.. trong quá trình phát triển văn hóa là họ chú ý nhiều hơn đến các giá trị văn hóa phương Đông để tạo nên đường hướng hình thành bản sắc riêng cho nền văn hóa, nhưng cũng đồng thời không quên tiếp thu các giá trị tích cực trong văn hóa phương Tây để tạo ra tính chất tiên tiến, hiện đại của nền văn hóa.
Thứ ba, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Xã hội ngày càng phát triển với nền kinh tế mở, xu thế hội nhập thế giới càng khiến chúng ta phải mở rộng giao lưu với các nền văn hóa khác trên thế giới, đặc biệt là sự giao lưu giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, quá trình hòa nhập dễ dẫn đến nền văn hóa bản địa bị hòa tan hoặc đơn giản là không còn bản sắc, thì việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa nói chung trong bối cảnh hiện nay đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam là hết sức cần thiết. Bài học của nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực cho thấy việc giữ gìn và phát huy có hiệu quả bản sắc dân tộc trong quá trình phát triển văn hóa là giải pháp quan trọng nhất để đưa nền văn hóa quốc gia hội nhập sâu rộng với các giá trị văn hóa tiên tiến của thế giới.
Chứng kiến sự phát triển của nền văn hóa Nhật Bản hiện nay, bên cạnh các giá trị tiên tiến, hiện đại mang dáng dấp của văn hóa châu Âu được Nhật Bản cho phép du nhập và phát triển thì những giá trị văn hóa truyền thống của Nhật Bản cũng được giữ gìn và phát huy có hiệu quả. Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại đã tạo ra tính chất độc đáo trong sự phát triển của văn hóa Nhật Bản hiện đại. Cũng giống như Nhật Bản, Hàn Quốc không chỉ nổi tiếng là một đất nước hiện đại và năng động mà còn là một đất nước có nền văn hóa với truyền thống lâu đời được gìn giữ và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Sự thành công trong phát triển của Hàn Quốc không chỉ là thành công trong sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại mà quan trọng hơn nó đã tạo ra những giá trị văn hóa riêng và mới, tạo động lực tinh thần góp phần làm thay đổi nhanh chóng diện mạo đất nước, con người Hàn Quốc.
Thứ tư, hạn chế và ngăn ngừa sự xung đột giữa các tôn giáo trong phát triển văn hóa. Sự tồn tại của tôn giáo trong thời đại ngày nay tại nhiều quốc gia không chỉ thuần túy là vấn đề đức tin mà còn là vấn đề văn hóa của cá nhân con người và cộng đồng. Mối quan hệ giữa các tôn giáo không chỉ đơn thuần là sự khác biệt về đức tin mà còn là sự quan hệ, giao lưu giữa các nền văn hóa. Lịch sử phát triển văn hóa của nhân loại cho thấy những sự khác biệt về đức tin tôn giáo có thể dẫn đến xung đột về văn hóa giữa các cộng đồng người. Trên thực tế, khi những xung đột về tôn giáo dẫn đến xung đột văn hóa thường dẫn đến những hệ lụy phức tạp và khó lường, không chỉ làm cho các đức tin tôn giáo bị báng bổ mà còn làm tổn thương các giá trị văn hóa. Những phân tích trên đây cho thấy, trong quá trình phát triển văn hóa ở mỗi quốc gia cần quan tâm đầy đủ đến việc giải quyết các mối quan hệ giữa các tôn giáo trong đó cần chú ý hạn chế và ngăn ngừa sự xung đột giữa các tôn giáo trong phát triển văn hóa.
Như vậy, quá trình nghiên cứu và đi đến khẳng định sự khác biệt trong văn hóa Đông – Tây đối với chúng ta hiện nay không phải đi đến khẳng định nền văn hóa này và hạ thấp nền văn hóa kia mà càng thấy rõ hơn sự cần thiết phải kết hợp văn hóa Đông – Tây trong xây dựng và phát triển nền văn hóa của mỗi quốc gia trong bối cảnh hiện nay. Bài học về sự thành công trong kết hợp văn hóa Đông – Tây của một số quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới có thể là những gợi ý quan trọng cho phát triển nền văn hóa với mục tiêu không chỉ tiên tiến mà còn đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam hiện nay.
_________________________________________________________
(1) Giáo trình Triết học (dành cho học viên cao học và nghiên cứu sinh không thuộc nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn),Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.41.
(2) Xem thêm: Thích Pháp Như: “Chủ nghĩa duy lý trong triết học Descarter”(http://www.hoalinhthoai.com, ngày 30.10.2013).
(3) Lịch sử triết học phương Tây từ triết học Hy Lạp cổ đại đến triết học cổ điển Đức, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.327.
(4 )Khái niệm “chủ nghĩa cá nhân” lần đầu tiên được các nhà xã hội Pháp theo đuổi học thuyết của Saint-Simon sử dụng để mô tả cái mà họ tin là nguyên nhân của sự phân rã xã hội Pháp sau Cách mạng 1789. Trong tiếng Anh, thuật ngữ “chủ nghĩa cá nhân” lần đầu được sử dụng bởi các nhà theo thuyết của Owen vào những năm 1830, sau đó tiếp tục được các nhà xã hội học, kinh tế chính trị học Anh khác như J.Smith, W.J.S.Mill và T.Carlyle tiếp tục hoàn thiện. Khái niệm chủ nghĩa cá nhân về sau tiếp tục được sử dụng bởi một số nhà tư tưởng của chủ nghĩa lãng mạn Đức với cùng một hàm ý tích cực năm 1847 trong tác phẩm “Elements of Individualism”- Một số vấn đề về chủ nghĩa cá nhân (theo:http://vi.wikipedia.org).
(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.75.