Gìn giữ nét đẹp truyền thống ngày Tết
TNV – Cuối năm, khi Tết cổ truyền cận kề, dường như cũng là khi mỗi người sống chậm lại, tĩnh tâm hơn để nâng niu dòng ký ức và hướng về nguồn cội, về những giá trị văn hóa. Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, dù các nếp xưa có phần bị tác động bởi những tư duy hiện đại nhưng những giá trị thuộc về cổ xưa của Hà Thành vẫn được nhiều phụ nữ góp phần gìn giữ, không bị mai một.
Từ câu chuyện mâm cỗ ngày Tết
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” ánh phản hương sắc Tết truyền thống hàng nghìn năm của người Việt. Trong nhịp sống hiện đại, dường như những mâm cỗ online, những cửa hàng bán đồ ăn sẵn đã trở thành “cứu cánh” giúp nhiều phụ nữ có thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, việc tự tay vào bếp, chăm chút tỉ mỉ từng món ăn để dâng lên thần linh, tổ tiên luôn là điều cô giáo Nguyệt Hà trân trọng. Cô quan niệm: “Có điều kiện thì đầy đủ tươm tất, có ít làm ít, có nhiều làm nhiều quan trọng là tấm lòng. Thực ra, những ngày Tết với Hà như là một cái cớ, một dấu mốc để nhắc nhở về lòng đạo hiếu, biết ơn, kính trọng ông bà, tổ tiên, bề trên… Thần Phật cũng là từ những con người đắc đạo mà thành”. Bởi vậy, những mâm cỗ Tết của cô luôn là những món ăn truyền thống, ngon mắt, là sự hài hòa của ngũ sắc, ngũ vị.
Mâm cỗ Tết mang phong vị truyền thống của cô giáo Nguyệt Hà
Đến nét đẹp đi lễ chùa đầu năm mới
Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài tục lệ cúng thần linh, gia tiên tại gia đình, người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho người thân với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Theo quan niệm của người Việt, Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh, bởi thế nên phần lớn người Việt Nam tin rằng, đi lễ chùa không chỉ là để ước nguyện mà đó còn là thời gian để con người tìm về với chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, bất kì ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào Xuân, sự thành tâm trong lòng mỗi người. Cửa chùa rộng mở với tiếng chuông ngân vang, cùng mùi thơm của khói hương, hoa lễ luôn làm cho tâm hồn con người thanh bình lạ kỳ.
Đi lễ đầu năm – Nét đẹp truyền thống của người Việt
Và nâng niu trang phục áo dài truyền thống.
Trong khoảnh khắc đất trời vào Xuân, không khí rộn ràng của lễ hội đã tràn ngập trên mọi nẻo đường thành phố. Tết Nguyên Đán là dịp tốt lành để tôn vinh những giá trị văn hoá. Và cũng thật không sai khi nói rằng Áo dài cũng góp phần làm đẹp thêm nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt mỗi khi đến Tết, chiếc áo dài sẽ đồng hành cùng ta đi du xuân, chúc Tết, thăm hỏi người thân, họ hàng.“Tết trong quan điểm người Việt gắn liền với hình ảnh của sự đủ đầy, ấm áp và đẹp đẽ trong những bộ quần áo mới với ước mong về một năm với thật nhiều may mắn và sung túc. Tết thiếu vắng hình ảnh những chiếc áo dài thì không cảm nhận được không khí rộn ràng của ngày Tết nữa.”. Cô giáo Nguyệt Hà chia sẻ.
Cô giáo Nguyệt Hà đón Tết với trang phục áo dài
Thời gian trôi nhanh và dù cuộc sống có đổi thay, con người bước vào kỷ nguyên mới nhưng với cá nhân cô giáo Hà Thành Nguyệt Hà nói riêng và mỗi người trong chúng ta, Tết cổ truyền vẫn là văn hóa truyền thống, là giá trị nguồn cội mãi mãi được gìn giữ, trân trọng.
PV