Gìn giữ, phát huy giá trị nổi bật toàn cầu di sản Tràng An
Giá trị nổi bật toàn cầu
Về thiên nhiên, Tràng An đạt 2 tiêu chí của một di sản, đó là nơi có “Kiến tạo địa chất độc đáo” (tiêu chí số 8); và “Vẻ đẹp nổi bật toàn cầu” (tiêu chí số 7).
Theo tiêu chí số 8, Tràng An là ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của Trái đất, bao gồm cả tiến trình phát triển sự sống, những quá trình địa chất quan trọng đang hình thành nên các dạng địa hình, các đặc điểm địa mạo hoặc sơn văn nổi bật.
Tràng An được các nhà địa chất quốc tế đánh giá là một ví dụ điển hình cho tháp đá vôi nhiệt đới ẩm ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển địa mạo, và là một mô hình để nhận biết và so sánh với các khu vực tương tự trên thế giới.
Còn theo tiêu chí số 7, cảnh quan tháp karst Tràng An là một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục nhất thuộc loại này trên thế giới. Cảnh quan gồm chủ yếu một loạt các tháp karst dạng nón, với vách dốc đứng cao 200m so với nền đất và mực nước xung quanh.
Những rặng núi hẹp nối liền hai đỉnh núi, được ví như những thanh kiếm khổng lồ, bao quanh các thung, trũng, hố sụt tròn và dài, với những dòng sông, suối nối với nhau, chảy quanh co xuyên qua các hang động vô số những thạch nhũ, rèm nhũ lôi cuốn …ngầm dài vài trăm mét.
Rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm, thậm chí bám vào các vách đá và đỉnh núi. Các yếu tố đá, nước, rừng, bầu trời kết hợp với nhau tạo nên một thế giới thiên nhiên sinh động, không thể đẹp và quyến rũ hơn.
Theo tiêu chí số 5, Tràng An “thí dụ nổi bật về môi trường sống của người tiền sử”. Nơi mà thiên nhiên và văn hóa không thể tách biệt, nơi mà văn hóa chứa đựng sự kỳ diệu, bí ẩn và hùng vĩ của thế giới tự nhiên và đã được tự nhiên cải biến.
Tràng An là địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới với những bằng chứng cho thấy cách con người tương tác với cảnh quan thiên nhiên và thích ứng với những thay đổi quan trọng về môi trường kéo dài hơn 30.000 năm (từ 1.200 đến 33.100 năm).
Lịch sử văn hóa liên tục và tương đối dài có mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất gần đây của khối karst đá vôi Tràng An. Con người cổ là một phần không thể tách khỏi cộng đồng sinh vật đã được thiết lập trong khu vực đá vôi ít nhất là từ thời kỳ Băng hà cực đại cuối cùng.
Tràng An cũng là một trong số ít các di sản có giá trị ở Đông Nam Á giữ lại nhiều đặc điểm ban đầu không chịu ảnh hưởng lớn từ con người, động vật và các nhân tố khác ở thời gian sau đó. Tràng An mang đặc điểm về quá trình tương tác giữa con người – môi trường và là một kho tư liệu vô giá toàn cầu cho việc tìm hiểu quá trình thích ứng và thay đổi cảnh quan trong điều kiện biến đổi môi trường.
Quản lý, giữ gìn cho tương lai
Danh hiệu Di sản Thế giới của Quần thể Danh thắng Tràng An là vinh dự của người dân Việt Nam và tỉnh Ninh Bình. Thay mặt cho nhân dân thế giới, chính quyền và người dân cố đô Hoa Lư tự hào và nhận trách nhiệm quyết tâm bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.
Để khẳng định những cam kết, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị và chuyển giao Di sản cho các thế hệ tương lai theo đúng tinh thần Công ước Di sản Thế giới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương trong khu Di sản làm tốt công tác quản lý, bảo tồn gắn với phát huy giá trị Di sản.
Các nghị quyết, quy định, kế hoạch về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản đã được các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả cao, đồng thời các cơ quan chức năng đã chủ động, tham mưu, đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn Di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.
Ngay sau khi Tràng An được vinh danh, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 16/11/2015, đồng thời thực hiện Kế hoạch quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An giai đoạn từ năm 2015-2020, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch được xây dựng dưới sự hướng dẫn của Cục Di sản Văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia và các chuyên gia trong nước và quốc tế. Kế hoạch xác định một cách toàn diện những vấn đề về tầm nhìn, nguyên tắc định hướng cơ bản của việc bảo vệ, quản lý, các mục tiêu cùng các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ, sử dụng bền vững, giữ gìn và phát huy giá trị Khu di sản, đặc biệt là giải quyết tốt vấn đề về quản lý du lịch và khảo cổ học. Kế hoạch đã chỉ ra khoảng 40 yếu tố ảnh hưởng tới Khu di sản cần có các biện pháp can thiệp và xử lý.
Đồng thời, Ninh Bình chú trọng triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về việc bảo vệ khu di sản. Giao các cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát tình trạng bảo tồn di sản văn hóa, môi trường và hệ sinh thái trong khu di sản, nhận dạng bất cứ một mối đe dọa nào từ việc phát triển ở khu vực xung quanh và làm giảm nhẹ các tác động, tiến hành nghiên cứu, quản lý các hoạt động và dịch vụ du lịch.
Quan tâm tổ chức các chương trình giáo dục thường xuyên, đào tạo và nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và những người làm việc ở khu di sản, người dân địa phương, học sinh, và khách du lịch về trách nhiệm bảo vệ di sản cũng như bảo vệ sự phát triển bền vững của các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.
Bài, ảnh: Minh Đường