Giữ duyên trầu cau

(HNM) – Có một nét văn hóa cổ truyền độc đáo của người dân làng Phú Lễ (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) đó là cả làng ai cũng biết nhai trầu, không cứ vào ngày hội hay lễ, tết mà ngày nào cũng có trầu, lặng lẽ ở từng gia đình, ấm áp trong từng câu chuyện, từ làng trên xóm dưới, nối dài qua nhiều thế hệ. Qua hàng trăm năm, song hành trong sinh hoạt đời sống cộng đồng, nét đẹp đặc trưng ấy tiếp tục được gìn giữ và lưu truyền ở một vùng quê Việt cổ nằm bên dòng sông Tích…

Vườn trầu nhà thầy giáo Kiều Cao Lâm ở đội 8, làng Phú Lễ.


Cả làng ai cũng nhai trầu

Điều đầu tiên cần khẳng định, tục nhai trầu (còn gọi là ăn trầu) không phải chỉ người Phú Lễ ở Thạch Thất mới có, nhưng đi dọc các miền quê, hiếm có một nơi nào mà cả làng từ người già, trung niên đến con trẻ đều nhai trầu quanh năm như ở Phú Lễ. Theo ông Kiều Mạnh Trường – Trưởng thôn Phú Lễ, tục nhai trầu ở Phú Lễ không biết có từ bao giờ, chỉ biết là đã lâu lắm.

Miếng trầu mộc mạc không têm cánh phượng mà cau được bổ ra tùy quả to, quả nhỏ có thể bổ làm sáu hoặc bốn phần, tước hờ vỏ ngoài (khi nhai thì tước hết vỏ) cắt bỏ núm cau. Trầu được cắt ra, lá nhỏ làm đôi hoặc ba, lá to thì cắt bốn, cứ để nguyên miếng trầu như thế, rồi quệt vôi vào cuộn lại cùng miếng cau, đưa vào miệng nhai. Cách khác thì những miếng trầu cắt ra được cuộn lại như chiếc tổ sâu, cùng những miếng cau, có thể thêm miếng vỏ rễ chay, vỏ cây sang hoặc cau, có khi thêm sợi thuốc lào cho mặn mà. Nói chung, người ở Phú Lễ cứ đến chơi nhà đều tiếp nhau những miếng trầu như thế với chén nước chè xanh, thế là thêm đậm đà câu chuyện làng xóm.

Trong tục lệ cúng lễ của người Việt, lễ dâng tế Thần, lễ Phật hay lễ cúng Gia tiên đều phải có trầu cau. Ở làng Phú Lễ cũng vậy, nhất là khi đi lấy vợ, trước khi cưới cũng phải có cơi trầu chạm ngõ gồm vài chục quả cau với mươi lá trầu, khi cưới xin ngoài các lễ vật khác nhất thiết phải có trầu cau, buồng cau có ít cũng phải gần 100 quả, với trầu kèm theo.

Trước đây, trong làng, cô con gái nào đi lấy chồng phải chia cau cho bà con làng xóm, mỗi nhà một quả. Lúc cau trầu đắt nhiều gia đình tổ chức đám cưới cho con phải chi phí tiền trầu cau lớn hơn cả tiền thịt và tiền rau. Năm 1970, gia đình ông Đỗ Đức Doanh có con gái đi lấy chồng đã phá lệ chia cau cho từng gia đình, thay vào đó mỗi đội sản xuất được gia đình ông Doanh gửi đến mười lăm quả cau và dăm lá trầu để tổ chức hội họp; từ đó, dần dần tục lệ chia cau cho từng gia đình trong làng được loại bỏ…

Bà Nguyễn Thị Chiên (vợ ông Kiều Mạnh Trường), vừa bổ cau mời khách vừa khá mặn chuyện, kể với chúng tôi rằng trẻ con trong làng đều tập nhai trầu và biết kể câu chuyện cổ tích “Trầu cau”. Chúng đều hiểu một triết lý giản đơn từ “Sự tích trầu cau” như mối gắn kết sâu sắc giữa tình thương yêu con người, giữa người thân trong gia đình, giữa nghĩa vợ tình chồng của nhân duyên hạnh phúc.

Bà Chiên nhai trầu từ nhỏ và nhớ ngày trước cha mẹ trong làng đều dặn dò con gái khi chọn chồng, phải chọn chàng trai nào ăn được nhiều trầu mà không bị say thì hẵng lấy. Bởi điều đó biểu hiện bản lĩnh, sức vóc của một đức lang quân có thể làm nên việc lớn. Chính bà và các bạn gái cùng thời đều phải học têm trầu cho khéo và nhai trầu cho duyên. Têm trầu đẹp mắt cũng là một tiêu chuẩn thể hiện tài tháo vát, khéo tay và thái độ đối đãi có tình và trân trọng với bà con trong làng. Vì thế, hằng năm, trong làng thường tổ chức thi têm trầu, thi ăn trầu, kể cả đối đáp về những hiểu biết văn hóa trầu cau, hoặc còn thi làm thơ khi ăn trầu…

Giữ duyên trầu cau như giữ ngọn lửa ấm

Cứ thế, tục ăn trầu ở làng Phú Lễ được truyền từ đời này qua đời khác nên mọi người trong làng đều biết nhai trầu, từ các cụ già đến các em nhỏ không phân biệt nam nữ, có nhiều người nghiện, ngủ dậy phải nhai trầu, ăn cơm xong cũng phải cần miếng trầu, mang trầu cau đi lao động, những lúc rảnh rỗi hay giờ giải lao là đem miếng trầu gói trong túi ra nhai, tiết trời rét càng cần trầu nhiều hơn. Chính vì thế, các gia đình trong làng hầu như nhà nào cũng dành đất trồng cau, trồng trầu, vừa làm đẹp cảnh nhà, vừa tiện cho việc tiếp khách của cả gia đình.

Người dân làng Phú Lễ truyền nhau, thời xa xưa khi người Việt chưa biết đến chuyện làm duyên bằng son, phấn, thì cái duyên trầu cau đã làm đẹp cho bao cô gái. Đôi má ửng hồng, trái tim đập rộn ràng như rung lên, như muốn vỡ tan, đôi mắt lúng liếng cháy rừng rực như có lửa cuốn hút bao tâm hồn những chàng trai. Cái duyên của trầu cau là cái duyên của một sự chuyển hóa, của sự biến điệu. Trầu cau, vôi trắng tất cả nếu đứng riêng rẽ, thì mỗi thứ chỉ là cây, là đá, là lá nhưng khi chúng hợp lại, hòa quyện cùng nhau trong môi miệng của con người thì tất cả bỗng biến đổi, trở nên đằm thắm, trở nên rực rỡ và trầu cau đã là nơi khởi đầu cho bao mối lương duyên.

Ngồi với thầy giáo Kiều Cao Lâm giữa không gian ngút ngàn cây trái, những hàng cau rợp bóng mát, tôi mới hiểu tại sao người dân ở đây luôn trân trọng và giữ gìn phong tục cổ truyền đến thế. Thậm chí có câu chuyện “dị bản” nói rằng người con trai ở Phú Lễ thà chịu cảnh ế vợ chứ chẳng bao giờ chịu bỏ miếng trầu. Ông Lâm bảo, đó chỉ là câu chuyện đưa đẩy để nói lên sự kiên trì và bảo vệ truyền thống ông cha để lại, chứ thực ra con trai Phú Lễ duyên dáng lắm, đáng yêu lắm! “Đất chúng tôi vốn là mảnh đất có truyền thống hiếu học tự lâu đời, từ đây có biết bao người con học hành chí hướng, vươn xa, thành đạt, tiếp tục trở về đóng góp xây dựng quê hương”, ông Lâm tự hào.

Tuy nhiên, mỗi người con đi xa khi trở về làng là không thể quên được trầu cau. Lớp trai môi hồng cắn chỉ này rất có duyên kén vợ. Họ còn biết dỗ người yêu nhập cuộc ăn trầu và chỉ dùng lời của người làng kể chuyện “Trầu cau” mà tìm đến tình yêu. Họ chỉ cần cất lên mấy câu: “Trầu này trầu quế, trầu hồi. Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình. Trầu này trầu tính, trầu tình. Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình với ta…” Đó cũng là lúc duyên đã thắm lại, hai con tim hòa cùng nhịp đập bởi miếng trầu làng, anh mời. Em cầm miếng trầu đưa lên miệng. Ấy là lúc nên phận. Làng Phú Lễ vẫn có câu: “Ai về cũng sẽ ăn trầu/ Bởi trai Phú Lễ khéo cầu duyên thơm”.

Những câu ca ấy đã góp phần giữ nếp quê xưa của người Phú Lễ, là kết quả của một quá trình trao truyền bền bỉ từ năm này qua năm khác, từ đời này qua đời khác. Nó còn là chút duyên thầm của nét văn hóa – một mạch ngầm lan tỏa trong dòng chảy của làng Phú Lễ. Có lẽ ai nghe xong câu chuyện về tục ăn trầu ấy cũng thấy lòng ấm áp khi hiểu thêm ý nghĩa của những cặp môi đỏ thắm, không kể là gái hay trai ở đây…