Giữ gìn bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, văn hóa dân tộc là “mã định danh”, “thẻ căn cước” hay “bộ gen” của một dân tộc và là sự khẳng định bản sắc, giữ gìn cốt cách bền vững của dân tộc trong quá trình hội nhập với thế giới.
Tiết mục hát then – đàn tính do các nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn. Ảnh tư liệu: Hoàng Nguyên/TTXVN
Văn hóa khẳng định bản sắc dân tộc
Văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống là văn hóa gốc của dân tộc, sinh ra cùng với đời sống lao động của quần chúng nhân dân. Trải qua hàng ngàn năm, ông cha ta đã để lại một kho tàng đồ sộ các giá trị văn hóa nghệ thuật phong phú như ca dao, hò vè, các tín ngưỡng dân gian, các lễ hội, các loại hình diễn xướng như múa rối, ca trù, trống quân, hát xẩm… và rất nhiều nghề thủ công truyền thống.
Theo Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, bản sắc của mỗi tộc người, hay mỗi dân tộc đều được hình thành từ ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng… Sự khác biệt này cũng là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Chính vì thế, bản sắc của văn hóa dân tộc vẫn thường được gọi là “thẻ căn cước” về tộc người, khi bước ra thế giới thì đây cũng chính là “mã định danh” để nhìn vào đó người ta có thể dễ dàng nhận ra đó là dân tộc nào.
Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa dân gian đã được quan tâm, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc. Bên cạnh đó, công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật; phục dựng bảo tồn các lễ hội truyền thống đặc sắc có nguy cơ mai một, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tạo điều kiện để phát triển mô hình văn hóa – du lịch cũng được triển khai và từng bước đi vào thực tế.
Nói về tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân gian, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: Năm 1967, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam được thành lập giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn vô cùng ác liệt. Khi nghe tin Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam được thành lập, báo chí phương Tây đã đưa tin đại ý nói rằng trong khi bận bịu vì cuộc chiến gay go như vậy mà Đảng, Chính phủ Việt Nam vẫn coi trọng việc giữ gìn văn hóa, chứng tỏ họ đã biết khai thác tiềm năng văn hóa cho cuộc kháng chiến cứu nước.
Thực tế đã chứng minh điều đó khi cả nước ra trận, văn nghệ sỹ cũng là chiến sỹ như một nhà thơ đã viết “Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận” để có một thắng lợi vẻ vang năm 1975. Từ đó đến nay, sự bùng nổ của văn hóa dân tộc và những thành tựu thu được của văn hóa, văn nghệ dân gian đã góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước. Đó là việc sưu tầm được hàng ngàn tác phẩm văn hóa nghệ thuật của 54 dân tộc anh em sống trên dải đất Việt Nam. Qua đây góp phần vào việc bảo tồn, lưu giữ được các giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo và đa dạng của các dân tộc không bị mất đi, giúp cho sự phát triển văn hóa ngày nay, góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế đem lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước.
Có thể nói, văn hóa, văn nghệ dân gian và các văn nghệ sỹ đã có những đóng góp rất lớn vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Nếu như trong kháng chiến, văn nghệ sỹ vừa chiến đấu, vừa cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, gây tiếng vang và có tác động mạnh trong việc thôi thúc hàng triệu người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thì trong thời bình, văn nghệ sỹ lại lao vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, thúc đẩy sức mạnh tinh thần, vật chất của mọi tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng nhân ái, lòng trắc ẩn trong mỗi con người, sự chia sẻ, đùm bọc của người dân trong lúc đất nước gặp khó khăn. Từ đó, củng cố niềm tin vào Đảng, vào chế độ, củng cố khối đoàn kết dân tộc, kết nối giữa các cộng đồng, cá nhân trong xã hội.
Thách thức chưa vơi
GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
Mặc dù có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, song văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức và đối mặt với nguy cơ bị mai một.
Đứng trước sự bùng nổ của mạng internet và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, văn học nghệ thuật nói chung, văn hóa, văn nghệ dân gian nói riêng đang đối mặt với những tác động vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là nguy cơ mai một văn hóa dân tộc, xuống cấp đạo đức và các giá trị nhân bản của cha ông để lại. Nhiều dân tộc đã không còn chữ viết, tiếng nói, trang phục…, tình trạng thương mại hóa, biến tướng, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi… có chiều hướng gia tăng, giới trẻ quay lưng và không còn mặn mà với văn hóa dân tộc… thực trạng này khiến những nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật lo ngại.
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Lý cho rằng, chúng ta đang đứng trước những thách thức nhiều mặt. Trong khi lớp trẻ không mặn mà với văn hóa dân gian, các nghệ nhân ngày càng cao tuổi và thưa thớt dần, kinh phí để bảo tồn, phát triển văn hóa còn hạn hẹp, nhiều nơi không có… nên công tác nghiên cứu, truyền dạy văn hóa dân gian chưa đáp ứng được nhu cầu. Đầu vào ngày một ít đi, người cũ dần vắng bóng, đầu ra ít ỏi, nên số hội viên trẻ, say sưa, nhiệt huyết và có tâm với văn hóa, văn nghệ dân gian ngày càng ít, nguy cơ thế hệ kế cận ngày một suy giảm.