Giữ gìn nét đẹp văn hóa trong không gian lễ hội Hà Nội – smot
Mục lục bài viết
Giữ gìn nét đẹp văn hóa trong không gian lễ hội Hà Nội
Trong lịch sử nhân loại, lễ hội mang tính phổ biến, có từ lâu đời ở mọi quốc gia, mọi dân tộc. Hoạt động lễ hội gắn liền với quá trình tồn tại và phát triển của xã hội, phản ánh khá tập trung và tiêu biểu truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc… Trong quá trình tồn tại và phát triển, lễ hội trở thành nhu cầu không thể thiếu của con người. Ngày nay, lễ hội không chỉ là di sản lịch sử văn hóa mà tiếp tục trở thành nhu cầu cần thiết, đồng thời là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Hoạt động phong phú trong sinh hoạt lễ hội đã, đang và sẽ tạo nên những giá trị và nét đẹp văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi địa phương và các vùng, miền.
Thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của cả nước, do vị trí địa lý và đặc điểm lịch sử, Hà Nội là địa phương có số lượng lễ hội nhiều nhất với 1.050/7.966 lễ hội của cả nước, trong đó lễ hội truyền thống chiếm số lượng lớn. Cùng với xu thế chung của cả nước, những năm qua hoạt động lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội được khôi phục và phát triển mạnh mẽ, hàng năm các lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, nhỏ, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân thủ đô.
Lễ hội Gò Đống Đa. Ảnh: Baovanhoa.vn
1.Không gian lễ hội Hà Nội, nơi lưu giữ ký ức lịch sử và những huyền thoại nổi tiếng của dân tộc
Không gian lễ hội Hà Nội diễn ra trên phạm vi rộng lớn toàn thành phố bao gồm cả những quận nội thành và các huyện ngoại thành. Nơi đây có nhiều lễ hội lớn lưu giữ những ký ức có giá trị lịch sử và đậm nét huyền thoại không chỉ là của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, mà còn ghi dấu ấn thời kỳ vàng son, oanh liệt của cả dân tộc Việt Nam ta. Đó là những lễ hội nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của những anh hùng có công với dân, với nước như huyền thoại Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Vua Quang Trung, Thục Phán An Dương, lễ hội Hà Nội cũng gắn liền với những danh thắng nổi tiếng, điển hình như như lễ hội Chùa Hương được gọi là thắng cảnh đẹp nhất trời Nam …
Hầu hết, các lễ hội có quy mô lớn thường diễn ra vào mùa Xuân: Lễ hội Chùa Hương (xã Hương Sơn – Huyện Mỹ Đức) thường khai hội vào ngày mồng 6 tháng Giêng tại khu danh thắng Hương Sơn, một danh thắng nổi tiếng không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn là một không gian văn hóa tín ngưỡng đạo Phật thâm nghiêm thu hút nhiều tín đồ hành hương chiêm bái. Hành trình lễ hội Chùa Hương diễn ra trong 3 tháng đầu Xuân, hàng năm thu hút khoảng 2 triệu lượt khách, riêng ngày khai hội thường có từ 4-5 vạn lượt khách tham gia.
Lễ hội Gò Đống Đa (phường Quang Trung – quận Đống Đa) thường niên khai hội vào ngày mồng 5 Tết nguyên đán. Lễ hội có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng ghi lại chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa năm 1789, lưu giữ niềm tự hào, sự quật cường của cả một dân tộc và được tổ chức để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng của hoàng đế Quang Trung – người Anh hùng “áo vải, cờ đào” đã cùng tướng lĩnh và binh sĩ Tây Sơn anh dũng chiến đấu hy sinh để giải phóng kinh thành Thăng Long. Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa là sự hội tụ, kết tinh sâu sắc truyền thống yêu nước, yêu độc lập – tự do ngàn đời của nhân dân ta; là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc ta. Lễ hội Gò Đống Đa đã làm nên thương hiệu một lễ hội có quy lớn của thủ đô và được tổ chức với nghi lễ trang nghiêm, thành kính. Trong đó có màn biểu diễn trống hội Thăng Long nổi tiếng rất hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách tham gia.
Lễ hội Đền Hai Bà Trưng (xã Mê Linh – huyện Mê Linh) được tổ chức thường niên vào ngày mồng 6 Tết tại Quảng trường di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng. Lễ hội được tổ chức hàng năm là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng nhằm tôn vinh công đức của hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc – Trưng Nhị và giáo dục truyền thống yêu nước “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho thế hệ trẻ. Đồng thời, thông qua lễ hội góp phần tuyên truyền, quảng bá tầm quan trọng, giá trị lịch sử của di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, tạo điểm nhấn để đưa khu di tích trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội Đền Sóc (xã Phù Linh – huyện Sóc Sơn) nhằm tưởng nhớ và ngợi ca người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng có công đánh thắng giặc Ân dưới thời Vua Hùng Vương, đem lại thái bình cho đất nước. Lễ hội thường niên được tổ chức với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ mộc dục, lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa… trong quần thể khu di tích đền Sóc, nơi có tượng đài Thánh Gióng và nhà bia ghi lại dấu tích và chiến công oai hùng của chàng Thánh Gióng. Lễ hội Đền Sóc gắn liền với cổ tục tín ngưỡng phát lộc hoa tre rất nổi tiếng với du khách gần xa.
Lễ hội Thành Cổ Loa (xã Cổ Loa – huyện Đông Anh) hàng năm diễn ra từ ngày 6 đến 16 tháng giêng âm lịch (chính hội ngày 6) để tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương, người đã sáng lập ra nhà nước Âu Lạc và có công xây thành Cổ Loa. Lễ hội diễn ra rất trang nghiêm với phần lễ và phần hội, trong phần hội có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như: chơi đu, đấu vật nam, đấu vật nữ, biểu diễn múa rối nước, chơi cờ người và các môn thể thao hiện đại…
Bên cạnh các lễ hội có quy mô lớn, Hà Nội còn có nhiều lễ hội dân gian, Hội làng được khôi phục và tổ chức tại nhiều địa phương trong thành phố như hội làng Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai), hội Bà Tía Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), hội Bái Ân Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), hội làng Phú Diễn (quận Từ Liêm), hội làng Thanh Am (quận Long Biên)… Mỗi lễ hội là một nét đẹp văn hóa riêng biệt hòa vào không gian lễ hội Hà Nội “như một bằng chứng về một nét đẹp của nền văn hóa – văn minh xóm làng Việt Nam mà Thăng Long – Hà Nội là đại diện”.
Những năm gần đây, trước xu thế giao lưu hội nhập, một số lễ hội mới xuất hiện làm phong phú thêm các Loại hình lễ hội của Hà Nội như: lễ hội đường phố, lễ hội hóa trang, lễ hội hoa Anh Đào (Nhật Bản), lễ hội văn hóa ẩm thực Hàn Quốc… đã thu hút du khách và tạo nên nét thương hiệu riêng độc đáo.
Lễ hội chùa Hương. Ảnh: Hanoimoi.com.vn
2. Lễ hội Hà Nội, nơi tỏa sáng những nét đẹp văn hóa Thăng Long- Hà Nội
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội của thành phố Hà Nội được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự quản lý và hướng dẫn hoạt động của các cơ quan chuyên môn nên các lễ hội đều được tổ chức tốt, có hiệu quả. Một số lễ hội có quy mô lớn như lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng, lễ hội Đền Sóc… được tổ chức rất trang trọng do có sự chuẩn bị trong thời gian dài và có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt nên ít xảy ra hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường văn hóa lễ hội. Việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội đã được chú ý, các hoạt động dịch vụ văn hóa đã góp phần tạo nên không khí vui tươi cho du khách như hoạt động biểu diễn văn nghệ, tổ chức các trò vui chơi có thưởng, kinh doanh dịch vụ văn hóa được tổ chức với quy mô lớn đã góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao lòng tự hào cho nhân dân về những anh hùng có công với nước, Lễ hội đã khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, giáo dục cho các thế hệ nhân dân Thủ đô thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, nâng cao ý thức cộng đồng, củng cố tình cảm gắn bó, đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Các nghi thức tổ chức trang trọng: phần lễ tôn nghiêm, phần hội sôi nổi với các trò chơi, trò diễn mang lại không khí vui tươi phấn khởi cho du khách trong và ngoài nước. Thông qua hoạt động lễ hội, một số nghi thức mới tiến bộ đã được hình thành trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các nét đẹp của phong tục tập quán truyền thống, phù hợp với đời sống xã hội ngày càng phát triển, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cổ truyền đặc sắc của dân tộc đồng thời thể hiện khát vọng vươn tới cái đẹp, tinh thần đoàn kết sáng tạo của nhân dân Thủ đô Hà Nội, góp phần củng cố niềm tin nhân dân vào tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp trong dân gian, phát huy sức mạnh cộng đồng dân tộc.
Hoạt động lễ hội trên địa bàn Hà Nội đã thể hiện tạo nên sắc thái riêng của những lễ thức, phong tục tập quán truyền thống người Hà Nội làm cho con người càng thêm yêu mến và gắn bó với mảnh đất Thăng Long lịch sử ngàn năm văn hiến. Thông qua tổ chức lễ hội, tạo ra sự giao lưu về văn hóa, góp phần quảng bá về văn hóa truyền thống dân tộc, giới thiệu về hình ảnh đất nước và con người Hà Nội, kêu gọi sự đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong văn hóa.
Trong lễ hội, các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa đã đáp ứng được nhu cầu của du khách đồng thời đã góp phần quảng bá nhiều thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ và ẩm thực truyền thống Hà Nội, giới thiệu được những nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội, tạo điều kiện cho nhân dân trao đổi giao lưu hàng hóa, tăng thu nhập, thực hiện cơ chế kinh tế trong văn hóa. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, mở cửa giao lưu hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa, do những tác động từ bên ngoài nên đã nảy sinh tiêu cực trong việc tổ chức lễ hội. Trong một số lễ hội và cơ sở thờ tự vẫn còn hiện tượng mê tín dị đoan, hủ tục cũ và mới trỗi dậy, xuất hiện khuynh hướng thương mại hóa lễ hội như kinh doanh vàng mã, đặt hòm công đức, quảng cáo các trò chơi giải trí, kinh doanh bày bán các loại văn hóa phẩm có nội dung không lành mạnh như sách tướng số, mê tín dị đoan, dịch vụ viết sớ, xóc thẻ, làm lễ dâng sao giải hạn… Các hoạt động dịch vụ văn hóa lành mạnh đáp ứng được nhu cầu của du khách và làm phong phú thêm nội dung sinh hoạt lễ hội, nhưng các hoạt động dịch vụ văn hóa thiếu lành mạnh sẽ ảnh hưởng không tốt đến không gian văn hóa lễ hội. Do đó cần có những biện pháp tích cực để giữ gìn nét đẹp văn hóa trong không gian lễ hội Hà Nôi.
Lễ hội đền Hai Bà Trưng. Ảnh: Hanoimoi.com.vn
3. Cần phải làm gì để lễ hội giữ được nét đẹp văn hóa Thăng Long – Hà Nội
Chủ trương khôi phục và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội phù hợp với nhu cầu khách quan và hợp lòng dân, trong khôi phục đã có chọn lọc, kế thừa các nghi thức truyền thống đồng thời tổ chức lễ hội đã tạo điều kiện bảo tồn, tu tạo di tích lịch sử tốt hơn. Để hoạt động văn hóa trong không gian lễ hội Hà Nội phát triển đúng định hướng, thực sự góp phần tạo nên môi trường văn hóa lễ hội lành mạnh, giữ được nét đẹp văn hóa Thăng Long – Hà Nội cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:
Một là, thành phố Hà Nội cần hệ thống hóa lại toàn bộ hoạt động lễ hội và phân ra từng loại lễ hội để có phương án quản lý và hướng dẫn, tổ chức hoạt động thích hợp. Cần có sự đầu tư, quy hoạch định hướng một cách khoa học nhằm bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Chú trọng khôi phục, bảo tồn những lễ hội lịch sử và truyền thống của Hà Nội, không để thất truyền và mai một. Khôi phục các sinh hoạt truyền thống và phát triển, bổ sung thêm những hình thức sinh hoạt mới phù hợp gần gũi với các hoạt động truyền thống để các lễ hội thêm phong phú, sinh động thu hút nhiều đối tượng tham gia, góp phần tăng thêm hiệu quả giáo dục truyền thống.
Hai là, trong bối cảnh hiện nay, công tác quản lý lễ hội phải bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển về chất lượng, cả nội dung và hình thức. Nghiên cứu mô hình và phương thức tổ chức lễ hội phù hợp với xu thế tiến bộ để có biện pháp bảo tồn, định hướng phát triển hợp lý phù hợp với không gian văn hóa Hà Nội và với xu hướng chung của cả nước. Những lễ hội văn hóa mới hình thành có tác dụng tích cực đến đời sống xã hội cần được khẳng định và đưa vào hoạt động định kỳ, xác định thời gian, quy mô tổ chức để tạo tính cố kết bền vững trong tư duy, tình cảm của nhân dân như những lễ hội cổ truyền. Một số lễ hội có quy mô, tầm cỡ cần tiếp tục mở rộng nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế, tạo cơ hội giao lưu quảng bá những phong tục tập quán, vốn văn hóa truyền thống của đất Thăng Long – Hà Nội.
Ba là, hoạt động dịch vụ văn hóa tại các lễ hội phải đặc biệt quan tâm chú ý đến việc bảo vệ môi trường lễ hội như dựng lều quán bán hàng phải đảm bảo mỹ quan môi trường văn hóa lễ hội, không xâm phạm vào khuôn viên hành lễ làm ảnh hưỏng đến không gian thiêng của lễ hội. Cần tạo dựng các quán bán hàng mang kiến trúc đặc trưng với những nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu của Hà Nội, các quán kinh doanh dịch vụ văn hóa đồng thời cũng là những nét đẹp văn hóa trong nghệ thuật kiến trúc của Hà Nội.
Bốn là, hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách trong chương trình lễ hội, cần khai thác các vốn văn hóa nghệ thuật truyền thống như chèo cổ, múa rối, biểu diễn ca trù… và các trò diễn dân gian truyền thống mang dấu ấn văn hóa Thăng Long – Hà Nội, tránh xu hướng thương mại hóa chạy theo những show diễn câu khách với chương trình nhạc mới, ca từ và giai điệu bài hát, diễn viên sử dụng trang phục không phù hợp với không khí lễ hội, dễ gây phản cảm trong công chúng.
Năm là, về hoạt động kinh doanh các sản phẩm văn hóa, cần định hướng cho các chủ nhân kinh doanh dịch vụ văn hóa biết lựa chọn những sản phẩm văn hóa mang đặc trưng văn hóa truyền thống của Hà Nội như: tranh thêu, tranh Hàng Trống…, các kỷ vật là sản phẩm thủ công mỹ nghệ như gốm Bát Tràng, lụa Hà Đông… để quảng bá giới thiệu thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội cho du khách trong và ngoài nước.
Sáu là, về kinh doanh ẩm thực tại các lễ hội, cần khai thác các món ăn truyền thống của người Hà Nội xưa và nay để giới thiệu cho du khách cùng thưởng thức, nhất là những món ăn nổi tiếng đã tạo nên thương hiệu như: bún chả, phở Hà Nội, Bánh cốm … Trong kinh doanh đặc biệt chú ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ gìn vệ sinh môi trường lễ hội.
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Hà Nội, cần đặc biệt coi trọng tính đặc thù, tính độc đáo riêng của mỗi lễ hội, tránh xu hướng cào bằng, đồng loạt dẫn đến sự nhàm chán của sinh hoạt lễ hội. Không áp đặt lễ hội theo kịch bản, theo ý chí chủ quan của con người, đi ngược lại với bản chất của lễ hội. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, cả thế giới đang phải đối mặt với thách thức rất lớn là dại dịch Covit 19, gây ra sự tổn thất nghiêm trọng về người và của. Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao, trong đó thủ đô Hà Nội là nơi tập trung đông người, nguy cơ lây nhiễm rất cao, do đó phải triệt để thực hiện nghiêm túc nội dung phòng chống dịch bệnh được quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, cụ thể: “Tạm ngừng tổ chức lễ hội do xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương”. Thành phố Hà Nội cần phải rà soát, cân nhắc kỹ về việc mở hội để chủ động phòng chống đại dịch Covit 19, đặc biệt là trong mùa lễ hội Xuân 2021. Thực hiện phòng chống dịch bệnh trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng làm nên một nét đẹp văn hóa của lễ hội Hà Nội./.
Trần Thị Tuyết Mai
Viện Văn hóa Trường Đại học Văn hóa Hà Nội