Giữ gìn, phát huy những di sản văn hóa Huế
Nâng cao chất lượng du lịch di sản
Mật độ di sản văn hóa, lịch sử dày đặc cùng với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hài hòa và hệ sinh thái môi trường – kiến trúc – đô thị hoàn hảo đến mức tinh tế làm cho Huế bắt buộc phải thận trọng cân nhắc trong từng quy hoạch phát triển, từng dự án đầu tư, từng công trình xây dựng… Đối với Huế, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì điểm thuận lợi là cơ bản; điểm khó khăn tuy nhiều nhưng khi hệ thống chính trị quyết tâm đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, kiên trì triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Đề án đã được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 1691/QĐ-UBND, ngày 12.7.2021.
Du khách tham quan Kinh thành Huế. Nguồn: ITN
Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định chia sẻ: với những gì Huế đang có, xét về lượng khách đến thành phố thời gian qua cho thấy sự phục hồi tốt, nhưng qua đó cũng chỉ ra rằng, năng lực về nơi đỗ xe, nơi lưu trú và những dịch vụ như ăn uống, mua sắm… của Huế rất hạn chế. Công suất sử dụng phòng ở các khách sạn vào các ngày cuối tuần gần như đã hết; Huế chưa có nhà hàng nào có thể chứa 1.000 khách. Điều này khiến một số hoạt động mà tỉnh, thành phố muốn tổ chức với một lượng lớn khách đến cùng một lúc không thể triển khai.
Ông Phan Trọng Minh, Phó Giám đốc Điều hành Khách sạn Azarai La Residence cho biết, tình trạng khan hiếm lao động, năng lực phục vụ còn hạn chế dẫn đến chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng. Việc đào tạo lao động cũng gặp không ít khó khăn. Cần có một giải pháp kịp thời để bổ sung số lượng lao động mang tính thời vụ, sau đó tính đến chất lượng. Bên cạnh đó đường hàng không luôn là điểm “nghẽn” lớn của Huế nhiều năm qua. Những người làm du lịch phản ánh, vé máy bay từ Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đến Huế có giá thường gấp đôi ở Đà Nẵng, điều này ảnh hưởng rất lớn việc thu hút khách.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh cho biết: trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung triển khai các nhóm giải pháp, như tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Tập trung thực hiện đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Thừa Thiên Huế nhằm phát triển bền vững ngành du lịch và các ngành liên quan; nâng cao đời sống kinh tế của người dân; đồng thời phát huy được giá trị di sản, văn hóa, lịch sử. Tiến hành lập và triển khai phương án phát triển ngành du lịch: xây dựng các đề án phát triển du lịch các khu, điểm du lịch tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống; phát triển dịch vụ du lịch tại Quần thể di tích Cố đô Huế.
Hồi sinh các di sản
Sau gần 30 năm, kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể đã có gần 200 công trình và hạng mục công trình được tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Đồng thời, chính quyền cũng di dời hơn 1.800 hộ dân ra khỏi khu vực I bảo vệ di tích. Từ năm 2019 đến nay, thành phố Huế đang thực hiện Dự án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế” thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế và đã có hàng ngàn hộ dân được di dời đến nơi ở mới, trả lại mặt bằng cho di tích, làm tiền đề cho việc tu bổ, lấy lại diện mạo của Kinh Thành Huế trong thời gian tới.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu cho rằng: tỉnh triển khai các biện pháp để khai thác tiềm năng, lợi thế của các di sản nhằm phát triển văn hóa, du lịch đậm đà bản sắc văn hóa Huế, qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, cả nước và hội nhập quốc tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng vững chắc để Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, sớm đạt mục tiêu xây dựng Tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thừa Thiên Huế đã dần xác lập được vị trí là đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”, với nền tảng của đô thị Huế được công nhận là “thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “thành phố văn hóa ASEAN”, “thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “thành phố Xanh quốc gia”.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết: để cố đô Huế trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch của Việt Nam như ngày hôm nay là một hành trình đầy khó khăn, chông gai. Hiện tại, để xây dựng hồ sơ một dự án trùng tu di tích đòi hỏi sự chuẩn bị công phu. Đầu tiên là nguồn tư liệu để xác định sẽ trùng tu theo thời kỳ nào, chẳng hạn như xây dựng hồ sơ xây dựng điện Kiến Trung phải mất 10 năm, phía Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã kết nối với cơ quan lưu trữ bên Pháp, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Hiện nay, Trung tâm đang lập hồ sơ phục dựng điện Cần Chánh chỉ còn lại nền móng trong khu vực Tử Cấm Thành và đề xuất phục dựng lại công trình Đại Cung Môn.Tuy nhiên, quy trình làm những công trình di tích đòi hỏi sự kỹ lưỡng, phải tập trung ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu do đó đòi hỏi phải có lộ trình, kế hoạch và đồng thời phải bảo đảm không gian cho du khách tham quan.
Tất cả những nỗ lực của Huế đang trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, điểm nhấn tại các kỳ Festival Huế, góp phần lan tỏa giá trị di sản trong đời sống đương đại.