Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống của Việt Nam

TNV – 1. Văn hóa Việt – sự dung hòa bản sắc của 54 dân tộc anh em

Đất nước Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm văn minh lịch sử, theo cùng năm tháng đó là những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của cộng đồng người Việt được vun đắp và dựng xây trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hình thành trong lịch sử là kết tinh của tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của các thế hệ kế tiếp nhau đi cùng với đời sống lao động, sinh hoạt phong phú và đa dạng. Trong tiến trình phát triển của lịch sử, có những giá trị văn hóa từ xa xưa vẫn còn gắn với xã hội hiện đại và góp phần làm động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội; nhưng cũng có những thành tựu văn hóa xa xưa bị lụi tàn theo thời gian, hoặc bị biến đổi phôi phai dưới tác động của xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhịp sống hiện đại.

Nhìn vào lịch sử nước nhà, cộng đồng người Việt chia thành 54 dân tộc khác nhau, chiếm đa số là người dân tộc Kinh. Đã có nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc các dân tộc Việt như truyện “Quả bầu mẹ” giải thích các dân tộc có chung nguồn gốc; truyện “Ðôi chim” đẻ ra hàng trăm, hàng ngàn trứng nở ra người Kinh, người Mường, người Thái, người Khơ-mú…; truyện của dân tộc Ba-na, Ê-đê kể rằng người Kinh, người Thượng là anh em một nhà; đặc biệt là truyện Lạc Long Quân – Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng nở ra trăm người con, một nửa theo cha xuống biển trở thành người Kinh, một nửa theo mẹ lên núi thành các dân tộc thiểu số. Vua Hùng được coi là tổ tiên chung của cả nước. Văn hóa truyền thống Việt Nam cũng từ đó được hình thành dựa trên những đặc điểm, thói quen của từng vùng miền dân tộc và có chung đặc điểm là dựa trên cơ sở văn hóa nông nghiệp, là sản phẩm của quá trình lịch sử lâu dài, từ buổi đầu dựng nước cho đến cuối thế kỷ 19. Trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội, do có những đặc điểm khác nhau về mặt địa lý, khí hậu, các cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ Việt Nam đã sáng tạo nên các đặc trưng văn hóa, theo thời gian kết tụ nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Điều đó được biểu hiện trong lối sống, thói quen, cách tư duy, ứng xử,….duy trì qua nhiều thế hệ và đến nay vẫn còn chi phối sâu sắc đến đời sống văn hóa xã hội Việt Nam ngày nay.

Hình ảnh các nét văn hoá ẩm thực, nhà ở, phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo, tổ chức xã hội, văn học nghệ thuật, trang phục…của mỗi dân tộc tạo nên một tổng thể hài hòa, thống nhất và đa dạng trong văn hóa Việt Nam. Mỗi một dân tộc lại mang cho mình những màu sắc riêng, những sắc thái của riêng dân tộc mình, tất cả tựu chung lại thành một bức tranh đa sắc màu trong văn hóa Việt Nam. Văn hóa Việt Nam không đơn thuần là những nét văn hóa theo quy chuẩn giá trị chung có từ ngàn đời nay, đó là sự tổng hòa các giá trị văn hóa từ các vùng miền, phong tục tập quán khác nhau. Theo thời gian cùng với sự biến chuyển của xã hội, dân cư di tản từ vùng miền này sang vùng miền khác đem theo những nét văn hóa, tập tục của địa phương mình đóng góp cùng nền văn hóa thổ cư tạo nên một sự hòa trộn bản sắc độc đáo và phong phú.

Mặc dù mỗi dân tộc có những nét riêng, nhưng nó lại được thống nhất về mặt nhận thức, tư tưởng và ý thức thống nhất trong đa dạng đó là nguồn sống, là động lực mạnh mẽ để bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam sống mãi và phát huy trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

2. Dấu ấn văn hóa đặc trưng vùng miền của một số dân tộc

Dưới đây xin nêu vài nét văn hóa đặc trưng của một số dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Độc đáo văn hóa lễ nghi của người dân tộc Tày

Văn hóa lễ nghi của người Tày là một trong những nét văn hóa đa dạng và phong phú, người Tày có rất nhiều các ngày lễ chính trong năm như: Hội Lùng Tùng, ngày 15/5, ngày 14, 15 rằm tháng bảy, ngày 10/10 cơm mới, lễ giải hạn cầu an, cầu phúc,….

Làng dân tộc Tày, là một trong những ngôi làng thuộc Khu các làng dân tộc I,
cũng là điểm dừng xe điện đầu tiên trong hành trình tham quan của du khách,
nơi đây có đồng bào dân tộc Tày đến từ Thái Nguyên sinh sống

Trong đó, có một phong tục đặc trưng trong mỗi dịp Tết đến, xuân về gọi là tục cấp sắc cho Then. Then trong văn hóa của người Tày có nghĩa là ‘Trời’’, ở đây ý chỉ những người làm việc phụng sự cho đất trời, thực hành các thủ tục như những người làm nghề pháp. Người được cấp sắc Then là những người mang căn Then, mang trong mình giác quan thứ sáu, có khả năng tiếp xúc được với người âm, viết được chữ Nho, hiểu rõ những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Tày và những thủ tục cúng bái lễ nghi truyền thống. Để một người hành nghề Then được chứng nhận đủ khả năng tiến hành nghi lễ cúng bái, cầu an trong đời sống tâm linh của cộng đồng thì nghi thức cấp sắc là một trong những nghi lễ chính công nhận sắc danh cho người làm Then.

Một trong những điều làm nên sự khác biệt trong phong tục lễ nghi của đồng bào dân tộc Tày là nghi thức tổ chức lễ cưới theo phong tục truyền thống xưa. Theo quan niệm xưa của người Tày, việc kết hôn của con cái trong gia đình sẽ là ‘bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy’, con cái sẽ không tự quyết định lựa chọn người chồng, người vợ của mình mà sẽ theo sự sắp xếp của bố mẹ. Với đặc thù công việc chính của người Tày là lao động, làm nương, làm rẫy nên gia đình chàng trai sẽ thường lựa chọn những cô gái có sức khỏe ngoại hình, nhanh nhẹn tháo vát về làm dâu. Và khi hai gia đình có sự đồng ý và chấp thuận thì tiến hành mang lễ và hỏi cưới. Cho đến nay truyền thống này vẫn còn duy trì và xuất hiện nhưng không còn nhiều nữa, theo sự phát triển của xã hội, các cô gái, chàng trai có thể tự do lựa chọn và tìm hiểu nhau để đi đến hôn nhân.

Trong lễ cưới nhà gái thường được thách cưới rất cao, nếu như trong văn hóa dân tộc Kinh nhà chú rể sẽ chủ động chuẩn bị phòng tân hôn cùng một số đồ dùng cần thiết, nhưng đối với phong tục của người Tày, cô dâu khi về nhà chồng sẽ thường chủ động chuẩn bị những vật dụng như: chăn, màn, chiếu, gối và thường cũng sẽ chuẩn bị một số quà cho những người thân trong gia đình chú rể và trong chính cả gia đình cô dâu để kỉ niệm trong lần đầu làm dâu về nhà chồng.

Và người Tày ở mỗi vùng thì lại có những sự khác nhau và riêng biệt nhất định, chủ yếu ở giọng nói và âm điệu. Trong kiến trúc nhà ở, có sự giống nhau ở thiết kế nhưng chất liệu và cách bài trí lại có sự khác biệt giữa các dân tộc. Biểu trưng ở người Tày sẽ thường lợp nhà bằng lá cọ chứ không phải là cỏ gianh, hay ngói, điều này một phần xuất phát từ điều kiện tự nhiên và đặc điểm địa lý ở mỗi vùng.

Cũng giống như trong quan niệm ‘có thờ có thiêng, có kiêng có lành’’ của người Á Đông nói chung, người dân tộc Tày cũng có những điều kiêng kị nhất định trong văn hóa đồng bào. Vào những ngày cúng bái, thắp hương hàng tháng, nếu người con gái đang đến kì thì sẽ không được thắp hương, khấn vái. Và khi con gái về nhà chồng sẽ không được ngồi ăn cơm cùng bố chồng và anh chồng mà phải ngồi ăn ở mâm riêng. Trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc Tày đều có bếp lửa đặt giữa sàn nhà, mọi hành động đi đứng đều phải ý nhị và không bước qua trực tiếp chiếc bếp lửa này.

Ẩm thực của người Tày đặc trưng là lạp sườn, thịt kho nhục, thịt hun khói,….Đây là những món ăn thường có trong mỗi dịp lễ Tết hay các ngày truyền thống trong năm của đồng bào dân tộc Tày.

Về văn hóa văn nghệ của người Tày chủ yếu sẽ là các loại hình đàn tính, hát then, hát si, hát lượn, thổi sáo,….

Người Tày cũng có ngôn ngữ và tiếng nói riêng của mình, chủ yếu cũng sẽ sử dụng bảng chữ cái tiếng Việt để viết chữ cái nhưng ghép âm và ghép từ theo cách nói của người Tày. Và tiếng Tày khi nói âm điệu trong trẻo, bay bổng tựa như tiếng gió, tiếng lá cây xào xạc của núi rừng.

Nét riêng trong phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao

Đồng bào dân tộc Dao bao gồm bảy nhóm Dao: dao Quần Chẹt, dao Quần Trắng, dao Áo Dài, dao Đỏ, dao Thanh Y, Dao Lô gan, Dao Làn tẻn.

Lễ Cấp Sắc là một nghi lễ dân gian nổi bật của người Dao đỏ, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời người đàn ông. Được cấp sắc nghĩa là họ đã trưởng thành, đã có thể làm thầy, làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình và được dòng họ, xóm làng tôn trọng. Đây là nghi lễ lớn cả về vật chất, tinh thần – tâm linh, nên gia đình làm Lễ hết sức cẩn thận, phải chuẩn bị lợn, rượu, gà và gạo, sau đó mời 7 thầy cúng làm lễ từ 2 đêm đến 3 ngày đặt tên âm cho ngươi con trai đó.  Đây là nghi lễ quan trọng, thẩm thấu trong đời sống người Dao nên được đồng bào ở một số địa phương duy trì đến ngày nay. Cùng những lễ nghi truyền thống trên, người Dao (nhóm Quần Chẹt) còn duy trì một số lễ hội đặc trưng như lễ Cầu mùa vào tháng tư hay tết cổ truyền vào tháng 12 âm lịch…và con gái cũng tương tự như vậy.

Cũng giống như các đồng bào dân tộc khác, người Dao đỏ cũng tìm hiểu nhau qua gặp gỡ, hò hẹn trong các lễ hội. Khi người con trai quý mến thiếu nữ nào đó, sẽ nói với cha mẹ sang nhà cô gái để thưa chuyện. Nếu bố mẹ cô gái đồng ý, nhà trai tiếp tục sang xin “mệnh”, lấy ngày tháng, năm sinh của cô gái về nhờ thầy xem có hợp nhau hay không. Mọi điều đều thuận lợi, nhà trai sẽ chọn ngày lành tháng tốt mang lễ vật, trong đó có chỉ thêu sang nhà gái xin hỏi dâu. Tuy nhiên theo quan niệm truyền thống của người Dao, cô dâu sẽ tự đi về nhà chồng chứ không có lễ đón rước dâu như các dân tộc khác.

Nói về đám tang của người Dao cũng có một vài khác biệt nhất định, Người Dao quần chẹt ở Ba Vì có những cách thức tổ chức tang ma khác nhau. Đối với những người chết bình thường, có 2 hình thức: Một là làm ma để chôn cất thi hài người chết sau đó mới làm lễ tiễn hồn lên thiên đàng. Hai là làm ma kết hợp với lễ tiễn hồn lên thiên đàng.

Để được làm ma theo cách thứ nhất, người chết phải trải qua lễ cấp sắc (nếu là đàn ông) hoặc là vợ của người đã cấp sắc. Ngoài ra, phải chết vào giờ tốt, không kỵ thày, không sát con cháu, có nhà tổ đã hoàn thiện. Hình thức làm ma này diễn ra trong 1 ngày 1 đêm sau đó sẽ tổ chức chôn cất người chết.

Theo truyền thống là vậy, tuy nhiên do điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc thực hiện đầy đủ các thủ tục như cấp sắc, tách nhà tổ… không phải gia đình nào cũng làm được nên hình thức làm ma này ít diễn ra.

Trong truyền thống cổ truyền của người Dao, sau khi thi hài người mất được chôn cất dưới đất sẽ để yên vị vĩnh viễn và xây bia cố định chứ không có lễ bốc mộ như đồng bào dân tộc Kinh.

Độc đáo trong kiến trúc tâm linh của người Chăm

Tháp Chăm trong Ấn Độ giáo gọi là Sikhara đỉnh núi nhọn biểu thị của núi Meru dạng kiến trúc tiêu biểu được xây dựng theo tín ngưỡng thống nhất thờ Siva một trong ba vị thần trong đạo Bà La Môn. Tháp Chăm là một trong những biểu tượng của văn hóa Chăm, được người Chăm xây dựng để thờ vị thần bảo trì của vương quốc đó. Ngoài ý nghĩa lịch sử tại đây hằng năm diễn ra 4 lễ hội: lễ đầu năm, lễ cầu mưa, lễ hội Kate, lễ Chabun. Lớn nhất là lễ hội Kate tức là lễ lớn nhất theo tháng 7 Chăm lịch.

Khu đền tháp Chăm được coi là một trong những điểm nhấn trong Khu các Làng dân tộc III

Bên trong chính điện của chùa Khmer được bài trí với bệ thờ Đức Phật Thích Ca.

Quần thể Tháp Chăm tại Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam lấy nguyên mẫu quần thể tháp Polongarai trong Ninh Thuận theo tỷ lệ 1:1. Công trình bao gồm: Tháp trung tâm – Ka Lan (tháp A) có mặt bằng hình vuông, bốn hướng có bốn cửa tuy nhiên chỉ có một cửa mở ra theo hướng đông, tháp chính là nơi thờ tự, thờ thần Siva và vua Po Klong Grai người Chăm gọi đây là tín ngưỡng thờ Mukhalinga. Tháp hình núi và gần như là một khối đặc vì khoảng trống bên trong không đáng kể chỉ đủ chỗ cho vài người hành lễ. Tháp hỏa – tháp lửa Kosaghra (tháp B) mái cong hình thuyền vươn cao cũng có các nét trang trí hoa văn kiến trúc giống tháp chính, xưa kia là nơi giữ long bào, đai mão, xiêm y nay là nơi tu sĩ cúng giữ ngọn lửa cúng thần. Tháp cổng Gopura (tháp C) kiến trúc giống tháp Ka Lan nhưng nhỏ hơn đay là nơi đón tiếp khách của nhà vua, là cổng đi vào nơi các chức sắc dâng lễ vật trước khi vào tháp Chăm.

3. Phát huy giá trị cốt lõi trong văn hóa dân tộc Việt Nam

Trong mỗi phong tục tập quán của từng vùng miền, nét văn hóa truyền thống đều hàm chứa những giá trị nhất định. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…Biểu trưng như trong những lễ nghi tế thần, tế thánh của đồng bào các dân tộc như là một hình thức để tỏ lòng tôn kính với đất trời đã tạo ra vật chất và sự sống cho con người. Hay như trong nghi lễ cấp sắc của đồng bào các dân tộc cũng là một hình thức để giáo dục về truyền thống, giúp con người nhận thức đúng đắn về nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Tinh thần cộng đồng làng xã là một nét rất đặc trưng của bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam. Không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng là nét văn hóa rất phổ biến ở các dân tộc Việt Nam. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng được hình thành từ quá trình sản xuất lúa nước trong vùng địa-văn hóa và các quy luật của tự nhiên, đất trời. Điều này giúp gia tăng sự khăng khít và tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em. Đó là một trong những cội nguồn của tinh thần cộng đồng tạo nên giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam. Nối tiếp đó là những giá trị trong lao động, sinh hoạt là sự cần cù, tinh thần lạc quan trong văn hóa đồng bào các dân tộc. Ý thức đề cao lao động đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi con người Việt Nam từ bao đời. Cha ông ta ý thức được rằng lao động cần cù là nguồn gốc của mọi của cải và hạnh phúc. Họ luôn nhắc nhở nhau “năng nhặt chặt bị”, “kiến tha lâu đầy tổ’’ luôn là châm ngôn sống trong nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Mỗi nét văn hóa, mỗi bản sắc dân tộc lại ẩn chứa những quan niệm, ý nghĩa truyền thống nhân văn của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

4. Gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập mới

Sức mạnh văn hóa biểu trưng cho sức mạnh dân tộc, văn hóa như là ‘biểu tượng’ của mỗi một dân tộc, quốc gia để làm nên tính hình tượng của chính dân tộc ấy. Trong bối cảnh đất nước hội nhập, có nhiều sự xuất hiện và giao thoa văn hóa từ nhiều khía cạnh, giá trị văn hóa dân tộc chịu nhiều sự biến đổi và tác động của văn hóa ngoại lai. Điều này tác động đến nhận thức và sự tiếp nhận văn hóa giá trị truyền thống của dân tộc. Bởi lẽ những tinh hoa văn hóa truyền thống không phải tự nhiên mà có được, đó là cả quá trình đấu tranh và dựng xây của nhiều thế hệ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giá trị văn hóa các dân tộc mang ý nghĩa phát triển sâu sắc đối với tầm vóc quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy việc giữ gìn và phát triển văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước chú trọng và đặt ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hội nhập thế giới. Văn hóa Việt Nam đã được lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều lễ hội văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức… Trong quá trình hội nhập, chúng ta tham dự, chia sẻ các giá trị văn hóa chung; tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế; góp phần đấu tranh cho hòa bình, phát triển. Cũng nhờ tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, văn hóa và con người Việt Nam đã tiếp thu, bổ sung được những giá trị, tinh hoa văn hóa của nhân loại; xuất hiện các loại hình văn hóa mới làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của con người Việt Nam; hình thành những lớp người hiện đại với những phẩm chất mới, phù hợp với xu thế thời đại.

Bài, ảnh: Ninh Hà