Giữ gìn và phát huy văn hóa tết cổ truyền theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Giữ gìn và phát huy văn hóa tết cổ truyền theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Tạp chí Du lịch) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc biệt là văn hóa tết. Hơn ai hết, người hiểu rằng, tết cổ truyền và mùa xuân có ý nghĩa đặc biệt với đất nước, dân tộc và mỗi người dân Việt Nam. Bởi vậy trong mỗi dịp tết, Người đều dành những lời căn dặn riêng để mùa xuân và ngày tết càng có thêm nhiều ý nghĩa. Những quan điểm về văn hóa tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.
Quan điểm văn hóa tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét qua rất nhiều bài viết, bài nói, lời căn dặn của Người với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng, thiêng liêng của ngày tết đối với mỗi người dân Việt Nam, đó là “Ngày tết của mùa xuân”, ngày tết đoàn viên, sum vầy.
Trong một bài báo có tựa đề “Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân” vào đầu năm 1952 (Xuân Nhâm Thìn), Bác Hồ chia sẻ với bạn bè quốc tế ý nghĩa tết cổ truyền ở Việt Nam: “May mắn hơn nhiều dân tộc khác, người Việt Nam chúng tôi cũng như các bạn Trung Quốc và Triều Tiên, mỗi năm chúng tôi có hai ngày tết. Một lần tết theo dương lịch. Còn một tết thứ hai tính theo âm lịch. Đó là ngày tết theo tục lệ cổ truyền của nhân dân. Mùa xuân ở nước chúng tôi bắt đầu từ ngày đầu tháng giêng âm lịch. Khắp nơi nơi là cả một bầu không khí tuyệt vời của mùa xuân. Mặt trời tỏa sáng, ánh sáng dịu dàng đem lại sức sống tươi vui và lành mạnh. Lúa non phủ lên các cánh đồng, khác nào những tấm thảm xanh rộng mênh mông hứa hẹn năm tới sẽ no ấm được mùa… Trong những ngày tết này, mọi người đều mặc những quần áo đẹp nhất mà họ có. Gia đình nào cũng nấu nướng, sửa soạn những thức ăn ngon nhất. Người ta làm lễ trước bàn thờ tổ tiên. Bạn hữu đi chúc mừng thăm hỏi l���n nhau. Người lớn tặng quà cho trẻ con. Nhân dân gửi tặng phẩm ủng hộ bộ đội… Nói tóm lại đây thật là ngày tết của mùa xuân”.
Từ ý nghĩa to lớn của ngày tết cổ truyền dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những lời căn dặn về việc đón tết theo lối sống văn hóa mới. Đó là đón tết phải vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, vui xuân không quên nhiệm vụ. Trong bài “Mừng Tết Nguyên đán thế nào” đăng trên Báo Nhân dân số 2132, ngày 28/1/1960, Người viết: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày Nguyên Đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta nên mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh”…
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường nhắc nhở đón tết vui xuân trong những ngày đầu năm phải nghĩ đến công việc của cả năm, vui xuân không quên nhiệm vụ. Trong bài “Mùa xuân quyết thắng” trên Báo Nhân Dân số 2147, ngày 3/2/1960, Người viết: “Tục ngữ có câu: “Suốt năm kế hoạch, định từ mùa xuân” (Nhất niên chi kế, thi ư xuân). Thật đúng như vậy. Mùa xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui. Cho nên ngay từ đầu mùa xuân mọi công việc làm được tốt, thì cả năm sẽ phát triển tốt và kết quả tốt. Từ ngày tết đầu năm phải lo nghĩ để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, để xuân sau thắng lợi hơn xuân này”.
Không chỉ thế, Người nhấn mạnh cần phải thực hiện tết trồng cây trong dịp tết cổ truyền của dân tộc. Ngày 28/11/1959, Người đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Chính vì vậy, hằng năm, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, Bác vừa viết báo nhắc nhở nhân dân thực hiện tết trồng cây và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương chưa quan tâm đến việc tổ chức “Tết trồng cây”. Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây, gây rừng. Lời kêu gọi về “Tết trồng cây” của Bác đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đồng bào cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam vào dịp năm mới.
Trong bài “Mừng Xuân vĩ đại” đăng trên Báo Nhân Dân số 2141 ngày 27/1/1960, Bác viết: “Xưa kia, người ta chỉ mừng xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình. Ngày nay, chúng ta mừng xuân rộng rãi, từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế giới”. Đây là một tư tưởng mới, tiến bộ, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo tiền đề quan trọng cho cả nước ta từng bước hội nhập cùng quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, khi xu thế toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, hội nhập đã và đang mang đến những cơ hội mới cho Việt Nam nhưng cũng có không ít những khó khăn, thách thức không nhỏ đòi hỏi chúng ta cần chủ động để “hòa nhập chứ không hòa tan”, phát triển nhưng vẫn luôn giữ được bản sắc dân tộc.
Về phần mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về thực hành văn hóa tết. Người luôn dành sự quan tâm, chăm lo đến toàn thể nhân dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Thường thì trước tết ba tháng, Người đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị tết cho dân. Người cũng “tự mình chuẩn bị sớm ba việc: tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới, chuẩn bị thiếp “Chúc Mừng Năm Mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài và cuối cùng là một chương trình đi thăm dân. Tết Nguyên Đán 1946, tết độc lập đầu tiên của dân tộc, Bác và đồng chí thư ký cùng đi vào một ngõ nhỏ trên phố Sinh Từ, đó là nơi ở của một người kéo xe thuê ở tỉnh khác về làm ăn. Do không đủ tiền về quê ăn tết, lại bị ốm, đang lên cơn sốt, người kéo xe thuê đón giao thừa mà trong phòng ở không có gì. Bác đứng lặng nhìn người kéo xe với tất cả lòng thương cảm. Sau khi thăm hỏi, Bác dặn đồng chí thư ký hôm sau mang thuốc và quà tết đến chia sẻ, động viên. Người còn nhắc đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để báo cho đồng chí Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội. Những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường chúc tết đồng bào bằng cách gói đồng tiền, đồng xu vào giấy hồng điều để mừng tuổi các cháu nhỏ và đi chúc tết các bô lão. Trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành thời gian đến thăm từng nhà, xem nhân dân chuẩn bị tết để thấy được người dân có thực sự được hưởng cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc hay không. Đồng thời, Người cũng phát động đến mọi cấp, mọi ngành cùng đồng tâm nhường cơm, sẻ áo, chăm sóc những người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn để ai ai cũng đều có tết. Những việc làm thiết thực, tình cảm bao la của Bác đã mang lại cho nhân dân niềm vui, động lực trong dịp đầu xuân năm mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 50 năm nhưng những quan điểm về văn hóa tết của Người vẫn còn vẹn nguyên giá trị thực tiễn. Thực hiện lời dạy của Bác, hiện nay Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để hướng người dân đón tết vui tươi, tiết kiệm, tránh xa hoa lãng phí, vui tết không quên nhiệm vụ… Với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau” và chủ trương “không để ai thiếu ăn trong dịp tết”, chăm lo tết cho người nghèo là hoạt động luôn được Đảng, Nhà nước chú trọng. Nhiều tổ chức đơn vị và cá nhân cũng đã có những hoạt động thiết thực dành cho người nghèo trong dịp tết để ai cũng được vui xuân, đón tết, để mùa xuân ấm áp đến được với tất cả mọi người. Đặc biệt, phong trào trồng cây vào dịp tết do Người phát động đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ qua nhiều đời, được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể… góp phần bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan thiên nhiên, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước…
NGUYỄN THỊ KIM THANH