GÓP PHẦN ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG DU LỊCH CỦA CÁC DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC Ở TỈNH ĐỒNG NAI – Bảo Tàng Đồng Nai

          Trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Đồng Nai, các thế hệ cư dân đã để lại nhiều di sản văn hóa quan trọng trong các lĩnh vực của cuộc sống trên mảnh đất này mà các di tích khảo cổ học chính là các bằng chứng cụ thể và xác thực nhất. Các di tích khảo cổ học là thành quả, là kết tinh truyền thống văn hóa của vùng đất Đồng Nai trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong thời đại hiện nay, nó cũng chính là tài nguyên du lịch mang tính đặc thù của địa phương. Bài viết đưa ra một số giải pháp chung về quy hoạch, bảo tồn và phát huy các di tích khảo cổ góp phần đánh thức tiềm năng du lịch của các di tích khảo cổ học ở tỉnh Đồng Nai.

          Trong thời buổi hội nhập thế giới như hiện nay, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế thì vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc phục vụ du lịch là vấn đề mang tính cấp bách và rất được quan tâm. Di sản văn hóa luôn được coi là tài nguyên du lịch quan trọng, hiện đang được khai thác mạnh mẽ, trở thành yếu tố không thể thiếu trong nhiều chương trình du lịch đặc trưng của từng địa phương.

          Trên mảnh đất Đồng Nai thuộc miền Đông Nam Bộ của Việt Nam, trải qua các giai đoạn lịch sử, các thế hệ cư dân đã để lại nhiều di sản quan trọng trong các lĩnh vực của cuộc sống. Nó chính là thành quả, là kết tinh truyền thống văn hóa của vùng đất Đồng Nai trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Những giá trị di sản đó hứa hẹn sẽ là tài nguyên du lịch “đặc thù” của tỉnh Đồng Nai, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của kinh tế – xã hội địa phương trong thời gian tới.

          Để bảo tồn vững chắc và phát huy bền vững các giá trị di sản văn hóa vốn có đó đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ và thiết thực, những định hướng đúng đắn để bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích mà đặc biệt là các di tích khảo cổ gắn với phát triển du lịch của Tỉnh.

          2. Nhận diện di sản văn hóa khảo cổ ở Đồng Nai để phát triển du lịch

          Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ. Với một số lượng lớn di tích, di vật khảo cổ có niên đại trải dài từ giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ đá cũ đến giai đoạn cận hiện đại, cho nên tỉnh Đồng Nai được các nhà khảo cổ học nhận định đây là một trong những trung tâm văn hóa cổ của Việt Nam với đầy đủ các loại hình di tích khá phong phú như: Di tích khảo cổ, di tích lịch sử, di tích kiến trúc và di tích truyền thống đấu tranh cách mạng. Cho đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có hơn 50 di tích được xếp hạng trong đó có: 01 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, nhiều di tích xếp hạng cấp Quốc gia và di tích xếp hạng cấp Tỉnh. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến di tích quốc gia đặc biệt: Mộ Cự thạch Hàng Gòn thuộc xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, gồm: Khu hầm mộ (phát hiện năm 1927) và Khu chế tác (phát hiện năm 1995). Di tích quốc gia Văn miếu Trấn Biên là Văn miếu đầu tiên được xây dựng (năm 1715) tại xứ Đàng Trong đã hơn 300 năm tuổi,  v. v…

          Các di tích khảo cổ học ở tỉnh Đồng Nai chính là những giá trị đặc sắc nhất và riêng biệt nhất, chúng tạo nên sự hứng thú cho du khách khi đến tham quan khu di tích, cho du khách những hiểu biết thú vị về quá khứ vàng son ngàn năm, từng tồn tại trên mảnh đất Đồng Nai đồng thời cảm nhận được phần nào các giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của nó, khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tự hào xứ sở mỗi người con Đồng Nai. Có thể thấy rằng: với một quá trình lịch sử tồn tại lâu dài, đất Đồng Nai mang trong mình nhiều giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử và khoa học về di sản văn hóa khảo cổ học. Chính những giá trị đó sẽ là tài nguyên vô giá cho ngành “công nghiệp không khói” của Tỉnh. Nó là tài nguyên du lịch mang tính đặc thù và không trùng lắp với các địa phương khác ở Đông Nam bộ.

          2. Gợi mở một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khảo cổ ở Đồng Nai gắn với phát triển du lịch

          Việc khai thác các di tích khảo cổ trong hoạt động du lịch là một hướng phát huy giá trị di tích hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương tuy nhiên việc khai thác đó phải đảm bảo tăng trưởng nhưng không để lại những hậu quả tiêu cực cho các di tích và môi trường xung quanh.

          Để phát triển du lịch dựa trên các giá trị văn hóa đặc biệt của di tích khảo cổ được bền vững, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, nghiên cứu của khách du lịch trong nước và quốc tế đồng thời để đưa những giá trị đặc biệt của các di tích khảo cổ trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của tỉnh Đồng Nai, đem lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động du lịch của Tỉnh, cần quan tâm, chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp sau:

          – Về công tác quy hoạch, bảo tồn di tích khảo cổ: Có phương án quy hoạch, bảo tồn các di tích khảo cổ để làm nền tảng phát triển du lịch. Kết hợp hài hòa, đảm bảo phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích khảo cổ.

          Đây là nội dung mang tính chất cốt yếu của vấn đề, bởi có quy hoạch, bảo tồn tốt các di sản văn hóa thì đảm bảo cơ sở vững chắc cho việc phát triển du lịch ở Tỉnh. Do điều kiện khách quan nên việc giải tỏa, di dời dân ra khỏi Khu, điểm di tích khảo cổ là việc làm bất khả thi. Biện pháp có thể làm là khoanh vùng bảo vệ, di dời dân ở những di tích đã phát hiện để đảm bảo cho công tác nghiên cứu khoa học, theo dõi, kiểm tra, gìn giữ bảo quản di tích, không để xảy ra những hành vi làm ảnh hưởng đến di tích. Đơn cử, ở di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp (Đồng Tháp) và di tích quốc gia đặc biệt Cát Tiên (Lâm Đồng), nhờ làm tốt công tác di dời, giải tỏa dân để bảo vệ di tích mà Ban Quản lý di tích đã làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo di tích cũng như thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ việc thăm dò, khai quật khảo cổ và các nghiên cứu khoa học có liên quan, cũng như hạn chế được tối đa việc xâm hại di tích, di vật dưới lòng đất của người dân.

Du khách tham quan di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn. Ảnh: A Lộc – báo Tuổi trẻ

          Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là nhiệm vụ chung của chính quyền và người dân, đòi hỏi cần có sự thống nhất chỉ đạo, sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, là sự đồng thuận, hỗ trợ và đóng góp của nhân dân sống trong Khu, điểm di tích. Vì vậy, trong công tác quy hoạch, bảo tồn, cần quan tâm thực hiện tốt việc tuyên truyền vận động, giải thích cho cộng đồng dân cư địa phương về ý nghĩa và lợi ích của cộng đồng dân cư khi bảo tồn di sản để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho trong việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với điểm du lịch văn hóa trọng điểm của Tỉnh.

          – Về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại di tích: Nghiên cứu, lập danh mục đưa vào kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dự án dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm,… gắn với khu, điểm di tích nhằm tập trung tất cả các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tốt lượng khách đến với di tích.

          Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vốn có để tạo ra yếu tố hấp dẫn đặc sắc mang tính đặc trưng riêng của các di tích khảo cổ học ở tỉnh Đồng Nai nhằm thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, cần chú trọng tôn tạo cảnh quan và môi trường xung quanh các điểm di tích. Đầu tư xây dựng hoặc cải tạo lại hệ thống giao thông phục vụ việc đi lại, tham quan tại các khu, điểm di tích trong Tỉnh.

          – Đẩy mạnh công tác quảng bá di sản văn hóa, xúc tiến du lịch để khai thác hết các giá trị của di tích khảo cổ: Tích cực xúc tiến quảng bá loại hình du lịch di sản văn hóa gắn với các loại hình du lịch khác hiện có trong Tỉnh thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội… Trên cơ sở đó, đề xuất các hình thức quảng bá di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

          Trước hết là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch văn hóa, đảm bảo thực hiện đúng các quan điểm về phát triển du lịch văn hóa mà đặc biệt du lịch di sản văn hóa, nhằm mang lại những giá trị tinh thần tiến bộ cho xã hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương. Cần xây dựng hệ thống nhận diện riêng cho du lịch di sản khảo cổ học ở Đồng Nai trong đó có các di tích khảo cổ tầm cỡ quốc gia, quốc gia đặc biệt như: Mộ cự thạch Hàng Gòn, Văn miếu Trấn Biên,…. Đồng thời, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá di sản văn hóa khảo cổ ở Tỉnh nhằm đưa các di sản văn hóa đến được với người dân, khách tham quan du lịch gần xa, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch di sản văn hóa. Để làm được điều đó, trong thời gian tới, Bảo tàng Tỉnh cần quan tâm hơn đến công tác quảng bá di sản và hình ảnh của các Khu, điểm di tích khảo cổ học thông qua các ứng dụng như website, trang mạng xã hội Facebook,… Việc gửi tin, bài không nên chỉ bó hẹp ở một số trang website trong ngành mà cần hướng tới việc mở rộng sang các trang website của các Bộ, ngành Trung ương, sách, báo, tạp chí của các địa phương,…vốn được rất nhiều người tiếp cận. Thông qua đó, những di sản, hình ảnh về di tích quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn và khu, điểm di tích khác sẽ đến được với nhiều người hơn.

          Chú trọng việc chia sẻ hình ảnh và khai thác video từ các kênh truyền thông vì đây là một trong những phương thức hữu hiệu, nhanh chóng nếu biết tận dụng. Các hình ảnh có thể được dùng để làm các triển lãm ảo, video clip,… nhằm giới thiệu về khu, điểm di tích cũng như các sự kiện, hoạt động lễ hội, thậm chí là các hoạt động xã hội gắn với các Khu, điểm di tích khảo cổ học. Với ưu thế tác động trực tiếp đến đến các giác quan của người xem qua hình ảnh, màu sắc, âm thanh, để lại nhiều ấn tượng, hình thức quảng bá này sẽ mang lại hiệu quả to lớn trong việc quảng bá hình ảnh và các giá trị của khu, điểm di tích đến với mọi người. Bên cạnh đó, Bảo tàng Tỉnh cũng nên bố trí kinh phí để làm video clip ngắn giới thiệu về di sản văn hóa ở Tỉnh nhằm giới thiệu tổng quan về các di sản và tiềm năng du lịch của khu, điểm di tích chiếu cho du khách xem khi đến tham quan Bảo tàng để du khách hình dung được về giá trị lớn lao của di sản khảo cổ học ở Tỉnh.

          Tích cực xúc tiến quảng bá loại hình du lịch di sản văn hóa khảo cổ học ở Tỉnh gắn với các loại hình du lịch khác trong Tỉnh (như Vườn quốc gia Cát Tiên; Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai; thác Giang Điền, thác Mơ, hồ Trị An, làng bưởi Tân Triều, …). Chú trọng việc đề ra kế hoạch liên kết phát triển du lịch giữa các điểm du lịch của Tỉnh. Định vị được chức năng của từng khu, điểm du lịch dựa trên thế mạnh, đặc thù riêng có của từng khu, điểm để tạo điểm nhấn cho du lịch của Tỉnh để tạo ra sức bật, sức hấp dẫn riêng biệt cho du lịch của tỉnh Đồng Nai trong bức tranh du lịch đầy màu sắc của miền Đông Nam bộ. Chủ động phối hợp với các công ty du lịch lữ hành để xây dựng các tour tuyến du lịch đưa khách về Khu, điểm di tích; chủ động phối hợp với các công ty du lịch trong việc xây dựng các chương trình tham quan kết nối di sản văn hóa khảo cổ liên tỉnh với di tích quốc gia đặc biệt Cát Tiên (Lâm Đồng), di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê (An Giang) và di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp (Đồng Tháp). Lồng ghép tuyên truyền quảng bá du lịch di sản văn hóa khảo cổ ở Tỉnh gắn với các sự kiện văn hoá, thể thao, hội nghị, hội thảo, các hội chợ triển lãm trong và ngoài Tỉnh thông qua các quầy thông tin du lịch nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của Tỉnh đến với du khách.  

          Xây dựng các bảng quảng cáo tấm lớn tại các sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Biên Hòa của Tỉnh hay các sân bay khác ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ, … các bảng chỉ dẫn đến khu, điểm di tích khảo cổ tại các nút giao thông vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Đồng Nai với các tỉnh bạn nhằm tạo điều kiện cho du khách dễ dàng nhận biết, di chuyển đến các điểm tham quan du lịch. 

          – Phát triển du lịch luôn gắn với bảo vệ môi trường tại di tích khảo cổ: Phát triển du lịch luôn kéo theo sức ép rất lớn đến việc bảo vệ môi trường tại di tích cho nên cần xây dựng cơ chế quản lý và định hướng bảo vệ môi trường để du lịch phát triển được bền vững, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

          – Về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ gắn với phát triển du lịch:

           Một là nâng cao chất lượng thuyết minh viên, có chuyên môn hóa về nội dung thuyết minh đối với từng đối tượng du khách. Đặc biệt chú trọng đến khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ của thuyết minh viên nhằm chuyển tải đầy đủ thông tin về di khảo cổ học đến khách nước ngoài; có kế hoạch định kỳ bồi dưỡng để nâng cao trình độ đội ngũ thuyết minh viên để thực nhiệm vụ tốt trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập.

          Hai là phải có kế hoạch và tập trung đào tạo một vài viên chức có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về khảo cổ và phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ để tìm hiểu và nắm được các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển khoa học và công nghệ của Đảng và Nhà nước; các văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa, khảo cổ và những thành tựu nghiên cứu trong nước, ngoài nước liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa khảo cổ của địa phương. Song song đó, để tạo sức bật trong công tác tuyên truyền, quảng bá di sản, cần phải lựa chọn và bồi dưỡng một số viên chức chuyên trách, không chỉ có chuyên môn nghiệp vụ tốt mà còn có có tính tự giác học tập, nghiên cứu và trao dồi kỹ năng viết tin, bài qua các tư liệu sách, báo, tạp chí… có khả năng, phân tích, tổng hợp tin tức, có khả năng viết tốt và cập nhật được tin tức một cách nhanh nhạy, biết chọn lọc các nội dung cho tin, bài của mình để tăng cơ hội được đăng tải tin, bài trên các trang website, sách, báo, tạp chí,… góp phần vào công tác quảng bá hình ảnh di sản văn hóa của Tỉnh nhà.

          3. Thay lời kết

          Nhìn chung tiềm năng du lịch của tỉnh Đồng Nai là rất lớn. Với những giá trị, tiềm năng và thế mạnh riêng biệt về du lịch di sản văn hóa khảo cổ học của mình, tỉnh Đồng Nai hứa hẹn sẽ là điểm nhấn quan trọng và là điểm sáng nổi bật trong bức tranh du lịch ở Miền Đông Nam bộ trong thời kỳ hội nhập. Trước vai trò và sứ mệnh quan trọng như vậy, tỉnh Đồng Nai rất cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ và định hướng tích cực từ lãnh đạo Tỉnh cùng các ban ngành liên quan trong việc đưa các khu, điểm di tích khảo cổ thành các sản phẩm du lịch của Tỉnh. Hy vọng những giải pháp mà tác giả gợi ý trên đây sẽ góp phần vào việc đánh thức tiềm năng du lịch tỉnh Đồng Nai, để các khu, điểm di tích khảo cổ hoàn thành được sứ mệnh quan trọng của mình./. 

Phùng Quốc Danh

Ban Quản lý Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp)

Tài liệu tham khảo

  1. Đào Linh Côn và Lê Xuân Diệm 2010, Đề tài khoa học cấp Bộ “Giá trị văn hóa Óc Eo ở Miền Tây Nam bộ (qua tư liệu hiện có)”, tư liệu Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ.

  2. Đặng Văn Thắng (cb) 2017, Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam bộ, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

  3. Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng, Phan Xuân Biên 2005, Văn hóa Đồng Nai (Sơ thảo), Nxb. Đồng Nai

  4. Lê Trí Dũng 2009, Đồng Nai với sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di tích và danh thắng, Di sản Văn hóa, số 4 (29)-2009, tr25-30.

  5. Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải 1995, Văn hóa Óc Eo những khám phá mới, Nxb. Khoa học Xã hội.

  6. Nhiều tác giả 2017, Quản lý và khai thác di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập, Nxb. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

  7. Nhiều tác giả 2017, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia“Giá trị di sản văn hóa Óc Eo – An Giang trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội”. Nxb. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

  8. Nguyễn Đình Thanh 2008, Di sản văn hóa bảo tồn và phát triển, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

  9. Nguyễn Hồng Ân 2009, Một số kết quả nghiên cứu văn hóa Óc Eo ở Đồng Nai. Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn hóa Óc Eo – Nhận thức và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích. tr.169-180.

  10. Võ Sĩ Khải 2018, Kiến trúc trong văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo ở Nam bộ. Nxb. Khoa học xã hội.