GV nhặt “sạn” sách Lịch sử và Địa lí 6, 7 – Bộ Kết nối tri thức và cuộc sống
GDVN- Nhiều nội dung phân môn Lịch sử trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 6, lớp 7 – bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được giáo viên cho là còn sai sót.
Trong quá trình dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một giáo viên dạy Lịch sử ở tỉnh Hải Dương cho biết, phân môn Lịch sử sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí lớp 6, lớp 7 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Giáo sư Vũ Minh Giang – Chủ biên xuyên suốt phần Lịch sử, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) còn nhiều “sạn”.
Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 6
Bài 7 (Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại), sách giáo khoa xuất bản năm 2021 vẽ lược đồ đất nước Ai Cập kéo dài lên tận vùng Gioóc-đa-ni, Li-băng, I-xra-en, Xi-ri.
“May quá, có người đã phát hiện ra nên sách giáo khoa tái bản năm 2022 cắt bỏ phần đó rồi”, giáo viên này thông tin.
Tuy vậy, một số trang web hướng dẫn giải bài tập trong sách Lịch sử và Địa lí lớp 6 (phân môn Lịch sử, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) vẫn in Ai Cập kéo lên tận vùng Gioóc-đa-ni, Li-băng, I-xra-en, Xi-ri. [1]
“Nếu tác giả sách giáo khoa không công khai đính chính và giáo viên không lưu ý cho học sinh biết về đất nước Ai Cập thì các em sẽ nhầm lẫn khi dùng sách cũ hoặc tìm tài liệu trên mạng Internet”, giáo viên nêu ý kiến.
Bài 16 (Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu giành độc lập trước thế kỉ X) sách Lịch sử và Địa lí 6 (phần Lịch sử) có nội dung: Khởi nghĩa từ Cửu Chân lan ra Giao Chỉ khiến “toàn thể Châu Giao đều chấn động”.
Nhưng đến nội dung “Khởi nghĩa Lý Bí thành lập nước Vạn Xuân” thì sách giáo khoa viết: Năm 248, từ căn cứ núi Nưa (Triệu Sơn, Thanh Hóa), khởi nghĩa bùng nổ, lực lượng nghĩa quân đã đánh hạ nhiều huyện lị, thành ấp ở Cửu Chân, Cửu Đức, Nhật Nam. Quan lại nhà Ngô từ thái thú đến huyện lệnh, huyện trưởng hoặc bị giết, hoặc bỏ trốn. Cuộc khởi nghĩa khiến cho toàn thể Giao Châu đều chấn động.
Cô giáo đính chính, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu làm chấn động cả Giao Châu mới đúng, viết Châu Giao là sai.
Bài viết “Hà Nội trong nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc” ngày 6/5/2009 trên Báo VOV.VN dẫn sách Thăng Long – Hà Nội 1.000 sự kiện lịch sử cho biết:
“Khi chọn vùng trung tâm Hà Nội ngày nay làm thủ phủ của chính quyền đô hộ quận Giao Chỉ, phong kiến Trung Hoa bắt đầu xây dựng hệ thống thành lũy, với tòa thành đầu tiên là Tử Thành (thành con) do Tổng quản Giao Châu là Khâu Hòa xây năm 621.
Năm 622, nhà Đường đặt Giao Châu đô hộ phủ, đến năm 679 đổi làm An Nam đô hộ phủ. An Nam đô hộ phủ bao gồm 12 châu, 59 huyện, tương đương với vùng đất từ Đèo Ngang trở ra và một phần phía nam hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây”. [1]
Sách giáo khoa, Bài 16, nội dung khởi nghĩa Phùng Hưng viết: Cuối thế kỉ VIII, chính quyền đô hộ của nhà Đường ngày càng ra sức vơ vét, bòn rút của cải của nhân dân ta. Không cam chịu, Phùng Hưng đã lãnh đạo nhân dân ta nổi dậy khởi nghĩa.
Còn sách giáo viên Lịch sử và Địa lí lớp 6 (phần Lịch sử) viết không thống nhất niên đại: Lúc thì viết khởi nghĩa Phùng Hưng cuối thế kỉ VII, lúc thì vào khoảng cuối thế kỉ thứ VIII.
Giáo viên khẳng định, khởi nghĩa Phùng Hưng diễn ra ở thế kỉ VIII (đúng như sách giáo khoa), còn sách giáo viên ghi thế kỉ VII là sai.
Bài viết “Thái Bình với cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng (791-803)” ngày 10/1/2020 đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Bình có đoạn viết:
“Phùng Hưng quê làng Đường Lâm, huyện Ba Vì, xưa thuộc Sơn Tây, nay thuộc Thành phố Hà Nội, là lãnh tụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống ách thống trị của nhà Đường (Trung Quốc), làm chủ Tống Bình (Hà Nội) trong khoảng thời gian từ năm 791 – 803“.
Như thế, khởi nghĩa Phùng Hưng diễn ra vào cuối thế kỉ VIII (10 năm) kéo dài đến đầu thế kỉ IX (3 năm). [2]
Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 7
Bài 10 – “Đại Cồ Việt thời Đinh và Tiền Lê”, câu 3 sách giáo khoa hỏi: “Giả sử em là Đinh Tiên Hoàng, em có chọn kinh đô ở Hoa Lư không? Vì sao?” (trang 50).
“Học sinh lớp 7 mà trả lời được câu hỏi này thì tài giỏi ngang các bậc đế vương”, cô giáo bình luận.
Bài 14 – “Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên”: Tất cả phần chữ trong sách đều ghi “Trần Quốc Tuấn” (trang 68-72), không có ngoặc đơn giải thích (chính là Trần Hưng Đạo).
Nhưng phần hình lại ghi “Tượng Trần Hưng Đạo” (trang 72), cũng không có ngoặc đơn giải thích (Trần Quốc Tuấn). “Thế này thì học sinh lại nghĩ: Trần Hưng Đạo là ai mà lại có tượng?”, giáo viên băn khoăn.
Bài 15 – “Nước Đại Ngu thời Hồ”, câu 3 sách giáo khoa hỏi: “Từ sự thất bại của cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ đã để lại bài học kinh nghiệm gì cho công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc?” (Trang 76).
Giáo viên cho biết, đây là một câu hỏi lủng củng vì viết sai ngữ pháp tiếng Việt nghiêm trọng.
Có thể sửa lại như sau: “Từ sự thất bại của cuộc kháng chiến chống Minh, bài học kinh nghiệm rút ra cho nhà Hồ trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc là gì?”.
Bài 17 – “Đại Việt thời Lê Sơ” (1428-1527), sách giáo khoa viết: “Cho phép lập điền trang, thái ấp” (trang 88).
“Sách viết như thế này là sai, vì thái ấp là đất đai vua ban cho quý tộc, vương hầu, chứ không phải “lập”, giáo viên lí giải.
Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê, Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2018, định nghĩa “thái ấp”: phần ruộng đất của quan lại, quý tộc hay công thần được nhà vua phong cấp” (trang 1150).
Luận án tiến sĩ “Thái ấp – Điền trang thời Trần (Thế kỷ XIII – XIV), 2001” (Nguyễn Thị Phương Chi) lưu ở Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết:
“Vấn đề thái ấp – điền trang đã được các nhà sử học bàn khá nhiều, nhìn chung có hai loại ý kiến trái ngược nhau:
Loại ý kiến thứ nhất, thái ấp thuộc sở hữu Nhà nước. Nhà nước ban cấp thái ấp cho các vương hầu quý tộc Trần và họ được hưởng hoa lợi trên bộ phận ruộng đất đó và chỉ được hưởng một đời.
Loại ý kiến thứ hai, nguồn gốc ban đầu của thái ấp có thể thuộc sở hữu Nhà nước nhưng khi ban cấp làm thái ấp thuộc sở hữu tư nhân của các quý tộc Trần. [3]
Giáo viên cho rằng, những nội dung trên trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 6, 7 – bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cần được các tác giả xem xét và đính chính.
Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của một giáo viên Lịch sử tại Hải Dương được tác giả Cao Nguyên ghi. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: [email protected].
Tài liệu tham khảo:
[1] https://loigiaihay.com/ly-thuyet-ai-cap-va-luong-ha-co-dai-lich-su-6-ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-a90036.html
[2] https://vov.vn/ha-noi-ngan-nam/ha-noi-trong-nghin-nam-bac-thuoc-va-chong-bac-thuoc-111324.vov
[3] https://thaibinh.gov.vn/130namthanhlaptinh/lich-su/thai-binh-voi-cuoc-khoi-nghia-cua-phung-hung-791-803-.html
[4] http://luanan.nlv.gov.vn/luanan?a=d&d=TTbFfqyuMrCa2001.1.5
Cao Nguyên (ghi)