Hà Nội: Lễ hội Cổ Loa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Cổ Loa không chỉ của một làng mà là lễ hội chung của “Bát xã hộ nhi” xưa kia, có sự tham gia của nhiều làng, gắn liền với một không gian lịch sử-văn hóa của thời kỳ Nhà nước Âu Lạc.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Tối 26/1, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, huyện Đông Anh đã tổ chức lễ đón bằng công nhận Lễ hội Cổ Loa là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội Cổ Loa là hội truyền thống có từ nhiều đời nay, với sự tham gia của Bát xã, gồm: Cổ Loa, Văn Thượng, Ngoại Sát, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Sằn Giã, Thư Cưu.

Ngoài ra, tham gia lễ còn có làng Hà Vĩ, thường gọi là Quậy – một làng gốc ở Cổ Loa, xưa đã phải di dời đến vùng Hà Vĩ (cuối sông), nhường đất để Vua Thục xây thành, được Bát xã tôn làm anh Cả.

Ngày chính hội Cổ Loa là mùng 6 tháng Giêng, tương truyền đó là ngày vua Thục An Dương Vương lên ngôi.

Lễ hội Cổ Loa không chỉ của một làng mà là lễ hội chung của “Bát xã hộ nhi” xưa kia, có sự tham gia của nhiều làng, gắn liền với một không gian lịch sử-văn hóa của thời kỳ Nhà nước Âu Lạc.

Sở dĩ có “Bát xã hộ nhi” là do vua An Dương Vương về đóng đô ở Cổ Loa đã lập tám xã có nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ triều đình. Ngày nay, các làng xã ấy thuộc các xã Cổ Loa, Xuân Canh, Uy Nỗ và Liên Hà. Do đó, Lễ hội Cổ Loa là một lễ hội liên làng, được thể hiện rất rõ nét và mang đặc trưng của một không gian gắn liền với lịch sử về sự ra đời của nước Âu Lạc.

Lễ hội Cổ Loa là dịp để biểu dương sức mạnh của cộng đồng nhân dân trong Bát xã Loa thành và phát huy tính đoàn kết, sức mạnh của tập thể, sức mạnh của cộng đồng được thể hiện trong công tác chuẩn bị, tổ chức và thực hành nghi lễ, trò chơi, trò diễn trong lễ hội.

Lễ hội Cổ Loa là nơi bảo tồn tốt nhất các nghi lễ, tế rước, các hoạt động nghệ thuật, trò diễn, trò chơi dân gian, các phong tục tập quán, những nét văn hóa riêng của cộng đồng nhân dân trong Bát xã Loa thành.

Trong lễ hội Cổ Loa, người dân đứng ra tổ chức và tái hiện lại các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hưởng thụ các giá trị văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng. Do đó, người dân không ngừng sáng tạo ra những nét văn hóa mới đồng thời vẫn bảo lưu được giá trị cốt lõi, tốt đẹp, truyền thống để thế hệ mai sau lại trao truyền và không ngừng sáng tạo, hưởng thụ văn hóa.

Tại lễ đón bằng công nhận Lễ hội Cổ Loa là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết việc đưa Lễ hội Cổ Loa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự ghi nhận to lớn đối với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học của Lễ hội Cổ Loa, cộng đồng dân cư Bát xã Loa thành nói riêng và sự độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa riêng có của huyện Đông Anh nói chung.

Từ dấu mốc quan trọng này, huyện Đông Anh quyết tâm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn; đặc biệt là giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cổ Loa để xứng tầm là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội truyền thống Cổ Loa Xuân Quý Mão 2023 diễn ra trong hai ngày 26-27/1 (tức ngày mùng 5-6 tháng Giêng), trong đó ngày 26/1 diễn ra nghi lễ Bát xã giáp tế, lễ; các chương trình nghệ thuật, trò chơi dân gian, hoạt động thể thao…

Chính lễ diễn ra ngày 27/1 (mùng 6 tháng Giêng) với cổ lễ anh cả Quậy và Bát xã vào dâng lễ Đức Vua, anh cả Quậy làm lễ đọc Mật khẩu, tế và lễ của quan viên tế Bát xã, diễn tuồng cổ, Bát xã khởi kiệu nghênh rước, quan viên Cổ Loa tế lễ cùng các trò chơi dân gian và hoạt động thể thao…