Hà Tĩnh- dấu ấn tiềm năng về du lịch
Hà Tĩnh: Phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm đột phá
“Hà Tĩnh xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm đột phá trong phát triển KT-XH, biến du lịch thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020 – 2025, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực Bắc Trung Bộ”, đó là khẳng định của ông Lê Đình Sơn Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
“Hà Tĩnh xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm đột phá trong phát triển KT-XH, biến du lịch thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020 – 2025, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực Bắc Trung Bộ”, đó là khẳng định của ông Lê Đình Sơn Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Vùng đất đầy tiềm năng văn hóa-du lịch
Hà Tĩnh nằm trên tuyến hành lang Đông – Tây với CHDCND Lào, Thái Lan, Myanma và các nước khác trong khối ASEAN. Hà Tĩnh có 137 km bờ biển, có nhiều bãi tắm đẹp; các khu bảo tồn thiên nhiên gắn với cảnh quan hùng vĩ và đa dạng sinh học.
Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du tại xã Tiên Điền – huyện Nghi Xuân
Với những thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa, Hà Tĩnh là vùng có tiềm năng du lịch khá toàn diện, nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú như núi Hồng, sông La, đèo Ngang, dãy Hoành Sơn Quan, hồ Kẻ Gỗ, suối nước nóng Sơn Kim, vườn quốc gia Vũ Quang, suối nước nóng Sơn Kim… là quê hương của nhiều danh nhân gắn với di tích lịch sử, văn hóa như di tích Đại thi hào Nguyễn Du, Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, chùa Hương Tích, khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú, Hà Huy Tập, khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc…
Hà Tĩnh là địa phương có tiềm năng về du lịch với nhiều loại hình, tuy nhiên, trên thực tế, mới chỉ khai thác 3 loại hình phổ biến là du lịch biển, du lịch lịch sử-văn hóa, tâm linh và du lịch sinh thái. Hà Tĩnh hiện có 9 khu, điểm du lịch biển, 13 khu, điểm du lịch lịch sử – văn hóa, tâm linh phục vụ du lịch, 10 khu, điểm du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, 4 điểm trải nghiệm văn hóa, du lịch gắn với phong trào xây dựng Nông thôn mới để có được nhiều làng quê Nông thôn mới kiểu mẫu.
Người Hà Tĩnh với tấm lòng rộng mở đón khách
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, năm 2018, tổng lượt khách tham quan đến Hà Tĩnh đạt 3.700.000 lượt khách, trong đó lượng khách lưu trú đạt 1.600.000 lượt khách, tăng 14,2 % so với năm 2017; khách lưu trú quốc tế ước đạt 25.000 lượt khách, tăng 13,6% so với năm 2017 và khách lưu trú nội địa đạt 1.575.000 lượt khách, tăng 16 % so với năm 2017.
Một góc Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót – huyện Lộc Hà
Trong quý I năm 2019, tuy mới bước vào mùa du lịch mà lượng khách du lịch đến với Hà Tĩnh đạt 268.000 lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018. Khách quốc tế 4.900 lượt, chủ yếu khách du lịch về với cội nguồn văn hóa tâm linh, tham gia Lễ hội. Doanh thu dịch vụ du lịch năm 2018 đạt 5.601,14 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước, chủ yếu tập trung vào nhóm dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành.
Thị trường khách du lịch lớn nhất của Hà Tĩnh là du khách đến từ Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo thống kê, số liệu khách du lịch Lào chiếm tỷ trọng cao nhất 40%, Thái Lan khoảng 30%, Trung Quốc khoảng 20%; thị trường Châu Âu.
Hiện, Hà Tĩnh có 261 cơ sở lưu trú với hơn 5.000 phòng, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao, nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, ba sao… và gần 1.000 nhà hàng kinh doanh ăn uống phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động như: Trung tâm thương mại cao cấp Vincom Plaza Hà Tĩnh; khu hoạt động giải trí phục vụ khách du lịch công viên nước Vinpearlland Water Park Hà Tĩnh của Vingroup và tổ hợp dịch vụ sân gôn 18 lỗ, thể thao giải trí của Cty Hồng Lam Xuân Thành… đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước.
Đưa ngành du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế
Ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết: “Để du lịch Hà Tĩnh sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng, thời gian qua, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành một số chính sách thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng trọng điểm. Ngành cũng đã tham mưu cho tỉnh tổ chức một số cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Hà Tĩnh… Những con số trên là tín hiệu tốt để Hà Tĩnh tiếp tục có những chính sách ưu tiên phát triển du lịch, nhằm khai thác tiềm năng sẵn có, đưa ngành du lịch phát triển tương xứng, ngày càng xứng với tầm vóc, tiềm năng, thế mạnh vốn có”.
Bãi biển tại KDL Thiên Cầm – huyện Cẩm Xuyên
Theo đó, Hà Tĩnh thực hiện tốt cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các tập đoàn lớn vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn như: Vingroup, Sungroup, FLC, T&T… đầu tư phát triển du lịch tại khu du lịch sinh thái hồ Kẻ Gỗ, vườn quốc gia Vũ Quang gắn hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang, thác Vũ Môn, đảo nổi Xuân Giang…
Các địa phương rà soát quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết các khu du lịch trọng điểm như: Khu du lịch Xuân Thành, Lộc Hà, Văn Trị, Thiên Cầm và biển Kỳ Xuân gắn kết với quy hoạch chi tiết du lịch sinh thái hồ Kẻ Gỗ, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Chùa Hương Tích để tạo mối liên kết với các địa phương, các ngành và liên kết vùng.
Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; ban hành các chính sách hỗ trợ du lịch cộng đồng. Nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện; Phát triển thương mại gắn liền với du lịch, hình thành các trung tâm mua sắm theo các trục đường, các chợ trung tâm, các khu, điểm du lịch.
Với mục tiêu thu hút 10,3 triệu lượt khách tham quan du lịch, thu hút 3,7 triệu lượt khách lưu trú du lịch, trong đó khoảng 500 ngàn lượt khách quốc tế và 3,2 triệu lượt khách nội địa với tổng doanh thu đạt khoảng 11.500 tỷ đồng.
Chia sẻ với PV nhadautu.vn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định: “Hà Tĩnh xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, biến du lịch thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, đưa du lịch Hà Tĩnh trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Bắc Trung Bộ”.