Hà Vy Limousine

ĐI LỄ CHÙA ĐẦU NĂM Ở HÀ NỘI

Đi lễ chùa đầu năm là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân dịp Tết đến, xuân về. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam. Những ngày đầu năm mới, mọi người thường rủ nhau đi chùa lễ phật cầu cho một năm bình an, sức khỏe, làm ăn phát đạt. Hà Nội có rất nhiều những ngôi chùa linh thiêng thu hút rất đông khách thập phương đến lễ đầu năm.

Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyên, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn. 
Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung rất đông dân cư từ khắp mọi miền đất nước về đây làm ăn, sinh sống. Người ta đi lễ chùa không phải chỉ riêng những ngày đầu năm mới, mà còn các ngày mùng 1, ngày Rằm hằng tháng. Ở Hà Nội có rất nhiều những ngôi chùa linh thiêng mà chúng ta không nên bỏ qua mỗi khi có dịp đi chùa lễ phật.

1. Phủ Tây Hồ

  • Địa chỉ:

     Đường Xóm Chùa, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội

Điều độc đáo nhất ở phủ thờ là ba pho tượng nữ thần đặt song hành. Ba vị này hợp thành Tam Phủ. Và theo quan niệm của Tam Phủ: người cai quản thiên phủ có thiên phúc ban phúc lộc cho con người, cai quản địa phủ có địa xá bỏ tội lỗi cho con người, cai quan thủy phủ có thủy quan cởi bỏ chướng ngại khó khăn cho con người. Với sức mạnh như vậy Phủ Tây Hồ là điểm đến hấp dẫn của mọi người.

 

Phủ Tây Hồ – Hà Nội

 

Ngoài ra Phủ Tây Hồ còn được biết đến là nơi cầu tình duyên rất linh thiêng. Phủ 

thờ Chúa Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Thánh Mẫu), là vị thánh của tín ngưỡng tứ phủ, mà bản chất là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng có cội nguồn lâu đời và độc đáo của Việt Nam. 

 

Trình tự lễ khi đến phủ Tây Hồ

Khi đi lễ tại Phủ du khách sẽ lễ theo trình tự các ban như sau: Lễ ở phủ chính => Điện Sơn Trang => Lễ ở lầu cô, lầu cậu. Mỗi đợt lễ lại có các ban cần theo đúng thứ tự, đễ không bị nhầm lẫn bạn có thể tham khảo trình tự dưới đây.

Trước tiên, lễ ở Phủ Chính với 3 lớp với 3 nếp của tam quan:

  • Lớp thứ nhất thờ Tam phủ công đồng, Tứ phủ vạn linh và Hội đồng các quan.

  • Lớp thứ hai là cung Tam toà, ban thờ này không có tượng mà chỉ có ngai và ở đây không có ban thờ Tứ phủ chầu Bà.

  • Lớp thứ ba thờ Tam tòa Thánh Mẫu.

Tượng Mẫu Liễu Hạnh được đặt ở giữa, mặc áo đỏ và trùm khăn đỏ,thắp hương trước. xong qua lễ bên trái thấp hơn sẽ là Mẫu Thượng Ngàn, mặc áo xanh và trùm khăn xanh,bên phải là bàn thờ Mẫu Thoải, mặc áo trắng và chùm khăn trắng. Ba vị mẫu là đại diện cho năng lực tạo nên chúng sinh muôn loài, là cội nguồn của sự sống và đưa đến cho con người cuộc sống hạnh phúc ấm no.

Tiếp theo sẽ lễ ở Điện Sơn Trang: Điện Sơn Trang là nơi thờ Thượng Ngàn Thánh mẫu – vị mẫu đứng ngôi thứ 2 trong Tam Tòa Thánh Mẫu được đặt bên phải phủ chính.

Cuối cùng đến lễ ở lầu cô, lầu cậu: Lầu cô lầu cậu nằm ở bên ngoài và tọa lạc ở hai bên trái phải của phủ chính. Đây là nơi thờ những người cận hầu của các vị quan trong Phủ.

Phủ Tây Hồ là nơi nổi tiếng để lễ chùa đầu năm tại Hà Nội đến cầu tài lộc, sự may mắn bình an mang đến cho gia đình và bản thân mỗi người. Hàng năm Phủ Tây Hồ thu hút đông đảo đảo lượng du khách thập phương đến cầu tài lộc.

2

. CHÙA TRẤN QUỐC – Ngôi chùa linh thiêng nhất Hà Nội

  • Địa chỉ: Đường Thanh Niên, Hồ Trúc Bạch, Quận Ba Đình, Hà Nội

Đây là ngôi chùa ở Hà Nội cổ nhất và linh thiêng nhất. Chùa có lịch sử khoảng 1500 năm. Kiến trúc của chùa là sự kết hợp hài hòa giữa tinh uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của hồ nước mênh mang. Chùa Trấn Quốc là một ngôi chùa cổ đẹp nhất thế giới, nằm trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Với phong cảnh hữu tình, chùa là điểm đến của các Phật tử và du khách thập phương.

 

Chùa Trấn Quốc – Tây Hồ – Ảnh: Sưu tầm


 

Điều đặc biệt ở chùa Trấn Quốc là Bảo tháp lục độ đài sen có 11 tầng và cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp cũng có đài sen 9 tầng cũng bằng đá quý.

 

Bảo tháp lục độ đài sen 11 tầng – chùa Trấn Quốc

 

Nổi tiếng linh thiêng về cầu tài, cầu lộc lại là danh thắng bậc nhất đất kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa kia thường là nơi để các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Đặc biệt vào thời Lý và thời Trần, nhiều cung điện đã được xây dựng tại đây như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua.

Bảo tháp được đặt trong khuôn viên của chùa gần cây bồ đề với ý nghĩa: Hoa sen tượng trưng cho Phật, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế, còn bồ đề là tri giác, là trí tuệ vô thượng.

TỨ TRẤN THĂNG LONG là điểm đi lễ đầu năm không thể bỏ qua của người dân Hà Nội vào dịp năm mới mà với người dân cả nước đây cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn qua nếu có đến thủ đô. Tứ trấn Thăng Long bao gồm 4 địa điểm trấn giữ 4 hướng của Hà Nội đó là: Đền Bạch Mã trấn phía Đông; Đền Voi phục trấn phía Tây; Đền Kim Liên trấn phía Nam; Đền Quan Thánh trấn phía Bắc

3. ĐỀN QUÁN THÁNH

  • Địa chỉ: Thanh Niên, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.

Đền Quán Thánh hay còn gọi là đền Trấn Vũ nằm đúng ngã tư giao đường Thanh Niên với đường Quán Thánh, nhìn sang Hồ Tây. Dịp đầu xuân hay mồng 1, ngày rằm hàng tháng, đền luôn tấp nập khách thập phương. 

 

Đền Quán Thánh – Ảnh: Sưu tầm


 

Đền Quán Thánh là một trong những địa điểm sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của Hà Nội từ lâu. Người dân đến đây để cầu tài, cầu lộc, cầu may ngày đâu năm mới. Theo truyền thuyết cũng như ghi chép xưa thì Huyền Thiên Trấn Vũ là thần giúp dân thành trừ ma, trừ tà, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Một điểm nữa khiến đây trở nên nổi tiếng là nhờ giá trị văn hóa lâu đời từ những cổ vật như bài thơ, câu đối, bia khắc của những Thám hoa, Tiến sĩ có tiếng đương thời cùng với những bức chạm trổ cầu kỳ trên gỗ.

Bạn nên nhớ một số lưu ý sau khi đi lễ ở đền như: lễ bái từ giữa rồi sau đó là từ phải sang. Lúc vào thì không đi từ cửa giữa mà vào từ một trong hai cửa bên. Không nên đặt tiền thật lên mâm lễ để cúng bái và tiền thật thì chỉ nhét vào hòm công đức, không để ở nhiều nơi như tượng hay các ban thờ.

4. ĐỀN VOI PHỤC

Đền Voi Phục còn có tên đền Thủ Lệ tọa lạc bên hồ Thủ Lệ, thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. 

Đền thờ Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc thần, người ba lần cưỡi voi ra trận đánh tan giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, có công hóa phép làm mưa, giải trừ đại hạn, giúp cho mùa màng tươi tốt. 

Trải qua biết bao biến cố và chiến tranh, đặc biệt là sau khi bị thực dân Pháp phá huỷ, đền Voi Phục đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa và đến ngày nay đã trở nên khang trang hơn, tuy có nhiều thay đổi so với ban đầu. Cửa đền có đắp hai tượng voi quỳ, chính vì vậy nên nhân dân gọi di tích này là đền Voi Phục. Đi vào phía trong đền, bạn sẽ được ngắm nhìn nhiều chi tiết chạm khắc hình rồng cùng các hoạ tiết trang trí hoa lá tỉ mỉ trong khung cảnh vô cùng yên tĩnh và thanh bình. Đền không chỉ có vẻ đẹp kiến trúc đặc sắc mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh thiêng trong bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc.

 

Đền voi phục – Ảnh: Sưu tầm

5. ĐỀN KIM LIÊN

Đền Kim Liên tọa lạc tại phố Xã Đàn, Đống Đa. Đền Kim Liên trấn giữ phía Nam của kinh đô xưa, nơi đây được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương – người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã theo mẹ lên núi. Thần có công hỗ trợ Sơn Tinh đánh thắng Thủy Tinh, giúp Lê Tương Dực dẹp loạn, khôi phục nhà Lê. Đền hiện nay còn lưu giữ được 39 đạo sắc phong. Di vật quan trọng nhất của đền Kim Liên là tấm bia đá đen bên cây si có gốc to cả chục người ôm không xuể. Vào ngày 16 tháng 3 Âm lịch hàng năm, người dân làng Kim Liên lại tổ chức lễ hội truyền thống với các hoạt động tế lễ để báo đáp ơn thần cùng nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như cờ người, chọi chim, thi đấu võ thuật, bóng bàn,… thu hút đông đảo người dân tham gia.
 


Đền Kim Liên – Ảnh: sưu tầm
 

6. ĐỀN BẠCH MÃ

Đền Bạch Mã ngự ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, trấn giữ phía Đông kinh thành xưa. Đền thờ thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương, đền có hơn một nghìn năm lịch sử, lưu giữ văn hóa – lịch sử của Hà Nội xưa. Đây là vị thần được người dân Thăng Long xưa và nay tôn kính. Với quy mô bề thế trên diện tích hơn 500m2, di tích lịch sử đền Bạch Mã không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn sở hữu nét kiến trúc điêu khắc đặc sắc từ thời Lý, Trần mang tính nghệ thuật cao và lưu giữ những tư liệu quý giá về lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Đền Bạch Mã là một công trình đồ sộ, mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn được gìn giữ và bảo quản khá tốt. Hiện nay trong đền vẫn còn lưu giữ được hơn 15 tấm bia ghi chép sự tích đền và thần, nghi lễ cúng bái cũng như lịch sử các lần trùng tu tôn tạo.
 


Ban thờ Đền Bạch Mã – Ảnh: Sưu tầm
 

7. CHÙA QUÁN SỨ

  • Địa chỉ73, đường Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Được xây dựng thế kỉ XIV – đây cũng là một ngôi chùa lâu đời của Việt Nam.
 

Cổng chùa Quán Sứ – Ảnh: sưu tầm
 

Để đến thắp hương, thờ cúng tại chùa các phật tử có thể đến từ lúc 6 giờ sáng cho tới 19h cùng ngày. Vì chùa nằm ngay trên phố, phật tử nếu như di chuyển bằng ô tô, xe máy thì nên gửi xe ở phía xa rồi đi bộ vào bên trong chùa. Đến với nơi đây, ngoài tham gia vào các lễ hội phật giáo lớn nhất Việt Nam, hành hương khấn phật các du khách hành hương và phật tử còn được chiêm ngưỡng tham quan phong cảnh kiến trúc độc đáo của ngôi chùa này.  Ngôi chùa này đã từng được tu sửa theo thiết kế của 2 vị kiến trúc sư vô cùng nổi tiếng. Từ ngoài cổng chùa đã toát lên nét cổ kính mang đậm phong cách của vùng đồng bằng trung du Bắc bộ với kiến trúc mái vòm lợp ngói vảy cá đỏ. Không chỉ có vậy, từ những câu đối hay tên của ngôi chùa cũng được viết hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ – Đây chính là nét độc đáo và đặc sắc riêng của ngôi chùa này. Đi vào bên trong chùa, với khoảng sân nhỏ được lát gạch, toàn bộ các điện thờ đều được sơn màu vàng, các khung cửa được làm hoàn toàn bằng gỗ tạo nên nét cổ kính, thanh tịnh của ngôi chùa.
 


Chùa Quán Sứ – tên ngôi chùa được viết bằng chữ Quốc ngữ
 

Từ sân chính đi lên khoảng hơn chục bậc thềm là tới chính điện. Tất cả các pho tượng phật tại điện đều được bày trí vô cùng trang nghiêm, tất cả các pho tượng đêì có kích thước lớn được thiếp vàng sáng tạo nên vẻ uy nghiêm. Từ đây, các phật tử có thể thắp nhang, đặt lễ để cầu phúc. Đi sâu vào bên trong của điện trên bậc cao nhất là nơi thờ tượng của 3 vị Tam Thế Phật, bậc tiếp theo sau đó là tượng Phật A – di – đà ở giữa, 2 bên thờ tượng Quan Thế Âm và tượng Đại Thế Chí . Phía dưới nữa là thờ Phật Thích Ca nằm ở giữa, 2 bên thờ tượng A – Nam – Đà và Ca – diếp. Bậc cuối là nơi thờ tụng tượng phật Bồ Tát Quán Thế Âm và Địa Tạng Vương.
Phía gian bên phải của điện chính là điện thờ Lý Quốc Sư và 2 thị giả. Gian bên là nơi thờ tượng Đức Ông.  Di chuyển từ chính điện ra đến khu vực phía sau, các phật tử sẽ cảm nhận được không khí trong lành, tĩnh mịch cùng chút hương thơm thoang thoảng của hoa đại cùng với khói hương  tạo nên không gian thanh tĩnh, yên bình. Đi qua khoảng sân, sẽ đến với tòa hậu đường gồm có 3 tầng chính và là nơi thờ vị quốc sư Thiền sư Khuông Lộ – Đây là vị quốc sư vô cùng nổi tiếng dưới triều nhà Lý.
Bên cạnh đó, chùa Quán Sứ còn có hội trường cũng như giảng đường và thư viện nơi lưu trữ những sổ sách, kinh văn Phật Giáo và là nơi tụng kinh truyền giáo Phật giáo cho các tăng ni, phật tử. Đây chính là địa điểm tham quan, ngắm cảnh không thể bỏ qua sau khi các phật tử đã hành hương tại các điện chính.

8. CHÙA HÀ
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với Đình Bối Hà, lập thành cụm di tích Đình – Chùa Hà. Trước kia chùa Hà thuộc làng Dịch Vọng (tên nôm là làng Vòng), nay thuộc phố Chùa Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội).


Chùa Hà – Ảnh: sưu tầm
 

Chùa Hà nổi tiếng là cầu duyên, “đi thì lẻ bóng về thì có đôi”. Người dân tới Chùa Hà thường là các bạn trẻ cầu nguyện trước các vị Đức Ông, Đức Thánh Hiền, các vị Phật và tam tòa Thánh Mẫu để cầu được bình an, vạn sự hanh thông, duyên tình tròn vẹn.
Đến cầu duyên ở chùa Hà rất đơn giản, sắm lễ ngay bên ngoài có hẳn dãy phố bán hoa hồng, tiền vàng, hoa quả, bánh trái. Sau khi sắm hương hoa nến bạn nhờ ông lão ngoài cửa chùa viết sớ (3 tờ sớ đặt ở 3 ban) 1 sớ ban Tam Bảo,1 sớ ban Đức Chúa Ông,1 sớ ban Mẫu, rồi mua thêm hoa hồng (3 bông, cầu duyên thì mua hoa, cầu cái khác thì không cần), bánh kẹo hoặc hoa quả gì đó, đặt lên ban rồi khấn. Dâng sớ cùng đồ lễ từng ban.

9. CHÙA LÁNG

  • Địa chỉPhố Chùa Láng, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Tên chùa còn được gọi là Chiêu Thiền Tự có ý nghĩa rằng: “Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền”. Người Pháp gọi là Pagode des Dames.
Chùa tương truyền được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ năm 1138 đến năm 1175), để thờ vua cha và tiền thân của Người là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa đã được trùng tu nhiều lần, những lần quan trọng nhất là vào các năm 1656, 1901 và 1989…

Cổng tam quan dẫn vào sân chùa có đôi câu đối viết theo lối Khải thư rất đẹp ghép bằng những mảnh sứ màu xanh làm tăng thêm vẻ trang nghiêm cổ kính và hoành tráng của ngôi chùa. 

Trong chùa có 198 pho tượng lớn nhỏ, tiêu biểu là tượng Lý Thần Tông Tông (1128 – 1138) ngồi trên ngai vàng và pho tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây phủ sơn bên ngoài.

Chùa Láng còn có 39 hoành phi, 31 câu đối, 15 tấm bia đá, lưu giữ 12 đạo sắc phong của các vua triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Tấm bia tạo dựng năm 1656 cao 1,4 mét, rộng 0,8 mét có hoa văn rồng chầu mặt nguyệt, hai bên diềm có phượng chầu hoa sen và hai tiên nữ với đôi cánh dướn bay lên trời xanh. Trước đây, chùa còn có cuốn kinh bằng đồng lá (Bát diệp đồng thư) của vua Lý thường dùng để tụng niệm, nay đã bị thất lạc.

 


Chùa Láng – Chiêu Thiền Tự