Hacker thu thập, tiết lộ bí mật cá nhân của người khác: Dù có dùng để BÓC PHỐT thì cũng có thể BỊ PHẠT TÙ!

Hacker thu thập, tiết lộ bí mật cá nhân của người khác: Dù có dùng để BÓC PHỐT thì cũng có thể BỊ PHẠT TÙ!

Truy cập trái phép thông tin của người khác - Minh họa

Truy cập trái phép thông tin của người khác – Minh họa

Hiện nay, sự phổ biến của các mạng xã hội kéo theo nhiều vấn đề pháp lý mà người dùng gần như không thể lượng trước được. Một trong số đó là việc tự ý sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác được đăng tải trên Facebook vào những mục đích cá nhân, hành vi này vẫn thường được gọi là “hack thông tin”. Dù mục đích của việc “hack” hay “thu thập” thông tin là gì, pháp luật cũng xem đây là một hành vi phạm pháp!

Trách nhiệm khi sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác

Về nguyên tắc, mọi cá nhân có quyền tuyệt đối với hình ảnh của mình bất kể hình ảnh đó tồn tại dưới dạng nào. Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) quy định chỉ trong một số trường hợp sau đây, chúng ta mới được phép sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần họ đồng ý:

– Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

– Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Ngoài ra, tất cả các trường hợp khác muốn sử dụng hình ảnh cá nhân phải có sự đồng ý của họ, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vì mục đích thương mại thì còn phải trả thù lao cho người có hình ảnh!

(Điều 32)

Bên cạnh đó, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp (Điều 21). Việc tự ý thu thập thông tin về họ khi chưa có sự đồng ý là một hành vi vi phạm pháp luật!

Hệ quả pháp lý khi sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin của người khác

Tuân thủ nguyên tắc của BLDS, trường hợp bạn sử dụng hình ảnh của người khác trái với những quy định đã nêu ở trên, người bị xâm phạm hình ảnh hoàn toàn có thể khởi kiện ra Tòa án.

Lúc này, sau khi xem mức độ của hành vi mà Tòa án sẽ ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Nếu người bị xâm phạm chứng minh được đầy đủ những thiệt hại mà hành vi “sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân” gây ra cho họ, người sử dụng trái phép phải bồi thường toàn bộ thiệt hại (cả về vật chất, tinh thần) theo quy định tại Điều 584 và 585 BLDS.

Điều 38 BLDS cũng quy định về việc thu giữ, kiểm soát các hình thức trao đổi thông tin (như mạng xã hội, điện thoại, tin nhắn, email) của người khác như sau:

“Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.”

Điều này có nghĩa, nếu bạn cho rằng những thông tin riêng tư của người khác đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bạn phải xem xét rằng có quy định của pháp luật nào cho phép bạn được tự ý thu thập các chứng cứ này hay không.

Chẳng hạn nếu bạn cho rằng một người nào đó đang lừa đảo chiếm đoạt tài sản, việc điều tra làm rõ vụ việc sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Nếu bạn được sự cho phép phối hợp thu thập tài liệu thì trường hợp này bạn có quyền thu thập thông tin của người bạn cho là vi phạm pháp luật.

Nếu bạn tự ý thu thập chúng, pháp luật xem đây chính là hành vi phạm pháp và phải bị răn đe, trừng trị.

*Hành vi sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của người khác bị xử lý ra sao?

Chưa cần nói đến việc người bị thu thập thông tin có phạm pháp hay không, bất kỳ ai cố ý tiết lộ bí mật cả nhân của người khác sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 2, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:

“Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Ngoài ra, kể cả khi những thông tin bạn thu thập không phải là bí mật mà chỉ là những thông tin đã được người đó đăng tải lên mạng xã hội, Điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định rõ:

“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

…”

Nghiêm trọng hơn, nếu cơ quan điều tra xác định được người sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông gây hậu quả đủ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” thì họ còn có thể phải chịu hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù! (Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015)

Như vậy, cần phải hiểu rằng dù bạn có thực hiện việc thu thập, công khai bí mật, đời tư của người khác vì mục đích gì đi chăng nữa, đây cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Trong mọi trường hợp, để trừng trị một hành vi mà bạn cho là sai trái, cần phải có sự can thiệp, cho phép của cơ quan nhà nước. Cá nhân không được phép tự ý xâm phạm đời sống riêng tư của người khác, hành vi này nếu nghiêm trọng còn phải chịu trách nhiệm hình sự bằng hình phạt tù!