Hàng loạt ngân hàng sụp đổ, Bitcoin bất ngờ “tỏa sáng”
(ĐTCK) Tính đến thời điểm sáng ngày 13/3, thị trường tiền điện tử có 91/100 mã tăng điểm. Đồng tiền đứng đầu thị trường về giá trị vốn hóa – Bitcoin tăng 9,39%, đạt 22.342 USD/BTC.
Thị trường tiền điện tử sau khi trải qua đợt bão tố gây ra bởi những thông tin xấu như sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và trước đó là Silvergate đã kịp thời trấn tĩnh để rồi lấy lại được gần như tất cả những gì đã mất trong phiên giao dịch ngày hôm nay.
Theo đó, ngày 9/3, Silvergate Capital Corp, công ty mẹ của ngân hàng Silvergate thông báo sẽ dừng hoạt động mảng ngân hàng và hoàn trả toàn bộ tiền gửi dành cho khách hàng. Silvergate là một ngân hàng ở California hoạt động từ năm 1988, chuyên cung cấp dịch vụ giao dịch USD cho các sàn giao dịch lớn tại Mỹ từ năm 2016.
Bên cạnh các dịch vụ thông thường thì Silvergate đã cung cấp cả dịch vụ Silvergate Exchange Network (SEN) cho các sàn giao dịch. Với dịch vụ này, Silvergate sẽ cung cấp thêm các dịch vụ 24/7 thiết yếu cho các công ty tiền điện tử có thể giao dịch 24 giờ mỗi ngày và không nghỉ cuối tuần như các ngân hàng thông thường.
Thảm họa tiếp tục xảy đến khi khách hàng (hầu hết là các công ty công nghệ) ồ ạt rút tiền tại Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ dẫn đến việc ngày 10/3 SVB đã phải ra tuyên bố phá sản. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) phá sản năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nguy hiểm hơn, tốc độ vỡ nợ một cách “chóng vánh” của SVB đã khiến toàn bộ thị trường tài chính rơi vào cảnh khốn đốn. Cổ phiếu của SVB đã bắt đầu sụt giảm từ ngày 9/3, và sau đó tác động dần lan sang các ngân hàng khác của Mỹ và châu Âu. Theo tính toán của Reuters, hơn 100 tỷ USD giá trị thị trường của các ngân hàng Mỹ đã bị “xóa sổ” trong hai ngày 9-10/3.
Thị trường tiền điện tử cũng không nằm ngoài cơn sóng gió. Công ty Circle (tổ chức phát hành đồng tiền điện tử ổn định USDC) cho biết, đã bị kẹt số tiền khoảng 3,3 tỷ USD trong SVB; chiếm 8,25% tổng tài sản 40 tỷ USD bảo chứng cho đồng USDC. Thông tin này đã khiến cho thị trường lo sợ và USDC mất peg giảm xuống 0.87 USD và sau đó có hồi phục trở lại.
Sự ảnh hưởng của SVB không chỉ ở USDC mà còn lan đến các dự án khác. Cộng đồng MakerDAO năm ngoái đã quyết định lưu trữ một phần đồng USDC với Coinbase Prime để nhận lại 1.5% lợi nhuận nhằm đảm bảo giá trị cho đồng ổn định DAI. Vì vậy, USDC mất peg cũng ảnh hưởng khiến đồng DAI mất peg tạm thời trong ngày qua. Ngày qua, lượng đồng DAI đốt đi đã tăng mạnh bởi các nhà đầu tư lo sợ ảnh hưởng lớn hơn và không muốn lưu trữ đồng này.
Đồng ổn định USDD cũng chịu chung sự lo sợ này khiến nó bị mất peg trong một thời gian ngắn. Sau đó, peg của USDD cũng đã hồi phục lại.
Cùng trong ngày 10/3, theo một số nguồn tin, nền tảng cho vay tiền điện tử BlockFi nằm trong số khách hàng có tiền gửi không thuộc dạng được bảo hiểm bởi Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của SVB với số tiền bị mắc kẹt khoảng 227 triệu USD. Nôm na, các khoản tiền đầu tư của BlockFi tại Silicon Valley Bank không thuộc diện được FDIC bảo hiểm, không được bảo vệ bởi bất kỳ cơ quan chính phủ liên bang nào và không được ngân hàng nào bảo lãnh. Trước đó, BlockFi đã thông báo phá sản vào tháng 11/2022. Hồ sơ phá sản của công ty niêm yết số chủ nợ có thể lên đến hơn 100.000 người, gồm cả Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).
Hai ngày sau vụ sụp đổ của SVB (12/3), Signature Bank, ngân hàng cung cấp dịch vụ cho các quỹ đầu tư tư nhân ở New York, Connecticut, California, Nevada và North Carolina đã bị các nhà chức trách tại New York đóng cửa, đánh dấu vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai ở nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ trong vòng 3 ngày.
Ngân hàng Signature được biết đến có hoạt động lớn ở mảng cho vay bất động sản, nhưng cuối cùng lại trở thành một ngân hàng tiền điện tử. Việc chuyển hướng hoạt động này giúp Signature tăng gấp đôi được lượng tiền gửi chỉ trong vòng 2 năm. Vào đầu năm 2022, khoảng 27% tiền gửi tại nhà băng này đến từ khách hàng hoạt động trong lĩnh vực tài sản số. Biến động thị trường sau vụ sụp đổ của sàn giao dịch FTX vào tháng 11 đã dẫn tới hàng tỷ USD tiền ảo bị rút khỏi Signature.’
Nhằm trấn an dư luận và tránh những rủi ro đổ vỡ mang tính hệ thống, Bộ Tài chính Mỹ đã phê duyệt các kế hoạch giải thể cả hai ngân hàng này theo hướng bảo vệ người gửi tiền.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo việc thành lập Chương trình Cấp vốn Kỳ hạn Ngân hàng (BTFP) với mục tiêu bảo vệ các định chế tài chính khỏi những bất ổn thị trường mà vụ sụp đổ của SVB gây ra.
Bên cạnh đó, Fed cũng sẽ nới lỏng điều kiện vận hành cửa sổ chiết khấu tương tự như điều kiện áp dụng BTFP. Bộ Tài chính Mỹ sẽ chi tối đa 25 tỷ USD để bù lỗ cho chương trình BTFP nếu cần thiết.
Các cơ quan quản lý tại Mỹ đã ra thông báo chung cho biết tất cả người gửi tiền tại Silicon Valley Bank sẽ có thể tiếp cận toàn bộ tiền của mình bắt đầu từ ngày thứ Hai (13/3).
Mặt khác, đà hồi phục trở lại của Bitcoin, theo nhận định của một số chuyên gia đó là do khi giới đầu tư lo ngại trước sự sụp đổ của các ngân hàng, họ sẽ tìm đến Bitcoin (thị trường tiền điện tử) như cái cách mà đồng tiền này được tạo ra.
Như đã biết, đồng tiền điện tử Bitcoin được tạo ra chỉ vài tuần sau vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) vào tháng 9/2008 bởi một nhân vật có bí danh Satoshi Nakamoto.
Trong bản giới thiệu về Bitcoin, ở phần tóm tắt, Satoshi Nakamoto viết rằng, Bitcoin “hoàn toàn là một phiên bản ngang hàng (P2P) của tiền điện tử, cho phép gửi trực tiếp từ bên nọ qua bên kia trong thanh toán online mà không cần thông qua tổ chức tài chính”. Sau khi vượt mốc 1.000 USD lần đầu tiên năm 2013, Bitcoin bắt đầu được các tổ chức tài chính để mắt.
Bitcoin (BTC) đã chứng minh được tiềm năng và lợi thế của mình, nhanh chóng khẳng định vững chắc chỗ đứng của mình trong lĩnh vực tài chính và đạt đỉnh cao nhất đạt khoảng 68.000 USD vào tháng 12/2021.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty Messari, Ryan Selkis phát biểu: “Đã có cả một thế hệ những chuyên gia tài chính chỉ biết đến sự sụp đổ của Lehman Brothers và khủng hoảng tài chính rồi chế giễu Bitcoin. Giờ họ đang phải mở to đôi mắt của mình để nhìn vào thị trường tài chính truyền thống. Chào mừng đến với thị trường tiền điện tử những người bạn mới”.